Wednesday, December 30, 2009

BÀN VỀ PHIÊN ÂM


Để hiểu hay để đọc?
Vân Cầm
Thứ Tư, 30/12/2009, 15:09 (GMT+7)
http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/bandocviet/27754
Tranh luận về ngôn ngữ lúc nào cũng thú vị có lẽ vì đây là điều gần gũi với nhiều người và ai cũng có cảm giác mình có thẩm quyền nói về cái mình sử dụng hằng ngày.

Đó cũng là đặc điểm đầu tiên của ngôn ngữ mà người tranh luận cần nhớ: Chính người sử dụng quyết định các quy luật ngôn ngữ chứ không phải là các học giả hay các nhà biên soạn quy tắc ngôn ngữ. Những chuyên gia ngôn ngữ chỉ có tác dụng thúc đẩy quá trình định hình các quy luật ngôn ngữ từ cuộc sống nhanh hơn hay chậm lại đi mà thôi.

Nếu xét đến đặc điểm này vào vấn đề đang được tranh luận trên TBKTSG Online, có thể thấy ngay cuộc sống đã dần dần chấp nhận lối viết “thành phố New York”, “tổng thống Bush” và loại bỏ lối viết “thành phố Niu Óoc”, “tổng thống Bu-sơ” trừ một số nơi vẫn còn khăng khăng bám theo cách viết cũ.

Vấn đề là tìm hiểu vì sao cuộc sống chấp nhận cách này mà không phải là cách kia chứ đâu phải tranh cãi cách này là đúng cách kia sai!

Lý do quan trọng nhất, theo tôi, là bởi ngôn ngữ văn bản không nhằm để đọc, để phát âm. Ngôn ngữ văn bản nhằm để giao tiếp và con đường giao tiếp đó xuất phát từ ký hiệu ngôn ngữ đến ngay khái niệm chứ không qua một khâu nữa là âm thanh. Nhiều người lầm tưởng có khâu này nên cứ nghĩ phải phiên âm ra mới giúp chức năng giao tiếp trọn vẹn.

Lấy ví dụ, khi thấy trên văn bản cụm từ “Arnold Schwarzenegger”, người đọc sẽ không phát âm (dù thành tiếng hay không thành tiếng) cụm từ này mà tự nhiên dãy ký hiệu đó sẽ chuyển họ đến hình ảnh ông thống đốc bang California trước đây nổi tiếng hơn nhiều trong vai trò diễn viên điện ảnh và những vai người hùng cơ bắp.

Lấy một ví dụ ngược lại, nếu thấy ký hiệu “Phờ-roy-đơ” hay “Phờ-rớt”, đầu óc nhiều người sẽ không bật lên ý niệm gì cả nhưng thấy ký hiệu “Freud” sẽ có người nhận ra tên nhà tâm lý học nổi tiếng.

Vậy đó, lý do rất đơn giản – cuộc sống sẽ chỉ chấp nhận những cách nào hợp tình hợp lý, hợp tự nhiên nhất – những nỗ lực đi ngược quy luật này sẽ bị đào thải, không sớm thì muộn. Những vấn đề còn lại chỉ là vấn đề kỹ thuật mà cuộc sống cũng có cách giải quyết hết. Chỉ cần nhớ tiếng Việt có cái may là dùng mẫu tự Latin nên dễ giải quyết hơn nhiều loại ngôn ngữ khác (vì thế chẳng nên so sánh với Nga hay Lào hay Hàn Quốc làm gì).

Nếu nắm được quy luật này sẽ không còn băn khoăn vì sao phải ghi là “Trương Nghệ Mưu” chứ không phải là “Zhang Yimou”, “Afghanistan” chứ không phải là “A Phú Hãn” (hai trường hợp này trái ngược nhau). Vì sao có lúc người ta viết “Mạc Tư Khoa”, khi thì ghi “Moscow” và lúc lại viết “Mátxcơva” (mỗi dãy ký hiệu này đều chuyển tải những ý niệm khác nhau, ít nhất là với một số người nào đó). Và lúc đó cũng sẽ thấy cách ghi tên người, địa danh cũng đang thay đổi, tất cả đều nhắm đến hiệu quả giao tiếp cao nhất giữa người này đến người khác.

Nếu có người nào cứ khăng khăng phải phiên âm tên riêng ra thành tiếng Việt cho dễ đọc, dễ nhớ thì người đó cứ phiên âm theo cách mà họ cho là tối ưu. Nếu cách đó giúp người này giao tiếp tốt hơn với những người cần giao tiếp thì quá đẹp còn nếu thất bại, mục đích giao tiếp không đạt, ắt người đó sẽ phải tự điều chỉnh cho phù hợp với quy luật của cuộc sống chung quanh mình.

Bài liên quan :
Phiên âm hay viết theo tiếng Anh?
Nên viết nguyên dạng và chuyển tự
Trao đổi thêm với tác giả Thư Hoài
Những ý kiến thiên vị tiếng Anh








No comments: