Tuesday, December 29, 2009

QUỐC TẾ LO NGẠI SỐ PHẬN NGƯỜI HMONG BỊ HỒI HƯƠNG về LÀO

Cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại cho số phận người Hmong bị hồi hương về Lào
Trọng Nghĩa
Bài đăng ngày 29/12/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 29/12/2009 15:16 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/120/article_6272.asp
Tuy chính quyền Lào cam kết là sẽ đối xử đàng hoàng đối với những người Hmong nhưng các tổ chức bảo vệ nhân quyền tỏ ý hoài nghi, nhất là khi vào hôm nay, chính phủ Lào đã tuyên bố thẳng thừng là Vientiane không công nhận bất kỳ một người Hmong hồi hương nào là tỵ nạn chính trị.

Để biện minh cho chiến dịch trục xuất hàng ngàn người Hmong về Lào, Bangkok liên tiếp khẳng định là đã được Vientiane cam kết là sẽ đối xử đàng hoàng đối với những người bị trả về. Chính quyền Lào cũng lên tiếng cho biết sẵn sàng để quốc tế theo dõi tình hình số người này. Thế nhưng, giới hoạt động nhân quyền và nhiều chính phủ phương Tây vẫn không che giấu thái độ lo ngại. căn cứ vào cách xử sự của Vientiane đối với người Hmong trong thời gian qua.
Đây không phải là lần đầu tiên mà người Hmong từ Lào chạy qua Thái Lan lánh nạn bị chính quyền Bangkok gởi trả về Lào. Giới chức chính quyền Vientiane đã xác nhận là trước đây, đã từng có hơn 3.000 người Hmong bị Thái Lan đưa hồi hương về Lào, và những người này hoàn toàn vô sự.

Nhiều trường hợp giam giữ dài hạn, tra tấn, mất tích đã xẩy ra
Thế nhưng, đó không phải là ý kiến của các tổ chức bảo vệ nhân quyền. Theo tổ chức Ân Xá Quốc Tế, Amnesty International, trụ sở tại Luan Đôn, thì từ năm 2005 đến nay, họ đã theo dõi tình hình người Hmong bị buộc hồi hương về Lào, và đã ghi nhận được rất nhiều trường hợp bị cầm cố, mất tích, thậm chí bị tra tấn.
Theo Ân Xá Quốc Tế, có những nhóm phụ nữ và thiếu nữ Hmong khi bị buộc hồi hương váo năm 2005, đã bị giam giữ trong suốt 18 tháng. Một nhóm sáu người khác, bị trục xuất về nước vào cùng thời điểm, thì đã hoàn toàn mất tích.
Tổ chức Human Rights Watch, trụ sở ở New York, cũng đã có những nguồn tin tương tự : Lào vẫn tiếp tục truy bức cộng đồng người Hmong từng chống lại chính quyền trung ương từ thập niên 60. Theo Human Rights Watch, trong nhiều năm qua, các lực lượng an ninh Lào đã tiến hành nhiều vụ bắt giữ, tra tấn, hãm hiếp, thậm chí sát hại không cần xét xử, nhắm vào người Hmong tại những vùng tình nghi là dung dưỡng quân du kích.
Xin nhắc lai là sắc dân Hmong ở Lào, còn được gọi là người Mèo, trước đây đã tích cực giúp đỡ cho lực lượng Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam và Đông Dương, chống lại các lực lượng cộng sản trong đó có Lào. Sau khi chiến tranh kết thúc, cộng đồng này đã bị Hoa Kỳ bỏ lại phía sau, vào lúc chế độ cộng sản lên cầm quyền ở ba nước Đông Dương.
Bị chính quyền Vientiane truy bức, hàng chục ngàn người đã chạy sang Thái Lan lánh nạn, với hy vọng được đi định cư tại nước khác. Năm 2003, Hoa Kỳ đã đón nhận 14.000 người Hmong. Ngay sau đó, có khoảng 8.000 người khác từ Lào chạy sang Thái Lan xin tỵ nạn, với lý do là họ bị chính quyền Vientiane truy bức. Tuy nhiên số người này không còn được xem là tỵ nạn chính trị và lần lượt bị Bangkok trục xuất. Thái Lan càng lúc càng không muốn nước mình trở thành nơi thu hút người Hmong.

Lào không công nhận quy chế tỵ nạn của người Hmong
Riêng về những cam kết của chính quyền Lào, không chỉ các tổ chức bảo vệ nhân quyền, mà ngay cả một số nhà ngoại giao phương tây trong vùng cũng tỏ ý hoài nghi, nhất là khi vào hôm nay, phát ngôn viên chính phủ Lào đã tuyên bố thẳng thừng là Vientiane không công nhận bất kỳ một người Hmong hồi hương nào là tỵ nạn chính trị. Đối với chính quyền Lào, tất cả những người này đều là thành phần nhập cư trái phép vào Thái Lan.
Tuyên bố trên đây đã mặc nhiên phủ nhận quy chế tỵ nạn chính trị của 158 người tỵ nạn ở Nong Khai đã được HCR công nhận. Ngay cả tuyên bố của phiá Thái Lan theo đó Lào sẽ đồng ý cho số người này nộp đơn đi định cư ở một nước thứ ba sau khi trở về nước, cũng bị phát ngôn viên chính phủ Lào bác bỏ vào hôm nay khi cho biết là nước ông không hề cam kết gì trên vấn đề tái định cư.
Về lời hứa của Vientiane cho phép các phái đoàn Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đến thăm các ngôi làng dành cho những người Hmong hồi hương, một nhà ngoại giao phương Tây ở Bangkok nhận định : "Căn cứ vào những gì đã xẩy ra trong những lần hồi hương trước đây, khó có thể nghĩ rằng lần này quốc tế lại được dễ dàng tiếp cận số người bị buộc trở về''.
Trong tình hình đó, cũng dễ hiểu là giới bảo vệ nhân quyền cũng như các chính quyền phương Tây không khỏi lo ngại cho số phận những người Hmong vừa bị Thái Lan cưỡng bức hồi hương về Lào.

Liên Hiệp Quốc tố cáo Thái Lan trục xuất về Lào cả những người Hmong đã được quy chế tỵ nạn



No comments: