Thursday, September 30, 2021

AFGANISTAN, VIỆT NAM và NHỮNG BÀI HỌC NỀN TẢNG (Luật Sư Đào Tăng Dực)

 


AFGANISTAN, VIỆT NAM và NHỮNG BÀI HỌC NỀN TẢNG

Luật Sư Đào Tăng Dực

30/09/2021  04:25    

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=3008861252764105&id=100009207787077

 

Trong thời gian qua, nhiều bình luận gia chính trị thế giới đã so sánh và nhấn mạnh đến nhiều điểm tương đồng giữa hai cuộc rút quân, gần như tháo chạy của Hoa Kỳ và đồng minh tại miền Nam Việt Nam ngày 30 tháng 4, 1975 trước cuộc tiến quân vũ bão của CSVN và cuộc rút quân, cũng gần như tháo chạy của Hoa Kỳ và đồng minh tại Afghanistan ngày 30 tháng 8, 2021 trước cuộc tiến quân vũ bão của quân Hồi Giáo cực đoan Taliban.

 

Bài học phần lớn các bình luận gia nêu ra là:

 

a. Hoa Kỳ là một cường quốc có sức mạnh áp đảo về kinh tế và quân sự nhưng không có chiều sâu về tư duy chiến lược nên có thể thắng nhiều trận chiến (battles) nhưng thua cả cuộc chiến tranh (war)

 

b. Hoa Kỳ không phải là một đồng minh chiến lược lâu dài vì sẵn sàng buông bỏ đồng minh khi quyền lợi quốc gia của Hoa Kỳ không còn nằm nơi một đồng minh nào đó như Afghanistan và Nam Việt Nam.

 

c. Hoa Kỳ đã phản bội lòng yêu chuộng tư do và dân chủ của nhân dân Afghanistan và nhân dân miền Nam Việt Nam.

 

Các bài học trên hầu như đưa đến 2 kết luận mà người CSVN, CSTQ và chính quyền Liên Bang Nga dưới sự lãnh đạo của nhà độc tài Putin mong mỏi nhất:

 

1. Hoa Kỳ không thể là một đồng minh đáng tin cậy.

 

2. Thập niên 2020, và có thể thế kỷ 21 này, là kỷ nguyên đi lên của các thế lực độc tài và cuồng tín (như Cộng Sản, Hồi Giáo cực đoan, quân phiệt, công an trị) và sự thoái trào của tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam, Hồng Kong, Miến Điện, Thái Lan etc…

 

Dĩ nhiên có rất nhiều điểm tương đồng phiến diện giữa Việt Nam và Afghanistan. Tuy nhiên cũng có những khác biệt nền tảng.

 

I. Những tương đồng:

 

Những tương đồng bao gồm:

 

A. Tương đồng giữa CSVN và Taliban:

 

1. Cả CS lẫn Taliban đều chủ trương độc tài. CSVN chủ trương độc tài đảng trị. Taliban chủ trương độc tài giáo phiệt. Taliban chủ trương không có các định chế dân chủ như quốc hội, hoặc bầu cử tự do. Họ chủ trương quốc gia sẽ do những giáo sĩ Hồi Giáo lãnh đạo.

 

2. Cả Taliban lẫn đảng CSVN đều có khả năng tàn ác vô giới hạn. Taliban chủ trương luật Hồi Giáo Sharia Law trừng phạt nghiêm khắc theo truyền thống Trung Cổ tất cả các tội phạm và đối thủ chính trị. Hành quyết, chặt tay là chuyện thường tình. Trên phương diện ý thức hệ họ là chỗ dựa của nhóm khủng bố Al-Qeda là nhóm khủng bố đã đánh sập tòa nhà đôi World Trade Centre tại New York ngày 11 tháng 9, 2001, khởi đầu cho cuộc xâm chiếm Afghanistan của Hoa Kỳ. Đảng CSVN theo truyền thống Đệ Tam Quốc Tế của Lê Nin khả năng tàn ác vô giới hạn không hề kém cỏi. Không cần nhắc đến cuộc Cải Cách Ruộng Đất năm 1956, thảm sát Mậu Thân tại Huế 1968 hoặc số quân cán chính VNCH bị tù đày cải tạo chết nơi rừng hoang sau năm 1975, chỉ nhìn qua lời ca của quốc ca CSVN là đủ hiểu. Bài Tiến Quân Ca có câu nguyên thủy “Thề phanh thây uống máu quân thù” được chính tác giả Văn Cao sửa thành “Đường vinh quang xây xác quân thù” nói lên sự hận thù là cốt lõi của tinh thần CSVN.

 

3. Cả Taliban lẫn CSVN đều chủ trương chống lại Hoa Kỳ và các nước tây phương nhưng vì những lý do khác nhau. Taliban chủ trương thánh chiến chống tại Hoa Kỳ và Tây Phương Thiên Chúa Giáo vì sự tranh chấp tôn giáo bắt đầu từ thời Trung Cổ đến nay. Trong khi đó, CSVN chống nguyên thủy vì những lý do ý thức hệ cộng sản chống tư bản. Tuy nhiên với sự sụp đổ của ý thức hệ Mác Lê, CSVN chống Hoa Kỳ và các quốc gia tây phương vì không chấp nhận mô hình nhà nước dân chủ chân chính.

 

B. Tương đồng giữa Chính Quyền Afghanistan (thân Tây Phương) và VNCH:

 

1. Cả VNCH lẫn chính phủ Afghanistan đều quá lệ thuộc vào viện trơ kinh tế lẫn quân sự của Hoa Kỳ thời gian rất dài. Việt Nam từ 1964 đến 1975 và Afghanistan từ 2001 đến 2021.

 

2. Cả VNCH lẫn chính phủ Afghanistan đều bị tham nhũng hoành hành ở nhiều mức độ khác nhau.

 

3. Guồng máy chính quyền, quân đội và xã hội dân sự cả Afghanistan và VNCH đều bị Taliban và CSVN xâm nhập nặng nề.

 

4. Cả các chính quyền VNCH và Afghanistan đều thiếu tự chủ và bị Hoa Kỳ thao túng qua các Hiệp Ước tiền ngưng chiến bất bình đẳng. Trong trường hợp VNCH là Hiệp Định Paris năm 1973 và trong trường hợp Afghanistan là Hiệp Định Doha ngày 29 tháng 2 năm 2020

 

C. Tính chiến lược và sự tương đồng của 2 Hiệp Định Paris 1973 và Doha 2020:

 

Tại Việt Nam cũng như Afghanistan, trước khi rút quân và bỏ rơi đồng minh, Hoa Kỳ đều thương thuyết với đối thủ trên chiến trường và ký những hiệp ước ghi rõ những điều kiện rút quân.

 

Những hiệp ước này đều bị các đối thủ của Hoa Kỳ lợi dụng để giành chiến thắng thực tế trên chiến trường và đưa đến sự thảm bại của các chính quyền được Hoa Kỳ cam kết bảo vệ như Afghanistan và VNCH.

 

Các hiệp định này giữ một vai trò chiến lược quan trọng và cần được phân tích như sau.

 

1. Hiệp Định Paris 1973 cho Việt Nam

Trước cuộc rút quân thì Hoa Kỳ đã đơn phương ký Hiệp Định Paris với Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và CSVN năm 1973. Lý do là vì trên nguyên tắc gồm có 4 bên: Hoa Kỳ, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (CSVN), Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam) và Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng giữa CSVN và Mặt Trận thì có sự đồng nhất ý chí vì Mặt Trận chỉ là ngoại vi của CSVN, trong khi đó giữa Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa không có sự thống nhất ý chí. Các cuộc thương thuyết thật sự chỉ xảy ra giữa Hoa Kỳ và CSVN. Chính vì thế khi chung quyết, VNCH không đồng ý ký tên vì quyền lợi bị tổn thương. Đến mãi 10 ngày sau, dưới áp lực của Hoa Kỳ VNCH mới ký.

 

Nội dung có thể tóm lược như sau:

 

“- Hoa Kỳ và các nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

 

- Hoa Kỳ rút hết quân viễn chinh và quân đồng minh, hủy bỏ các ¬căn cứ quân sự Mĩ, cam kết không tiếp tục can thiệp vào nội bộ của miền Nam Việt Nam.

 

- Hoa Kỳ cam kết góp phần vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương.

 

- Nhân dân miền Nam tự quyết định tương lai chính trị thông qua tổng tuyển cử tự do, không có sự can thiệp của nước ngoài.

 

- Hai bên ngừng bắn ở miền Nam lúc 24 giờ ngày 27-01-1973 và Hoa Kì cam kết chấm dứt mọi hoạt động chống phá miền Bắc Việt Nam.

 

- Các bên công nhận thực tế miền Nam Việt Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị.

 

- Các bên ngừng bắn tại chỗ, trao trả cho nhau tù binh và dân thường bị bắt.

(https://loigiaihay.com/noi-dung-co-ban-va-y-nghia-lich-su...)          

 

Dĩ nhiên đây chỉ là một cớ hoãn binh của CSVN vì ngay sau đó, họ tăng cường xâm nhập bộ đội vào miền nam để chuẩn bị tổng tấn công 2 năm sau.

 

2. Hiệp Định Doha ngày 29 tháng 2, 2020 cho Afghanistan:

 

Tương tự như tại Việt Nam, dưới thời TT Trump, Hoa Kỳ và Taliban cũng ký hiệp định Doha, không có sự tham gia và ủng hộ của chính quyền Afghanistan vốn là đồng minh của Hoa Kỳ. Mọi thương thuyết đều diễn ra giữa Hoa Kỳ và lực lượng Taliban mà thôi.

 

Tên chính thức của Hiệp Định Doha là “Hiệp Định nhằm đem lại Hòa Bình cho Afghanistan”. Hiệp định này có thể tóm lược như sau:

 

1. Hoa Kỳ và đồng minh sẽ rút quân đội và những nhân sự dân sự liên hệ ra khỏi Afghanistan trước ngày 1 tháng 5, 2021

 

2. Ngược lại Lực lượng Taliban sẽ không cho phép nhóm khủng bố Al-Qaeda hay bất cứ nhóm cực đoan nào hoạt động trên những vùng đất họ kiểm soát

 

3. Hoa Kỳ phải giảm quân số tại Afghnistan xuống còn lại 8,600 quân trong vòng 135 ngày (lúc đó quân số Hoa Kỳ tại Afghanistan là khoảng 13,000 người).

(https://en.wikipedia.org/.../Withdrawal_of_United_States...)

 

Nhìn qua chúng ta cũng thấy rõ điểm tương đồng giữa Hiệp Định Paris và Hiệp Định Doha là đối với các đối thủ của Hoa Kỳ như CSVN và lực lượng Taliban là họ muốn triệt thoái quân đội Hoa Kỳ ra khỏi chiến trường, hầu họ có thể thẳng tay thanh toán đối thủ.

 

Cùng với sự kiện rút quân của Hoa Kỳ, phe Taliban tấn công vũ bão và nhanh chóng chiếm phần lớn lãnh thổ. Quân đội chính phủ Afghanistan hoàn toàn tan rã trước phiến quân.

 

Chính quyền mới của Hoa Kỳ dưới TT Biden nguyên thủy dự tính rút quân vào ngày 11 tháng 9, 2021. Tuy nhiên phiến quân Taliban đã đến ngưỡng cữa và chiến thủ đô Kabul. TT Biden quyết định quân nhân cuối cùng của Hoa Kỳ sẽ rời Phi Trường Kabul ngày 30 tháng 8, 2021.

 

Cuộc di tản lịch sử này của quân nhân Hoa Kỳ và hằng chục ngàn người tỵ nạn Afghnistan làm nhiều người hồi tưởng đến cuộc di tản của người Việt Tỵ Nam cộng sản năm 1975.

 

II. Những khác biệt nền tảng:

 

Tuy nhiên có rất nhiều khác biệt nền tảng giữa 2 dân tộc như chứng minh sau đây:

 

1. Khác biệt giữa dân tộc Việt Nam và dân tộc Afghanistan:

 

a. Lịch sử và lập quốc:

Dân tộc Việt Nam và dân tộc Afghanistan phát xuất từ hoàn cảnh khác nhau. Trong trường hợp Việt Nam, thực thể dân tộc Việt (Vietnam as a national entity) cùng với ý thức về quốc gia dân tộc Việt (Vietnamese national consciousness) qua nhiều ngàn năm huyền sử và lịch sử đã hình thành hoàn chỉnh song hành với nhau. Trong khi đó trong trường hợp của Afghanistan thực thể về dân tộc Afghan (Afghanistan as a national entity) chỉ là kết quả của sự phân chia lãnh thổ và cư dân nhiều sắc tộc và bộ lạc khác nhau, giữa các cường quốc thực dân xâm chiếm (Anh Quốc và Nga Sô). Ý thức về quốc gia dân tộc Afghan (Afghan national consciousness) chỉ thật sự hình thành đầu thế kỷ 20 (1926) và đến nay cũng chưa hoàn toàn được tất cả mọi bộ lạc hoặc sắc tộc chấp nhận.

 

b. Huyết thống và tôn giáo:

Đối với dân tộc Việt Nam lịch sử và huyết thống là những yếu tố đoàn kết dân tộc. Tôn giáo chưa bao giờ là yếu tố hàng đầu. Trong khi đó, Tôn giáo tức Hồi Giáo là yếu tố hàng đầu đoàn kết dân tộc Afghanistan.

 

2. Sự khác biệt giữa Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo trong đó có Công Giáo (Catholicism) và Tin Lành (Protestantism) là những tôn giáo có ảnh hưởng tại Việt Nam:

 

a. Taliban hôm nay và CSVN nguyên thủy đều cuồng tín và có khả năng tàn ác vô giới hạn. Tuy nhiên nguồn gốc của sự cuồng tín và khả năng tàn ác vô giới hạn hoàn toàn khác nhau. Sự cuồng tín của Taliban và các nhóm Hồi Giáo cực đoan phát xuất từ niềm tin rằng Hồi Giáo là Chính Giáo duy nhất. Hồi Giáo là một trong 3 tôn giáo phát xuất từ Thánh Kinh Cựu Ước bao gồm Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo (gồm các chi nhánh lớn như Công Giáo La Mã, các hệ phái Tin Lành khác nhau, Chính Thống Giáo tại Nga và Đông Âu cũng như nhiều hệ phái nhỏ khác tại Phi Châu và Trung Đông) và Hồi Giáo. Danh từ “Allah” không phải là tên của Thượng Đế trong Cựu Ước mà chỉ là danh từ tiếng Á Rập có nghĩa là Thượng Đế hoặc đấng toàn năng. Tuy nhiên Hồi Giáo tin rằng Do Thái Giáo sai lầm khi cho rằng Thượng Đế có tên là Jehova và chỉ là chúa của người Do Thái. Theo họ Thượng Đế là của toàn thể nhân loại. Họ cho rằng Thiên Chúa Giáo sai lầm khi cho rằng Thiên Chúa có 3 Ngôi và Đức Chúa Giê Su là con của Thượng Đế. Theo Hồi Giáo thì Thượng Đế chỉ là một thực thể thánh thiện duy nhất và tuyệt đối. Moses của Do Thái Giáo và Chúa Giê Su của Thiên Chúa Giáo chỉ là những tiên tri trong một giai đoạn. Đức Mahomet mới là vị tiên tri cuối cùng (Seal of the Prophets) được phái xuống để truyền ý chỉ của Thượng Đế cho nhân loại. Tất cả các tôn giáo thuộc Thánh Kinh Cựu Ước khác đều phản lại ý nguyện của Thượng Đế, bị họ gọi là phản đạo (infidels) và phải bị trừng phạt trên trần gian cũng như sau khi chết.

 

b. Tính hận thù của họ càng dâng cao vì cuộc Thập Tự Chiến theo lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Urban Đệ Nhị vào năm 1095 đến năm 1291, thúc đẩy tín đồ Thiên Chúa Giáo chiếm lại thánh địa Jerusalem từ tay người Hồi Giáo. Cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và các đồng minh bên này và Taliban bên kia, dưới cái nhìn của Taliban và nhiều người Hồi Giáo cực đoan ngày hôm nay vẫn là một sự tiếp diễn của cuộc thánh chiến đó.

 

3. Sự khác biệt trong bản chất giữa CSVN và Taliban như là 2 lực lượng chính trị:

 

Đảng CSVN, cũng như các đảng CS còn sót lại của Phong Trào Đệ Tam Quốc Tế do Lê-Nin thành lập, chủ trương độc tài toàn trị. Tuy ở khía cạnh độc tài, họ tương đồng với Taliban nhưng các chủ trương cốt lõi thì hoàn toàn khác nhau như sau:

 

a. Khác biệt trong bản chất giữa thiên đường Hồi Giáo và thiên đường Cộng Sản:

Các đảng CS hứa hẹn một thiên đường xã hội chủ nghĩa ngay tại hạ giới, trong đó không còn người bóc lột người, giai cấp này bóc lột giai cấp kia, làm theo khả năng nhưng hưởng dụng theo nhu cầu và bộ máy chính quyền (và các đảng CS liên hệ) sẽ triệt tiêu vì không còn nhu cầu cai trị trong một thiên đường hoàn hảo nữa.

 

Trong khi đó Hồi Giáo Taliban hứa hẹn một thiên đường sau khi đã chết. Tại thiên đường đó, theo kinh điển của Hồi Giáo, người tín hữu sẽ được hưởng tất cả những thú vui tinh thần lẫn vật chất như người nam sẽ được nhiều mỹ nhân trinh nữ phục vụ …

 

Tuy những hứa hẹn của cả CSVN lẫn Taliban đều hoang đường như nhau, nhưng CSVN và các đảng CS khác thật sự “dưới cơ” Taliban và sẽ sụp đổ nhanh chóng hơn Taliban hoặc các phe nhóm Hồi Giáo cực đoan khác. Lý do là vì khi CS hứa hẹn một thiên đường trên hạ giới, những hứa hẹn này có thể bị kiểm chứng và phản bác dễ dàng.

 

Trong khi đó, Taliban hứa hẹn một thiên đường sau khi chết, nên không ai có thể kiểm chức và phản bác cụ thể. Lý do đơn giản là vì chỉ sau khi chết chúng ta mới biết thiên đường đó có thật hay không. Chính vì thế Taliban sẽ trường thọ hơn các đảng CS trong đó có đảng CSVN.

 

b. Khác biệt về chủ trương pháp lý:

Taliban chủ trương Luật Hồi Giáo Sharia (Sharia Law) từ thủa xa xưa thời Trung Cổ theo đó nhiều hình phạt dã man so với ngày hôm nay như: ăn cắp bị chặt tay, phản giáo có thể tử hình, đàn bà phải phục tùng đàn ông, tội ngoại tình có thể bị từ 100 roi cho đến tử hình, ăn cướp bị tử hình, tình dục bất bình thường kể cả đồng tính cũng bị trừng phạt như ngoại tình…(https://www.sbs.com.au/news/explainer-what-is-sharia-law)

 

Trong khi đó CS chủ trương Pháp Chế Xã Hội Chủ Nghĩa. Đây thật sự là một hình thức luật rừng trong đó các tòa án đều do đảng chỉ đạo, hoàn toàn không có tam quyền phân lập hoặc sự độc lập của tư pháp như trong các nền dân chủ chân chính.

 

c. Khác biệt về chủ trương giới tính:

Taliban không chủ trương nam nữ bình quyền, trong khi CSVN chỉ hô hào nam nữ bình quyền nhưng không có sách lược tích cực để thi hành chủ trương này. Taliban được sự ủng hộ của phái nam và một phần giới nữ bảo thủ, trong khi đó CSVN bị sự chống đối của cả nam lẫn nữ.

 

Taliban bền vững hơn vì họ có sự ủng hộ của 50% nhân dân phái nam. Thêm vào đó sẽ luôn có một số phụ nữ ủng hộ vai trò lãnh đạo của nam giới. Chính vì thế họ có thể cai trị với sự ủng hộ của đa số trong xã hội. Trong khi đó, đảng CSVN chỉ được sự ủng hộ của trên dưới 5 triệu đảng viên. Kể luôn cả công an, quân đội và thân nhân may ra chưa tới 20 triệu người, trong một quốc gia gần 100 triệu. Đảng CSVN luôn là một thiểu số cai trị đa số nhân dân qua công an và quân đội.

 

d. Khác biệt về sách lược văn hóa:

CSVN chủ trương hủy diệt văn hóa và đạo đức truyền thống của dân tộc. Thật vậy, lòng cuồng tín và khả năng tàn ác của người CS nguyên thủy phát xuất từ giáo điều Mác Lê rằng toàn bộ văn hóa truyền thống các dân tộc (bao gồm những tôn giáo), từ khởi thủy đến giai đoạn tư bản chủ nghĩa, đầy rẫy bóc lột giai cấp và cần phải bị hủy diệt toàn diện, hầu xây dựng một xã hội theo khuôn mẫu Mác Lê. Những tàn sát đẫm máu của Stalin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Polpot và Hồ Chí Minh phát xuất từ niềm tin mù quáng này.

 

Taliban chủ trương duy trì, bảo vệ văn hóa và đạo đức truyền thống. Ở điểm này, Taliban được sự ủng hộ chân chính của nhân dân nhiều hơn CSVN.

 

4. Sự khác biệt trong bản chất giữa cá nhân những tay súng Taliban (ngày 30 tháng 8, 2021) và những chiến binh CSVN (ngày 30 tháng 4, 1975):

 

Nhìn một cách phiến diện, có những tương đồng giữa các tay súng Taliban ngày 30 tháng 8, 2021 và chiến binh CSVN ngày 30 tháng 4, 1975 với quần áo rách rưới, phong trần, trang bị vũ khí tận răng và ánh mặt đều rực lửa căm thù, cũng như hoài bão về tương lai của dân tộc. Tuy nhiên trong bản chất, số phận của 2 bên hoàn toàn khác nhau.

 

Sự căm hờn và hoài bão của các chiến binh CSVN đã từ lâu bị dập tắt vì họ tận mắt chứng kiến thiên đường xã hội chủ nghĩa, đảng hứa hẹn cho dân tộc, chỉ là bánh vẽ và nhiều cá nhân chiến binh hoặc thân nhân (như cụ Lê Đình Kình và gia đình) đã trở thành dân oan mất đất, mất mạng dưới bàn tay tư bản đỏ.

 

Trong khi đó các tay súng Taliban sẽ được sống trong trật tự chính trị Hồi Giáo truyền thống, theo đó đàn ông thống trị phụ nữ và có quyền nhiều vợ, với điều kiện là phải yêu thương họ đồng đều. Dù nhiều thập niên sau, có chết đi nữa, họ cũng rời trần thế trong niềm tin vững chãi rằng họ sẽ hưởng được tất cả những thú vui tinh thần cũng như vật chất, mà theo các lãnh tụ của họ, Thượng Đế đã dành sẵn tại Thiên Đường.

 

III. Nhưng bài học và kết luận chân chính cho Hoa Kỳ và dân tộc Việt Nam

 

Sau khi phân tích tường tận như trên, chúng ta có thể kết luận và rút ra bài học nghiêm chỉnh như sau:

 

1. Ẩn tàng trong những tương đồng phiến diện, có những khác biệt lớn lao giữa dân tộc Afghanistan và dân tộc Việt Nam.

 

2. Không phải quốc gia nào đồng minh của Hoa Kỳ cũng đều bị bỏ rơi và thảm bại như VNCH và Afghanistan. Thực tế cho thấy trong quá khứ lẫn hiện tại, Hoa Kỳ không hề bỏ rơi Do Thái tại Trung Đông, Nam Hàn và Đài Loan tại Đông Á. Nhật bản tuy là đối thủ trong Đệ Nhị thế chiến nhưng trở thành đồng minh hiện tại cũng không bị bỏ rơi. Các quốc gia Tây Âu, kể cả cựu đối thủ là Đức Quốc cũng là đồng minh trong khối Bắc Đại Tây Dương đều được Hoa Kỳ tôn trọng.

 

3. Vấn đề chính nằm trong hoàn cảnh lịch sử và điều kiện nội tại từng quốc gia. VNCH trước 1975 có những hoàn cảnh lịch sử bất lợi như: Hoa Kỳ bi khủng hoảng năng lượng, chiến tranh Trung Đông đòi hỏi rất nhiều tài nguyên từ Hoa Kỳ. Hoa Kỳ không thể gánh cả VNCH lẫn Do Thái trong giai đoạn đó. Mặt khác, cuộc chiến tại Việt Nam bị CS tuyên truyền và gây nhiều phản cảm trong quần chúng tại Hoa Kỳ. CSVN cũng thành công trong tác động tuyên truyền trong nhân dân Miền Nam gây nhiều bất lợi. Chính vì thế vào thời điểm đó, Hoa Kỳ lẫn Miền Nam VN đều chưa có thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Tình thế tương tự như Afghanistan hôm nay.

 

4. Trong giai đoạn hiện tại, các thăm dó ý kiến quốc tế cho thấy nhân dân Việt Nam, từ bắc đến nam đều là đồng minh chân chính của Hoa Kỳ và các nước Tây Phương. Chỉ có đảng CSVN là đối thủ của Hoa Kỳ vì trung thành với đàn anh ý thức hệ CSTQ.

 

5. Chính vì thế, đã đến lúc Hoa Kỳ trở lại Đông Á và Đông Nam Á, áp lực mạnh mẽ đảng CSVN dân chủ hóa đất nước như là một điều kiện tiên quyết để được hưởng quy chế thương mại tự do với Hoa Kỳ, và để được Hoa Kỳ hổ trợ về vũ khí chống Trung Cộng tại Biển Đông.

 

6. Ngày 30 tháng 4, 1975 tuy là một đại họa của dân tộc, nhưng sự di tản vĩ đại hằng triệu người trốn CS đã gầy dựng những cộng đồng người Việt vững mạnh, trù phú tại các quốc gia Tây Phương, lúc nào cũng có thể trở thành những căn cứ địa vững chãi cho sự kỹ nghệ hóa, quốc tế hóa thương mại của dân tộc Việt, sau khi đảng CSVN cáo chung. Việt Nam chắc chắn sẽ cất cánh trên vòm trời thế kỷ 21 như một cường quốc chân chính, góp phần cho hòa bình và ổn định nhân loại, nếu trở thành đồng minh của Hoa Kỳ.

 

 




TRUNG QUỐC KHÓ CÓ THỂ GIA NHẬP CPTPP (Trần Võ - Nhà Đầu Tư Online)

 


Trung Quốc khó có thể gia nhập CPTPP' 

TRẦN VÕ  -  Nhà Đầu Tư Online

27, Tháng 09, 2021 | 15:01

https://nhadautu.vn/trung-quoc-kho-co-the-gia-nhap-cptpp-d58338.html

 

Nhàđầutư  -  Các nhà phân tích cho biết, Trung Quốc có thể sẽ thất bại trong nỗ lực tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

 

CPTPP là một hiệp ước thương mại lớn gồm 11 quốc gia được hình thành vào năm 2018 sau khi Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương một năm trước đó.

 

Tổng thống Barack Obama đã đàm phán TPP để tăng cường tầm ảnh hưởng kinh tế của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương cũng như hạn chế vị thế ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

 

Theo quy định, tất cả 11 nước ký kết CPTPP phải đồng ý với yêu cầu gia nhập của Trung Quốc trước khi nước này có thể được kết nạp làm thành viên. Các quốc gia trong CPTPP là: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

 

Các nhà phân tích cho biết mối quan hệ ngoại giao căng thẳng của Bắc Kinh với một số nước thành viên sẽ làm ảnh hưởng đến cơ hội của họ. Trung Quốc cũng có thể sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu của hiệp định thương mại về một sân chơi bình đẳng trong nhiều khía cạnh của nền kinh tế.

 

Trung Quốc không phải là nước duy nhất đăng ký tham gia CPTPP; Vương quốc Anh và Đài Loan cũng đã nộp đơn xin gia nhập.

 

 

Các đồng minh của Mỹ trong CPTPP

 

Các đồng minh của Mỹ trong CPTPP như Australia, Canada và Nhật Bản ngày càng coi Trung Quốc là "mối đe dọa chiến lược" và họ có thể ngăn chặn việc gia nhập của Trung Quốc, các nhà phân tích từ công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group cho biết.

 

"Bắc Kinh sẽ cần phải có những nhượng bộ lớn trong nhiều vấn đề để gây dựng lại thiện chí với họ. Không có sự thay đổi đáng kể nào trong chính sách của Trung Quốc sẽ khó có thể thay đổi được điều này", các nhà phân tích cho biết.

 

Một trong những ứng cử viên trong cuộc chạy đua cho vị trí thủ tướng tiếp theo của Nhật Bản được cho là đã đặt câu hỏi về khả năng của Trung Quốc trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn của CPTPP.

 

Bộ trưởng Thương mại Úc Dan Tehan cũng nhấn mạnh trong một bài phát biểu rằng bất kỳ quốc gia nào muốn tham gia hiệp định thương mại "sẽ phải tuân thủ tất cả các quy tắc và tiêu chuẩn".

 

Nhật Bản hiện có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở biển Đông, trong khi Australia đang gặp những vấn đề về thuế do Trung Quốc áp đặt.

 

Trong khi đó, Canada và Mexico có thể cản đường Trung Quốc thông qua Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (USMCA). Thỏa thuận thương mại này có 1 yêu cầu đó là quốc gia thành viên phải tham khảo ý kiến ​​của bên người khác nếu muốn theo đuổi thỏa thuận thương mại với một "quốc gia phi thị trường".

 

Nhiều nhà phân tích cho rằng điều khoản này có thể nhằm vào Trung Quốc. USMCA đã được chính quyền ông Trump đàm phán và thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

 

 

Đáp ứng các tiêu chuẩn của CPTPP

 

Ngoài các rào cản chính trị, Trung Quốc có thể gặp khó khăn trong việc đáp ứng các điều khoản của CPTPP nhằm thúc đẩy luồng dữ liệu xuyên biên giới, bảo vệ lao động và môi trường, cũng như các hạn chế đối với các công ty nhà nước, các nhà phân tích cho biết.

Các doanh nghiệp từ Mỹ và Liên minh châu Âu nằm trong số những doanh nghiệp đã phàn nàn về các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc, chẳng hạn như trợ cấp cho các công ty nhà nước, thiếu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và buộc phải chuyển giao công nghệ.

 

"Việc gia nhập hiệp định thương mại sẽ yêu cầu Trung Quốc phải đồng ý với các quy tắc đối với doanh nghiệp nhà nước cũng như về lao động và môi trường. Điều này sẽ là một sự khác biệt lớn so với lập trường hiện tại của nước này", các nhà kinh tế từ công ty tư vấn Capital Economics viết trong một báo cáo.

 

Dù vậy, nhiều chuyên gia thương mại khác cho biết Trung Quốc sẽ không khó đáp ứng các yêu cầu trong hiệp ước thương mại lớn.

 

Đó là bởi vì CPTPP ít tham vọng hơn TPP tiền nhiệm và có "nhiều ngoại lệ và lỗ hổng". Nó sẽ giúp Trung Quốc tuân thủ các điều khoản thách thức hơn, Stephen Olson, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Hinrich Foundation, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào các vấn đề thương mại, cho biết.

 

 

'Ngoại giao khôn khéo'

 

Bỏ qua kết quả của nỗ lực lần này, các nhà phân tích cho biết việc gia nhập CPTPP của Trung Quốc đã làm nổi bật tầm ảnh hưởng kinh tế ngày càng mở rộng của nước này ở châu Á - Thái Bình Dương, trong khi Mỹ chủ yếu tập trung vào các vấn đề an ninh trong khu vực.

 

Việc gia nhập CPTPP của Trung Quốc đã theo sau AUKUS – hiệp ước quân sự công nghiệp giữa Úc, Anh và Mỹ.

 

Các nhà phân tích của Eurasia Group cho biết: "Động thái này là hành động ngoại giao thông minh sau tuyên bố về quan hệ đối tác an ninh AUKUS vì nó hướng sự chú ý ngoại giao sang các vấn đề thương mại và đầu tư ở châu Á - Thái Bình Dương, nơi Mỹ đã đạt được rất ít tiến bộ trong việc chống lại sự gia tăng kinh tế của Trung Quốc".

 

Bắc Kinh chỉ trích AUKUS, nhưng phủ nhận việc áp dụng CPTPP có liên quan đến quan hệ đối tác an ninh.

 

Tổng thống Joe Biden đã ưu tiên tăng cường vị thế của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chính quyền của ông đã không nêu rõ chính sách thương mại đối với Trung Quốc và các chuyên gia cho rằng Mỹ khó có thể tham gia CPTPP do chính sách trong nước.

 

Trong khi đó, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn của nhiều quốc gia trong khu vực. Năm ngoái, Trung Quốc đã cùng 14 nền kinh tế khu vực khác ký kết hiệp định thương mại lớn nhất thế giới - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực hay RCEP.




VIỆT NAM NÊN LÀM GÌ TRƯỚC QUYẾT ĐỊNH GIA NHẬP CPTPP CỦA ĐÀI LOAN (Nguyễn Nam Cường)

 


Việt Nam nên làm gì trước quyết định gia nhập CPTPP của Đài Loan 

Bài bình luận của Nguyễn Nam Cường
2021-09-27

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/what-should-vn-do-after-taiwan-application-to-join-cptpp-09272021102319.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/what-should-vn-do-after-taiwan-application-to-join-cptpp-09272021102319.html/@@images/82abdc23-4524-4f48-80d8-c5b7566360fd.jpeg

Lãnh đạo 11 nước thành viên CPTPP chụp hình ở Santiago, Chile hôm 8/3/2018.  AFP

 

CPTPP thật là hấp dẫn

 

Chưa đầy một tuần sau khi Trung Quốc chính thức đệ đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), ngày 22/9, Đài Loan đã đưa ra một tuyên bố tương tự, đồng thời thông báo cho tất cả các nước thành viên hiệp định để tìm kiếm sự ủng hộ.

 

CPTPP là hiệp định thương mại tự do có tiêu chuẩn cao nhất thế giới, bao gồm 11 nước thành viên, có quy mô dân số 500 triệu người, chiếm 13% tổng lượng kinh tế toàn cầu. Hiện nay, có ba nền kinh tế đã nộp đơn xin gia nhập hiệp định này, đó là Vương quốc Anh sau tròn một năm rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và Đài Loan.

Đài Loan nộp đơn xin gia nhập CPTPP vào ngày 22/9 đã khiến Trung Quốc tức giận. Bắc Kinh luôn coi đảo Đài Loan là một trong những tỉnh của mình và không có quyền trở thành một quốc gia độc lập.

 

Một số chuyên gia kinh tế nhận xét Trung Quốc có trình độ thương mại chưa đạt tiêu chuẩn của CPTPP. Tuy nhiên, chỉ năm ngày sau khi ký hiệp định Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào tháng 11/2020, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ tích cực xem xét gia nhập CPTPP. 

 

Đến ngày 13-14/9, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm Singapore, đích thân truyền tải thông tin Chủ tịch Tập Cận Bình muốn Trung Quốc gia nhập CPTPP và Bộ Ngoại giao Singapore đã thể hiện sự “hoan nghênh” trong tuyên bố chính thức. Trong vòng ba ngày sau đó, Trung Quốc đã chính thức đệ đơn xin gia nhập. 

 

Trong khi đó, Đài Loan đã thể hiện mong muốn gia nhập CPTPP từ rất sớm. Trong bài diễn văn nhậm chức năm 2015, người đứng đầu chính quyền Đài Loan Thái Anh Văn nhấn mạnh mong muốn dẫn dắt Đài Loan gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và RCEP. Tháng 3/2018, khi 11 nước thành viên chính thức ký kết CPTPP, bà Thái Anh Văn lại chỉ thị dốc toàn lực, chuẩn bị sẵn sàng tham gia. Phát biểu tại thành phố cảng Keelung ở miền Bắc Đài Loan ngày 24/9, Tổng thống Thái Anh Văn cho biết hòn đảo này rất mạnh về công nghệ và sẵn sàng gia nhập khối. Bà nói: “Việc tham gia CPTPP sẽ củng cố vị thế chiến lược, kinh tế và thương mại toàn cầu quan trọng của Đài Loan, đồng thời hội nhập sâu rộng hơn nữa với thế giới”.

 

 

Ai sẽ ủng hộ Đài Loan?

 

Đại diện thương mại hàng đầu của Đài Loan John Deng ngày 23/9 nhận định rằng nỗ lực gia nhập CPTPP của Đài Loan sẽ đối mặt với rủi ro đáng kể nếu Trung Quốc được chấp nhận trước. Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 23/9, nhà đàm phán John Deng cho biết: "Trung Quốc đã và đang cản trở sự hiện diện quốc tế của Đài Loan. Nếu Trung Quốc được gia nhập CPTPP trước chúng ta, điều đó chắc chắn sẽ đặt ra nguy cơ với việc Đài Loan gia nhập khối thương mại. Đó là một sự thật hiển nhiên. Đơn xin gia nhập CPTPP của Đài Loan chủ yếu là để phục vụ lợi ích của chúng tôi, lợi ích của các công ty của chúng tôi và vì mục đích lập kế hoạch kinh tế dài hạn, và nó không liên quan gì đến mục tiêu của các nước khác hay bình luận của Trung Quốc về đơn đăng ký của chúng tôi".  

 

Nhật Bản là nền kinh tế lớn nhất kiêm Chủ tịch luân phiên năm nay của CPTPP. Liên quan đến vấn đề này, ngày 24/9, Nhật Bản đã hoan nghênh việc Đài Loan xin gia nhập CPTPP và đánh giá cao các giá trị của Đài Loan về dân chủ và pháp quyền. Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Yasutoshi Nishimura nói trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi coi Đài Loan là một đối tác rất quan trọng mà chúng tôi chia sẻ các giá trị nền tảng như tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp quyền”.

 

Một quan chức Nhật bản cho biết mặc dù Đài Loan luôn sẵn sàng tham gia CPTPP, nhưng toàn bộ quá trình gia nhập có thể mất một năm hoặc dài hơn.

 

Đài Loan đã có các thỏa thuận thương mại tự do với hai thành viên của CPTPP là New Zealand và Singapore, đồng thời tốn không ít nỗ lực để tham gia thỏa thuận CPTPP trong suốt nhiều năm qua. Tổng thống Thái Anh Văn thậm chí còn coi đây là mục tiêu cho nhiệm kỳ cuối của mình. Tuy nhiên, Trung Quốc phản đối mọi động thái cởi mở với Đài Loan, thực tế chắc chắn sẽ khiến các cuộc thảo luận giữa Bắc Kinh, Đài Bắc và 11 quốc gia thành viên CPTPP trở nên khó khăn. 

 

Việc kết nạp thành viên mới đòi hỏi sự đồng thuận từ tất cả các thành viên cũ, vì vậy Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phản đối đơn xin gia nhập từ Đài Loan nếu nước này được CPTPP chấp nhận trước, và ngược lại.

 

Đài Loan đã không thể tham gia một số cơ quan quốc tế do sự phản đối của Trung Quốc, vốn luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng có những mô hình khả thi khác để mở cánh cửa gia nhập CPTPP cho Đài Loan. Hòn đảo dân chủ này là thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), bên cạnh Trung Quốc, bởi APEC định hình là một diễn đàn gồm “các nền kinh tế” thay vì “các quốc gia thành viên” (Hong Kong cũng là thành viên của APEC). Trung Quốc thường thẳng thừng phản đối việc kết nạp Đài Loan tại các tổ chức xác định thành viên là các quốc gia độc lập. Đài Loan cũng tham gia WTO với tư cách “vùng lãnh thổ hải quan”, địa vị tương tự Hong Kong và Macau. 

 

Đài Loan đã nộp đơn đăng ký của mình với tên gọi “Lãnh thổ Thuế quan riêng biệt Đài Loan, Bành Hồ, Kim Môn, và Mã Tổ” mà họ đã sử dụng khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ông John Deng nói rằng Đài Loan đã sử dụng tên gọi này nhiều lần trong các cuộc đàm phán với các quốc gia khác và là tên gọi ít gây tranh cãi nhất.

 

Theo quy định của CPTPP, bất kỳ quốc gia thành viên nào trong khối này cũng có thể phủ quyết đơn xin gia nhập nên Bắc Kinh sẽ tìm kiếm các mắt xích yếu trong số 11 thành viên hiện tại của nhóm để ngăn chặn nỗ lực của Đài Bắc. Trong số các thành viên này, Nhật Bản và Australia được cho là sẽ ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực của Đài Bắc. Canada là quốc gia có thể sẽ ủng hộ Đài Loan. Ngoài ra còn có New Zealand và Singapore sẽ khó từ chối Đài Loan vì cả hai đều đang có hiệp ước thương mại tự do với hòn đảo này, còn Malaysia lên tiếng ủng hộ đơn xin gia nhập của Bắc Kinh nên cho thấy Kuala Lumpur có thể phản đối Đài Loan.

 

VIDEO :

Trung Quốc cản trở Đài Loan tham gia CPTPP 

https://www.youtube.com/watch?v=zBcYrjr3ED0

 

Việt Nam sẽ phản ứng ra sao?

 

Về phía Việt Nam, theo phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao thì Việt Nam rất hoan nghênh Trung Quốc là thành viên và sẵn sàng chia sẻ thông tin và kinh nghiệm để Trung Quốc tham khảo trong quá trình chuẩn bị đáp ứng các yêu cầu do CPTPP đưa ra. (1)

 

Vậy Việt Nam nên đưa quyết định như thế nào trong trường hợp Đài Loan? Nên nhớ Đài Loan và Việt Nam có rất nhiều liên hệ từ văn hoá đến kinh tế. Nhiều doanh nghiệp Đài Loan đã đến Việt Nam đầu tư từ rất sớm, ngay khi Việt Nam mới mở cửa. Công ty Phú Mỹ Hưng là một ví dụ cụ thể. Chưa kể có rất nhiều người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập tại hòn đảo này.

 

Giáo sư Trần Văn Thọ - chuyên gia kinh tế lớn từ Nhật Bản đưa ra lời khuyên cho Việt Nam: “Nếu hầu hết các nước trong CPTPP đều đồng ý cho Đài Loan tham gia mà chỉ có Việt Nam phản đối thì rất không hay. Đài Loan có quan hệ kinh tế (đầu tư và mậu dịch) khá mật thiết với Việt Nam. Nếu phản đối Đài Loan, Việt Nam sẽ phải giải thích với cộng đồng quốc tế như thế nào? Nếu nói là muốn tôn trọng chủ trương chỉ có một Trung Quốc thì trong trường hợp này không có sức thuyết phục lắm và gây ấn tượng là bị Trung Quốc tác động.

 

Theo tôi Việt Nam không nên phản đối Đài Loan. Việt Nam nên đồng ý cho cả Trung Quốc và Đài Loan tham gia. Việt Nam có thể chủ trương phân ly chính trị và kinh tế mà trường hợp này CPTPP chỉ là tổ chức thúc đẩy hợp tác kinh tế. Trong quá khứ đã có hai tiền lệ cả Trung Quốc và Đài Loan đều là thành viên trong tổ chức khu vực hoặc quốc tế. Đó là Diễn đàn Kinh tế Á châu Thái bình dương (APEC) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). APEC ra đời năm 1989, cả Trung Quốc và Đài Loan gia nhập năm 1991. WTO ra đời năm 1995, Trung Quốc gia nhập năm 2001 và Đài Loan năm 2002.

Mong thấy bản lĩnh của Việt Nam trước cục diện mới của CPTPP.”

 

---------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.




VÌ SAO THỨ HẠNG THƯƠNG HIỆU VIỆT THẤP NHƯ VẬY? (Đinh Hồng Kỳ - Kinh Tế Saigon Online)

 


Vì sao thứ hạng thương hiệu Việt thấp như vậy? 

Đinh Hồng Kỳ  -  Kinh Tế Saigon Online

Thứ Hai, 27/09/2021

https://thesaigontimes.vn/vi-sao-thu-hang-thuong-hieu-viet-thap-nhu-vay/

 

(KTSG) – Tháng 4-2021, Cục Xúc tiến Thương mại – Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2021. Với tư cách diễn giả, tôi đã chia sẻ nội dung “Nâng cao vị thế thương hiệu Việt trên bản đồ chuỗi giá trị toàn cầu”. Tại đây, tôi nhận được một câu hỏi: “Là một doanh nghiệp xuất khẩu đi 60 nước và có hệ thống khách hàng toàn cầu, vậy theo ông, dưới con mắt của khách hàng nước ngoài, sản phẩm thương hiệu Việt Nam được đánh giá ở mức độ như thế nào?”.

 

 

Thương hiệu Việt đang ở vị trí nào?

 

Để đánh giá vị thế của thương hiệu Việt Nam trên thương trường quốc tế, cần có sự quan sát và đánh giá khách quan từ bên ngoài cũng như sự phân tích thực trạng từ bên trong. Theo báo cáo “Nation brands 2020 ranking” của Brand Finance, vị trí xếp hạng của Việt Nam năm 2020 là 33, tăng 9 vị trí so với năm 2019.

https://cdn.thesaigontimes.vn/wp-content/uploads/2021/09/vi-sao.jpg

 

Trong báo cáo trên có đoạn viết: “Việt Nam là thương hiệu quốc gia phát triển nhanh nhất trong bảng xếp hạng năm nay với giá trị thương hiệu tăng vọt 29% lên 319 tỉ đô la Mỹ. Việt Nam, nơi ghi nhận số ca bệnh và tử vong do Covid-19 ở mức thấp đáng kinh ngạc (năm 2020), đã nổi lên là một trong những địa điểm hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á về sản xuất và ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư”.

 

Tuy nhiên, đánh giá xếp hạng của Brand Finance đơn thuần chỉ dựa trên giá trị sức mạnh tài chính của các thương hiệu tại các quốc gia.

 

Về xếp hạng quyền lực mềm 2021 (Global Soft Power Index 2021), Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN đạt mức tăng ba bậc so với 2020, từ vị trí 50 lên 47.

 

Trong khi đó, cũng để xếp hạng các quốc gia trên thế giới, FutureBrand, một công ty có uy tín về chuyển đổi thương hiệu toàn cầu đã đưa ra bản báo cáo “The FutureBrand Country Index 2020”. Báo cáo này nhằm đánh giá thương hiệu của một đất nước. Đối với họ mỗi một quốc gia cũng là một thương hiệu cần đánh giá. Nó không đơn giản được đo lường và đánh giá dựa trên các yếu tố như quy mô dân số hay GDP hay như trị giá tài chính của các thương hiệu quốc gia của đất nước đó.

 

Các báo cáo này nhằm tạo cho người đọc niềm tin vào sự ổn định và uy tín một quốc gia để họ đi đến quyết định như là: có nên đầu tư vào quốc gia đó, có nên mua sản phẩm của họ hay có nên viếng thăm họ cho công việc hay nghỉ dưỡng?

 

Báo cáo này đã lựa chọn 75 đất nước để xếp hạng. Thật ngạc nhiên là Việt Nam xếp hạng 66 (thậm chí chúng ta còn tụt năm bậc so với vị trí 61 vào năm 2019). Và cũng rất ngạc nhiên là chúng ta xếp sau cả quốc gia láng giềng như Myanmar thứ 38 hay các nước đang phát triển như Ethiopia thứ 44.

 

Báo cáo đặc biệt tính đến khả năng chống dịch Covid-19, điều mà chúng ta đang vô cùng tự hào vào thời điểm năm 2020. Vậy sao thứ hạng của đất nước bị đánh giá thấp như vậy?

 

Báo cáo này dựa trên sáu nhóm tiêu chí và 22 yếu tố được đánh giá tổng thể nhiều mặt đối với một quốc gia. Sáu tiêu chí đó gồm: Du lịch; Di sản và văn hóa; Chất lượng cuộc sống, Tiềm năng kinh doanh, hệ thống giá trị; và “Made in” (sản phẩm của quốc gia đó).

 

Với tiêu chí Du lịch, quốc gia được đánh giá dựa trên các yếu tố: việc du lịch tới quốc gia đó có đáng đồng tiền bỏ ra không; có nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn không; những lựa chọn về khách sạn và nơi nghỉ; người ta có mong muốn tới quốc gia đó du lịch không; và văn hóa ẩm thực có được đánh giá cao không.

 

Tiêu chí Di sản và văn hóa được đánh giá với các yếu tố: giá trị lịch sử của quốc gia; di sản văn hóa nghệ thuật; vẻ đẹp thiên nhiên.

Tiêu chí Chất lượng cuộc sống bao gồm: y tế và giáo dục; chất lượng sống; sự an toàn và an ninh; và liệu người ta có muốn sống tại quốc gia đó không.

Tiêu chí Tiềm năng kinh doanh được đánh giá bằng ba câu hỏi: khả năng phát triển kinh doanh; cơ sở hạ tầng và công nghệ tiên tiến.

Tiêu chí Hệ thống giá trị bao gồm sự ổn định về chính trị và mức độ thân thiện với môi trường.

Đáng chú ý là tiêu chí “Made in” với các đánh giá về sản phẩm đích thực, về chất lượng sản phẩm, về tính độc đáo của sản phẩm và liệu người tiêu dùng có sẵn lòng mua sản phẩm từ quốc gia đó hay không.

 

 

Đánh giá sản phẩm thương hiệu Việt dưới con mắt người nước ngoài?

 

Quay lại câu hỏi được nêu trong buổi diễn đàn nói trên về giá trị các sản phẩm thương hiệu Việt dưới con mắt người nước ngoài. Nhìn vào vị trí 66 trên bảng xếp hạng, hành trình xây dựng thương hiệu Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu.

 

Các doanh nghiệp Việt Nam khi xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt trên thị trường thế giới cần lưu ý đến tiêu chí “Made in”. Khi gia nhập những hệ thống kinh doanh phân phối lớn trên toàn cầu, thách thức đầu tiên mà doanh nghiệp phải vượt qua là không chỉ sản xuất ra những sản phẩm đạt chất lượng cao, mà còn phải xây dựng được hệ thống sản xuất đáp ứng được chuẩn mực quốc tế.

 

Đơn cử ví dụ tại doanh nghiệp của chúng tôi, để sản phẩm được bày bán tại chuỗi siêu thị vật liệu xây dựng cao cấp ở châu Âu, chúng tôi cần vượt qua những kỳ đánh giá khắt khe về quy trình quản lý chất lượng, về môi trường, về an toàn trong sản xuất, về trách nhiệm xã hội, về chế độ đãi ngộ đối với người lao động,… Trải qua những quá trình đánh giá đó, doanh nghiệp chúng tôi buộc phải tự thay đổi mình để thích ứng với môi trường kinh doanh hội nhập.

 

Trên thương trường quốc tế, nơi một sân chơi lớn hơn cũng là nơi cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn. Nếu doanh nghiệp không tìm ra được những giá trị đích thực để tạo ra những sản phẩm đích thực (Authentic) và mang nét độc đáo (Unique) thì sẽ khó tồn tại được trong cơn bão cạnh tranh về giá, về tốc độ sản xuất từ những quốc gia khổng lồ như Trung Quốc.

 

Mỗi doanh nghiệp sẽ có một chiến lược cạnh tranh riêng trên thị trường thế giới để phù hợp với đặc thù sản phẩm và quy mô sản xuất của mình. Với tiềm năng hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam không nhất thiết phải cạnh tranh trực diện trên thị trường lớn mà thay vào đó có thể tìm cho mình một thị trường ngách.

 

 

Những cơ hội – thách thức đối với thương hiệu Việt thời hậu Covid-19

 

Năm 2021 là một năm đặc biệt khó khăn đối với nền kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19. Trong một bối cảnh mà dường như tất cả đều bị đảo lộn, doanh nghiệp bắt buộc phải thích nghi với sự “bình thường mới”. Giai đoạn khó khăn đã tạo ra những thách thức vô cùng lớn và bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng tự tìm ra cho mình các cơ hội để tồn tại và phát triển.

 

Bên cạnh những ảnh hưởng nặng nề đối với toàn xã hội, đại dịch Covid-19 mang lại một số cơ hội nhất định cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới. Môi trường, tập quán kinh doanh trực tuyến trên toàn cầu đang tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xây dựng hình ảnh và tiếp cận nhanh với người tiêu dùng trên khắp thế giới. Đại dịch Covid-19 được ví như một cuộc khủng hoảng về môi trường, khiến các tập đoàn lớn trên thế giới đẩy nhanh tiến trình hướng tới nền kinh tế tuần hoàn.

 

Vừa qua một tập đoàn đa quốc gia về phân phối hàng tiêu dùng đã tổ chức các chương trình họp và hướng dẫn các nhà cung ứng toàn cầu về hai chương trình có tên Positive Products và Solar Impulse. Thương hiệu Việt muốn tiếp tục tham gia lâu dài vào chuỗi cung ứng sẽ phải làm mới mình và xây dựng hệ thống theo định hướng của hai chương trình này.

 

Positive Products (Sản phẩm tích cực) trên cơ sở 5 cốt lõi:

 

– An toàn cho con người và trái đất.

 

– Làm từ các nguồn nguyên liệu tái tạo và tái chế bất cứ khi nào có thể.

 

– Được sản xuất có trách nhiệm về quyền con người, quyền lao động và ngăn ngừa ô nhiễm.

 

– Sản phẩm sử dụng lâu bền.

 

– Thiết kế để cải thiện hiệu suất môi trường của ngôi nhà, chẳng hạn như về sử dụng nước và năng lượng.

 

Solar Impulse đánh giá dựa trên năm tiêu chí được nhóm lại theo ba chủ đề đó là tính khả thi, tác động môi trường và khả năng sinh lời.