Friday, December 25, 2009

AI LÀ KẺ ĐÁNG BỊ LÊN ÁN TRONG NHỮNG VỤ ÁP THUẾ CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ ?

AI LÀ KẺ ĐÁNG BỊ LÊN ÁN TRONG NHỮNG VỤ ÁP THUẾ CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ?
TRẦN NAM CHẤN
Tháng Mười Hai 25, 2009
http://baotoquoc.com/2009/12/25/ai-la-k%e1%ba%bb-dang-b%e1%bb%8b-len-an-trong-nh%e1%bb%afng-v%e1%bb%a5-ap-thu%e1%ba%bf-ch%e1%bb%91ng-ban-pha-gia/
Liên tiếp trong nhiều năm, hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Âu-Mỹ bị áp thuế chống bán phá giá. Hết thuỷ hải sản đến hàng may mặc, và lần này là da giày: như đã biết, ngày 22 tháng 12 vừa qua, giày da VN (và Trung Quốc) đã bị EU gia hạn áp thuế chống bán phá giá thêm 15 tháng.
Những ông chủ cai thầu xuất khẩu các mặt hàng nói trên đã tỏ ra rất phẫn uất vì thương dân. Họ không những trực tiếp lên án EU đã đẩy hàng chục ngàn người lao động VN vào cảnh thất nghiệp hoặc còn việc làm nhưng thu nhập quá thấp, không đủ sống ở điều kiện tối thiểu. Không những thế, họ còn ‘giúp’ những người làm thuê cho họ được lên tiếng trên các phương tiện truyền thông để nói lên cảnh bần hàn, nói lên sự vô nhân đạo của các quyết định của EU.

Trên thực tế thì ai là kẻ thực ra phải chịu trách nhiệm nhiều nhất trong việc người lao động bị bần cùng hoá?

Chúng ta đều biết rằng cạnh tranh là động lực của phát triển. Vì vậy, xã hội văn minh phải có những bộ luật bảo đảm cạnh tranh tự do và lành mạnh. Sự lành mạnh của cạnh tranh có nhiều khía cạnh, và một trong những khía cạnh như vậy được thể hiện bởi những điều luật chống độc quyền và chống bán phá giá. Cạnh tranh nhưng không được phép tiêu diệt những đối thủ cuối cùng, bởi vì sau đó sẽ không còn cạnh tranh nữa. Vì vậy, bản thân sự tồn tại của luật chống bán phá giá là văn minh. Cố nhiên, trong quá trình thực hiện rất dễ xuất hiện những quyết định thiên lệch, và khi đó chống bán phá giá có thể mang mục đích bảo hộ một ngành hoặc một số tập đoàn sản xuất.

Tôi sẽ không bàn về mức độ thiên lệch trong các quyết định của EU hay Mỹ đối với hàng xuất khẩu VN. Nhưng có một điều chắc chắn rằng khi EU và Mỹ ra những phán quyết như vậy, họ không đặt ra mục đích bần cùng hoá người lao động VN.

Kẻ đang trực tiếp bần cùng hoá người lao động VN một cách vô nhân đạo nhất chính là những kẻ đang nhỏ những giọt nước mắt cá sấu làm ra vẻ thương dân. Nhưng dù giả dối có nghề, họ vẫn không che giấu nổi dã tâm khi nêu lý do bán hàng rẻ mạt tại Âu-Mỹ: đó là vì giá nhân công thấp.

Nói giá nhân công thấp cũng chưa đủ. Phải nói là quá thấp. Thấp đến mức bèo bọt, đến mức không sống nổi. Trong khi đó thì không ông chủ hàng xuất khẩu nào không có tài sản hàng triệu, hàng chục triệu Mỹ kim. Họ nói “giá nhân công thấp” với một thái độ thản nhiên, coi đó như một điều đương nhiên: những người hạ đẳng thì phải hưởng mức sống như vậy!

Đành rằng không ở đâu và không bao giờ có chuyện người làm công hưởng cùng một mức thu nhập như chủ doanh nghiệp. Nhưng mức độ bóc lột ở cái nhà nước ‘xã hội chủ nghĩa ưu việt’ này là vô cùng tàn bạo. Điều đó thì nhìn đâu cũng thấy. (May chăng được nông trường Sông Hậu của người đàn bà đang bị cầm tù Trần Ngọc Sương là không bóc lột tàn tệ.)

Thử hỏi: tại sao những ông chủ hàng xuất khẩu không tăng lương cho công nhân và kèm theo đó là nâng giá hàng để tránh thuế chống bán phá giá? Tất nhiên, ta có thể hiểu rằng khi đó cạnh tranh sẽ khó hơn và hàng xuất khẩu có thể không được thị trường chấp nhận. Nhưng đó là việc của nhà kinh doanh. Nếu họ thất bại, họ sẽ phải chịu phá sản. Muốn khỏi thất bại, họ phải học cách kinh doanh để đứng vững trên thị trường.

Tuy nhiên, không phải chỉ những ông chủ hàng xuất khẩu mới là những kẻ phải chịu trách nhiệm về sự bần cùng của người lao động. Ở đây còn có những lực lượng đứng đằng sau họ, hay nói đúng hơn là đứng cao hơn họ. Đó là những kẻ hoạch định chính sách quốc gia. Họ định ra những luật lệ trói buộc người lao động, không cho phép người lao động bày tỏ ý chí và nguyện vọng của mình. Muốn biểu dương lực lượng để đòi tăng lương, giảm giờ làm, những người lao động phải ‘xin phép’ chính những kẻ bóc lột họ, nếu không họ sẽ bị trấn áp thẳng tay. Những luật lệ quái đản này làm những người lao động nản lòng, không còn dám nghĩ đến việc tổ chức đấu tranh nữa. Còn nếu cố tình tụ tập để đấu tranh, nhà cầm quyền sẵn sàng đưa công an hoặc thậm chí quân đội tới đàn áp thẳng tay. Họ làm như vậy nhằm hai mục đích: bảo vệ giới chủ, những kẻ sẵn sàng cung phụng họ, và ngăn chặn từ xa những cuộc bạo động có thể dẫn đến lật đổ chế độ.

Tóm lại, những kẻ đang hàng ngày hàng giờ bần cùng hoá những người lao động trực tiếp làm ra những mặt hàng xuất khẩu nói riêng và nhân dân lao động nói chung ở nước ta chính là những kẻ có quyền lực ở ngay đất nước này. Người lao động cần phải hiểu rõ điều đó, đừng hướng quá nhiều sự căm thù ra một nơi xa vời ngoài biên giới quốc gia. Kể cả khi những thế lực ngoại bang có những hành động gây đau khổ cho dân ta thì cũng phải có sự tiếp tay của bọn cầm quyền bán nước cõng rắn cắn gà nhà!

TRẦN NAM CHẤN



No comments: