Sunday, December 27, 2009

BỊT MIỆNG TRÊN KHÔNG GIAN ẢO

Bịt miệng trên không gian ảo (Phần 1)
Trân Văn, phóng viên đài RFA
2009-12-26
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Adminitrator-of-some-websites-vying-with-hacker-for-freedom-of-speech-part1-tvan-12262009103618.html
Trong vài tuần qua, tin tặc liên tục tấn công một số trang web đang thu hút rất đông người Việt ở trong và ngoài nước cùng truy cập như: Bauxite Việt Nam, Talawas, Đối Thoại...
Những website này có một điểm chung là giới thiệu những thông tin, ý kiến khác biệt với quan điểm của chính quyền Việt Nam.
Sự kiện này cho thấy hình như đang có một cuộc chiến giành và giữ quyền tự do ngôn luận trên Internet. Mời quý vị nghe Trân Văn tổng hợp và tường thuật...

Những đối thủ giấu mặt
Khoảng đầu tháng 12, những người truy cập vào website Bauxite Việt Nam cùng nhìn thấy một thông báo được đặt trên đầu trang chủ, cho biết, vì lý do kỹ thuật, trang web này sẽ tạm ngưng cập nhật thông tin và ý kiến cho đến ngày 13 tháng 12. Đến 14 tháng 12, một ngày sau khi hoạt động trở lại như đã hẹn với độc giả, website Bauxite Việt Nam đột nhiên rơi vào tình trạng tệ hơn trước đó: toàn bộ nội dung trên website này bị xóa sạch.
Ngày 20 tháng 12, bộ phận quản trị website Bauxite Việt Nam gửi đến độc giả của mình một thư ngỏ. Thư viết: Chúng tôi đã định giấu kín mọi khó khăn, cố vượt qua thử thách, cũng là để tự vượt lên mình nhưng đã không thể nào giấu nổi con mắt tinh tường của rất nhiều anh em, bè bạn vẫn ngày ngày ghé thăm trang mạng.
Theo bộ phận quản trị trang web Bauxite Việt Nam, từ khi thành lập đến nay, chỉ trong vòng 8 tháng, trang web Bauxite Việt Nam đã bị đánh phá không dưới 5 lần, bởi những nhóm người lạ mặt.
Sau thư ngỏ vừa dẫn, trang web Bauxite Việt Nam chỉ hoạt động trở lại được vài ngày rồi tiếp tục rơi vào tình trạng trắng xóa. Đến chiều 23 tháng 12, website Bauxite Việt Nam có dấu hiệu hoạt động bình thường trở lại nhưng chỉ ít giờ sau, trên đầu trang chủ lại tiếp tục có thông báo: Trang mạng Bauxite Việt Nam lại tiếp tục bị tin tặc tấn công. Chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục trong thời gian sớm nhất. Trân trọng cảm ơn!

Cũng trong khoảng trung tuần tháng 12, website Talawas rơi vào trường hợp tương tự. Độc giả truy cập vào Talawas thấy thông báo: Vì lý do kỹ thuật, Talawas tạm ngưng hoạt động vô thời hạn và ít ngày sau, người ta mới biết thông báo ấy do tin tặc tạo ra.

Một trang web khác có tên là Đối Thoại cũng nằm trong tình cảnh như Bauxite Việt Nam và Talawas.

Hiện có một số dấu hiệu cho thấy, cuộc tấn công nhiều website Việt ngữ trên Internet sẽ kéo dài và phạm vi tấn công đang được mở rộng nhưng chúng tôi chưa đủ thời gian kiểm chứng.
Thông thường, cuộc tấn công nào cũng sẽ nhắm đến một hay một số mục tiêu nào đó. Vậy mục tiêu cuộc tấn công một số website mà chúng tôi vừa đề cập là gì?

Nói khác cũng sập mà nói thật cũng sập
Theo dõi các diễn biến thực tế, một số người bảo rằng, muốn đoán định mục tiêu của các cuộc tấn công Bauxite Việt Nam, Talawas, Đối Thoại, nên xem thử tính chất của những trang web ấy.

Bauxite Việt Nam là một trang web, hình thành vào tháng 4 năm 2009, từ sáng kiến của giáo sư Nguyễn Huệ Chi, giáo sư Nguyễn Thế Hùng và nhà văn Phạm Toàn, nhằm tập hợp thông tin, giới thiệu ý kiến, liên quan đến yếu tố lợi – hại khi chính quyền Việt Nam quyết định cho phép khai thác bauxite ở khu vực Tây Nguyên. Điểm đáng chú ý là chỉ trong vài tháng, Bauxite Việt Nam đã trở thành một diễn đàn điện tử, thu hút sự chú ý cũng như sự tham gia của người Việt đang sống cả ở trong lẫn ngoài Việt Nam. Từ chỗ chỉ là một diễn đàn điện tử cung cấp thông tin, giới thiệu các ý kiến đóng góp cho kế hoạch khai thác bauxite tại Việt Nam, Bauxite Việt Nam trở thành một diễn đàn chung cho trí thức, thanh niên Việt Nam theo dõi, thảo luận về hiện tình Việt Nam. Trong vòng 8 tháng, website này có 17,5 triệu lượt truy cập, vượt xa số lượt truy cập của nhiều trang web do chính quyền Việt Nam lập ra. Tuy nhiên, các thông tin, ý kiến đều theo đúng tôn chỉ mà nhóm chủ trương đề ra ngay từ đầu: Bauxite Việt Nam không phải là một trang chính trị đối lập mà chỉ là một trang mạng của trí thức lên tiếng góp ý xây dựng đối với đất nước.
Mới đây, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, một trong ba người được xem là thành viên sáng lập trang web Bauxite Việt Nam khẳng định lại một lần nữa: Chúng tôi tin rằng chúng tôi sẽ khôi phục được trang web, bởi vì nó vô tội, nó chả phải là trang web chính trị, nó chỉ là tiếng nói thẳng thôi. Nói thật thì mất lòng, chắc anh cũng biết rồi.

Còn Talawas? Những người quản trị diễn đàn điện tử Talawas - ra đời vào năm 2001 - xác định mục tiêu của họ chỉ là “góp phần khiêm tốn vào việc hình thành một công luận độc lập của người Việt trong và ngoài nước, không lệ thuộc, không chịu sự câu thúc của bất kì tổ chức, đoàn nhóm, thế lực nào”.
Sau khi tạm ngưng hoạt động vào cuối năm 2008, đến tháng 3 năm 2009, Talawas mới mở lại và vẫn đeo đuổi mục tiêu đã được xác định trước đó. Vậy vì sao Talawas bị tấn công? Trả lời Đài BBC, nhà văn Phạm Thị Hoài phỏng đoán, lý do Talawas bị tấn công có thể có liên quan phần nào tới những vụ xử các nhân vật bất đồng chính kiến như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung sắp tới.

Riêng mục tiêu của website Đối Thoại thì khác hẳn. Ông Nguyễn Nam, một thành viên của nhóm quản trị website Đối Thoại, cho biết, mục tiêu của nhóm thực hiện: Đối Thoại có ba mục tiêu chính. Mục tiêu thứ nhất là thông tin – những tin tức có liên hệ đến cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ của nhân dân trong nước và đồng bào hải ngoại. Mục tiêu thứ hai là yểm trợ các cá nhân và tập thể đấu tranh cho công bằng xã hội, dân chủ tự do tại quốc nội. Mục tiêu sau cùng của anh em Đối Thoại là cùng với các cá nhân và tập thể trong, ngoài nước đòi hủy bỏ Điều 4 trong bản Hiến pháp 1992 của Đảng CSVN.

Nhìn chung, những website bị đánh sập đều đã nói khác giọng với chính quyền Việt Nam, từ trực tiếp phê phán như Đối Thoại, phát biểu “độc lập” như Talawas, hoặc chủ trương phi chính trị, chỉ “nói thật” như Bauxite Việt Nam.
Đợt tấn công một số website như Bauxite Việt Nam, Talawas, Đối Thoại không chỉ có chừng đó vấn đề. Trong bài tới, chúng tôi sẽ tổng hợp và tường trình tiếp về các khía cạnh đáng chú ý khác. Mời quý vị đón nghe...

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.


Bịt miệng trên không gian ảo (Phần 2)
Trân Văn, phóng viên đài RFA
2009-12-27
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Adminitrator-of-some-websites-vying-with-hacker-for-freedom-of-speech-part2-tvan-12272009092746.html
Lần trước, quý vị đã nghe Trân Văn tổng hợp và tường trình về sự kiện một số website Việt ngữ liên tục bị tấn công trong vài tuần vừa qua. Các cuộc tấn công ấy đã diễn ra như thế nào? Trân Văn sẽ tiếp tục tường thuật thêm về sự kiện này...

Thực thi “omerta” (luật im lặng)
Một số người theo dõi hoặc có dịp trò chuyện với một vài thành viên điều hành các website Việt ngữ bị tấn công như Bauxite Việt Nam, Talawas, Đối Thoại, đều cùng cho rằng, mục tiêu cuối cùng của tin tặc là vô hiệu hóa việc tiếp nhận, truyền tải những thông tin, ý kiến khác biệt với quan điểm, ý muốn của chính quyền.
Kể về hàng loạt cuộc tấn công liên tục nhắm vào trang web của mình, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, một trong ba thành viên sáng lập trang web Bauxite Việt Nam thú thật trong thư ngỏ: Không ai dám chắc đây là một nhóm vì họ đánh bằng nhiều cách. Có khi họ xâm nhập trang quản trị mạng và thay đổi hẳn phần hình ảnh trong một bài nào đó bằng hình ảnh của hải quân Trung Quốc. Có khi họ khống chế để bạn đọc không tài nào vào được trang chủ, biến trang chủ thành trang trắng. Lại có khi họ thay đổi mật mã khiến anh chị em biên tập viên “mất dấu”. Nhưng lần này là tệ hại nhất: Họ chưa vội làm gì ngoài việc khóa chặt một số bài không cho bạn đọc truy nhập và đặt trang quản trị mạng dưới sự giám sát 24/24, có lẽ để ngầm chuyển nội dung về một trung tâm nào đó. Họ quả có nhiều thủ đoạn khó lường.

Một trong những thủ đoạn mà tin tặc đã sử dụng cả với Bauxite Việt Nam lẫn Talawas là tung tin giả, ngăn chặn độc giả trở lại. Sau khi giành quyền kiểm soát cả hai website vừa kể, tin tặc đã treo trên trang chủ của cả hai một thông báo có cùng nội dung: Vì lý do kỹ thuật, ngừng hoạt động vô thời hạn!

Còn cuộc tấn công vào website Đối Thoại? Ông Nguyễn Nam, một thành viên của nhóm quản trị website này xác nhận, website Đối Thoại đã bị tấn công hai lần. Ông kể: Trong đợt tấn công vào tháng 10 năm 2007, họ đã bỏ một cái script (tập tin lệnh) lên server (máy chủ) của Đối Thoại và tới thời điểm nào đó thì họ kích hoạt cái script đó. Rồi script đó thay thế trang chủ, tức là trang index của website để mỗi lần anh em chúng tôi upload trang chủ thì cái script tự động thay trang chủ bằng một index mới với nội dung của họ.
Trong đợt này, vào ngày 22 tháng 12, chúng tôi được một số độc giả thông báo là không vào được website. Sau khi kiểm chứng và làm việc với ISP (nhà cung cấp dịch vụ Internet) thì chúng tôi xác nhận là đợt này cũng bị một loại script được cài đặt ở trong website và cái script này có nhiệm vụ copy rất là nhiều file cũng như folder để làm cho server quá tải. Vì vậy, website của Đối Thoại dùng rất là nhiều memory (bộ nhớ) cũng như là CPU (mạch xử lý, điều khiển) trên server, khiến công ty web hosting (cung cấp dịch vụ web) của Đối Thoại bắt buộc phải tạm ngưng website. Chính vì lý do đó mà độc giả của Đối Thoại không vào website được!

Cách thức tấn công website Đối Thoại gần giống với một đợt tấn công khác được tin tặc thực hiện cách nay khoảng bốn tháng. Hồi tháng 8, tin tặc tấn công cả ba website của Tập hợp Thanh niên Dân chủ. Sau khi tước quyền kiểm soát, xóa toàn bộ dữ liệu, tin tặc còn gài virus trên ba website này nhằm xâm nhập vào máy tính của những người truy cập vào ba địa chỉ web của Tập hợp Thanh niên Dân chủ.

Ai sẽ chặn tin tặc?
Cho đến nay, tuy chưa có bất kỳ cuộc điều tra chính thức nào về những vụ tấn công các website Việt ngữ nhằm xác định, ai đứng phía sau những vụ tấn công ấy, song ít nhất, cũng đã có một số nạn nhân tự tìm và cung cấp vài dữ kiện đáng chú ý liên quan đến những vụ tấn công này.
Theo anh Nguyễn Kế Vũ – người chịu trách nhiệm quản lý và điều hành các websites của Tập hợp Thanh niên Dân chủ: Sau khi đã dò xét IP thì đó là tấn công từ Việt Nam. Kế Vũ có thể cung cấp được số IP của hacker. Cuộc tấn công xuất phát từ một người Việt Nam ở Đắk Lắk và sử dụng mạng Viettel là mạng của Quân đội. Điều đó vi phạm luật pháp Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế về xâm nhập, bảo mật.
Tập hợp Thanh niên Dân chủ mong muốn là chính phủ Việt Nam tiến hành điều tra ngay vụ phá hoại này. Nếu chính phủ Việt Nam chấp nhận điều tra thì Kế Vũ sẵn sàng cung cấp địa chỉ IP của tin tặc.

Trên thực tế, tấn công, chiếm đoạt quyền điều khiển website nào đó, rồi xóa dữ liệu, thậm chí phát tán virus để xâm nhập các máy tính truy cập vào website ấy, là những hành vi mà tất cả các quốc gia cùng xem là tội phạm. Luật hình sự Việt Nam cũng xác định những hành vi như: tạo ra và cố ý phát tán virus qua mạng máy tính hoặc bằng các phương thức khác, gây rối loạn hoạt động, phong tỏa hoặc làm biến dạng, hủy hoại các dữ liệu của máy tính là vi phạm điều 224, tội “Tạo ra và lan truyền, phát tán các chương trình virus tin học”.
Cơ quan điều tra của nhiều quốc gia đã từng hợp tác để phối hợp thực hiện các cuộc điều tra, trừng phạt tin tặc song chính quyền Việt Nam chưa bao giờ có ý kiến về vấn đề này.
Hiện chỉ có một điểm khác với trước đây là những cuộc tấn công của tin tặc vào các website thu hút nhiều người truy cập, bắt đầu tạo ra các phản ứng công khai từ phía công chúng.

Trong một thư gửi cho nhóm điều hành Bauxite Việt Nam, Giáo sư Vũ Cao Đàm thay mặt một nhóm giảng viên của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, viết: Chúng tôi, nhóm giảng viên ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, rất lo lắng trước những trục trặc của Bauxite Việt Nam. Chúng tôi theo dõi từng ngày, bắt đầu từ Thông báo thứ nhất của Bauxite Việt Nam là “Tạm ngừng cập nhật đến ngày 13 tháng 12 năm 2009”. Tất nhiên, chúng tôi đều phán đoán được bản chất của sự trục trặc này là gì.
Qua thư, Giáo sư Vũ Cao Đàm khẳng định: Mọi sự phá hoại và chọc phá đối với Bauxite Việt Nam, dù bất kỳ dưới hình thức nào, đều sẽ được ghi như một vết đen trong lịch sử truyền thông Việt Nam.

Hồi tháng 3 vừa qua, nhân “Ngày Thế giới chống kiểm duyệt không gian ảo”, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới đã công bố danh sách xếp hạng 12 quốc gia bị xem là “Những kẻ thù của Internet”, Việt Nam là một trong 12 quốc gia đó.

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.




No comments: