Wednesday, December 30, 2009

NƯỚC MỸ 10 NĂM VẬN XẤU

Mười năm vận xấu
Ngô Nhân Dụng
Tuesday, December 29, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=106147&z=7
Các nhà tử vi thường tính mỗi mười năm là một giai đoạn ngắn trong đời người. Ðời sống của một quốc gia dài hơn một người, thường một “tiểu hạn” cũng phải tính hàng thế kỷ trở lên. Riêng Mỹ là một nước còn quá trẻ, tính mỗi thời hạn ngắn từng mười năm cho tiện.

Trong vòng 10 năm qua, bắt đầu từ năm 2000, có thể nói là vận hạn của nước Mỹ rất xấu. Hết họa lớn đến nạn nhỏ, sau tai họa từ ngoài đem vào lại tới hoạn nạn gây ra từ bên trong. Nếu tin “Bỉ cực thái lai” thì sau một hạn nhỏ xấu như thế, chắc thập niên sắp tới phải khá hơn.

Tai họa lớn ai cũng biết, là phong trào khủng bố nhắm vào người Mỹ, bắt đầu với vụ đánh sập hai tòa nhà ở New York, năm 2001. Từ đó tới nay, nước Mỹ sống trong phập phồng lo sợ. Khủng bố có nghĩa là gây sợ hãi, những tay chủ mưu al Qeda đã đạt mục đích gây sợ hãi. Chính phủ Mỹ vẫn chưa bắt được bin Laden, người chủ xướng vụ tàn sát man rợ này. Cuối năm 2009, một vụ nổ bom hụt trên chuyến bay từ Nigeria đi sang Detroit đã nhắc nhở tất cả dân chúng Mỹ đừng vui ba ngày Tết mà quên rằng họ vẫn bị kẻ thù rình dập.

Nước Mỹ đã từng bị tấn công bất ngờ trong quá khứ, như vụ Trân Châu Cảng trước đây gần 70 năm. Ðiểm khác biệt giữa thời Ðại chiến vừa qua và lần này là sau gần 9 năm chính phủ Mỹ tới giờ vẫn không diệt được những kẻ gây hấn. Và không biết đến bao giờ mới trừ hết được mầm mống của tai họa này! Lạ thật, bao nhiêu binh hùng tướng mạnh, vũ khí tối tân, nhưng vẫn không tiễu trừ được một nhóm cuồng tín cực đoan vốn không được chính quyền một quốc gia nào hỗ trợ. Mười năm qua, quân đội Mỹ đã có dịp thí nghiệm những thứ vũ khí tinh xảo và đắt tiền nhất, nhưng cả đạo quân đó chưa làm xong được nhiệm vụ của họ. Phải công nhận là nước Mỹ đã gặp một vận hạn rất đen.

Nhưng trên mặt kinh tế số còn đen hơn nhiều. Về quân sự, nước Mỹ vẫn là siêu cường số một, ngân sách quốc phòng Mỹ lớn hơn ngân sách của tất cả các nước khác cộng lại. Nhưng địa vị kinh tế của Mỹ đang bị đe dọa thật, từ nền tảng. Mối lo lớn không phải vì kinh tế Trung Quốc sẽ đuổi kịp Mỹ trong vòng 20 tới 30 năm nữa. Chuyện đó thế nào cũng phải xảy ra, không có chi lạ. Một nước 1,300 triệu dân thì chắc chắn phải sản xuất và tiêu thụ nhiều hơn một nước 300 triệu; đáng lẽ Trung Quốc phải vượt qua Mỹ từ thế kỷ trước, nếu họ không đi một bước lầm lớn là đi theo chế độ cộng sản.

Tai họa thật sự quan trọng đối với nước Mỹ là chính mô hình tổ chức kinh tế của họ đã thất bại và bị nghi ngờ. Sự thất bại xảy ra từ từ, trong suốt 10 năm qua nhưng do những nguyên nhân xa hơn; cuối cùng đã nổ bùng lên trong năm 2007.

Nước Mỹ vẫn hãnh diện về hệ thống luật lệ về kế toán bắt buộc các công ty phải theo và công bố thường xuyên, giúp các nhà đầu tư biết rõ tin tức trung thực trước khi quyết định phân phối tài nguyên; và bắt các nhà quản đốc phải chịu trách nhiệm đối với cổ đông cũng như với xã hội. Phố Wall ở New York cũng hãnh diện về hệ thống tài chánh đầy sáng kiến, đặt ra các khí cụ tài chánh mới để người ta dễ chia sẻ may rủi với nhau, do đó họ sẽ đầu tư hăng hái hơn. Người Mỹ tin rằng cả thế giới nên học theo cách tổ chức kinh tế của họ. Nhất là sau khi kinh tế các nước cộng sản thì sụp đổ còn Âu Châu và Nhật Bản thì trì trệ liên miên trong gần 20 năm.

Nhưng trong 10 năm vừa qua, niềm hãnh diện trên đã bị thử thách, bị tan vỡ, do những tai họa do chính người Mỹ gây ra. Nhiều người Mỹ cũng bắt đầu nghi ngờ về “tính chất ưu việt” của hệ thống tài chánh của họ. Cứ nghe các đại biểu Quốc Hội Mỹ thuộc cả hai đảng nói thì biết, ai cũng đòi phải cải tổ, cải tổ!

Trước hết là những vụ gian lận về kế toán có tổ chức và đại quy mô bị khám phá! Những công ty Enron, WorldCom đã sụp đổ như những tòa lâu đài làm bằng cát trên bãi biển; những vị quản đốc từng được ngưỡng mộ bỗng hiện hình thành những tay đại bịp. Họ đánh lừa được bao nhiêu nhà đầu tư, các ngân hàng, các xí nghiệp cung cấp cho họ hoặc mua hàng của họ, và các nhân viên chính quyền, trong một thời gian khá dài!

Nhưng những vụ bịp bợm đó sẽ được lãng quên vì dù làm khổ nhiều người nhưng chúng không gây tai họa cho cả nước, như những sai lầm tập thể diễn ra trước mắt mọi người với những món nợ địa ốc “tiêu chuẩn thấp.” Bao nhiêu ngân hàng thương mại, các hãng bảo hiểm, ngân hàng đầu tư, quỹ đầu tư, ở Mỹ và từ các nước khác, cùng nhau tham dự vào một cuộc chuyển vận tiền bạc, đi vay rồi đem cho vay; trong khi bất chấp mọi quy tắc về tính thận trọng khi sử dụng tiền do người khác giao phó! Những nhà đại tư bản vẫn được coi là khôn ngoan nhất, bỗng trông giống đám trẻ con nghịch ngợm với những món đồ chơi mà chúng không biết rõ, nên vừa bị phỏng tay vừa làm cháy nhà!

Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ những món nợ cho vay bất cẩn đã lôi cả thế giới vào cơn suy thoái kinh tế mà lúc đầu nhiều người đã tưởng sẽ gây ra một cuộc đại khủng hoảng như thời 1930. Ðến nay thì người ta yên tâm chuyện đó sẽ không xảy ra. Nhưng uy tín của cả hệ thống tài chánh của nước Mỹ đã bị suy sụp. Các nhà chính trị trong Quốc Hội đang giành lấy quyền quyết định số phận của các nhà tư bản bằng những thứ luật lệ, ràng buộc mới! Cũng giống như các ông cảnh sát công lộ, họ nhân danh lợi ích của công chúng đang tính dựng lên các rào cản mới, để tránh không cho tai nạn xảy ra lần nữa! Mười năm sau khi kinh tế tư bản tuyên bố đại thắng đối với kinh tế xã hội chủ nghĩa, đến lượt chính kinh tế tư bản phải tự hỏi mình sẽ đi về đâu!

Nhìn lại mười năm vừa qua phải công nhận là cả nước Mỹ đang gặp vận xui. Nhưng chúng ta đều biết, đa số người Mỹ không quan tâm đến vận hạn, không sợ mất uy tín trên thế giới. Dù người dân các nước khác nghĩ thế nào về thế lực quân sự và hệ thống kinh tế của nước Mỹ, dân chúng Mỹ thực sự chỉ lo lắng về đời sống kinh tế của mỗi gia đình họ mà thôi. Họ sẽ an tâm sống nếu vẫn đủ xăng chạy xe đi làm, ngày nghỉ thì coi những trận đấu banh, con cái vẫn đi chơi thể thao, cha mẹ đi mua sắm. Họ cũng không mấy người tin ở số tử vi!

Nhưng dù không tính số tử vi, một người dân bình thường ở Mỹ cũng phải thấy là trong 10 năm qua đời sống kinh tế của họ không thấy tiến bộ. Trong 10 năm qua, kinh tế Mỹ không tạo thêm được bao công việc làm mới. Bỏ qua số người được chính phủ tuyển vô thì tổng số công việc làm trong lãnh vực tư đã giảm bớt chứ không tăng. Các đại công ty vẫn có lời, các ban giám đốc được tặng thưởng, nhưng lợi tức của người dân bình thường không tăng. Sau khi loại bỏ ảnh hưởng do lạm phát tạo ra, lợi tức gia đình ở mức giữa (median household real income) vào năm 2007 đã giảm đi so với năm 1999. Nếu quý vị là chủ nhà trong suốt 10 năm qua thì biết, sau khi trừ bỏ sự gia tăng vì đồng tiền mất giá thì giá một ngôi nhà trung bình ở Mỹ năm nay cũng chỉ bằng giá trước đây 10 năm. Một phần tư các ngôi nhà ở Mỹ hiện trị giá thấp hơn món nợ còn thiếu chưa trả được cho ngân hàng. Nhiều người Mỹ đã “nghèo hơn” vì nhà cửa xuống giá, và cũng không kiếm được thêm trong thị trường chứng khoán. Năm 1999 cả nước ăn mừng khi Chỉ số Dow Jones lên số 10,000; nhiều người tiên đoán nó sẽ tăng lên gấp đôi, gấp ba trong 10 năm. Bây giờ, chỉ số đó cũng chỉ lảng vảng được vài ba trăm trên con số 10,000! Nếu tính ảnh hưởng của lạm phát trong đó thì coi như đã lỗ.

Trước những con số như vậy, nhưng dân Mỹ vẫn không thấy phải bi quan. Tính lạc quan chính là sức mạnh của nước này, vẫn giữ được từ hai thế kỷ nay. So sánh với thế giới bên ngoài thì người Mỹ đáng lạc quan thật. Tổng sản lượng của nước Mỹ từ năm 1980 đến giờ vẫn chiếm 21% GDP của thế giới, không thay đổi, mặc dù GDP của nhiều quốc gia đang phát triển đã tăng lên gấp bội. Vào năm 1999 thì GDP của Trung Quốc chỉ bằng một phần 8 của Mỹ, năm nay đã lên bằng một phần tư! Nhưng nếu ngó sang Âu Châu thì người Mỹ phải lạc quan. Vì trước năm 1970 GDP của Âu Châu chiếm gần 40% thế giới, nay chỉ còn chiếm 25% mà thôi, mà dân số bên đó cao hơn bên này. Nghĩa là mô hình tổ chức kinh tế của nước Mỹ có chạy tốt thật, chứ không phải là ảo tưởng.

Phải nói là mười năm qua nước Mỹ gặp vận xui, trong tay toàn những quân bài xấu! Nhiều người phê bình, không những bài đã xấu lại còn chơi bài dở nữa! Nhưng trên thế giới hiện nay vẫn có hàng triệu người mỗi ngày đang xin chiếu khán vào sống ở nước Mỹ. Nhiều di dân mới thất nghiệp nhưng vẫn giữ giấy bảo lãnh thân nhân vào Mỹ theo bước mình. Nhiều người chấp nhận bước vào nước Mỹ ở bậc thang thấp nhất trong xã hội. Chỉ vì họ tin có ngày họ sẽ leo lên bậc cao hơn; mà thường cứ 10 người thì hơn 9 người đã leo lên được. Lúc đó sẽ có những di dân mới đến, thế chỗ họ ở bậc thang dưới cùng!

Ðó chính là những “quân bài tốt” mà nước Mỹ vẫn nắm được từ hàng trăm năm qua. Và sẽ còn tiếp tục nắm được trong thế kỷ tới. Nhật Bản, Trung Quốc, Nga hoặc Ấn Ðộ không có những quân bài đó. Âu Châu thì đang lo ngăn cản bớt làn sóng di dân. Chỉ có nước Mỹ vẫn là nơi thu hút “nhân tài,” từ những bắp thịt mạnh đến chất xám tốt của cả thế giới đem về dùng. Chúng ta sẽ nhìn vào viễn ảnh tốt đẹp đó trong bài tới nhân dịp đầu năm 2010. Hôm nay chỉ nhìn về vận hạn xấu trong thập niên qua, một lần, để xả hết xui đi. Như Tô Thùy Yên sau khi đi tù trở về, viết: “Sẽ kể lại mười năm chuyện cũ - Một lần kể lại để rồi thôi!”




No comments: