Thursday, December 31, 2009

NHÂN ĐỌC BÀI "TIẾNG NƯỚC TÔI"

Nhân đọc bài "Tiếng nước tôi"
Nguyễn Ngọc
31/12/2009
http://danluan.org/node/3791
"Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời" - câu hát mở đầu thuộc nhạc phẩm "Tình Ca" của nhạc sĩ Phạm Duy đã sống nhiều năm trong lòng dân Việt - nghe sao giản dị, dễ hiểu mà lại không kém phần sâu sắc, lắng đọng; sang trọng mà lại không cầu kỳ. Nghe để nhớ và nghe để thấm thía mà buồn cho chữ nghĩa tiếng Việt đang có vẻ ngày càng "xanh xao" và "hao mòn" như đang diễn ra trong xã hội hàng ngày mà các tác giả viết về đề tài "
Tiếng nước tôi" đã dẫn chứng và phân tích trong mấy ngày qua (báo Tuổi Trẻ).

Tôi - một công dân đã sống nhiều năm qua hai chế độ - cũng xin góp một vài ý đến các nhà ngôn ngữ học, các nhà văn, các nhà giáo, nhạc sĩ, các nhân vật nổi tiếng hoặc các nhân vật của công chúng cũng như các cơ quan có trách nhiệm (trước hết là Bộ Giáo dục và Đào tạo) trong việc giữ gìn tiếng Việt trong sáng.

Trong các chương trình giải trí, các cuộc thi cho sinh viên, học sinh v.v... hiện nay, người dẫn chương trình (Master of Ceremony) sử dụng tiếng Việt không chuẩn khi giới thiệu, ví dụ "Hoa hậu A ĐẾN TỪ tỉnh (thành phố)...", "bạn B (là học sinh, sinh viên ) ĐẾN TỪ trường... tỉnh (thành phố)...", và còn khá nhiều "ĐẾN TỪ" được nhắc đi nhắc lại qua hết người này đến người khác trong phần giới thiệu các nhân vật tham gia trong chương trình,. Phải chăng "ĐÊN TỪ" được xuất phát từ "to come from" trong tiếng Anh(?), tôi e rằng vậy.
Cụm từ "ĐẾN TỪ" hiện nay rất phổ biến trong các chương trình truyên hình từ giải trí cho đến các hội nghị lớn nhỏ, cách dùng này theo tôi nhớ thời chúng tôi khi học tiếng Việt chưa bao giờ "bị" thầy cô dạy nói hoặc viết như thế. Điều này còn thể hiện cách hành văn nghèo nàn, lặp đi lặp lại ngoài việc là "tiếng lai", tiếng không thuần Việt.
Bên cạnh đó, người dẫn chương trình hay dùng cụm từ " Kính thưa (Thưa) các cô chú, các anh chị và các bạn" hoặc rút gọn "Kính thưa (Thưa) các anh chị và các bạn", cách dùng này cũng không chuẩn chút nào, nếu gặp một khán thính giả hỏi: "Vậy còn các bác, các cậu, các mợ, các dì v.v... sao không thưa hết cho đủ?" thì chúng ta sẽ trả lời ra sao? Trước đây tiếng Việt chỉ cần dùng "Kính thưa quý vị khán thính giả" hoặc ngắn gọn hơn "Kính thưa quý vị" (vì Quý vị đang ngồi trước mặt tôi (trong một chương trình nào đó đã là khán , thính giả rồi do đó có thể rút gọn mà không thiếu hoặc sai nghĩa) thế là đủ. Cách dùng ngắn gọn này còn thể hiện tính chất công chúng phổ quát của một chương trình và thể hiện sự tôn trọng tất cả những người tham dự bất kể nam, phụ, lão, ấu. Ngoài ra cách nói này còn tránh được suy nghĩ cho cả phía tham dự lẫn phía tổ chức một không khí "gia đình" không cần thiết và là điều cần tránh trong những chương trình mang tính chất đại chúng.
Cụm từ "ĐƯỢC TÀI TRỢ BỞI" "ĐƯỢC PHÁT TRIỂN BỞI" "ĐƯỢC XÂY DỰNG BỞI", cũng làm nghe đọc, người nghe khá chối tai và buộc chúng ta lại phải liên hệ đến những "sponsored by", "developed by", "buit by" mà ai đó đã "dịch sát sàn sạt" tiếng Anh sang tiếng Việt (những cụm từ này được các chủ đầu tư dự án xây dựng cao ốc tại Sàigòn viết rất nhiều, chỉ cần bạn đi ngang qua các chung cư đang và chuẩn bị xây dựng là sẽ thấy) vì thế vô tình làm mất cái hay cái đẹp của tiếng Việt.
Nếu Trịnh Công Sơn đưa hình tượng "nợ bạc đầu" vào nhạc phẩm "Xin trả nợ người" tinh tế, sang trọng, giản dị bao nhiêu thì hình tượng "gói mì tôm" trong nhạc phẩm "Bạn tôi" thô, xấu, trơ bấy nhiêu, mặc dù tôi biết rõ gói mì tôm rất thiết thực trong đời sống sinh viên nghèo. Tôi không có ý định so sánh hai nhạc phẩm này, nhưng tôi mong lớp nhạc sĩ trẻ nên cân nhắc khi dùng từ ngữ tiếng Việt. Nói đến từ "MONG" , nếu chúng ta dùng từ "MONG ƯỚC" sẽ có mức độ khác biệt về sắc thái so với 'MONG MỎI" và còn nhiều sắc thái "MONG" khác nữa.

Tiếng Việt của dân tộc ta có thể nói là hay, độc đáo và khó không thua kém bất cứ tiếng dân tộc nào. Có những ví dụ khá thú vị và không thể giải thích được mà chỉ có hiểu rõ và dùng đúng, ví dụ chúng ta nói với con mình "Ba luôn DÕI THEO bước đường con đi", tuy nhiên nếu ta thay "DÕI THEO" bằng "THEO DÕI" thì ngữ nghĩa đang từ trạng thái quan tâm yêu thương lo lắng sẽ chuyển ngay qua trạng thái rình mò, dòm ngó, không tin tưởng và vô hình chung làm cho con mình dễ hiểu lầm ý tốt của cha mẹ, hoặc chúng ta nói: "Món quà này thật vô giá!" và nếu chỉ cần thêm một chữ "TRỊ" thôi, tất cả ngữ nghĩa của hai câu nói hoàn toàn khác hẳn..

Ngay trong các văn bản Nhà nước ban hành cũng không chuẩn, ví dụ cụm từ "công bố công khai" (QĐ 97). Khi chúng ta công bố một điều nào đó (hoặc một văn bản pháp luật, một đề tài nghiên cứu khoa học v.v...) nghĩa là thông tin đó được đưa ra công luận rộng rãi, minh bạch thì "công khai" không cần phải "ăn theo" như thế, thí dụ Trường A công bố điểm chuẩn vào lớp 10 năm nay là..., Công ty Z họp báo công bố tình hình tài chính năm... v.v... mà không cần kèm "công khai", hoặc cụm từ "phát sinh thêm" hiện nay cũng khá phổ biến trong các văn bản, báo cáo của các công ty, xí nghiệp, các cơ quan quản lý Nhà nước, thay vì chỉ dùng "phát sinh" là đủ. Cách dùng này phải chăng do tâm lý của người biên soạn văn bản muốn nhấn mạnh (!) hoặc sợ người khác không hiểu ý mình(?).

Các khẩu hiệu, biểu ngữ căng đầy đường (mà một số tác giả đã phân tích trong loạt bài "Tiếng nước tôi") mà người dân nhặt ra hàng loạt "hạt sạn" thậm chí là "hòn đá" trong tiếng Việt là điều mà mọi người - trước hết là những người và các cơ quan có trách nhiệm - cần phải suy ngẫm để không làm xấu xí và ngây ngô trong việc sử dụng tiếng Việt để không chỉ cho dân Việt mà còn cho người nước ngoài đang học tiếng Việt sử dụng sao cho trước hết phải chuẩn, giản dị và sau đó là đẹp, sâu sắc.

Hiều, dùng tiếng Việt chuẩn, trong sáng, đẹp là điều mà các cá nhân và các cơ quan hữu trách phải thực hiện ngay để nhanh chóng giúp cho giới trẻ tránh việc sử dụng mà có vẻ đang ngày một sai lệch. Việc chịu trách nhiệm về những văn bản ban hành đã có trong quy định pháp luật chỉ còn thiếu việc thực hiện nghiêm túc - biện pháp chế tài cụ thể - mà Nhà nước phải áp dụng ngay.

Có những việc ngày hôm nay chúng ta thấy bình thường và dễ cho qua nhưng ngày mai khi hậu quả đã trở nên nghiêm trọng thì có hối cũng đã muộn. Cần phải nhanh chóng lập lại chuẩn tiếng Việt cho hôm nay và mai sau.
Nguyễn Ngọc

Tin liên quan:

Tiếng nước tôi (Tuổi Trẻ)


No comments: