Thursday, December 31, 2009

ĐỘC QUYỀN CỘT ĐIỆN

Độc quyền cột điện,Văn hóa la làng và cái bánh vẽ Thành phố không dây
Đào Tuấn
Đăng ngày: 14:37 28-12-2009
http://vn.myblog.yahoo.com/tuanddk/article?mid=968
Trong những ngày cuối cùng của năm, tranh cãi giữa hai "đại gia" EVN và VNPT đã lên đến đỉnh điểm khi tại hàng loạt các tỉnh, TP: Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau, đặc biệt là tại TP HCM... nhân viên EVN tiến hành chiến dịch cắt bỏ hàng loạt các loại dây nhợ đang "treo chùa" lên cột điện của họ. VNPT thì tới tấp gửi công văn kêu cứu. Bộ Công thương buộc phải yêu cầu EVN tạm ngừng chiến dịch để "ngồi lại với nhau" bàn về chuyện giá thuê cái cột điện. Rất có thể hai ông lớn này sẽ đạt được một cái gì đó, một thỏa thuận để có thể "chung sống hòa bình". Nhưng chính "cái gì đó" sẽ lại làm nặng nề thêm hơn những mối dây nhợ "như búi tóc người điên" trên những cây cột vốn từ hàng chục năm nay đã đè nặng lên đời sống, và cả sinh mạng của những người dân. "Những thỏa thuận" đó sẽ càng làm cho việc hạ ngầm cáp điện, như chỉ đạo của Thủ tướng trở thành "nhiệm vụ bất khả thi" và chủ trương "Thành phố không dây" ở HN trở thành cái bánh vẽ không hơn không kém.

Cách đây vài tháng, khi EVN chính thức thông báo tăng giá thuê cột điện lên 4-8 lần, một quyết định đơn phương của một ngành có cái thế "độc quyền cột điện", thì việc vô vọng trong việc "ngầm hóa rác trời" đã được nhắc đến. “Cùng số tiền thuê cột nhưng có doanh nghiệp mắc 100 sợi cáp, có doanh nghiệp mắc cả ngàn sợi cũng không thể biết được. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp mắc cáp “ké” mà không phải trả tiền... không chỉ vài năm nữa mà ngay cả… 100 năm nữa, hệ thống dây điện của TP.HCM vẫn không thể ngầm hóa” - Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM khi đó đã chua chát bình luận.

Trong số hơn 1 triệu cột điện thì 92 ngàn cột ở Hà Nội và 191 ngàn cột ở TP HCM, những vùng được gọi là "vùng đỏ" mà muốn đụng đến cây cột hay một ô vuông lòng, hè đường phải có dăm loại giấy phép, chục thứ phiền toái, thể hiện rõ nhất cái thế "độc quyền cột điện" của EVN. Cho nên, dù giá cột điện và giá bê tông móng từ năm 2003 đến nay đã tăng từ 3,3 đến 4,4 lần như lý do mà EVN đưa ra, hoặc lập luận "Mức giá cũ đã quá lạc hậu và chỉ mang tính tượng trưng" thì việc tăng giá thuê cao nhất lên đến 8 lần thực chất là cái giá trên trời, mang tính bắt bí và chỉ thể hiện việc lạm dụng sự độc quyền của chủ sở hữu duy nhất những cái cột này.

Nhưng VNPT cũng không vừa. Là "khách hàng" lớn nhất của "Những cái cột điện", VNPT bấy giờ đã "la làng" với lý do cái giá này quá cắt cổ với lập luận việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng, tránh lãng phí tài sản quốc gia, không đầu tư chồng chéo giữa các đơn vị, doanh nghiệp, đảm bảo mỹ quan đô thị... Liên tục sau đó là những lời kêu ca về tình trạng mất liên lạc, mù thông tin của khách hàng của VNPT. Đó là tình trạng mạng Internet của hàng loạt khu vực bị tê liệt. Máy bay bị hoãn, hủy chuyến bị không có "mạng". "Vũ khí khách hàng" đã gây ra sự căng thẳng và sức ép tới mức Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về Công nghệ thông tin đã phải yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công thương để tìm hướng giải quyết dứt điểm về việc thu phí cột điện.

"Văn hóa la làng" của VNPT thể hiện rõ qua ý kiến của Phó Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương), ông Nguyễn Văn Thành: "Trong tất cả các doanh nghiệp thuê cột của EVN để treo cáp thông tin thì chỉ có VNPT là chưa ký hợp đồng với EVN theo giá mới. Bởi vậy, việc tranh chấp xung quanh cây cột điện mấy ngày qua, thực ra chỉ là chuyện giữa EVN và VNPT".

Cũng theo ông Thành, Nghị định 75 quy định việc tổ chức hiệp thương giá được thực hiện với các “Hàng hoá, dịch vụ quan trọng được sản xuất, cung ứng trong điều kiện đặc thù, có tính chất độc quyền mua, độc quyền bán và các bên mua, bán phụ thuộc lẫn nhau không thể thay thế được, thị trường cạnh tranh hạn chế”. Bởi vậy, việc cho thuê cột điện không thuộc đối tượng hiệp thương giá.

Những tranh cãi liên miên cũng như việc "cắt nhầm" cáp thông tin đang thể hiện rằng EVN hầu như đã buông lỏng quản lý trong việc cho thuê cột. Theo tính toán, một cột điện hạ thế chỉ chịu tải trọng tối đa là 360 kg nhưng thực tế, sự quá tải có thể nhìn thấy ngay bằng mắt thường ở hầu hết các cột điện. Rồi thì cũng là "cho thuê" nhưng EVN không thể quản lý được, không thể phân biệt được đâu là cáp của đơn vị đã có hợp đồng, đâu là 30% cáp vô chủ. Bởi vậy, có câu chuyện "Cắt bỏ 10 sợi cáp nhưng không thấy đơn vị nào kêu ca" nhưng cũng lại có chuyện Jestar Pacific kêu ca không thể truy cập lịch trình bay vì cáp internet đã bị cắt nhầm, hoặc 1300 thuê bao của Kỳ Hòa bị "mất Nét" vì chuyện cắt nhầm.

Nhưng câu chuyện "cột điện" chỉ là chuyện nhỏ, bởi với tư duy, hoạch định kiểu "hàng tôm hàng cá" này chỉ thể hiện là chuyện lớn, chuyện "hạ ngầm", xóa "rác trời", dù đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định, cũng không phải chỉ 100 năm mà sẽ chẳng bao giờ có thể thực hiện được.

Theo số liệu của Hà Nội, thì để thực hiện 5 dự án "hạ ngầm", sẽ phải tốn một khoản kinh phí là 213,2 tỷ đồng. Như vậy, mỗi km hạ ngầm sẽ tốn không dưới 10 tỷ đồng. Chuyện tốn kém là cái giá phải trả cho sự buông lỏng trong quản lý của những người chỉ muốn thu ngày càng nhiều lợi nhuận hơn và của cả những người chỉ muốn bán được nhiều sản phẩm mà không muốn phải bỏ một đồng để đầu tư hạ tầng. Hà Nội đã có 5 năm, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định hạ ngầm tất cả các tuyến cáp, đường dây ở Hà Nội, theo thống kê lên tới 144.000 km dây nhợ các loại, trước năm 2010. Nhưng trong ngày cuối cùng của năm 2009, có thể thấy đây quả thực là "Nhiệm vụ bất khả thi" và chủ trương "Thành phố không dây" vào dịp tròn 1000 năm tuổi quả đúng là chuyện bánh vẽ.



No comments: