Sunday, December 27, 2009

TẠI SAO BẮC KINH LẠI SỢ HÃI ÔNG LƯU HIỂU BA ?

Tại sao Bắc Kinh lại sợ hãi ông Lưu Hiểu Ba?
Willy Lam, Asia Sentinel 26/12/08

Phan Lưu Quỳnh phỏng dịch
Tháng Mười Hai 27, 2009
http://baotoquoc.com/2009/12/27/t%e1%ba%a1i-sao-b%e1%ba%afc-kinh-l%e1%ba%a1i-s%e1%bb%a3-hai-ong-l%c6%b0u-hi%e1%bb%83u-ba/
Giết gà để nhát khỉ có lẽ không nhằm nhò gì vào lúc này

Quý vị không thể tìm đâu ra được một nhà bất đồng chính kiến trầm lặng, khiêm tốn, và ôn hoà hơn ông Lưu Hiểu Ba, người vừa mới bị tuyên án 11 năm tù vào ngày lễ Giáng Sinh – cái ngày mà người ta cho là thế giới phương Tây đang nghỉ lễ và không đọc báo.

Là một nhà phê bình văn học, tất cả những gì mà người cựu giảng viên văn học Trung Hoa này đã làm chỉ là viết những bài báo nhẹ nhàng phê phán chế độ của Ðảng Cộng sản Trung Quốc (ÐCSTQ). Sáu bài báo làm cho Bắc Kinh giận dữ -và được trưng ra làm bằng chứng cho cái “tội” là đã “khích động để lật đổ quyền lực nhà nước”, tất cả đã được đăng tải trên các trang web ở nước ngoài, mà người dân Trung Quốc bị ngăn cấm không cho đọc bởi bức tường lửa do nhà nước dựng lên.

Ðúng với sự thật là ông Lưu và một số giáo sư cùng các chuyên gia luật pháp đã thảo ra và đưa lên mạng Internet bản Hiến Chương 08, nhằm kêu gọi nhà cầm quyền hãy cho phép người dân được hưởng các quyền dân sự vốn đã được đề cao trong Hiến pháp Trung Quốc.
Khi Hiến Chương 08 lần đầu tiên xuất hiện cách đây một năm, thì ông Lưu và nhiều bạn hữu đã bị những kẻ chuyên môn đâm bị thóc thọc bị gạo trong giới trí thức Bắc Kinh mắng nhiếc là không đủ dũng cảm để đương đầu với nhà cầm quyền.

Yếu điểm của ÐCSTQ trong vụ kiện cáo ông Lưu có lẽ đã giải thích cho lý do tại sao ông Lưu mặc dù bị an ninh mật vụ nhà nước mời đi làm việc vào lúc trước khi Hiến Chương 08 được công bố vào ngày 7/12/08, thì nhà cầm quyền phải đợi cho đến cuối tháng Sáu năm ngoái mới “chính thức bắt giữ” ông về tội âm mưu lật đổ nhà nước. Cho dù không có “bí mật nhà nước” nào dính đáng đến vụ án của ông Lưu, thế nhưng vợ ông và những người ủng hộ cũng như giới ngoại giao nước ngoài lại không được phép vào tham dự phiên tòa chỉ kéo dài có 2 tiếng đồng hồ được tổ chức vào hôm 23/12.

Và nhà cầm quyền Trung Quốc đã lựa một ngày lễ quốc tế lúc mà nhiều nhà báo ký giả đang nghỉ không làm việc, đồng thời cũng là khi nhiều người ăn mừng lễ không chú ý gì đến tin tức, để đưa ra một thông báo động trời về bản án tù giam được ấn định cho nhà trí thức 53 tuổi này.

Có nhiều lý do tại sao ÐCSTQ lại quá sợ hãi một nhà bất đồng chính kiến lịch lãm biết tự kềm chế, mà những yêu sách của ông ta không bao giờ vượt qua cái mức đòi cải tổ chính trị một cách chậm rãi từng bước một.
Ðầu tiên, giới lãnh đạo dưới quyền Chủ tịch Hồ Cẩm Ðào bị sững sờ trước sức mạnh của Internet như một luồng điện kích thích những tiếng nói đối lập. Chỉ trong vòng hai tháng sau khi Hiến chương 08 được phổ biến, hơn 10 ngàn công dân Trung Quốc đã ký vào bản tuyên ngôn này trên mạng Internet. Những chữ ký không phải chỉ bao gồm các nhà trí thức nhưng có cả thành phần công nhân, giới hưu trí và những người nội trợ. Người ta đã thấy trong hai năm qua có hàng trăm trang blogs, chatrooms và các mạng Facebook lẫn Twitter kiểu Tàu đang đưa ra nhiều tin tức làm cho nhà cầm quyền phải bối rối.
Ðó là lý do tại sao Ủy viên Quốc vụ Mạnh Kiến Trụ, viên chức cao cấp nhất trong ngành công an của Trung Quốc, mới đây đã cảnh báo rằng mạng Internet đã trở thành một “phương tiện quan trọng cho các thế lực chống Trung Quốc thực hiện các hoạt động xâm nhập và phá hoại”

Trừng phạt ông Lưu thật nặng nề là một lời cảnh cáo báo cho cộng đồng sử dụng mạng Internet đang gia tăng nhanh chóng và càng ngày càng bị kiểm soát biết là không nên dùng phương tiện thông tin mới mẻ này để chống lại nhà nước.
Thứ hai, trong khi Bắc Kinh mặc dù đang ngồi trên nguồn dự trữ ngoại hối trị giá 2.2 ngàn tỷ đô la, đã
không bỏ qua bất cứ cái gì để xây dựng một bộ máy công an trị, thì càng lúc càng có thêm nhiều kẽ hở đang xuất hiện trong chiếc áo giáp của họ. Hãy lấy một thí dụ, như vụ bạo loạn xảy ra ở Tây Tạng vào mùa xuân năm 2008 và tại Tân Cương hồi tháng Bảy và tháng Tám năm ngoái. Nhiều tuần lễ trước khi bùng nổ ra các vụ lộn xộn này, thì nhiều đơn vị an ninh nhà nước đã thu nhận được nhiều tin tức tình báo liên quan – và Bắc Kinh đã huy động thêm công an, các toán chống khủng bố, cũng như Công an Nhân dân Vũ trang đến các khu vực bị ảnh hưởng.
Thình lình với con số tử vong cao – cũng như một số các cáo buộc về “những kẻ đánh đập, đập phá, hôi của” – đã tạo ra một vết lõm khá lớn đánh vào uy tín của cơ chế kiểm soát phức tạp của nhà nước.

Thêm nữa, trong khi Bộ chính trị do họ Hồ lãnh đạo đã đổ hàng tỷ Nhân dân tệ vào để củng cố “công cụ phục vụ cho giới lãnh đạo độc tài của giai cấp vô sản”, thì con số đếm được trên toàn quốc về “các sự cố đám đông” – một từ ngữ mập mờ nhằm chính thức ám chỉ các hành động chống chính phủ - trong năm nay được ước lượng lên đến hơn 100,000 vụ.

Ngay cả việc Bộ chính trị đã bắt đầu mất tin tưởng vào lực lượng quân đội, công an, nhân viên an ninh mật vụ và Công an nhân dân vũ trang, được minh chứng bằng sự kiện các đảng viên nòng cốt trong bộ phận bảo vệ an ninh, chẳng hạn như uỷ viên Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang đã điên cuồng làm sống lại những cơ chế cũ kỹ của Cách mạng Văn hóa – và ngôn ngữ

Trong một nỗ lực nhằm phát động một “cuộc chiến tranh nhân dân mới để bảo vệ đảng”, hai ông Chu và Mạnh đã cho tuyển mộ nhiều mật báo viên nhân dân và thành phần quần chúng tự phát để cung cấp tin tức về “những kẻ thù địch với nhà nước” và “tay sai các thế lực chống Trung Quốc ở phương Tây”

Bằng cách áp đặt một bản án nặng nề lên ông Lưu Hiểu Ba, giới lãnh đạo dưới quyền Hồ Cẩm Ðào dường như đang hy vọng ngược lại nguồn hy vọng rằng những thách thức đối với chế độ -được tin rằng là sẽ gia tăng do sự tức giận vì ngăn cách giàu nghèo cũng như một đống những bất công xã hội- sẽ bị chặn đứng.

Nhưng lý do quan trọng nhất tại sao giới cầm đầu ÐCSTQ lại quá lo sợ về -và tức giận với- ông Lưu Hiểu Ba là những lời phê phán chế độ của ông ta hình như không chê vào đâu được. Vị cựu giáo sư cao đẳng này đã ghi nhận rằng hoàn toàn không có cách nào để các biện pháp đàn áp của Bắc Kinh có thể “một cách cơ bản và liên tục chống đỡ được cho cái kết cấu độc tài mà trong đó vô số những rạn nứt đang xuất hiện.”
Ông Lưu Hiểu Ba cũng đổ lỗi cho ÐCSTQ là đang cố tình xử dụng sức mạnh dân tộc để kéo dài cái mệnh trời đang tả tơi của họ.
“Lòng yêu nước chính thức mà chế độ độc tài của ÐCSTQ đang quảng bá”, như ông Lưu viết, là ngang hàng với việc “kêu gọi nhân dân hãy yêu một chế độ độc tài và một đảng độc đoán”. Nhà bất đồng chính kiến đã chỉ rõ ra cho thấy rằng tương lai của Trung Quốc không nằm với “cách hành xử mới của giới cầm quyền” nhưng với “sự lớn mạnh không ngừng của ‘các thế lực’ mới trong quần chúng”.

Cái ngày mà ông Lưu bị tuyên án, hàng ngàn người có cảm tình với ông đã tìm cách nhảy rào qua Bức tường lửa vĩ đại của Trung Quốc để bày tỏ tinh thần ủng hộ cho người anh hùng của họ vào những nơi xa xôi trên mạng Internet, là những nơi đã tránh khỏi được sự theo dõi của nhà nước. Dù sao đi nữa thì bên cạnh hàng triệu công an và mật vụ đang vây quanh, 330 triệu cư dân mạng Trung Quốc càng ngày càng tinh thông hơn trong việc khôn khéo đánh lừa các cơ quan kiểm duyệt.

Thêm nữa, hàng chục người ký tên vào Hiến chương 08 đã tình nguyện cùng đi tù với ông Lưu Hiểu Ba.

Sau khi ông Lưu bị tuyên án, vợ ông, bà Lưu Hà nói rằng ông sẽ 65 tuổi vào lúc được trả tự do vào năm 2020. Nhưng rồi bà Lưu Hà lại nói rằng “Tôi sẽ giữ vững niềm tin như [tôi chắc chắn rằng] ông ấy cũng sẽ giữ vững niềm tin”.

Như Mao Trạch Ðông đã nói, chỉ cần “một tia sét là đốt cháy cả một giải bình nguyên”. Sự bất công to lớn đầy ngu xuẩn đằng sau âm mưu tàn sát của ÐCSTQ đối với ông Lưu Hiểu Ba dường như làm giận dữ thậm chí cả một người đã từ lâu vẫn sợ hãi đến im lặng và khúm núm.
Và Bắc Kinh có lẽ cảm thấy rằng giết một con gà để nhát khỉ có lẽ không nhằm nhò gì vào lúc này.

Phan Lưu Quỳnh phỏng dịch theo
Why is Beijing Afraid of Liu Xiaobo?



No comments: