Tuesday, December 31, 2019

CÂU CHUYỆN ĐẦU NĂM : NGUY CƠ KHỦNG HOẢNG MÔI TRƯỜNG (Nguyễn Quang Dy)




Nguyễn Quang Dy
01/01/2019

Trước thềm năm mới 2020, Việt Nam đứng trước các cơ hội và thách thức khó lường. Muốn “biến nguy thành cơ”, Việt Nam phải đổi mới thể chế và điều chỉnh tư duy chiến lược để tìm cách hoát hiểm. Đối đầu Việt-Trung trên Biển Đông đe dọa chủ quyền quốc gia và các đập thủy điện trên sông Mekong đe dọa sự sống còn của Đồng Bằng Sông Cửu Long. Trong khi đó, nguy cơ khủng hoảng môi trường sống đang đe dọa tương lai Viêt Nam.  


Phần nổi của tảng băng chìm      

“Rạng Đông chưa qua, Sông Đà đã tới” là một câu vè mới của người Hà Nội năm 2019, sau sự cố cháy nhà máy Rạng Đông (28/8/2019) và vụ nước bẩn Sông Đà (10/2019). Vụ cháy nhà máy Rạng Đông đã phát tán ra môi trường 27,2 kg thủy ngân, gây ô nhiễm một góc thành phố. Tuy chưa thể đánh giá chính xác thiệt hại về lâu dài, nhưng vụ cháy này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, vì nguy cơ xảy ra sự cố như Rạng Đông còn khá nhiều.

Vụ cháy Rạng Đông chưa kịp lắng xuống thì vụ nước bẩn Sông Đà lại nổi lên, làm dư luận bức xúc trước nguy cơ ô nhiễm nguồn “nước sạch”. Nhưng cách thức thành phố xử lý nguồn “nước bẩn” như sông Tô Lịch làm dư luận bất bình. Nói cách khác, câu chuyện “nước sạch” hay “nước bẩn” chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Các nhóm lợi ích thân hữu đứng sau thao túng chính sách mới là nguy cơ lớn hơn, như những thế lực khó kiểm soát.  

Chỉ trong vòng hơn một tháng, người Hà Nội phải liên tiếp gánh chịu hậu quả của hai sự cố môi trường là cháy nhà máy Rạng Đông gây ô nhiễm không khí, và đổ dầu thải vào nguồn nước Sông Đà gây ô nhiễm nước sinh hoạt. Hình ảnh người dân Hà Nội xếp hàng lấy nước như thời bao cấp bỗng hiện về ám ảnh cộng đồng. Nhưng điều đáng nói là phản ứng quá chậm của chính quyền trước nguy cơ ô nhiễm môi trường làm khủng hoảng lòng tin.

Liệu vụ Rạng Đông hay Sông Đà có phải là “chuyện nhỏ” sẽ bị lãng quên (như “new normal”), trong khi “chuyện lớn” như Formosa từng gây ra thảm họa môi trường biển Miền Trung (năm 2016) nay cũng bị “chìm xuồng”. Phải chăng tư duy “đặc thù” (exceptionalism) và “tiệm tiến” (gradualism) vẫn là rào cản làm chậm đổi mới vì Viêt Nam vẫn kiên trì theo “định hướng XHCN” (mà người ta gọi là quả bom nhiệt hạch lớn nhất thế kỷ 19).    

Trung Tâm nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận), do Trung Quốc đầu tư 95%, gồm 4 nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá, với tổng công suất 5.600MW. Các ống xả khói và bụi từ bãi xỉ than của nhà máy bị gió biển thổi tới khu dân cư làm ô nhiễm cả một vùng. Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (khánh thành 9/2019) có bãi xỉ than cao hàng chục mét, với hàng chục triệu tấn tro xỉ than được chôn lấp, rất gần khu dân cư và cách quốc lộ 1 hơn 1 km. 
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, mỗi năm một nhà máy điện than xả ra môi trường nhiều loại khí độc hại bao gồm (trung bình) 14.100 tấn SO2, 10.300 tấn NO, 500 tấn hạt PM, và 77 kg thủy ngân. SO2 tạo ra hạt axit trong không khí, có hại cho sức khỏe. Cụm nhiệt điện Vĩnh Tân cũng như dự án thép Formosa hay bauxite Tây Nguyên (Tân Rai & Nhân Cơ) là những “quả bom nổ chậm” đe dọa gây ô nhiễm môi trường với quy mô lớn và lâu dài.

Đó không chỉ là hiểm họa đe dọa cuộc sống người Việt trong tương lai mà đã trở thành hiện thực đe dọa tính mạng người Việt trong hiện tại. Nếu hôm qua người ta không quan tâm đúng mức và có biện pháp khắc phục kịp thời và hiệu quả trước những cảnh báo về ô nhiễm môi trường, thì hôm nay phải trả giá đắt cho những sai lầm và chậm chễ. Đó là quy luật nhân quả trong mối tương quan giữa con người và môi trường, dẫn đến thảm họa.  


Cảnh báo của các nhà khoa học

Gần đây, có 2 nguồn thường được trích dẫn về tình trạng ô nhiễm môi trường: Một là, dự báo chất lượng không khí Hà Nội và khu vực phía Bắc của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) cùng với Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế (IIASA) của Áo. Hai là, báo cáo của đại học Harvard về khí thải tăng lên tại các nhà máy điện chạy than ở Đông Nam Á (Rising Coal-Fired Power Plant Emissions in Southeast Asia). 

Theo nghiên cứu của VAST và IIASA (năm 2015), nguồn lớn nhất thải ra bụi mịn PM2.5 gây ô nhiễm không khí Hà Nội là từ các phương tiện giao thông đường bộ (25%), nguồn thứ hai là nhiệt điện và công nghiệp (20%), nguồn thứ ba là đun nấu và sử dụng sinh khối (15%), nguồn thứ tư là khí thải ammonia trong chăn nuôi và phân bón (15%), nguồn thứ năm là phụ phẩm nông nghiệp (7%). Theo báo cáo này, chỉ 1/3 mức ô nhiễm PM2.5 trong không khí Hà Nội là đến từ phạm vi thành phố, và 2/3 còn lại đến từ các tỉnh lân cận.

Theo dự báo của VAST và IASA (10/2018), nguồn bụi mịn PM2.5 lớn nhất gây ô nhiễm không khí Hà Nội nay đến từ các nhà máy nhiệt điện chạy than (ở phía Đông). Nguồn thải thứ hai là từ các phương tiện giao thông đường bộ. Nguồn thải thứ ba là từ các công trình xây dựng. Theo AirVisual (14/12/2019), chỉ số AQI có bụi mịn PM 2.5 tại Hà Nội là 359, đạt mức ô nhiễm cao nhất thế giới. Cả tuần trước đó, chỉ số AQI liên tục ở mức trên 200 (nhóm 200-300 là mức “rất ô nhiễm”, và trên 300 là mức “nguy hại”, không nên ra đường).  

Theo báo cáo của Harvard, “Nếu không có gì thay đổi, khí thải từ đốt than tại Đông Nam Á sẽ tăng gấp ba lần, nhất là ở Indonesia và Việt Nam”. Ước tính các nhà máy điện than đã gây ra 4.252 cái chết sớm ở Việt Nam (năm 2011) và tăng lên 19.223 (năm 2030). Trong khi đó, Vital Strategies (có trụ sở tại Mỹ), đã phân tích hơn 500.000 bài báo và các bài đăng trên mạng xã hội về ô nhiễm môi trường tại 11 nước thuộc khu vực Nam Á và Ðông Nam Á, cho rằng tình trạng ô nhiễm không khí tại các nước này chủ yếu vẫn là do phương tiện giao thông. Riêng xe máy đóng góp 29% nguồn thải NO, 90% CO, và 37,7% nguồn thải bụi.

Bụi hay hợp chất trong bụi được gọi là PM (particulate matter) trong đó có bụi mịn PM10 và PM 2.5, bao gồm sulfate, nitrat, amoniac, natri clorua, carbon đen, bụi khoáng và nước. Gần đây, tại Việt Nam xuất hiện bụi siêu mịn PM1.0 (dưới 1µm) và bụi nano PM0.1 (dưới 0.1 µm). Theo một nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), nếu mật độ PM10 trong không khí tăng thêm 10 µg/m3 thì tỷ lệ ung thư tăng 22%, và nếu mật độ PM2.5 tăng thêm 10 µg/m3 thì tỷ lệ ung thư tăng 36%.

Bụi mịn PM2.5 và PM10 thường đi vào qua đường hô hấp khi con người hít thở.  PM2.5 đặc biệt nguy hiểm hơn vì chúng bé đến mức có thể luồn lách vào các nang phổi, tĩnh mạch phổi và xâm nhập vào hệ tuần hoàn máu. PM2.5 là nguyên nhân gây ra nhiễm độc máu. Theo Cơ quan bảo vệ Môi sinh Mỹ (EPA), hạt bụi PM2.5 có chứa nhiều kim loại nặng có khả năng gây ung thư, hoặc tác động đến DNA gây đột biến gen. EPA ước tính có đến 4,3 triệu người chết mỗi năm do các bệnh liên quan đến ô nhiễm do bụi mịn PM2.5 và PM10.

Theo công bố của hội thảo “Ô nhiễm không khí - Mối đe dọa sức khỏe cộng đồng” (năm 2017), lượng bụi PM2.5 trung bình (2016) ở TP HCM là 28,23 µg/m3, gấp ba lần tiêu chuẩn của WHO, trong khi tại Hà Nội chỉ số này lên tới 50,5 µg/m3, gấp năm lần so với tiêu chuẩn của WHO, và cao gấp đôi so với quy chuẩn Việt Nam. Hiện nay, ô nhiễm không khí ở Hà Nội chỉ đứng sau New Delhi (là 124 µg/m3) nơi có mức ô nhiễm đứng đầu thế giới.

Theo AirVisual (13/12/2019) Hà Nội đứng đầu 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI ở mức “nâu” (316). Cá biệt tại Tây Hồ chỉ số AQI lên tới 405. Đây là đợt ô nhiễm không khí “khủng khiếp nhất tại Hà Nội từ trước đến nay”. Theo PAMAir, ô nhiễm nghiêm trọng ở khắp miền Bắc Việt Nam, với ngưỡng “tím” (trên 200). Theo các chuyên gia dự báo, hiện tượng nghịch nhiệt sẽ còn tiếp tục đến 3/2020. (Vietnamnet, 14-15/12/2019).


Nhiệt điện và ô nhiễm môi trường  

heo Quy hoạch Điện VII (điều chỉnh) công suất nhiệt điện sẽ là 55.000 MW vào năm 2030, giảm so với kế hoạch ban đầu là 75.000 MW. Nhưng công suất lắp đặt của nhiệt điện ở Việt Nam tăng mạnh, từ 13 GW (2015) lên 18,5 GW (2018). Tính trung bình cả năm, điện than có thể trở thành nguồn đóng góp tăng nhanh nhất nồng độ PM2.5 ở Hà Nội. Đến năm 2030, ngành nhiệt điện có thể đóng góp 20% mức ô nhiễm PM2.5 tại Hà Nội.

Theo Zing (3/2018), ông Trần Văn Lượng (Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp, Bộ Công thương) cho biết trong bối cảnh hiện nay, thủy điện đã đạt tới hạn, điện hạt nhân tạm dừng, các năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) chi phí đầu tư lớn và phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, vì chiếm diện tích lớn, chi phí cho hệ thống truyền tải tăng và trong hệ thống cần nguồn chạy nền để đáp ứng ổn định điện. 

Theo ông Myllyvirta (GreenPeace), “Giảm ô nhiễm được bao nhiêu thì điện than làm ô nhiễm bấy nhiêu”. Mức tăng từ 5 đến 12 microgram/m3 là rất lớn (gần 20%) so với mức tăng trung bình của một ngành. Nếu mức độ ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, phải tìm cách cải thiện chất lượng không khí. Nhưng tiêu chuẩn phát thải của Việt Nam còn cách xa so với tiêu chuẩn tốt nhất (best practice) của quốc tế. Các nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam được phép phát thải gấp 5-10 lần so với các nước đang theo tiêu chuẩn tốt nhất.

Báo cáo Chất lượng Không khí năm 2018 của GreenID cho biết nồng độ PM2.5 trung bình của Hà Nội năm 2018 ở mức 40,1 microgram/m3, gấp 4 lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 10 microgram/m3. Nồng độ PM2.5 vượt xa giới hạn cho phép trong quy chuẩn trung bình của Việt Nam là 25 microgram/m3. Ông Trần Đình Sinh (GreenID) cho biết lượng bụi mịn PM2.5, SOx và NOx hiện nay tăng gấp 6 lần so với năm 2016, và 80% số đó đến từ điện than. Theo ông, cần công khai minh bạch thông tin cho công chúng biết.

Smog (smoke+fog) là khí thải do ô nhiễm gặp sương mù, dưới bức xạ mặt trời gây ra những phản ứng quang hóa tạo thành các “hạt thứ cấp” (secondary particle) và khí độc mới có hại cho cơ thể như nitrogen dioxide (NO2). Khi smog cộng hưởng với thời tiết xấu và địa hình sẽ còn nguy hiểm hơn. Thảm họa môi trường ở London cuối năm 1952 khi “Great Smog” kéo dài nhiều ngày làm 8.000-12000 người chết. Nhưng sát thủ trực tiếp là các khí độc như nitrogen dioxide và hạt PM2.5. Theo Cơ quan Môi trường Châu Âu (EEA) số người chết sớm (premature death) do ô nhiễm không khí ở 40 nước Châu Âu là 432.000 (năm 2012). 

Theo New York Times (2013), 40% hạt mịn PM2.5 là do điện than gây ra ô nhiễm không khí, làm 360.000 người Trung Quốc chết sớm. Theo National Science Review (2016), điện than tại Trung Quốc đã tạo ra các chất phóng xạ và kim loại nặng (như arsen, chì, thủy ngân, crom). Năm 2015, Trung Quốc có 4,3 triệu bệnh nhân ung thư mới, gồm 730.000 trường hợp ung thư phổi. Khoa học đã chứng minh có mối liên hệ chặt chẽ giữa điện than và hạt PM2.5 với ung thư.  Hạt PM2.5 siêu nhỏ có thể thấm qua màng phổi, gây ung thư phổi.

Trước áp lực của quốc tế và trong nước, Tập Cận Bình đã phải ra lệnh ngừng phát triển điện than ở Trung Quốc. Từ 2013 đến 2017, Trung Quốc đã đóng cửa nhiều nhà máy điện than, nên đã giảm được 35% lượng bụi mịn PM2.5 tại Bắc Kinh, từ 89,5 microgram/m³ xuống còn 58 microgram/m³. Nhưng điều đáng nói là Trung Quốc lại chuyển công nghệ điện than lạc hậu sang Việt Nam. Theo Global Energy Monitor, Việt Nam nay xếp thứ 3 trong số các nước đứng đầu về sản lượng điện than, nhưng vẫn xây thêm nhà máy điện than mới.


Gần đây, Hà Nội có nhiều sương mù (smog), do ảnh hưởng bởi 8 nhà máy điện than (từ 600 đến 2300 MW) chủ yếu ở Quảng Ninh và Hải Phòng. Và Sài Gòn cũng bị ảnh hưởng bởi 4 nhà máy điện than Vĩnh Tân (ở Bình Thuận). Điện than sinh ra nhiều khí độc như sulphur dioxide (SO2), nếu hit phải sẽ khó thở và dễ bị các bệnh phổi. Khí Sulphur dioxide được thải ra sẽ phản ứng với VOC tạo ra hạt mịn PM2.5 trực tiếp (carbon đen) và gián tiếp (Sulphur dioxide chuyển thành dạng hạt). Điện than là nguồn cung cấp hạt PM2.5 lớn nhất, và là tác nhân giết người nhiều nhất qua ô nhiễm không khí, vì vậy làm nhiều dự án điện than là tự sát.   


Hà Nội không vội được đâu  

Nhưng giảm điện than trong quy hoạch điện quốc gia rất khó, vì lợi ích nhóm còn mạnh và Trung Quốc muốn đẩy công nghệ điện than lạc hậu sang Việt Nam, trong khi chi phí đầu tư vào năng lượng tái tạo còn cao. Vì vậy, EVN và Bộ Công Thương “vẫn kiên quyết ôm chặt điện than, viện đủ lý lẽ để từ chối năng lượng tái tạo”, bất chấp Nghị quyết 120/NQ-CP, và “nhắm mắt trước xu hướng chung trên thế giới, kể cả Trung Quốc”. Họ đề nghị Thủ tướng “chỉ đạo một số tỉnh phía Nam không được phản đối một số dự án nhiệt điện than”.

Vì vậy, hợp tác với Mỹ để triển khai các dự án điện khí (LNG) là giải pháp khả thi, góp phần làm giảm thâm hụt thương mại với Mỹ, giúp Việt Nam giảm lệ thuộc vào Trung Quốc. Muốn giảm thiểu ô nhiễm không khí, phải kiểm soát được các nguồn phát thải PM2.5 như các nhà máy điện than, các phương tiện giao thông đường bộ, và các dự án xây dựng gây ô nhiễm… Không chỉ kiểm soát để giảm các nguồn phát thải gây ô nhiễm, mà còn phải bảo vệ và bổ xung cho quỹ cây xanh như “lá phổi” của thành phố, và phải xây dựng văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường với các quy chuẩn của “thành phố xanh” và “GDP xanh”.  

Nhưng năm 2014, Hà Nội đã chặt hạ 500 cây xanh trên đường Nguyễn Trãi để phục vụ cho dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc thi công. Dự án đó bị đội vốn và chậm tiến độ đến nay vẫn chưa xong, trở thành một vết nhơ của Hà Nội. Năm 2015, Hà Nội lại lên phương án “chặt hạ và thay thế 6700 cây xanh”, gây ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ làm chấn động dư luận trong nước và quốc tế, nên buộc phải dừng lại.

Trước sức ép dư luận, Sở Xây Dựng Hà Nội đã bị thanh tra và kỷ luật để “rút kinh nghiệm”, nhưng họ đã chặt hàng ngàn cây xanh, làm tổn thương “lá phổi” của thủ đô. Đằng sau quyết định thiển cận đó chắc có bàn tay của các nhóm lợi ích “ăn không từ một cái gì”. Sau khi ăn xong vỉa hè, họ định ăn tiếp cây xanh. Không chỉ cây xanh Hà Nội mà các vườn quốc gia cần được bảo tồn (như Sơn Trà, Bà Nà, Tam Đảo) cũng đang bị các nhóm lợi ích xâm hại để xây dựng các khu nghỉ dưỡng cao cấp, trong cơn sốt bất động sản.      

Kết quả là Hà Nội không còn là một địa chỉ “đáng sống”. Thành phố quá nhiều rác thải và bụi, giao thông thường bị ách tắc do hạ tầng quá tải. Nay đường phố Hà Nội có nơi xuống cấp như đường nông thôn với nhiều “ổ gà” và “sống trâu”, những nắp cống tụt xuống như những cạm bẫy. Nhưng “lá phổi” Hà Nội còn bị tổn thương và bất lực trước ô nhiễm môi trường. Có nhà văn nói “Hà Nội đẹp quá, người ta phá đến thế mà vẫn đẹp”, nhưng có nhà báo lại nói “Hà Nội đang bị quả báo”, phải trả giá sớm cho lòng tham và dân trí thấp. 

Nếu bạn sống ở Hà Nội trong những ngày tháng này, chắc sẽ được cảnh báo là “không nên ra ngoài đường” vì chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) thường xuyên tới mức đỏ (dưới 200) và tím  (trên 200). Ngồi trong nhà nhìn qua cửa kính, người ta thấy bầu trời mù mịt, không nhìn rõ các tòa nhà vì sương mù dày đặc, có chứa bụi mịn PM2.5 và PM10. Thật khủng khiếp khi ô nhiễm không khí đang lặng lẽ giết dần người Việt như “đẳng tử”, nhưng điều đáng buồn là người Hà Nội dường như không sợ chết, chắc vì Hà Nội không vội được đâu!

Ngày 18/12, Chủ tịch Hà Nội họp với các Sở Ban Ngành, và ngày 19/12, Bộ trưởng TN-MT họp bàn giải pháp cấp bách về ô nhiễm môi trường. Theo báo Thanh Niên (20/12/2019) vấn đề cấp bách nhưng giải pháp nhạt nhòa, và báo nhấn mạnh “cả năm qua, người dân ở các đô thị lớn như Hà Nội và tp Hồ Chí Minh gánh chịu nhiều đợt ô nhiễm không khí kéo dài nhưng phải đến tận tháng cuối năm, một vài cơ quan mới tổ chức họp tìm giải pháp”. Đó là phản ứng “quá ít và quá chậm” (too little too late) trước nguy cơ khủng hoảng môi trường.   

Mấy lời cuối

Greta Thunberg là một hiện tượng về sự trỗi dậy của “quyền lực vi mô” (micro power) và sự suy tàn của quyền lực vĩ mô mà Moses Naim đã đề cập (The End of Power, 2013). Thunberg đại diện cho thế hệ trẻ đang làm cho thế giới biến chuyển khó lường, từ Algeria đến Hongkong, và nhiều nơi khác. Thunberg dám lên án và lên lớp các nguyên thủ quốc gia tại diễn đàn LHQ về môi trường (23/9/2019), vừa được Time bình chọn là “nhân vật của năm”.  Trên thế giới, nguy cơ khủng hoảng môi trường do biến đổi khí hậu là một vấn đề lớn.  

Thunberg có 3 thế mạnh cơ bản so với nhiều người khác.: Một là, cô sinh trưởng tại Bắc Âu có nhiều ưu việt. Hai là, cô được hàng triệu người trên thế giới ủng hộ vì dũng cảm lên tiếng bảo vệ môi trường. Ba là, cô còn rất trẻ trong khi lãnh đạo các nước đã già. Nếu xảy ra thảm họa môi trường thì tất cả sẽ bình đằng trước cái chết, nhưng chắc Thunberg sống lâu hơn. Nếu loài khủng long đã bị diệt chủng vì “thiên tai” thì loài người có thể bị diệt chủng vì “nhân họa”, nên họ cần được cảnh tỉnh để chung sức đối phó với thảm họa môi trường.   

Trong khủng hoảng Biển Đông năm 2019, Việt Nam đã cứng rắn hơn, nhưng năm 2020 với tư cách Chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam cần có lập trường rõ ràng hơn để quốc tế ủng hộ. Trước nguy cơ làm nhiều đập thủy điện trên sông Mekong đe dọa sự sống còn của Đồng Bằng Sông Cửu Long, Việt Nam cần xem xét lại kế hoạch PV Power đầu tư (38%) vào dự án thủy điện Luang Prabang. Đây là một sai lầm lớn như “tự bắn vào chân mình”, vì rủi ro động đất ở Bắc Lào rất lớn, Việt Nam sẽ mất uy tín và mắc kẹt vì lập trường thiếu nhất quán, và Trung Quốc sẽ lợi dụng để phân hóa.  

Nhân ngày lễ Christmas, chắc Thiên chúa rất buồn khi biết nhân viên ý tế bệnh viện mang tên Saint Paul đã gian lận cắt đôi que thử HIV và Viêm gan B để lừa gạt bệnh nhân. Trong khi các quan chức cấp cao và đại gia “tham nhũng vĩ mô”, thao túng vụ mua bán AVG để chiếm đoạt hơn bảy ngàn tỷ đồng, thì bệnh viện Saint Paul “tham nhũng vặt” để chiếm đoạt vài chục triệu đồng. Trong khi các quan chức Y tế và VN Pharma nhập thuốc ung thư giả bán cho bệnh nhân, thì các quan chức giáo dục gian lận để thao túng kết quả thi cử. Thể chế có những lỗ hổng để họ tham nhũng toàn diện và triệt để, “ăn của đân không từ một cái gì”.

Thể chế đang ưu tiên kiểm soát chặt chẽ người dân bằng các nguồn lực và công nghệ cao (như “hệ thống tín nhiệm xã hội” tại Trung Quốc), nhưng không kiểm soát được quyền lực của các nhóm lợi ích thân hữu và minh bạch hóa để chống tham nhũng. Nay thể chế có những lỗ hổng và sơ hở để các nhóm lợi ích thân hữu lũng đoạn, làm nạn buôn bán ma túy bùng phát và tội phạm hoành hành. Nếu không cải tổ thể chế thì không thể kiểm soát được quyền lực và không bảo vệ được môi trường sống đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng. 

-------------------------

Tham Khảo

1. Burden of Disease from Rising Coal-Fired Power Plant Emissions in Southeast Asia, Harvard University & Greenpeace International, January 2017.

2. Dự báo chất lượng không khí tại Hà Nội và khu vực phía Bắc Việt Nam, Dự án VAST & IIASA, 10/2018.

3. Trung Quốc đổ hàng tỷ đô vào nhiệt điện than ở Việt Nam, Dân Trí, 23/01/2019.

4. Did Vietnam Just Doom the Mekong? Tom Fawthrop, Diplomat, November 26, 2019

5. Thủy điện Luang Prabang trên vùng động đất Bắc Lào và thảm họa vỡ đập dây chuyền, Ngô Thế Vinh, Người Việt, November 25, 2019

6. Khí thải điện than đang tác động mạnh tới ô nhiễm ở Hà Nội? Zing, 18/12/2019.

7. Bụi mịn Hà Nội ở đâu ra, làm sao để dân không phải hít bụi mịn nữa? Phạm Duy Hiển, VOV, 26/12/2019.

8. Không khí Hà Nội ở ngưỡng rất có hại ngày thứ 7 liên tiếp, Vietnamnet, 14/12/2019

9. Hà Nội ô nhiễm không khí nhất thế giới, Bộ Y tế ra khuyến cáo đặc biệt, Vietnamnet, 15/12/2019

10. Ô nhiễm không khí đã trở nên cấp bách! Thanh Niên, 20/12/2019

11. Bộ Công thương, điện than và Nghị quyết 120/NQ-CP, Nguyễn Ngọc Trân, VietTimes,

28/12/2019 
N.Q.D.
Tác giả gửi BVN




ĐÀI LOAN - HOA LỤC : LÁ CHẮN LUẬT PHÁP NGĂN CHIẾN LƯỢC XÂM NHẬP (RFI / ĐIỂM BÁO)




Tú Anh – RFI / ĐIỂM BÁO
Đăng ngày: 31/12/2019 - 15:45

Thị trường tài chính thế giới tăng kỷ lục trong năm 2019 bất chấp thương chiến Mỹ-Trung, Đài Loan đối đầu chiến lược tuyên truyền nội gián của Bắc Kinh, Kim Jong Un nhìn nhận kinh tế suy sụp, Washington xung đột với Teheran trên chiến địa Irak, Tây phương thất bại tại Lybia là những chủ đề quốc tế trên báo Pháp trong ngày cuối năm dương lịch.

Đài Loan khẩn cấp chống Trung Quốc xâm nhập
Từ hơn nửa thế kỷ qua, Trung Quốc tìm cách chinh phục người dân Đài Loan bằng mọi thủ đoạn. Mối đe dọa này không phải là mới nhưng vì sao Nghị viện Trung Hoa Dân Quốc phải khẩn cấp thông qua đạo luật « chống xâm nhập » vào ngày cuối năm 2019, trước ngày bầu cử tổng thống 11/01/2020 ? Đâu là thế mạnh, thế yếu của Đài Bắc trước áp lực của Bắc Kinh ?

Theo thông tín viên của nhật báo thiên tả Libération tại Đài Bắc, tổng thống Thái Anh Văn và đảng Dân Tiến của bà tại Nghị Viện, nhân cơ hội kiểm sóat hành pháp lẫn lập pháp trước khi phải bầu lại vào ngày 11 tháng 01 tới, thông qua đạo luật « bảo vệ chủ quyền quốc gia, chống các thế lực thù địch sẵn sàng dùng vũ lực đe dọa lãnh thổ ».

Tuy không gọi đích danh Trung Quốc, nhưng rõ ràng chỉ có chế độ Bắc Kinh là đe dọa dùng quân sự « thống nhất » Đài Loan. Theo Libération, khi phải sử dụng đến nền tảng luật pháp bảo vệ chủ quyền, chính quyền Đài Loan nhìn nhận họ bất lực trước chiến lược mới của Trung Quốc được gọi là « Nhuệ Thực Lực » (Sharp Power), hiểm độc hơn quyền lực mềm (Soft Power) .

Facebook : chiến trường khốc liệt
Song song với chiến lược gây sức ép bằng quân sự và cô lập ngoại giao, và « quyền lực mềm » tuyên truyền khuynh đảo, vũ khí mới của Bắc Kinh là tung tin giả và mua chuộc giới chính trị Đài Loan hầu gây chia rẽ trên đất nước của họ : nào bà Thái Anh Văn làm tiến sĩ giả , nào là CIA trả tiền cho dân Hồng Kông biểu tình… Các tin giả càng ngày càng nhiều và được các mạng xã hội, các dư luận viên của Bắc Kinh và các cơ quan báo chí do các tư bản đỏ kiểm sóat quảng bá lên.

Theo một bản báo cáo của đại học Goteborg, Thụy Điển, thì Đài Loan là lãnh thổ bị chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc tấn công mạnh nhất. Facebook là một trong những chiến trường khốc liệt. Chưa hết, ngoài thủ đoạn tấn công, Trung Quốc còn sử dụng chiến thuật xâm nhập, tài trợ ứng cử viên có chủ trương thân Bắc Kinh. Trường hợp ông Hàn Quốc Du bị tố cáo nhận 2,8 triệu đôla để tranh cử đang được tư pháp điều tra, kiểm chứng. Mặc khác, hàng trăm tổ chức tôn giáo, bổng dưng nhận được tiền cúng dường hậu hỉ xây chùa nguy nga, được tặng tượng Phật để rồi tham gia vào vận động bầu cử cho các chính khách của Quốc Dân Đảng.

Theo dân biểu Freddy Lim, Đài Loan cần một đạo luật như Úc để có cơ sở pháp lý để ngăn chận hình thức xâm nhập nội gián này. Ai đứng sau lưng ? Nga hay Trung Quốc ? Một đạo luật chưa đủ nhưng là một bước đầu.

Giới chuyên gia tỏ ra đồng cảm với Đài Loan. Michael Cole, chủ nhiệm nhật báo Taiwan Sentinel, trong cuộc hội thảo về « tuyên truyền đầu độc » do hiệp hội Phóng Viên Không Biên Giới tổ chức tại Đài Bắc hôm thứ Sáu tuần trước cho biết « Đài Loan, cũng như nhiều nước dân chủ khác, phải tổ chức tự vệ. Đảng Cộng Sản Trung Quốc tìm cách khuynh đảo xã hội Đài Loan là chuyện có thật. Chính quyền Đài Loan đang đề nghị những biện pháp bảo vệ nền dân chủ. Khi đối lập lên án đạo luật này sẽ biến Đài Loan thành Bắc Triều Tiên thì đó là một thí dụ điển hình chứng minh là tình trạng tung tin đầu độc đã tràn ngập hải đảo ».

Cũng cùng quan điểm, Les Echos nhấn mạnh đến khẩu hiệu tranh cử của tổng thống mãn nhiệm mà theo thăm dò sẽ tái đắc cử : « Kháng cự Trung Quốc, bảo vệ Đài Loan ».

Tâm lý bài Trung Quốc tăng theo tỷ lệ ủng hộ bà Thái Anh Văn.
Tuy bị các định chế quốc tế theo lệnh Trung Quốc tẩy chay, cho dù ngày càng bị cô lập ngoại giao nhưng Đài Loan có nhiều lợi thế mà Hoa Lục rất thèm thuồng.

Ngoài trữ lượng ngoại tệ, ngoài các trung tâm nghiên cứu khoa học và các đại tập đoàn như TSMC, Hon Hai và các nhãn hiệu điện tóan tầm cỡ quốc tế như Acer, Asus, Đài Loan còn có một kho tàng trí tuệ, nhân tài và vốn đầu tư của nhà nước cũng như tư nhân.

Kim Jong Un và chỉ tiêu 2 triệu du khách cứu kinh tế
Chủ đề Châu Á thứ hai là Bắc Triều Tiên. Kim Jong Un nhìn nhận kinh tế đang bị khủng hoảng nghiêm trọng. Nhưng ngoài những khẩu hiệu quen thuộc như là « khắc phục phấn đấu làm thay đổi cục diện » lãnh đạo tối cao không đưa ra được một chiến lược cụ thể trong bối cảnh tiến trình đàm phán với Washington bị bế tắc.

Theo nhận định của Les Echos, Kim Jong Un không đưa ra được một đề nghị gì mới, không nói rõ là sẽ làm gì nếu Hoa Kỳ không nhượng bộ gì cả trong ngày 31/12/2019, ngày mà Bình Nhưỡng gọi là kỳ hạn của tối hậu thư.

Cũng theo nhật báo kinh tế, trong bối cảnh không được Mỹ, Hàn, Châu Âu trợ giúp, Bắc Triều Tiên chỉ còn kỳ vọng vào ngành du lịch. Nhưng liệu có đạt được chỉ tiêu 2 triệu du khách vào năm 2020 hay không ? Hiện nay, trung bình mỗi ngày có 2000 du khách đến Bắc Triều Tiên mà đa số là dân Hoa Lục. Bình Nhưỡng hy vọng thu hút được một phần nhỏ trong số 150 triệu người Trung Quốc mỗi năm đi du lịch nước ngoài là cũng đủ. Thế nhưng Bắc Triều Tiên thiếu cơ sở đón tiếp và thiếu nhân viên thạo tiếng quan thoại.

Xung khắc Mỹ- Iran có nguy cơ leo thang
Sau vụ Hoa Kỳ oanh kích vị trí của Hezbollah-Irak để trả đũa một vụ tấn công làm một người Mỹ thiệt mạng, Le Figaro và Liberation dự báo Mỹ và Iran sẽ xung đột trên lãnh thổ Irak.

Với tựa « Đằng sau các vụ oanh kích của Mỹ là chiếc bóng xung đột với Iran », Liberation dành một bài dài để phân tích vì sao căng thẳng leo thang. Iran làm mọi cách để « tống 5.200 quân Mỹ » ra khỏi Irak. Trong khi đó, Hoa Kỳ muốn triệt tổ chức Hezbollah- Irak, cánh tay nối dài của lực lượng vệ binh cách mạng Iran, với hơn 100.000 chiến binh Shia tại Irak, đông hơn Hezbollah-Liban ủng hộ Damas.

Le Figaro nói đến lý do chính trị : Phong trào công dân chống tham nhũng ở Liban và tại Irak, ngay trong cộng đồng Shia, lên án thế lực ngày càng mạnh của Hezbollah. Phong trào này đòi hỏi cải cách sâu rộng chế độ chính trị tham ô và bất công, vô tình đi đúng và thuận lợi cho chính sách của Washington tại Irak. Theo một chuyên gia của Atlantic Council, Iran đóan biết Donald Trump không muốn chiến tranh nhưng sai lầm của Iran là không ngờ các nhà quân sự Mỹ biết thích ứng với tình thế.

Tây Phương mất thế lãnh đạo thế giới
Tổng kết tình hình 2019 , bài xã luận cuối năm của La Croix trở lại một thập niên « đen tối ở Trung Đông ». Le Figaro và Le Monde tỏ ra nghiêm khắc khi bình luận về trách nhiệm của Tây phương .

Đối với Le Monde, sự kiện tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị đưa quân vào Lybia là một thất bại lớn của Liên Hiệp Châu Âu. Ankara dựa vào lý do là chính phủ Tripoli, được cộng đồng quốc công nhận nhưng cũng bị chính quốc tế bỏ rơi, phải chao đảo trước nguy cơ tấn công của một lực lượng phản loạn, nên Thổ Nhĩ Kỳ phải can thiệp để ổn định tình hình.

Trang Ý kiến của Le Figaro bi quan hơn khi khẳng định « Tây Phương đã mất thế thượng phong ». Thời kỳ nước Mỹ một mình ngang dọc tung hoành đã qua rồi. Sự kiện hải quân Nga, Trung Quốc và Iran tập trận ngay trong biển Oman chứng tỏ vùng Vịnh không còn là ao nhà của Mỹ. Trong khí đó thì ở Thái Bình Dương, Biển Đông đã biến thành ao nhà của Trung Quốc.

Lỗi này là do ai ?
Từ sau vụ khủng hoảng Ukraina, Nga bỏ Châu Âu sang thuyền khác. Nếu không có Trung Quốc, liệu Matxcơva có bỏ chính sách kết nối với Châu Âu của tổng thống Yeltsin hay không ? Vì thiển cận,Tây Phương mất thế lãnh đạo thế giới trong khi Bắc Kinh có chiến lược dài hạn, với mục tiêu là trở thành siêu cường số một. Theo tác giả, Tây Phương nên tự xét mình. Cứ chia rẽ mãi, có ngày khối Châu Âu cũng không còn.

Trong bầu không khí căng thẳng này cũng có một thông tin phấn khởi trên các báo Pháp : 2019, năm kỷ lục của thị trường chứng khóan. Tuy nhiên, một sự kiện khác kéo độc giả Pháp trở về thực tại : Giao thông công cộng tiếp tục bị xáo trộn đến ngày thứ 26 . Cuộc đọ sức giữa công đoàn và chính phủ kéo dài trong khi chờ đợi phản ứng của tổng thống Macron qua thông điệp đầu năm vào chiều 31.

*
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
.
.







QUAN HỆ MỸ - IRAQ CĂNG THẲNG SAU VỤ OANH KÍCH Ở BẮC BAGHDAD (RFI)




NỘI DUNG :
Minh Anh - RFI
.
VOA Tiếng Việt
.
Mai Vân - RFI

=================================

Minh Anh - RFI
Đăng ngày: 31/12/2019 - 11:09

Hôm nay, 31/12/2019, hàng ngàn người biểu tình tại Irak đã giận dữ tấn công tòa đại sứ Mỹ ở Bagdad sau vụ chiến dịch oanh kích của không quân Mỹ nhắm vào những căn cứ của các lực lượng vũ trang Irak, thân Iran làm 25 người chết.

Dân chúng biểu tình trước đại sứ quán Mỹ tại Bagdad, Irak, phản đối chiến dịch oanh làm 25 người thiệt mạng. Ảnh ngày 31/12/2019. REUTERS/Thaier al-Sudani

Tổng thống Mỹ, Donald Trump ngay lập tức lên án chính quyền Teheran đứng sau vụ tấn công này, đồng thời kêu gọi phía Bagdad phải có các biện pháp bảo vệ đại sứ quán Mỹ.

Trong khi đó, chính quyền Bagdad ngày 30/12/2019 lên tiếng đòi « xem xét lại mối quan hệ và khuôn khổ làm việc » với Washington, hiện đang có đến 5.200 binh sĩ Mỹ đồn trú tại Irak. Chính phủ Irak cho biết sẽ triệu mời đại sứ Mỹ để phản đối. Washington lên tiếng biện minh là đã hành động để bảo vệ « tính mạng các binh sĩ và các nhà ngoại giao của mình ».

Từ Washington, thông tín viên đài RFI, Anne Corpet cho biết thêm chi tiết :

Một quan chức cao cấp Mỹ, xin giấu tên tuyên bố với báo chí rằng ʺđó chỉ là một hành động tự vệ nhằm bảo vệ người Mỹ tại Irakʺ. Người này sau đó còn nói là ʺchính phủ Irak phải có bổn phận bảo vệ người Mỹ hiện đang có mặt trên lãnh thổ nước này. Thế nhưng, Irak đã không có những biện pháp thích đáng để thực hiệnʺ.

Một nhà thầu phụ Mỹ đã bị hạ sát hôm thứ Sáu 27/12/2019 tại Irak và 11 vụ tấn công nhắm vào các căn cứ quân sự nơi đồn trú các lực lượng liên quân đã diễn ra trong những tháng gần đây. Hoa Kỳ quy trách nhiệm các vụ tấn công này cho các phe phái thân Iran và chính họ là những mục tiêu oanh kích của không quân Mỹ.

Washington khẳng định muốn tránh leo thang căng thẳng với Teheran. Thứ trưởng Ngoại Giao phụ trách Trung Đông đánh giá ʺđây là một vụ đáp trả cứng rắn nhưng có chừng mựcʺ. Theo ông, ʺđiều quan trọng là gởi đi một thông điệp rất rõ ràng là chúng tôi coi trọng tính mạng các công dân Mỹ. Nhưng chúng tôi không tìm cách leo thang với Iranʺ.

--------------------------------
.
VOA Tiếng Việt
31/12/2019

Hôm 31/12, vì lý do an toàn, Đại sứ Hoa Kỳ tại Iraq và các nhân viên khác đã được sơ tán khỏi đại sứ quán của họ ở Baghdad, các quan chức Iraq cho Reuters biết, khi hàng ngàn người biểu tình và các chiến binh dân quân tập trung bên ngoài cổng sứ quán lớn tiếng tố cáo các cuộc không kích của Mỹ.

Hôm 31/12/2019, hàng ngàn người biểu tình và các chiến binh dân quân tập trung bên ngoài cổng sứ quán Mỹ ở Iraq.

Trước đó, hôm 29/12, các máy bay của Hoa Kỳ đã tấn công vào các căn cứ thuộc lực lượng dân quân Kataib Hezbollah được Iran hậu thuẫn, một động thái có nguy cơ kéo Iraq vào một cuộc xung đột giữa Washington và Tehran, giữa lúc các cuộc biểu tình rầm rộ đang thách thức hệ thống chính trị Iraq.

Cuộc tấn công của Hoa Kỳ nhằm vào lực lượng dân quân Kataib Hezbollah là để trả đũa vụ giết chết một nhân viên dân sự là công dân Hoa Kỳ trong một cuộc tấn công bằng rocket vào một căn cứ quân sự của Iraq.

Bên ngoài đại sứ quán, những người biểu tình đã ném đá vào cổng trong khi những người khác hô vang: “Đả đảo Hoa Kỳ! ... Đả đảo Trump!” Lực lượng đặc biệt của Iraq đã được triển khai xung quanh cổng chính để ngăn họ vào đại sứ quán.

Chỉ huy dân quân Jamal Jaafar Ibrahimi, còn được gọi là Abu Mahdi al-Mohandes, và lãnh đạo nhóm Badr Hadi al-Amiri cũng có mặt trong cuộc biểu tình.

Ông Abdul Mahdi đã lên án các cuộc không kích của Hoa Kỳ khiến ít nhất 25 chiến binh thiệt mạng và 55 người bị thương.

Bộ Ngoại giao Nga ngày 30/12 tuyên bố rằng các cuộc không kích của Mỹ tại Iraq và Syria là phản tác dụng và kêu gọi tất cả các bên tránh làm leo thang căng thẳng trong khu vực, theo Reuters.

Lầu Năm Góc ngày 29/12 tuyên bố cuộc không kích vào lực lượng Kataib Hezbollah ở miền tây Iraq và đông Syria là nhằm đáp trả vụ tấn công vào căn cứ K1 ở Iraq hôm 27/12, khiến 1 nhân viên dân sự Mỹ thiệt mạng và 4 người bị thương. Căn cứ K1 là nơi đóng quân của lực lượng Mỹ và Iraq.

*
Dec 31, 2019



------------------

LIÊN QUAN
Mai Vân - RFI
Đăng ngày: 30/12/2019 - 14:48

Quân đội Mỹ vào hôm qua, 29/12/2019, đã tiến hành một loạt phi vụ oanh kích ở Irak và Syria, nhắm vào lực lượng Hezbollah thân Iran. Chiến dịch được tung ra sau một vụ pháo kích bằng rocket ở phía bắc Bagdad, làm một lính Mỹ thiệt mạng hôm thứ Sáu 27/12 vừa qua. Chiến dịch hôm qua đã sát hại 19 người trong lực lượng Hezbollah. Bộ Quốc Phòng Mỹ hoan nghênh chiến dịch trả đũa thành công.

Thông tín viên RFI, tại New York, Loubna Anaki tường thuật :

"Các đợt không kích do chiến đấu cơ Mỹ thực hiện đã nhắm vào 3 địa điểm ở Irak và hai ở Syria. Theo Lầu Năm Góc, những nơi bị oanh kích đều có căn cứ và kho vũ khí của của lực lượng gọi là lữ đoàn của Hezbollah, được Iran yểm trợ. Hơn một chục chiến binh trong lực lượng đã bị chết hoặc bị thương.

Chiến dịch đã được tổng thống Mỹ phê chuẩn vào hôm thứ Bảy sau khi một căn cứ ở Irak có lực lượng Mỹ đồn trú bị tấn công: 36 quả rocket đã rơi xuống địa điểm này gần Kirkouk phía bắc Bagdad, giết chết một nhân viên người Mỹ và làm bị thương 6 người lính.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết là đợt oanh kích hôm Chủ Nhật chỉ là bước khởi đầu, nếu lực lượng thân Iran không chấm dứt các cuộc tấn công. Lời cảnh cáo của Mỹ đã không ngăn chặn được 4 quả rocket khác bắn vào một căn cứ khác có lính Mỹ trú đóng.

Những vụ tấn công nhắm vào các cơ sở có người Mỹ đã diễn ra từ nhiều tuần lễ qua ở Irak : 11 cuộc tấn công trong vòng 2 tháng.

Ngay cả đại sứ quán Mỹ nằm trong khu vực xanh ở Bagdad, nơi mà an ninh cực kỳ chặt chẽ, cũng đã bị nhắm.

Cách đây vài tuần, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã cảnh cáo là Iran sẽ phải chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công do các nhóm vũ trang có liên hệ với chế độ tiến hành."

*
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
.
.







QUỐC HỘI MỸ KIÊN QUYẾT VẠCH MẶT TRUNG QUỐC TRÊN VẤN ĐỀ TÂN CƯƠNG (Mai Vân - RFI)




Mai Vân - RFI
Đăng ngày: 31/12/2019 - 10:13

Sau khi đã thành công trong việc “thúc ép” tổng thống Mỹ Donald Trump ký luật mà họ đã thông qua, cho phép trừng phạt các quan chức Trung Quốc và Hồng Kông chịu trách nhiệm về những vụ vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông, Quốc Hội Mỹ đang chuẩn bị một ngón đòn thứ hai đánh vào Bắc Kinh, lần này trên vấn đề Tân Cương. Cách thức tiến hành cũng giống như trường hợp bộ luật về Hồng Kông, tức là đảm bảo sao cho dự luật được thông qua với một đa số rộng rãi đến mức mà dù muốn phủ quyết, nhưng tổng thống Trump sẽ không thể làm nếu không muốn lâm vào cảnh quyết định của ông bị Quốc Hội bác bỏ đúng theo quy định của luật pháp Hoa Kỳ.

Ảnh minh họa : Biểu tình đòi Trung Quốc trả tự do cho người Duy Ngô Nhĩ bị giam cầm. Ảnh tại Vancouver Canada, ngày 08/05/2019. REUTERS/Lindsey Wasson/File Photo

Trong bài phân tích mang tựa đề “Quốc Hội (Mỹ) muốn buộc ông Trump mạnh tay trên vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc và xa hơn nữa”, nhật báo Mỹ The New York Times ngày 27/12/2019 đã nêu bật kế hoạch của giới lập pháp Mỹ là sẽ thông qua một đạo luật - mà tổng thống không thể phủ quyết - ngay vào năm 2020 nhằm trừng phạt Trung Quốc về việc đối xử vô nhân đạo với người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Cả hai đảng đều đồng lòng chống Trung Quốc

Theo tờ báo Mỹ, trong một động thái thể hiện sự đồng thuận lưỡng đảng hiếm hoi, các nghị sĩ thuộc cả hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đang lên một kế hoạch nhằm cố gắng buộc tổng thống Trump có lập trường cứng rắn hơn về nhân quyền ở Trung Quốc, và sẵn sàng ký luật trừng phạt các quan chức hàng đầu Trung Quốc về tội đã giam giữ hơn một triệu người Hồi Giáo trong các trại giam được gọi một cách mỹ miều là trại huấn nghệ.

Sở dĩ Quốc Hội Mỹ phải suy tính đến việc thúc ép và trói buộc ông Trump, đó là vì họ càng lúc càng thất vọng trước việc đương kim tổng thống Mỹ không sẵn sàng thách thức Trung Quốc về các vi phạm nhân quyền, mặc dù trong năm đã có biết báo báo cáo, phúc trình cụ thể, nêu rõ các hành vi tàn bạo của Bắc Kinh đối với người Hồi Giáo ở Tân Cương. Thậm chí ông Trump còn không muốn nêu những vấn đề này ở cấp độ thế giới.

Để thúc đẩy ông Trump hành động đối với Trung Quốc, các nhà lập pháp có kế hoạch thông qua đạo luật trừng phạt Bắc Kinh về tội đàn áp người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ, với một đa số ủng hộ rộng rãi để buộc tổng thống phải ký nếu không muốn bị Quốc Hội qua mặt trước cuộc bầu cử năm 2020.

Một phiên bản của dự luật, mang tên Đạo luật Chính Sách Nhân Quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ (Uighur Human Rights Policy Act), đã được cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện thông qua trong năm nay, nhưng con đường đến Nhà Trắng đã gặp trở ngại do vấn đề thủ tục.

Theo New York Times, vấn đề nhân quyền giành được sự đồng thuận lưỡng đảng hiếm có trong Quốc Hội Mỹ, và nhiều nghị sĩ thuộc đảng Cộng Hòa đã bất đồng ý kiến với tổng thống Trump về vấn đề này, cho dù họ luôn luôn ủng hộ ông trên gần như mọi vấn đề khác, kể cả viêc bảo vệ ông chống lại thủ tục luận tội để truất phế.

Theo ghi nhận của thượng nghị sĩ Marco Rubio, thuộc đảng Cộng Hòa ở bang Florida, thì một số người cho rằng chính quyền đã lơ là vấn đề nhân quyền trong chính sách đối ngoại rộng lớn hơn. Suy nghĩ đó có thể là không đúng, nhưng rõ ràng là số người nghĩ như vậy đã tăng lên và họ cho rằng Quốc Hội cần phải can dự vào hồ sơ này.

Vào tháng 11 vừa qua, Quốc Hội đã nhất trí thông qua luật ủng hộ các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, buộc ông Trump phải ký dự luật. Là người từng nói rằng ông là người “đứng bên” lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trump có nguy cơ bị Quốc Hội phản bác và bị chỉ trích là yếu kém đối với Trung Quốc nếu ông phủ quyết luật về Hồng Kông.

Ông Trump do đó đã phải ký ban hành dự luật, tuy nhiên, ông đã đưa ra một tuyên bố cho biết rằng ông sẽ vận dụng đặc quyền của hành pháp trong việc thực thi các điều khoản của đạo luật mà ông buộc phải ký.

Nhân quyền Trung Quốc: Vấn đề mà tổng thống Mỹ xem nhẹ

Một số vấn đề nhân quyền thu hút sự ủng hộ của lưỡng đảng mạnh hơn là những vấn đề khác, và Trung Quốc nằm trong diện này. Số người cứng rắn với Trung Quốc ngày càng đông cả ở trong Quốc Hội lẫn trong chính quyền, trong lúc tỷ lệ người dân coi Trung Quốc là mối đe dọa ngày càng tăng.

Mặc dù Phó Tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về cuộc đàn áp người Hồi Giáo, bản thân ông Trump hầu như không nói gì.
Vào tháng 7 vừa qua, Jewher Ilham, con gái của Ilham Tohti, một giáo sư người Duy Ngô Nhĩ bị Trung Quốc kết án tù năm 2014, đã cùng với các nạn nhân bị đàn áp tôn giáo khác đến gặp ông Trump trong Phòng Bầu Dục. Khi cô cố gắng giải thích các trại cho ông Trump, ông tỏ ra không biết gì về tình hình…

Bà Sophie Richardson, giám đốc phụ trách Trung Quốc tại tổ chức bảo vệ nhân quyền HRW châm biếm: “Tìm được bằng chứng về mối quan tâm thực thụ của ông Trump đối với vấn đề nhân quyền thật là khó”. Theo chuyên gia này, về Trung Quốc, tối thiểu ra là tổng thống Trump nên ngừng việc mô tả một lãnh đạo độc đoán, hà khắc như là một “anh chàng tuyệt vời” vì làm như vậy tức là cho chính quyền Trung Quốc cơ hội lựa chọn giữa đặc tính được ông Trump mô tả với những nhận xét nghiêm khắc hơn đến từ các quan chức cấp cao khác của Hoa Kỳ.

Ông Trump, người đã chỉ trích Trung Quốc về các hoạt động kinh tế của mình, đã kiềm chế không áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về các trại giam ở Tân Cương vì sợ gây nguy hiểm cho cơ hội đạt được thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh.

Nhiều cộng sự viên hàng đầu và các nhà lập pháp từ cả hai đảng đã thúc đẩy các biện pháp trừng phạt, nhưng Bộ Tài Chính đã phản đối. Đạo luật Duy Ngô Nhĩ, do thượng nghị sĩ Rubio và dân biểu Christopher H. Smith (đảng Cộng Hòa ở bang New Jersey) bảo trợ, sẽ buộc ông Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ông Trần Toàn Quốc, quan chức hàng đầu của Đảng Cộng Sản ở Tân Cương, nơi có các trại.

Vào tháng 10, chính quyền Trump đã đưa một số doanh nghiệp và tổ chức an ninh Trung Quốc vào danh sách đen về thương mại vì vai trò của họ trong các vụ truy bức người Hồi Giáo, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng đó là một hình phạt quá nhẹ.

*
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
.
.
.







HỒNG KÔNG KHỞI ĐỘNG CUỘC BIỂU TÌNH NĂM MỚI "DẤN TỚI 2020" (Thụy My - RFI)




Thụy My - RFI
Đăng ngày: 31/12/2019 - 11:32

Những người đấu tranh Hồng Kông hôm nay 31/12/2019 bắt đầu cuộc biểu tình nhân dịp giao thừa Tết dương lịch tại nhiều nơi trong thành phố, cổ vũ người dân không từ bỏ cuộc chiến vì dân chủ trong năm 2020. Trong khi đó chính quyền huy động trên 6.000 cảnh sát để đối phó.

Người biểu tình xuống đường để tưởng nhớ những người chết, bị thương trong những tháng đấu tranh tại Hồng Kông. Ảnh tai Quảng trường Edinburgh, Hồng Kông, 30/12/2019. REUTERS/Lucy Nicholson

Reuters dẫn thông tin từ mạng xã hội cho biết người biểu tình được kêu gọi mang mặt nạ trong cuộc tập họp mang tên « Không quên 2019 – Dấn tới 2020 ». Một số sự kiện khác như « Suck the Eve » (Con đường đêm trừ tịch), « Shop with You » (Mua sắm với bạn) dự kiến diễn ra tại quận Lan Quế Phường (Lan Kwai Fong) ở khu trung tâm tài chính, gần cảng Victoria, và tại nhiều trung tâm mua sắm lớn.

Trong một thông điệp video giao thừa, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) nói rằng hơn sáu tháng phản kháng đã gây ra những buồn phiền, lo lắng, thất vọng và giận dữ. Trưởng đặc khu Hồng Kông  kêu gọi : « Hãy khởi đầu năm 2020 với một giải pháp mới, tái lập trật tự và hòa hợp trong xã hội. Chúng ta có thể cùng nhau bắt đầu lại ».

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tối nay cũng kêu gọi ổn định, cho rằng một môi trường hòa bình, hòa hợp là điều cốt yếu cho sự thịnh vượng của Hồng Kông.

Tuy nhiên một người biểu tình nói với hãng tin Anh : « Giải phóng Hồng Kông, cách mạng thời đại là lời chúc Năm Mới của tôi. Chúng tôi đã đấu tranh suốt một thời gian dài như thế nhưng chính quyền vẫn không chịu lắng nghe. Nếu không tham gia phong trào, chúng tôi sẽ mắc nợ những người đồng chí hướng đang ở trong tù ».

Theo South China Morning Post, hơn 6.000 cảnh sát được huy động hôm nay. Người biểu tình và các tổ chức nhân quyền luôn chỉ trích cảnh sát sử dụng bạo lực, từ đầu phong trào đến nay đã có hơn 6.500 người bị bắt.

Ngày mai đầu năm dương lịch, dự kiến khoảng mấy chục ngàn người sẽ tham gia một cuộc biểu tình lớn, đã được cảnh sát cho phép. Ban tổ chức hy vọng duy trì sức bật của phong trào khi bước sang năm mới.

Cuộc biểu tình trước đó cũng do Mặt trận Nhân dân về Nhân quyền tổ chức vào đầu tháng 12 đã thu hút được ít nhất 800.000 người xuống đường. Ông Sầm Tử Kiệt (Jimmy Sham), một trong những lãnh đạo của Mặt trận tuyên bố : « Vào ngày đầu năm mới, cần phải chứng tỏ tình liên đới để chống lại chính quyền. Chúng tôi hy vọng người dân Hồng Kông sẽ xuống đường vì tương lai của Hồng Kông ».

Trong bối cảnh phong trào phản kháng rục rịch biểu tình nhân dịp Năm Mới, South China Morning Post  Newsweek hôm qua cho biết quân Trung Quốc trú đóng hôm thứ Sáu đã tập trận tại cảng Hồng Kông. Chiến hạm, khinh hạm, trực thăng vũ trang, bộ binh và lính đặc nhiệm cùng tham gia cuộc tập trận trên không và trên biển, mà theo các nhà phân tích, nhằm chứng tỏ sẵn sàng đối phó với « các cuộc tấn công khủng bố ».

*
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
.
.
.

------------------------------------------

VOA Tiếng Việt
31/12/2019

Kết quả một cuộc khảo sát cho biết có đến 59% người dân Hong Kong ủng hộ phong trào biểu tình đòi dân chủ, và hơn 1/3 số người được khảo sát cho biết họ đã từng tham gia một cuộc biểu tình chống chính quyền, theo Reuters hôm 31/12.

Cuộc khảo sát trên do Viện Nghiên cứu Dư luận Hong Kong (Hong Kong Public Opinion Research Institute), phối hợp với hãng tin Reuters.

Kết quả khảo sát cho biết chỉ có 30% phản đối các cuộc biểu tình.

57% trong số những người tham gia cuộc khảo sát cho biết họ ủng hộ việc Đặc khu trưởng Hong Kong cần phải từ chức. Bà Lam là một mục tiêu cụ thể của các cuộc biểu tình chống chính quyền đã làm đình trệ thành phố này trong gần suốt cả năm 2019 sau khi bà cố gắng thúc đẩy dự luật dẫn độ gây tranh cãi.

Tuy nhiên, chỉ có 17% số người tham gia khảo sát bày tỏ ủng hộ việc tiến tới Hong Kong độc lập khỏi Trung Quốc và 20% phản đối chính sách “một quốc gia, hai chế độ” hiện hành.

Nhiều người biểu tình nói rằng Bắc Kinh đã tận dụng thẩm quyền của mình theo cơ chế trên để dần dần phá hoại các quyền tự do nhất định - như quyền tư pháp độc lập và tự do ngôn luận - đáng lẽ phải được đảm bảo ít nhất cho đến năm 2047 theo thỏa thuận.

Cuộc thăm dò này lấy ý kiến của 1.021 người, được thực hiện từ ngày 17-20/12, cho thấy phần đông nói rằng cuộc khủng hoảng đang diễn ra chủ yếu do chính quyền Hong Kong, chứ không phải chính phủ trung ương ở Bắc Kinh, gây ra.
2