Wednesday, December 30, 2009

TRUNG QUỐC và VIỆT NAM CẠNH TRANH TẠI LÀO

Trung Quốc và Việt Nam chuyển thế tiến công vào Lào
Đăng bởi anhbasam on 30/12/2009
http://anhbasam.com/2009/12/30/413-trung-qu%e1%bb%91c-va-vi%e1%bb%87t-nam-chuy%e1%bb%83n-th%e1%ba%bf-ti%e1%ba%bfn-cong-vao-lao/
ASIA TIMES
Bài của
Brian McCartan
Ngày 30-8-2008
Những ảnh hưởng đang lớn dần của Trung Quốc tại nước Lào giàu tài nguyên đã được một số người coi như biểu hiện làm phương hại tới những mối quan hệ chặt chẽ với Việt nam, vốn từ lâu đã là nhà bảo trợ chính và đảm bảo an toàn trên thực tế cho Lào. Điều chỉnh chính sách ngoại giao là một phần trong nỗ lực của đất nước nằm sâu trong đất liền này nhằm hòa nhập đầy đủ hơn về kinh tế với khu vực và cho tới lúc này đã đáp ứng tốt cho những quyền lợi của mình.
Lào có ý nghĩa quan trọng chiến lược ngày càng tăng đối với cả Trung Quốc và Việt Nam, hai trong số những quốc gia đang phát triển nhanh nhất Á châu. Các nguồn lợi của Việt Nam nằm chủ yếu trong vùng đất được đảm bảo an toàn trải dài trên tuyến biên giới giáp với Lào và tuyến đường đang phát triển mạnh hơn tới các thị trường ở Thái Lan. Đối với Trung Quốc, Lào cung ứng tuyến đường đang lớn dần cho việc xuất khẩu các sản phẩm tới vùng Đông nam Á rộng lớn, đặc biệt từ những khu vực nằm sâu trong đất liền phía tây nam xa xôi và kém phát triển hơn của Trung Quốc.
Cả hai quốc gia này đều có một mối quan tâm lớn dần đối với tài nguyên thiên nhiên phong phú và phần lớn chưa khai thác, các sản phẩm nông nghiệp và thủy điện của Lào nhằm cung ứng nhiên liệu cho nền kinh tế đang phát triển của mình.
Một số nhà phân tích ở đây dự đoán rằng cán cân quyền lực bên trong Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (LPRP) có thể sớm chuyển hướng về phía Trung Quốc với lối xử sự hậu hĩ, khi những nhà lãnh đạo kỳ cựu của Lào lu mờ dần trên chính trường và ban lãnh đạo trẻ hơn, am hiểu kinh tế thị trường hơn, ít trải qua giai đoạn cách mạng cộng sản, nắm lấy các vị trí quyền lực.
Mặc dù 10 trong số 11 ủy viên thường vụ bộ chính trị nói tiếng Việt trôi chảy – một dấu hiệu cho thấy những mối gắn kết sâu sắc của họ với Hà Nội và ban lãnh đạo chính trị nước này – số cán bộ nòng cốt trung cấp đang nổi lên hầu như ít học tập ở Việt Nam hơn trong khi một số lượng ngày càng đông đã và đang học tập tại Liên Xô cũ, Trung Quốc hoặc các nước khác.
Việc bổ nhiệm Thủ tướng Lào Bouasone Bouphavanh tại Đại hội Đảng lần thứ Tám năm 2006 được nhiều người cho là sự bắt đầu của một bước chuyển dịch theo ảnh hưởng của Trung Quốc hơn lên chính phủ nước này. Sinh năm 1954, ông từng là một nhà hoạt động 21 tuổi trong phong trào sinh viên và không phải là một cựu binh trong chiến tranh cách mạng khi những người cộng sản giành được chính quyền ở nước này năm 1975. Sau đó ông đã sang học tập tại Liên Xô thay vì Hà Nội.
Trong hiện thực rõ ràng của sự thay đổi này, Trung Quốc đã nắm lấy và thực hiện một chiến lược ngoại giao dài hạn đối với Lào. Thay vì tận dụng lực đòn bẩy bằng thế mạnh thương mại của mình, Bắc Kinh đang đồng thời nuôi dưỡng những lãnh đạo trẻ hơn của Lào thông qua các chương trình đưa họ sang Trung Quốc để huấn luyện nghề nghiệp, ý thức hệ và quân sự. Những động thái này được thực hiện trong trạng thái chuẩn bị cho một thời hoàng kim đang qua đi khi đội cận vệ già thân Việt Nam lui dần khỏi chính trường.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Asia Times Online, người phát ngôn của Lào ông Yong Chanthalangsy đã cho thấy khía cạnh thực dụng trong tư tưởng của Lào. Lưu ý rằng Trung Quốc hiện là cường quốc mới đang nổi lên trong khu vực, ông nói, “Cởi mở và hòa nhập trong khu vực tốt hơn là cuộc Chiến tranh Lạnh trong quá khứ bị áp đặt bởi một số cường quốc. Khi Lào đã là một phần của một vành đai an ninh, nó đã đi theo và lãnh hậu quả ba mươi năm chiến tranh.”
Mặc dù đề cập tới cuộc Chiến tranh Đông Dương dài lâu và ác liệt hơn với Hoa Kỳ, và trước đó với Pháp, nhưng có lẽ không thể chối cãi được là ông đã ám chỉ đến kỷ nguyên của những mối quan hệ giá lạnh giữa Lào và Trung Quốc trong khoảng thời gian giữa những năm 1975 và 1988. Giờ đây, khi các quốc gia cựu cộng sản trong khu vực cải cách nền kinh tế kế hoạch hóa từ trung ương của mình bằng các chính sách hướng thị trường hơn, nhu cầu giao thương đang đánh giá lại cách thức tương tác với nhau trong khu vực, trong đó có với Lào.

Xác định vị trí mang tính thương mại
Giờ đây Lào đang háo hức nâng địa vị lên như là “xứ sở của sự nối kết” thay vì là “đất nước nằm sâu trong đất liền”, làm nổi bật vai trò đầy tiềm năng của mình như một ngã tư giao thương giữa Trung Quốc và Đông nam Á. Theo người phát ngôn Yong, “Lào đã và đang phải chịu nhiều khó khăn gian khổ bởi vị trí biệt lập sâu trong nội địa. Việc kết nối với trong vùng chỉ có thể mang lại những gì tốt đẹp cho Lào.”
Quan điểm này nói lên một điều rằng Lào hiểu rõ những giá trị trong việc đa dạng hóa đường lối ngoại giao của mình rời xa khỏi sự nhờ cậy vào Việt nam theo truyền thống. Hành động giữ cân bằng cũng đã được mở rộng ra với các nhà bảo trợ một thời ở phương Tây: trong khi kiên định chấp nhận những khoản đầu tư và viện trợ để thúc đẩy nền kinh tế, tạo công ăn việc làm và nâng cao mức sống, cùng lúc, chính phủ cũng muốn tránh né những điều kiện cho sự thay đổi về hiện tình chính trị và tăng cường tính minh bạch trong thủ tục hành chính thường giúp đẩy mạnh nguồn viện trợ đó.
Mặt khác, các khoản đầu tư từ Trung Quốc và Việt Nam đều không cần điều kiện ban đầu. Theo một nghiên cứu chuyên đề năm 2005 của tổ chức danh tiếng Martin Stuart-Fox, những quan tâm chiến lược nhất của Trung Quốc và Việt Nam không phải là làm cho LPRP mất hết độc quyền lãnh đạo chính trị và với sự hỗ trợ thương mại của cả hai quốc gia này đang làm cho LPRP có được ít cơ may khởi đầu những cải thiện chính trị.
Mối quan hệ mật thiết của Việt Nam với Lào xuất phát từ cội nguồn của hai đảng cộng sản hai nước từ Đảng Cộng sản Đông Dương trong những năm 1930. Mối quan hệ này được thắt chặt hơn nữa trong ba mươi năm đấu tranh chống thực dân Pháp và rồi với một chế độ có sự hậu thuẫn của người Mỹ và cuối cùng bị lật đổ vào năm 1975.
Quân đội Lào và Việt Nam cộng sản đã cùng sát cánh chiến đấu trong suốt các cuộc chiến tranh này; tuyến đường vận chuyển hàng hóa của Bắc Việt Nam thời kỳ đó – Đường mòn Hồ Chí Minh – chạy qua miền đông lãnh thổ Lào, và đã được sử dụng hiệu quả trong cuộc chiến của Bắc Việt chống lại chính quyền Nam Việt Nam được Hoa Kỳ ủng hộ. Lực lượng nòng cốt cộng sản Lào đã được đào tạo tư tưởng và quân sự tại Hà Nội, trong khi sự dính líu của Trung Quốc vào cuộc chiến tại Lào chỉ hạn chế trong việc mở tuyến đường tại các vùng đất phía bắc nước này.
Năm 1977, Lào và Việt Nam đã gia nhập một Hiệp ước Hợp tác và Hữu nghị chính thức Lào-Việt trong hai mươi lăm năm, làm cơ sở cho những gì mà hai bên đã coi như là một “mối quan hệ đặc biệt”. Hành động đứng về phía Liên Xô chống lại Trung Quốc của Việt Nam trong một cuộc tranh cãi về chủ thuyết đã làm cho các mối quan hệ giữa đồng minh Lào của nước này với Trung Quốc cũng lạnh giá đi. Các mối quan hệ đã trở nên tồi tệ hơn khi Việt Nam xâm chiếm Cambodia vào cuối năm 1978 và Trung Quốc đã mở một cuộc xâm lăng có giới hạn vào vùng phía bắc Việt Nam cuối năm 1979.
Các quan hệ song phương giữa Lào và Việt Nam vẫn khăng khít mặc dù liên minh 1977 thừa nhận chấm dứt vào năm 2002. Các quan hệ mang tính cá nhân giữa các nhà lãnh đạo hai nước Lào và Việt Nam vẫn đủ vững chắc về mặt chính trị cho “mối quan hệ đặc biệt” được tiếp tục. Hệ thống truyền thông do nhà nước Lào quản lý chứa đựng hầu hết tin tức hàng tuần của hoạt động hợp tác song phương về kinh tế xã hội, văn hóa và quân sự giữa hai quốc gia. Những khẩu hiệu được dăng khắp nơi trên đất nước Lào mừng kỷ niệm lần thứ 45 thiết lập quan hệ ngoại giao và 30 năm Hiệp định Hợp tác và Hữu nghị Lào-Việt.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn là bạn hàng lớn thứ nhì trong trao đổi thương mại với Lào. Ủy ban Hợp tác Việt-Lào đã cho biết vào tháng Bảy rằng buôn bán hai chiều giữa hai nước đã đạt 240 triệu đô la trong nửa đầu năm nay, tăng 58% năm. Hai nước đã bắt đầu cho một mục tiêu chung nhằm đạt được trao đổi thương mại song phương 1 tỉ đô la vào năm 2010 và 2 tỉ vào năm 2015.

Đua tranh đầu tư
Việt Nam rõ ràng cũng ganh đua với Trung Quốc trong ảnh hưởng đầu tư. Các con số được đưa ra tại một hội nghị ngày 12 tháng Tám về hợp tác đầu tư Việt-Lào được tổ chức ở Viêng Chăn cho thấy rằng đầu tư của Việt Nam đã tăng lên 177 dự án với 1,28 tỉ đô la. Nếu con số là chính xác thì điều này sẽ đưa Việt Nam lên thành nhà đầu tư lớn thứ hai tại Lào, sau Thái Lan và đẩy Trung Quốc xuống hàng thứ ba.
Các lĩnh vực đầu tư bao gồm khai mỏ, trợ giúp nông nghiệp và gia công chế biến. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đầu tư mạnh vào các đồn điền cao su tại phía nam Lào, đặc biệt là hai tỉnh Savannakhet và Champassak. Lào cũng ngày càng được coi là một nguồn thủy điện tiềm tàng và có thông tin cho hay PetroVietnam và Điện lực Việt Nam đang lên kế hoạch cho những dự án mới tại nước này.
Để tạo điều kiện thuận lới cho thương mại và đầu tư và mở đường vào các thị trường tại Thái Lan và những nước còn lại của Đông nam Á, Việt Nam đã tất bật xây dựng các con đường tại phía đông Lào như là một phần của dự án mở tuyến đường Hành lang Đông-Tây thuộc Tiểu vùng Thượng nguồn Mekong, nhằm nối liền Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanmar và Ấn Độ. Mắt xích quan trọng nhất là con đường nối bến cảng Đà Nẵng ở miền trung Việt Nam với cái gọi là “Nhịp cầu Hữu nghị Thứ hai” kéo dài suốt sông Mekong nối liền Savannakhet của Lào với Mukhdahan Thái Lan.
Trong lúc các quan hệ thương mại phát triển nhanh chóng, những gắn kết về an ninh giữa hai nước có lẽ đã được xác lập chặt chẽ hơn. Cho tới ít nhất là cuối thập kỷ 1980, có 40.000 đến 50.000 binh lính Việt Nam được cho rằng đã đồn trú ở Lào. Mặc dù Việt Nam đã rút quân đội của mình về vào những năm 1990, nước này vẫn duy trì công việc huấn luyện lực lượng cốt cán của Lào, và theo một số nguồn tin, cơ quan tình báo quân đội Việt Nam đang trú đóng ở đây. Quân đội Lào tiếp tục sang Việt Nam để có được những hướng dẫn về quân sự, đặc biêt là những mối quan ngại đối với tình hình nổi dậy của người dân tộc thiểu số Hmong. Theo một số nhà phân tích, các đoàn đại biểu quân đội Lào tới Việt Nam năm 1999 và 2000 đã đề nghị tìm những lời khuyên sau những phản kháng và một làn sóng đánh bom bí ẩn khắp thủ đô Viêng Chăn.
Trong mối tương phản, Trung Quốc chỉ khôi phục các mối quan hệ ngoại giao thông thường với Lào năm 1988 – song giờ đây đang nhanh chóng bù đắp lại quãng thời gian đã mất. Trung Quốc có thể tăng cường mạnh mẽ ảnh hưởng của mình tại Lào bằng việc cứu giúp nước này từ cơn khủng hoảng tài chính Á châu năm 1997 thông qua việc tăng cường các khoản viện trợ, đầu tư và thương mại. Những món trợ cấp xuất khẩu hào phóng và các khoản vay không tính lãi đã giúp ổn định đồng kíp nội tệ đang chao đảo của Lào.
Kể từ sau đó, một loạt những thỏa thuận song phương đã được ký kết kèm theo việc hợp tác kinh tế, kỹ thuật, phát triển hạ tầng cơ sở và đầu tư, ngân hàng. Vào năm 2000, Chủ tịch Giang Trạch Dân đã thực hiện chuyến viếng thăm đầu tiên của một lãnh đạo nhà nước Trung Quốc tới quốc gia này, dọn đường cho việc tiếp tục những trao đổi cấp cao giữ hai chính phủ. Theo nguồn tin báo chí Trung Quốc, Bắc Kinh đã xóa khoản nợ 1,7 tỉ đô la của Lào vào năm 2003.
Mối quan của Trung Quốc ở Lào chủ yếu là về kinh tế, do nước này vừa là một nguồn tài nguyên thiên nhiên và vừa là một tuyến đường trung chuyển hàng hóa do Trung Quốc sản xuất đi tới Đông nam Á. Các nhà đầu tư Trung Quốc chú tâm nhiều vào thủy điện ở Lào và một vài đập nước đang được xây dựng với nhiều đập nước khác đang trong giai đoạn lập kế hoạch. Khai mỏ cũng là một lĩnh vực quan trọng trong đầu tư, với những hình thức nhượng quyền được ban cho các nhà đầu tư Trung Quốc, gồm vàng, đồng, sắt, kali và bô-xít.
Cả nông nghiệp thương mại cũng giống như vậy, với các khoản đầu tư mạnh mẽ của Trung Quốc vào trồng ngô, sắn, mía và cao su tại các khu vực phía bắc để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Lưu tâm tới công nghệ, giống và thị trường mới đã được đưa tới bởi đầu tư của Trung Quốc, người phát ngôn Yong nói rằng “các quan hệ được cải thiện và đang rộng mở đối với Trung Quốc tại sáu tỉnh (phía bắc) này đã có một lợi ích ngay tức khắc.”
Mậu dịch hai chiều đạt 249 triệu đô la năm 2007, nhưng chỉ ngang với Việt Nam, Trung Quôc cho biết nước này hy vọng buôn bán song phương sẽ lên tới 1 tỉ đô la trong ít năm tới. Theo Uỷ ban Kế hoạch và Đầu Tư Lào, Trung Quốc đã đầu tư trực tiếp 1,1 tỉ đô la vào tháng Tám năm 2007, làm cho nước này trở thành nhà đầu tư lớn thứ hai sau Thái Lan.
Trong chuyến viếng thăm của Thủ tướng Trung Quốc Ôn [Gia Bảo] tới Viêng Chăn tháng Ba, đồng thời dự Hội nghị thượng đỉnh Tiểu vùng Thượng nguồn Mekong, bảy thỏa thuận đã được ký kết giữa hai nước trải rộng trong các vấn đề về kinh tế, kỹ thuật, năng lượng và chính phủ điện tử. Trung Quốc cũng đã đề nghị một khoản tín dụng cho xuất khẩu sản phẩm gồm xe hơi và máy bay trực thăng. Các khoản vay mượn từ Trung Quốc cũng đã giúp thành lập Công ty Lao Telecom và Lao Asia Telecom, lập những dự án chính phủ điện tử và mua máy bay cho hãng Lao Aviation.
Trung Quốc đã dành sự chú ý đặc biệt cho phát triển mở rộng nhanh chóng mạng lưới đường xá phía bắc Lào. Tái thiết tuyến Đường số 3, đối diện với Siêng Khoảng, Thái Lan, qua Lào tới thị trấn Huay Xai, nối với thành phố Jinghong của tỉnh Yunnan, Trung Quốc, đã hoàn thiện từ đầu năm nay. Xây dựng một cây cầu – bằng công quỹ nhà nước Trung Quốc – ngang qua Sông Mekong để hoàn hoàn tất con đường này, được cho rằng sẽ bắt đầu khởi công vào cuối năm nay. Dự án đường xá là một phần trong Hành lang Bắc-Nam của Tiểu vùng Thượng nguồn Mekong nối Trung Quốc, Lào và Thái Lan. Trung Quốc hy vọng rằng tuyến đường này sẽ cho phép nước này vận chuyển hiệu quả hơn hàng hóa qua Thái Lan tới phần còn lại của Đông nam Á và cung cấp một mắt xích nối kết với các cảng biển của Thái.

Quyền lực mềm và cứng
Tuy nhiên không phải tất cả các nguồn đầu tư của Trung Quốc đều hoàn toàn mang tính chất thương mại. Nỗ lực đáng kể – cộng với tiền bạc – đã được sử dụng cho những dự án “ảnh hưởng mềm”, bao gồm xây dựng Nhà Văn hóa Quốc gia trị giá 7 triệu đô la do Trung Quốc tài trợ, Đại lộ Trung tâm dài 13 km, nâng cấp Đài tưởng niệm Chiến thắng Patuxai và công viên xung quanh đài tại Viêng Chăn. Trung Quốc cũng xây dựng một Bệnh viện Hữu nghị Trung-Lào ngay bên ngoài thị trấn du lịch và là cố cung Luang Prabang. Ngoài ra, số lượng tăng dần các cán bộ nòng cốt của LPRP đang tham dự những khóa huấn luyện và hội thảo tại Trung Quốc, nhiều hoạt động được tổ chức tại thành phố Côn Minh phía nam Trung Quốc, trong khi ngày càng có nhiều các học bổng cho học sinh Lào tới học tập tại Trung Quốc.
Đặc biệt, Trung Quốc đã xây dựng những mối gắn kết kinh tế này nhằm tạo nên những thế chủ động quân sự chiến lược trong quan hệ với Lào, được một số nhà quan sát nhìn nhận như là một mối đe doạ tiềm tàng đối với vị thế của Việt Nam. Các tiếp xúc mới đây giữa Quân đội Nhân dân Lào (LPA) và Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã được tăng cường, trong khi số sĩ quan Lào đang tham gia huấn luyện tại Trung Quốc ngày càng tăng.
Theo các nhà phân tích, ngân sách giành cho quân đội của Lào đã được tăng lên đều đặn trong những năm gần đây, và chính phủ không hề nghi ngại trước nhận thức rằng với nền công nghiệp quốc phòng khổng lổ của Trung Quốc và thái độ sốt sắng đã được minh chứng của Bắc Kinh trong trao đổi khí tài hạng nặng cho quân đội với những ưu đãi thương mại được đánh giá tốt hơn cho việc hiện đại hóa quân đội nước này thông qua những mối gắn kết gần gũi thêm với Trung Quốc hơn là Việt Nam.
Tuy nhiên, không phải ai ai cũng vui lòng với vai trò đang gia tăng của Trung Quốc. Trong khi nhiều người Lào hồ hởi tiếp nhận những hàng hóa rẻ hơn sản xuất tại Trung Quốc, họ không phải lúc nào cũng tán dương những gì được nhìn thấy khi mà một dòng di dân Trung Quốc ngày càng tăng vào đất nước này và một ảnh hưởng lớn thêm dần của Trung Quốc đối với chính phủ ở đây. Lào lo ngại về một “cuộc xâm lăng từng bước của Trung Quốc” có lẽ hầu như rõ rệt qua thái độ phản đối được thể hiện trong sự thức tỉnh từ thông báo của chính phủ về một một nhượng bộ đất đai to lớn cho các nhà đầu tư Trung Quốc gần ngôi đền That Luang mang tính biểu tượng của Phật giáo tại Viêng Chăn.
Trong lúc sự trợ giúp đất đai đặc biệt có vẻ như được thực hiện qua trao đổi với Trung Quốc để xây dựng một tổ hợp sân vận động thể thao mới hiện đại giành để sử dụng khi Lào đăng cai Đại hội Thế thao Đông nam Á 2009, thì sự sắp đặt này rõ ràng đã gây phẫn nộ cho một số đảng viên LPRP là những người không được tham khảo ý kiến về bản thỏa thuận. Mặc dù chính phủ đã tỏ ra đặc biệt cố gắng xua tan những lời đồn đại, song nó vẫn tiếp tục dai dẳng.
Cựu chủ tịch nhà nước Lào Kaysone Phomvihan từng nói, “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song tình hữu nghị Lào-Việt sẽ đời đời bền vững.” Điều đó có thể đúng, bởi tính chất địa lý đặc biệt cũng như quá khứ lịch sử, song cuộc ganh đua Trung Quốc-Việt Nam để có được ảnh hưởng đối với Lào đang diễn ra cao độ và cho đến giờ đất nước này đã được hưởng những món lợi tuyệt vời trong việc cân bằng màn ve vãn của hai vị láng giềng.
-----------------------------
Brian McCartan là một nhà báo tự do trú tại Chiềng Mai.

Hiệu đính: Blogger Trần Hoàng
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2008




No comments: