Saturday, December 26, 2009

QUYỀN LỰC, QUYỀN LỢI & QUYỀN CON NGƯỜI

Quyền lực, quyền lợi & quyền con người
Nguyễn Quốc Chánh

26.12.2009
http://www.tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do?action=viewArtwork&artworkId=9643

Lời toà soạn:
Bài viết “Quyền lực, quyền lợi & quyền con người” của Nguyễn Quốc Chánh đã được đăng trên talawas.org ngày 8/12/2009. Tuy nhiên, talawas.org đang tạm thời đóng cửa sau khi bị kẻ vô danh (?) đột nhập và phá hoại vào ngày 21/12/2009.
Chúng tôi đăng lại bài viết của Nguyễn Quốc Chánh ở đây (với sự đồng ý của tác giả) vì bài viết
“Sợ in ấn” của Nhã Thuyên (được đăng hôm nay, 26/12/2009) có đề cập đến bài này, và vì thế độc giả có thể sẽ cần tham khảo.
Tiền Vệ


QUYỀN LỰC, QUYỀN LỢI & QUYỀN CON NGƯỜI

Nguyễn Quốc Chánh

Quyền con người (Ảnh: NQC)
http://www.tienve.org/home/images/nqc-quyenconnguoi.jpg

Ở Việt Nam, quyền lực tuyệt đối không gì khác là đảng Cộng Sản (khỏi bàn); không những ở Việt Nam, quyền lợi tuyệt đối không gì khác là tiền và danh (có thể bàn). Một khi quyền lực và quyền lợi thống nhất, như ở Việt Nam, thì quyền con người trở nên bấn loạn. Trong sự bấn loạn của quyền con người, tôi chỉ có một cách vớt vát là thể hiện tối đa quyền từ chối.

Nhưng để từ chối quyền lực và quyền lợi là một điều thách thức gần như quá sức con người. Do đó quyền con người lu loa nghe thì rất trơn nhưng áp dụng nó thường khiến người ta đâm ra bối rối. Bối rối thúi hoắc của tôi là không thể từ chối nổi những thứ tanh rình sau đây: 1, giấy chứng minh nhân dân; 2, sổ hộ khẩu; 3, giấy tờ liên quan đến xe, nhà, đất... Và khi tôi không thể từ chối những loại giấy tờ đó của nhà nước CHXHCN Việt Nam, thì cơ sở hạ tầng và thượng tầng về quyền con người tôi coi như bị kẹt.

Giải pháp xả áp của sự kẹt là nói vung và viết loạn. Nói vung từ người thân đến kẻ lạ, và viết loạn thì gửi cho Tiền Vệ, talawas và những diễn đàn không thuộc về nhà nước CHXHCN. Hồi talawas bộ cũ, hầu như mỗi bài của tôi đều bị/được tổng Phạm Thị Hoài biên tập. Biên tập có khi làm văn bản rõ nghĩa hơn, hợp lý hơn, nhưng cũng có khi hàm chứa hành động kiểm duyệt. Trong những trường hợp biên tập giỏi làm bài viết khá và hay hơn, người biên tập xứng đáng nhận một lời khen. Dĩ nhiên biên tập vẫn thường xuyên biến thành kiểm duyệt qua cơ sở ý thức hệ của người biên tập. Trong những trường hợp đó, người viết có thể cân nhắc, thương lượng, và chọn lựa.

Nhưng một khi ý thức hệ của người biên tập dính liền với cơ cấu quyền lực, quyền lợi, và các công cụ đàn áp như công an, cảnh sát, quân đội và nhà tù thì vấn đề lập tức bốc mùi. Nếu trên đầu người biên tập mà ngồi chình ình cả một ban gọi là ban tư tưởng được bảo kê bởi những công cụ đàn áp, thì người biên tập đó vừa phải thu lại chỉ để cho vừa với những lỗi chính tả, vừa phải phình lên cho ngang tầm chuyên chính của ban tư tưởng để thực hiện những động tác cắt cúp. Quá trình cắt cúp là biểu hiện sỗ sàng của chế độ kiểm duyệt.

Một khi đã ra tay cắt cúp, tác phẩm với những góc cạnh và độ nhám cá nhân gây xốn mắt chế độ sẽ lập tức biến mất. Tuy nhiên, người/ban biên tập trong hệ thống xuất bản ở Việt Nam không phải lúc nào cũng khít với lập trường của ban tư tưởng, nên mới thỉnh thoảng xảy ra hiện tượng cuốn này bị thu hồi, người biên tập kia bị khiển trách. Năm 1990, tập thơ Đêm mặt trời mọc của tôi, sau một tháng in ra cũng bị thu hồi như vậy, và biên tập viên, nhà văn Đào Hiếu phải viết kiểm điểm. Thế nhưng, chế độ kiểm duyệt sẽ không bao giờ thực hiện rốt ráo chức năng chuyên chính của nó, nếu không thông qua những bàn tay bẩn lập trường của những cán bộ gọi là biên tập và sự thoả hiệp bẽn lẽn của chính người viết. Tôi đã có hai lần bẽn lẽn tái mét như thế, và thề với giòi bọ là sẽ không bao giờ có lần thứ ba.

Trong bối cảnh chính trị Việt Nam hiện tại, không thể tách người biên tập khỏi chế độ kiểm duyệt, cũng như không thể tách nhà văn khỏi ý thức hệ, và một khi ý thức hệ đóng dấu lên văn bản của ai thì người đó, nếu không vô hại, thì cũng có lợi cho ý thức hệ của nó. Sống dưới chế độ của chứng minh nhân dân, của sổ hộ khẩu và sổ đỏ quá đủ là cái kiềng ba chân của một con tin, mà ở đó, quyền lực và quyền lợi đang thống nhất với nhau một cách chặt chẽ trong sự cai trị mút mùa của đảng và tham nhũng sát háng từ trên xuống dưới, thử hỏi còn sức đâu mà cam chịu với sự bẽn lẽn của kiểm duyệt. Vì không thể bẽn lẽn thêm nữa nên tôi đã phải từ chối cái rẹt lời rủ rê cố đấm ăn xôi của ông Inrasara trong cuốn Thơ hậu hiện đại gì đó được hứa là sẽ xuất bản chính thức hoặc lời đề nghị phỏng vấn của ông Nguyễn Đức Tùng trong cuốn Thơ đến từ đâu.
Thơ đến từ đâu, còn lâu mới biết, nhưng thơ chui ra từ sự kiểm duyệt thì chắc chắn sẽ lòi ruột.

Trong bối cảnh của quyền lực và quyền lợi thống nhất lên ngôi, quyền con người chỉ còn có thể vớt vát bằng quyền từ chối.
8/12/2009
Nguyễn Quốc Chánh


---------------
Bài liên hệ:

19.12.2009
Câu chuyện một biên tập viên bỏ đảng - Bắc Phong

15.12.2009
Nadine Gordimer nói về sự tự do của một nhà văn - Nguyễn Tôn Hiệt

08.12.2009
“Biên tập” và “kiểm duyệt” - Tôn Thất Thái Dương

07.12.2009
“Thơ đến từ đâu?” - Nguyễn Đăng Thường



No comments: