Saturday, December 26, 2009

SỢ IN ẤN

Sợ in ấn
Nhã Thuyên
26.12.2009
http://www.tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do?action=viewArtwork&artworkId=9644
Nhà văn/nhà thơ Việt, người làm nghệ thuật Việt, đến bây giờ vẫn cứ thường cố nhiên vinh dự đính kèm với từ “thân phận”. Một kho nguyên liệu sống tươi roi rói, mà không sao chế biến thành những món ăn ngon và có ích cho dạ dày của độc giả. Khó quy tội cho tài nghệ và trình độ của người làm. Thời bao cấp, người Việt dường không biết tự làm ra hàng hoá, đến khi theo kinh tế thị trường, mới rõ mười mươi năng lực sản xuất/nhập lậu hàng hoá của mình chẳng kém ai, bày ra ê hề, cần bao nhiêu chiêu thức cạnh tranh trong gió bão thị trường. Một cách được ứng dụng rộng là quy về vấn đề: không được sáng tạo tự do. Có thể hình dung thế này chăng: người viết cầm dao định xẻo thịt về nhà chế biến, bỗng ám ảnh có một trăm cái camera đồng loạt chĩa vào... Nhưng cũng lạ, camera mới chỉ ngấc lên, dao có thể đã rơi xuống chân tự sát thương rồi. Tôi nghe nói nhiều người làm nghệ thuật nước ngoài thèm thuồng nguyên liệu sống ở Việt Nam. Nhưng công dân nước này thì lại khác. Và Việt Nam vẫn bị đánh dấu đỏ trên bản đồ ngôn luận về độ cảnh báo không dân chủ; cái bèo bọt của danh từ nhà văn Việt Nam chịu thêm vài ách cơ cực nữa. Thỉnh thoảng lại thấy những cái gai châm vào thần kinh đọc: cuốn này bị cấm, cuốn kia bị tùng xẻo, người ôm chân chế độ, kẻ ham danh... Danh hiệu. Sự hiện diện. Tiền bạc. Tự do. Mấy sợi dây lẩn quất không chừng vấp phải dúi dụi như chơi.

Một người viết không tự do có lẽ cũng chẳng mấy lúc làm bận tâm những độc giả vô tình, vốn chỉ cần biết tác phẩm nào được chường ra/chường ra thế nào. Xuất bản luôn vừa lỏng lẻo vừa nghiệt ngã. Anh/chị có tài, muốn viết, thì cứ việc viết. Không biết bao nhiêu ngàn ngàn cuốn thơ dở đã ra đời, in ấn trang hoàng. Nhiều cuốn sách đáng giá có thể chẳng bao giờ được ra mắt khi tác giả còn sống. Chuyện đó có gì lạ nữa? Nhưng với những người cùng viết trong một không gian, một thời kì, sự tự do/không tự do của người này có thể làm nở ra hay hút đi những sinh khí sáng tạo của người viết khác. Tôi chỉ là một người viết bỡ ngỡ tuổi đôi mươi, chưa đến nỗi thấy sợi dây xích lòng thòng quanh cổ, chưa bị lưỡi hái kiểm duyệt chạm đến, cũng có thể vì bản tính hiền lành hay văn chương tôi vô thưởng vô phạt — tôi không rõ. Nhưng chỉ đọc những thông tin, thông báo, những rỉ tai ngầm, tôi đã, khi tò mò háo hức, khi phẫn nộ, khi muốn bật cười, khi mệt mỏi đến ngán ngẩm. Kiểm duyệt là một từ đáng sợ với bất cứ người viết yếu tim nào. Ngay cả những người khoẻ mạnh cả tim và cơ có lẽ cũng đôi lần rùng mình. Những người trẻ chưa trải nghiệm thực tế, ắt hẳn càng dễ rùng mình trước một từ ngữ nặng, khô, hoàn toàn thiếu ý vị, nhưng lại đầy khả năng gợi tưởng tượng và gây xúc cảm . Khi háo hức chuẩn bị cho ra đời một cuốn sách lại thấy chờn vờn câu hỏi: nên tiếp tục không? In ấn ra làm gì? Nếu chưa kì vọng vào tiền bạc hay bất cứ một nguồn lợi thấy được, hay sự nổi danh, cái thấy trước mắt chỉ là mệt mỏi. Nhiều người viết ở Việt Nam, nhất là những người trẻ, đã từng nói đâu đó tâm trạng này. Từ những chuyện của cá nhân tác giả, sự kiểm duyệt trở thành chuyện văn hoá: người ta có thể nhận ra tình thế/tâm thế của mỗi người viết, của nhiều người viết, của cả một giai đoạn văn chương, xã hội, thảm thương, do dự hay quyết liệt hay ngông cuồng hay yếm thế hay im vắng.

Những huyệt nhạy cảm nhất hút chết người viết thường là: chính trị, tôn giáo, đạo đức — những quyền lực duy trì trật tự, làm phẳng đời sống. Ở Việt Nam, nổi bật là huyệt chính trị. Nhà văn, sống trong một xã hội mà quyền tự do ngôn luận là quyền khó đạt vào bậc nhất, ắt sẽ luôn thấy lưỡi hái kiểm duyệt rình rập cứa cổ đứa con rút ruột của mình, khi định cho nó chường mặt ra bằng cách xuất bản in ấn. Ngoại trừ những nhà văn thương mại hay những người viết mà tác phẩm của họ, nhìn bề ngoài, không bợn các dấu vết chính trị. Tuy vậy, ai là người viết đứng ngoài được bối cảnh chính trị? Sức mạnh thẩm thấu của chính trị, không phải chỉ dẫn đến việc xoay xở, phản kháng hay tuyên ngôn.

Trên lý thuyết, ai cũng biết nhiều cách ứng phó với kiểm duyệt: lẩn tránh, luồn lách, tố cáo, chung sống... Bởi ngay khi có nhiều cách chơi văn chương và xuất bản tác phẩm, in ấn vẫn là một nguyện vọng chính đáng và ứng xử thế nào với kiểm duyệt vẫn là một ý thức nghiêm túc của người cầm bút. Các nhà xuất bản và các diễn đàn báo chí công khai của nhà nước Việt Nam hiện nay đang là hình ảnh sinh động và tiêu biểu cho cơ quan quyền lực kiểm duyệt văn hoá. Quyền lực lẩn ở đâu? Trong gương mặt người nào? Người viết nên nói gì, làm gì? Người viết tiếng Việt trong/ngoài nước cũng nhiều lần, nhiều người lên tiếng về sự tự do và chống kiểm duyệt văn chương, ngôn luận. Nhưng hiện tại, mọi cố gắng dường như chưa xi-nhê gì với khối xe lu ù lì. Hơn nữa, “đồng thuận” cũng là cả một chướng ngại khó vượt [trong cộng đồng văn chương].

Những giọng nói to và trịnh trọng dễ thành những ông khổng lồ khệnh khạng giả tạo. Những bất bình có thể không cần tuyên ngôn, nhóm họp, giương súng mở cờ. Ở Việt Nam từ lâu và đến giờ, không hiếm các nhà xuất bản tự mở, các hình thức tự xuất bản. In ở nước ngoài, hay tìm cách in trong nước mà giữ nguyên bản, giống như lối “khoán chui” của nông dân Việt Nam thời bị ép “khoán việc” để xây dựng xã hội chủ nghĩa, dưới sự “bỏ qua” của một nhóm nhỏ hay khôn khéo đỡ đạn cũng là một cách chung sống. Theo nghĩa tích cực, nó kích thích và buộc người viết đứng trong tư thế/tâm thế độc lập, nhưng không ngoại trừ trường hợp biến thành sự làm dáng. Vì quan trọng nhất là tác phẩm trong quan hệ với độc giả của nó. Chỉ người sáng tạo biết cách tìm đến độc giả của nó chứ không phải những quyền lực văn hoá. Những nhà văn hàng thế kỉ trước đã dùng nhiều chiêu để sống chung với kiểm duyệt: chẳng hạn, viết theo cách giả tưởng cố ý.
Lựa chọn của nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh [trong nước] vẫn thật thú vị và đáng kính với tôi: Không in ấn gì qua khe cửa nhà nước nữa. Nguyễn Quốc Chánh từng đôi lần in thơ “được cấp phép”, có thể coi như kẻ “bị đẩy” đến lựa chọn thẳng thắn này, dù vẫn còn cái chứng minh thư không bỏ được . Nhưng tôi thử hình dung một cuộc “nổi dậy” của fans của Nguyễn Quốc Chánh, tự thấy thiệt thòi, đòi tác giả in ấn công khai trở lại.

Chẳng ai ủng hộ chế độ độc tài, chẳng ai muốn tác phẩm viết ra để đó, nhưng ứng xử trong một hệ thống như thế nào? Ở Mĩ nghe nói muốn viết gì cũng được. Người viết ở Việt Nam hay Trung Hoa vốn có truyền thống kiêm luôn nghề chính trị, trích tiên Lý Bạch còn từng hăm hở mơ thuyền lướt cạnh mặt trời, nên việc lệ thuộc vào một chế độ chính trị cũng là truyền thống chưa thể tiệt nọc. Những nhà văn, nhà thơ Nga vẫn là những tấm gương nghĩa dũng không xa xôi: chẳng hạn, Brodsky bị phát lệnh lưu đày, văn giới lên tiếng, ông được thả; bị cấm in ở Nga, ông gửi ra in nước ngoài; bị trục xuất khỏi Nga, ông vẫn viết bằng cả hai ngôn ngữ... Mỗi người viết thời nay càng nhiều cơ hội tự cho mình quyền sáng tạo tự do, ngay cả khi bị tước đoạt tư cách công dân. Chỉ sợ người viết không tự cho mình được cái quyền đó. Điều mơ hồ sợ nữa, là hình như cộng đồng văn chương không đứng cùng một phía. Bản chất của người viết có lẽ vốn yếu đuối, họ không mạnh về những hoạt động chống đối công khai. Họ luôn phải tự gánh lấy trách nhiệm, luôn bị kiểm soát... bởi chính họ và bởi công chúng, từ trong vô thức.

Trong thời đại này, hình như một ý thức văn hoá cũng đồng thời là một ý thức về chính trị. Những ám ảnh về kiểm duyệt ở xã hội Việt Nam hiện tại một phần có thể do chính bản thân người viết, với nỗi sợ hãi lẫn hèn hạ tự thân. Kẻ Hèn tự săm soi cắt gọt câu chữ cho tròn vành rõ nghĩa không mờ tối đến bằng chặn chặn. Kẻ Ngạo đôi khi lại bị ám bởi áp chế, thấy lúc nào mình cũng như đang phải đương đầu chống lại xã hội, chưa biết chừng có kẻ lấy đó làm sang, v.v. Xã hội Việt Nam đầy tiềm năng nhanh chóng biến mọi thứ thành huyền thoại, thành truyền thuyết. Không chừng những trao đổi về kiểm duyệt có mục đích lớn là chống kiểm duyệt lại biến thành một huyền thoại về kiểm duyệt. Nếu muốn sách được nhiều độc giả săn lùng, giới in lậu rình rập, một cách thú vị là hãy làm cho nó bị [có vẻ bị / sắp bị] cấm đoán ở Việt Nam. Hãy dựng cho nó một tiểu sử lận đận. Một hành trình lưu lạc. Một u ám về tương lai lưu hành. Hãy làm cho nó, bằng mọi cách, là kẻ ngạo ngược với mọi lề luật. Hãy làm cho nó biết biến hình. Sự sống chết của một cuốn sách thật quá khó lường.

Tôi mường tượng cảnh tất cả người viết ở Việt Nam sợ in ấn, chán in ấn, nhất loạt không in ấn có cấp phép, các nhà xuất bản tự diệt, báo chí đóng băng vĩnh cửu, nơi nơi rộn ràng quán photocopy và hàng internet, phố sách Đinh Lễ sạch bong, thì không biết, văn chương lúc đó mạnh lên hay vỡ chợ? Độc giả có hình thành được thói quen mới là mua sách photo hay nhất loạt biểu tình hay bỏ mặc? Cái dốc văn hoá dân trí sẽ xuống hay lên? Lên đến thiên đàng tự do nào, xuống tới địa ngục thảm bại nào? Ai cũng muốn yên thân viết, nhưng cuộc đấu tranh chống lại bất cứ sự kiểm duyệt vô lý nào — đồng nghĩa với áp chế tự do sáng tạo, tự do tư tưởng — ắt phải lâu dài, chưa thấy hồi sau sẽ rõ.

12.09
Nhã Thuyên


---------------

Bài liên hệ:

26.12.2009
Quyền lực, quyền lợi & quyền con người - Nguyễn Quốc Chánh

19.12.2009
Câu chuyện một biên tập viên bỏ đảng - Bắc Phong

15.12.2009
Nadine Gordimer nói về sự tự do của một nhà văn - Nguyễn Tôn Hiệt

08.12.2009
“Biên tập” và “kiểm duyệt” - Tôn Thất Thái Dương

07.12.2009
“Thơ đến từ đâu?” - Nguyễn Đăng Thường


No comments: