Wednesday, December 30, 2009

UỶ BAN BẢO VỆ NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM - ĐẠI HỘI II tại KUALA LUMPUR

Người lao động Việt Nam ‘thụ động’ và ‘cô đơn’
Ðông Bàn/Người Việt (từ Kuala Lumpur)
Tuesday, December 29, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=106154&z=2

Hội Thảo Kỳ II - UBBV tại Kuala Lumpur
Tòa Ðại Sứ Việt Nam ‘báo động có khủng bố’
Ðông Bàn/Người Việt (từ Kuala Lumpur)

KUALA LUMPUR (NV) - Hội thảo, kỳ thứ hai, của Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng Việt Nam (UBBV) khai mạc sáng ngày 28 Tháng Mười Hai, với đại diện của nhiều tổ chức, đến từ nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có cả những “vị khách không mời”: nhân viên Tòa Ðại Sứ Việt Nam tại Kuala Lumpur, Malaysia.

Hai ngày trước kỳ hội thảo, thành viên ban tổ chức cho biết, giới chức hữu trách của thành phố Kuala Lumpur liên lạc với khách sạn Citrus, nơi diễn ra hội thảo, báo rằng chính phủ Việt Nam cảnh báo có “hoạt động của một tổ chức khủng bố.”

Vào đúng ngày khai mạc, hai nhân viên Việt Nam bị bắt quả tang áp sát phòng hội nghị. Ngay sau đó, đại diện Cảnh Sát Liên Bang Malaysia xuất hiện, canh gác nơi hội thảo.

Ông Trần Ngọc Thành, chủ tịch đương nhiệm của UBBV, phát biểu trong diễn văn khai mạc rằng, việc chọn Kuala Lumpur tổ chức hội thảo là để “gần biên giới Việt Nam,” để khẳng định “tổ chức hội thảo là điều bình thường,” và để “chuyển thông điệp đến giai cấp công nhân Việt Nam.”

Tham dự hội thảo có đại diện UBBV, gồm các ông Trần Ngọc Thành (Chủ Tịch), ông Ðoàn Việt Trung (Tổng Thư Ký); ông Nguyễn Ðình Hùng (viên chức công đoàn May Mặc-Dệt-Giày Dép, Úc Châu), ông Rajasekaram (Tổng Thư Ký, Tổng Công Ðoàn Malaysia-MTUC), ông Nguyễn Văn Tánh (một chuyên viên kỳ cựu, từng tham gia phong trào “Thanh-Lao-Công” tại Việt Nam những năm trước thập niên 1950s), Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích (nguyên Giám Ðốc Ban Việt Ngữ, RFA), Bác Sĩ Bùi Trọng Cường (đến từ Úc Châu), bà Jackie Bong-Wright, ông Bent Gehrt (Giám Ðốc Khu Vực Ðông Nam Châu Á tổ chức Worker Rights Consortium)...

Ðiều đặc biệt, tham dự hội thảo còn có một số đại diện lao động đến từ Việt Nam và công nhân Việt Nam tại Malaysia. Sự hiện diện này khiến vấn đề an toàn cho người tham dự, đặc biệt những người nằm trong vòng cương tỏa của chính phủ Việt Nam, trở thành một trong những quan ngại chính yếu.

Những vấn đề tổng quát được quan tâm tại hội thảo liên quan đến nạn giới chủ giữ hộ chiếu của người lao động Việt Nam, sự bất hợp tác của chính phủ Việt Nam liên quan đến người lao động Việt Nam, quyền của người lao động được tham gia công đoàn Malaysia, và cách thức phổ biến thông tin tổng quát đến cho hàng trăm ngàn công nhân Việt Nam tại đây...

Ông Rajasekaran, tổng thư ký MTUC, nói rằng, vấn đề liên quan đến người lao động nước ngoài tại Malaysia không chỉ riêng người Việt Nam. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, quốc gia “xuất khẩu lao động” nào sẵn sàng lên tiếng cho quyền lợi của công dân họ, thì tình trạng lao động sẽ được cải thiện, như trường hợp của Nepal và Philippines.
Việt Nam, cùng một số quốc gia khác không lên tiếng, vì lý do “tế nhị ngoại giao.” Ông Rajasekaran cho biết.

Bác Sĩ Bùi Trọng Cường giới thiệu ông Rajasekaran là người “từng tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ với tòa đại sứ tại một số nước Châu Á” để giúp công nhân Việt Nam, nhưng phía Việt Nam “không đáp ứng.”

Tình trạng không được bảo vệ, cùng điều kiện không có công đoàn độc lập tại Việt Nam, khiến công nhân Việt Nam trong và ngoài nước trở thành những người “lao động thụ động” và “cô đơn,” theo cách ghi nhận của ông Trần Ngọc Thành.
Vì lý ấy, người lao động Việt Nam cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cần được hướng dẫn để hiểu biết về quyền và phương thức tranh đấu bảo vệ quyền lợi chính đáng.
Nhưng điều được ông Thành, và một số thành viên tham gia hội thảo nhấn mạnh, là người lao động Việt Nam “phải có quyền thành lập nghiệp đoàn độc lập.”

Tiếp xúc với Người Việt, một đại diện lao động từ Việt Nam có mặt trong buổi hội thảo, khẳng định, rằng “công đoàn hiện nay tại Việt Nam là một ‘công cụ,’ đại diện cho quyền lợi giới chủ và, gián tiếp hơn, quyền lợi của chính quyền. Ở Việt Nam, công đoàn chưa bao giờ là người đại diện cho quyền lợi công nhân.”
Người đại diện này cho biết thêm, không phủ nhận có những đại diện công đoàn muốn tranh đấu cho quyền lợi công nhân. Nhưng, những người này sẽ “mau chóng bị đẩy ra khỏi vị trí của họ,” bằng nhiều cách thức khác nhau, trong đó có cả vu khống.

Hoạt động đúng nghĩa của công đoàn độc lập, theo nhận định của ông Nguyễn Văn Tánh, chuyên viên kỳ cựu trong các hoạt động công đoàn Việt Nam từ trước 1975, “không chỉ là vấn đề cơm áo, mà phải là tranh đấu cho nhân phẩm con người.”
Ông Tánh nói rằng, các hoạt động đình công, biểu tình, chỉ là “phương tiện cuối cùng” để mang lại kết quả là thỏa thuận và khế ước giữa giới chủ và giới lao động. Ông nhấn mạnh, “công đoàn không bao giờ dính dáng đến chính trị.”

Tại Việt Nam, một tình trạng được mọi người thừa nhận, là công đoàn hành xử như một công cụ của chính quyền - công cụ chính trị. Và theo nhận định của ông Ðoàn Việt Trung, công nhân Việt Nam chỉ sử dụng “phương tiện cuối cùng” - đình công - vì đây cũng là phương tiện duy nhất mà họ có trong tay.

Trả lời phỏng vấn Người Việt về hành vi vu khống của Tòa Ðại Sứ Việt Nam tại Kuala Lumpur liên quan đến buổi hội thảo, ông Ðoàn Việt Trung kể rằng, phía Việt Nam gọi UBBV là “tổ chức khủng bố, và đại hội này sẽ là một cuộc biểu tình.”
UBBV cho biết, sau cuộc gặp gỡ với đại diện Cảnh Sát Liên Bang Malaysia, giới hữu trách nói rằng họ biết “những tố cáo ấy là hành động vu oan.”

Theo ông Trung, đại diện Cảnh Sát Liên Bang Malaysia và nhân viên khách sạn Citrus đều cho hay “có hai người lén lút chụp hình hội thảo.”

Hội thảo diễn ra trong hai ngày 28 và 29 Tháng Mười Hai, 2009. Sau đó, phái đoàn sẽ dành thời gian đến thăm Melaka, nơi có cộng đồng đông đảo người lao động Việt Nam đang làm việc.

Trong số báo sau, chúng tôi sẽ trình bày chi tiết các vấn đề liên quan đến người lao động Việt Nam tại Malaysia, qua phân tích của UBBV, của chính người lao động Việt Nam tại đây, và của người đứng đầu Tổng Công Ðoàn Malaysia-MTUC.

Chuyến đi Malaysia của nhà báo Ðông Bàn được bảo trợ bởi:
Luật Sư Nguyễn Hoàng Duyên

Phó khoa trưởng Học Vụ, Ðại Học Luật Khoa Lincoln - San Jose
Văn phòng chính tại:
1569 Lexann Ave., Suite 132
San Jose, CA 95121
Tel: 408-528-7668
Website:
www.duyenlaw.com
Luật Sư Nguyễn Hoàng Duyên sẽ mở văn phòng tại quận Cam trong thời gian sắp tới.

--------------------------------------

TIN LIÊN QUAN :

Đại Hội Kỳ II của UBBVNLĐVN tại Malaysia (RFA)


Công nhân Việt Nam ở Malaysia (RFA)







No comments: