Thursday, December 31, 2009

UBBVNLĐVN CÓ BAN CHẤP HÀNH MỚI

Hội Thảo kỳ II - UBBV tại Kuala Lumpur: 'Ở VN, bảo vệ công nhân là chống lại chính quyền'
Ðông Bàn/Người Việt (từ Kuala Lumpur)
Wednesday, December 30, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=106206&z=1

Hình 1: Ông Trần Ngọc Thành, chủ tịch đương nhiệm UBBV (trái), và ông Rajasekaran, tổng thư ký Tổng Công Ðoàn Malaysia, tại Hội Thảo Bảo Vệ Người Lao Ðộng Việt Nam. Người đứng giữa là bà Jackie Bong-Wright, đến từ Virginia, Hoa Kỳ. (Hình: Ðông Bàn/Người Việt)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/106206-medium_A1_ubbv_01.JPG

Hình 2: Một phần quang cảnh buổi hội thảo. Từ trái: ông Ðoàn Việt Trung (tổng thư ký UBBV), ông Trần Ngọc Thành (chủ tịch UBBV), ông Nguyễn Ðình Hùng (viên chức công đoàn May Mặc-Dệt-Giày Dép, Úc Châu), bà Jackie Bong-Wright, và ông Chu Văn Cương (phó chủ tịch Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam, đến từ Houston, Texas). (Hình: Ðông Bàn/Người Việt)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/106206-medium_A1_ubbv_02.JPG

KUALA LUMPUR (NV) - Quyền và cách thức bảo vệ quyền chính đáng của người lao động Việt Nam trong và ngoài nước là một trong những quan tâm chính yếu tại Hội Thảo lần thứ nhì, do Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng Việt Nam (UBBV) tổ chức tại Kuala Lumpur trong hai ngày 28 và 29 Tháng Mười Hai, 2009.
Hội thảo được tổ chức tại Kuala Lumpur vì, Malaysia, theo lời UBBV, “có trên dưới 100 ngàn người lao động đến từ Việt Nam.”

Một trong những khó khăn chính yếu, theo phân tích của hội thảo, là vì “người lao động không có thông tin và không thông hiểu về Luật Lao Ðộng.”

Tham gia hội thảo, ông Rajasekaran, tổng thư ký Tổng Công Ðoàn Malaysia đã giải đáp nhiều thắc mắc rất thực tế của người lao động Việt Nam cũng như của UBBV.

Thắc mắc lớn nhất là, liệu việc giới chủ thu giữ passport của người lao động có hợp lệ hay không? Và công nhân nước ngoài có quyền tham gia công đoàn Malaysia hay không?

Ông Rajasekaran nói rằng, “Luật Lao Ðộng Malaysia áp dụng cho mọi công nhân, trừ người làm nghề giúp việc. Luật không đề cập đến mức lương tối thiểu, nhưng cho phép tranh tụng nếu hợp đồng lao động bị vi phạm.”

Tuy nhiên, ông Rajasekaran nhấn mạnh, rằng “hợp đồng lao động ký kết bên ngoài lãnh thổ Malaysia sẽ không có hiệu lực bên trong quốc gia này.” Và trong trường hợp các mâu thuẫn không được giải quyết, công nhân phải trở về nước.

Liên quan đến tình trạng giới chủ giữ passport của công nhân Việt Nam, ông Rajasekaran thừa nhận, chuyện này “có thật, và vẫn đang xảy ra.” Ông nói, các hợp đồng lao động giữa giới chủ với công nhân thường ghi thêm ý: công nhân “nhờ” người chủ giữ giúp passport. Một khi hợp đồng lao động được ký kết, hành động giữ passport là không sai luật.

Về việc gia nhập công đoàn, ông Rajasekaran nói, ngay chính nội bộ chính phủ Malaysia cũng có những quan niệm mâu thuẫn liên quan đến việc công nhân ngoại quốc gia nhập công đoàn Malaysia. Bộ Lao Ðộng nước này nói rằng mọi công nhân có quyền gia nhập công đoàn; nhưng Bộ Nội Vụ thì không đồng ý.
Trên thực tế, khi công nhân Việt Nam gia nhập công đoàn, họ sẽ bị chủ đuổi việc, vì “vi phạm hợp đồng lao động.”

Tất cả những vấn đề của công nhân ngoại quốc tại Malaysia không thể giải quyết đơn phương, từ giới chủ hoặc từ giới công nhân. Theo ông Rajasekaran, điều quan trọng là chính phủ các quốc gia có công nhân lao động tại Malaysia phải “tích cực hơn.” Chẳng hạn, ông nói rằng, Luật Lao Ðộng Malaysia không áp dụng cho người làm nghề giúp việc, tất cả mọi “osin” đều làm việc 7 ngày một tuần, riêng “osin” Philippines làm việc 6 ngày một tuần, do kết quả vận động của chính phủ Philippines.

Một số ý kiến phân tích nói rằng, việc chú ý nhiều hơn đến thị trường lao động Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng, vì “nhiều công ty đang chuyển dần hãng xưởng vào thị trường này.”

Tham dự hội thảo còn có ông Bent Gehrt, giám đốc khu vực Ðông Nam Á của tổ chức Worker Rights Consortium (WRC), đại diện cho 186 trường đại học Hoa Kỳ và Canada. Trách nhiệm của WRC nhằm bảo đảm mọi sản phẩm được sản xuất ở nước ngoài, mang vào bán trong các đại học Hoa Kỳ và Canada, phải đáp ứng “nguyên tắc hành xử có đạo đức.”

Theo ông Gehrt, tổ chức của ông theo dõi sản phẩm của khoảng 3 ngàn hãng xưởng khắp thế giới, trong đó có 140 hãng xưởng bên trong Việt Nam. Trong điều kiện này, công việc của WRC đối với Việt Nam là một “thử thách lớn.”

Ông Bent Gehrt nói rằng nhiều công ty đang chuyển dần vào Việt Nam, vì tại đây, họ “không phải đối mặt với công đoàn độc lập.”
“Chúng tôi cần tìm hiểu về công nhân Việt Nam, phải biết điều kiện lao động thật sự bên trong Việt Nam.”

Trong ngày hội thảo thứ nhì, đại diện lao động đến từ Việt Nam, yêu cầu không nêu danh tánh, cho biết hiện có một số thành viên thuộc Phong Trào Lao Ðộng Việt đang hoạt động bên trong Việt Nam. Tuy nhiên, “khó khăn lớn nhất, cả trong và ngoài nước, là thiếu ngân sách.”

Một số chương trình khác cũng được Phong Trào Lao Ðộng Việt thực hiện, nhưng vì lý do an ninh, UBBV yêu cầu không phổ biến.
Ðại diện công nhân Việt Nam nhận xét, rằng sự an toàn của thành viên tại Việt Nam là điều hết sức quan trọng. Công nhân không biết luật, người bảo vệ công nhân cần phải biết luật nhiều hơn. Thực tế, tại Việt Nam, nhiều người “thấy công an đã sợ rồi.”
“Tại Việt Nam, bảo vệ người lao động thì bị coi là chống lại chính quyền.”

Một người lao động từ Việt Nam, có mặt trong buổi hội thảo, nói với Người Việt, rằng, “công đoàn đã và vẫn đang là một ‘công cụ,’ đại diện cho quyền lợi giới chủ và, gián tiếp hơn, quyền lợi của chính quyền. Ở Việt Nam, công đoàn chưa bao giờ là người đại diện cho quyền lợi công nhân.”

Trả lời câu hỏi của Người Việt, về hiện tượng đình công, biểu tình giảm thiểu rất nhiều so với các năm trước, đại diện từ Việt Nam nói rằng, “có thể giải thích bằng nhiều lý do khác nhau.” Một trong những lý do là vì giới chủ “áp dụng những chiêu thức tinh vi hơn, gây chia rẽ công nhân nhiều hơn.” Cũng có nhận xét cho rằng, công nhân Việt Nam, đa số là người từ vùng nông thôn, “có quan niệm khá khép kín về quyền lợi, và dễ thỏa mãn.”

Theo quan sát, yếu tố “quyền lợi” luôn là phương pháp tốt nhất để cô lập, khi cần. Chẳng hạn, một công nhân giỏi, có uy tín với đồng nghiệp, sẽ mau chóng được thăng thưởng, và từ đó bị tách ra khỏi tập thể công nhân. Và phần lớn trong số họ, cũng mau chóng không kém, được học cách để “trừng trị” các công nhân khác. Mặc dầu báo chí trong nước không đề cập đến, đã và đang có hiện tượng, “nhiều quản lý bị công nhân đánh tập thể.”

Nhận định về Luật Lao Ðộng của Việt Nam, người đại diện từ trong nước cho rằng, luật Việt Nam là để “bảo vệ giới chủ, trong khi quyền lợi công nhân chỉ được đề cập bằng những lời lẽ hoa mỹ nhưng thiếu thực chất.”

Các tranh chấp giữa công nhân và giới chủ không phải là những mâu thuẫn không dính dáng đến chính quyền. Trong các tranh chấp này, chính quyền địa phương luôn đứng về phía giới chủ. Ðơn giản vì “quyền lợi của chính quyền song hành với quyền lợi giới chủ.”

Ngày thứ nhì của hội thảo tập trung vào việc sửa đổi Bản Ðiều Lệ của UBBV, bầu Ban Chấp Hành mới, và đề ra chương trình hoạt động cụ thể cho tương lai.
Ông Trần Ngọc Thành được ủy ban lưu nhiệm vị trí chủ tịch thêm nhiệm kỳ 3 năm.
Các vị trí Phó Chủ Tịch Nội Vụ gồm có: ông Chu Văn Cương (đặc trách Nhiệm Khu Hoa Kỳ), ông Nguyễn Hưng Ðạo (đặc trách Nhiệm Khu Úc Châu), bà Ca Dao (đặc trách Nhiệm Khu Tây Âu). Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích đảm nhiệm vị trí Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ. Ông Nguyễn Ðình Hùng được bầu vào vị trí Phó Chủ Tịch Kế Hoạch. Ông Ðoàn Việt Trung tiếp tục được lưu nhiệm vị trí Tổng Thư Ký. Ông Phạm Lê Hoàng Nam được bầu vào vị trí Phó Tổng Thư Ký. Vị trí Thủ Quỹ của UBBV do bà Jackie Bong-Wright đảm trách.
Ủy Ban Yểm Trợ Giám Sát gồm các vị Bùi Trọng Cường, Ðào Thị Hợi, Nguyễn Văn Tánh.

Chuyến đi Malaysia của Ðông Bàn được bảo trợ bởi:
Luật Sư Nguyễn Hoàng Duyên
Phó khoa trưởng Học Vụ, Ðại Học Luật Khoa Lincoln - San JoseVăn phòng chính tại:
1569 Lexann Ave., Suite 132
San Jose, CA 95121
Tel: 408-528-7668
Website:
www.duyenlaw.com
Luật Sư Nguyễn Hoàng Duyên sẽ mở văn phòng tại quận Cam trong thời gian sắp tới.



No comments: