Sunday, December 27, 2009

DI SẢN CHIẾN TRANH (Quảng Trị Mùa Hè 1972)

Di sản chiến tranh
GIAO CHỈ
27/12/2009

Một chút sử liệu
Ngày 19 tháng 12 năm 2009 vừa qua là ngày thứ Bẩy, viện Bảo Tàng Việt Nam tại San Jose ra mắt bộ phim tài liệu DVD tựa đề Quảng Trị mùa hè 72. Đồng thời cũng mở cửa tiếp đón phái đoàn trường Việt ngữ Âu Cơ từ Oakland đến thăm. Các thầy cô đa số là cựu sinh viên tại các đại học vùng vịnh Cựu Kim Sơn. Nhiều phụ huynh cũng đi theo phái đoàn.
Tất cả trên 60 người phải chia làm 2 toán bao gồm cả 3 thế hệ Việt Nam. Ông bà và cha mẹ phụ huynh, thầy cô và các em. Chúng tôi không phải giải thích nhiều. Chính các giáo chức và phụ huynh là quân nhân và thuyền nhân đã lần lượt dẫn giải cho các em.
Trong số các em nhỏ học sinh Việt ngữ Âu Cơ có nhiều em bé trai trên 10 tuổi. Nếu mẹ tôi còn sống đến ngày nay chắc hẳn phải nói rằng trông thằng bé này giống thằng Lộc ngày xưa. Ngày xưa là vào năm 1946, cách đây 63 năm, cũng vào ngày 19 tháng 12 năm 1946, ngày toàn quốc kháng chiến.

Gia đình chúng tôi ở thành phố Nam Định. Chiến tranh Việt Pháp bắt đầu tại thủ đô Hà Nội. Cả nước tham dự cuộc chiến tranh dành độc lập. Cả nước theo Việt Minh vì lúc đó chẳng ai biết cộng sản là gì. Bộ đội rút khỏi thành phố chỉ còn lại Tự Vệ Thành toàn là thanh niên dân tỉnh mang dấu hiệu sao vàng trên nền đỏ hình vuông. Chúng tôi ở lại với thị xã chiến đấu trong cuộc tiêu thổ kháng chiến đầu tiên. Tôi là cậu bé con hơn 10 tuổi đang mơ làm Kim Đồng đã đóng vai liên lạc viên cho tự vệ thành Nam Định được vài ngày thì mẹ bắt về đi tản cư qua quê ngoại tại làng Bình Hãi, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Những đứa bé khác là bạn đầu đời của tôi tiếp tục trong đoàn trinh sát Hoa Lư theo kháng chiến. Nếu còn sống đến nay chắc đã thành đảng viên cộng sản, tiếp tục đánh Pháp ở miền Bắc cho đến ngày trở về Hà Nội 1954.

Gia đình tôi tản cư rồi hồi cư. Con đường chia đôi ngả chẳng phải vì lý do sâu xa nào ngoài câu chuyện tầm thường là tôi có bà mẹ nhất định bắt con về đi học. Tôi học trường Nguyễn Khuyến tại Yên Mô rồi về Nguyễn Khuyến Nam Định. Khi chúng tôi 20 tuổi thì bà mẹ không còn giữ được chân con nên cậu bé của thời kháng chiến 1946 đã vào Nam đi lính Quốc gia. Chiến tranh chính trị rồi chiến tranh súng đạn giữa hai miền Nam Bắc từ 1954 đến 1975 với hình ảnh còn ghi lại trong Viện Bảo Tàng tại San Jose. Ngày nay, bà mẹ di cư 1954 của tôi không còn nữa. Cậu bé Nam Định nay trở thành người cao niên nhìn em học trò Việt ngữ Âu Cơ, chợt nhớ đến những đứa trẻ năm xưa trong đoàn thiếu niên trinh sát của đội Kim Đồng Hoa Lư tại khu chiến nhà máy sợi Nam Định.

Con đường định mệnh đưa chúng tôi qua phía bên này, còn lại những ai. Phần số đưa các bạn qua phía bên kia, ngày nay còn lại những ai. Những đứa bé năm 46, làm sao biết được đứa nào theo mẹ ra biển và đứa nào theo cha lên núi để hai ba chục năm sau trở thành quốc cộng tương tàn.

63 năm trôi qua, kể từ ngày 19 tháng 12 năm 1946 đến ngày 19 tháng 12 năm 2009. Nếu những đứa bé liên lạc viên 1 thời từ nhà máy sợi Nam Định còn sống chắc đã là đảng viên cộng sản lâu năm, nay mang quân hàm tướng tá và đã phục viên. Đời sống các anh ra sao. Phải chi mà tôi có dịp nói chuyện với những người bạn cũ của một thời thơ ấu ngày xưa.

Những đứa bé Việt Nam của thập niên 40 không ai biết được tương lai ra sao trong chiến tranh và trong hòa bình. Phần lớn đã chết và phần nhỏ còn lại lưu lạc bốn phương trời ở những nơi không ai ngờ được.
Khác với những đứa bé Việt Nam tuổi lên 10 tại Hoa Kỳ, với tương lai rõ ràng ổn định đang mở tròn con mắt nai tơ mà nhìn ngắm nhìn quá khứ Việt Nam Cộng Hòa tại Viện Bảo Tàng tại San Jose. Những năm tháng của Việt Nam vẫn còn mãi từ quá khứ đến tương lai. Ai mà còn nhớ ngày toàn quốc kháng chiến 19 tháng 12-1946.

Tiếng vọng đài VOA
Cũng vào buổi sáng ngày 19-12-2009 từ San Jose chúng tôi có dịp nương nhờ làn sóng của đài VOA, tiếng nói Hoa Kỳ đưa tin về Việt Nam. Một chút mong manh hy vọng rằng có người xưa nghe được. Những thanh niên thành thị tự vệ thành Hà Nội, Nam Định trong đợt tuổi mới lớn, còn sống mà nghe được chút tâm sự dường như từ thế giới bên kia gọi về.

Nhân dịp phát hành DVD Trận Quảng Trị mùa hè 72, chị Diễm Hương, đặc phái viên đài VOA từ California có dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn. Những câu hỏi hết sức căn bản và trực tiếp đã được nêu lên.
Vì sao DVD Quảng Trị đã thực hiện. Có phải là phim chiến tranh hay không. Xin trả lời rằng hẳn nhiên đây là phim chiến tranh nhưng không phải là thuần túy tài liệu về chiến tranh. Đây là phim về miền đất quê hương và con người Quảng Trị. Đây là phim nói về 1 trận đánh lâu dài, dữ dội và đau thương nhất của chiến tranh Việt Nam. Giữa tiếng bom đạn, tiếng khóc than vẫn có cả tiếng hát và tình yêu. Đó là mục tiêu hết sức nhân bản của bộ phim.

Câu hỏi kế tiếp là phim có những vai chính ra sao. Đành rằng phim ảnh phải có người đóng, nhưng đây không phải là phim truyện nên không thể liệt kê các vai chính. Tài liệu cũ đã có sẵn các nhân vật. Một số lớn đã qua đời. Phần nhân chứng còn sống lên tiếng có cả trăm người. Xin tóm gọn lại các vai chính là quân và dân miền Nam đã có mặt tại Quảng Trị vào mùa hè 72.Phía bên này chiến tuyến phải kể đến người dân Quảng Trị chết trên miền hỏa tuyến, chết trên Đại Lộ Kinh Hoàng.

Về phía quân đội miền Nam, hàng chục ngàn chiến binh của các quân binh chủng từ các nơi đã về chiến đấu và chết tại Quảng Trị. Phía bên kia chiến tuyến, hàng chục ngàn thanh thiếu niên của các tỉnh miền Bắc cũng về chết tại Quảng Trị. Cuốn phim đã được thực hiện với các phương tiện hết sức giới hạn từ tháng giêng 2009 dự trù hoàn tất tháng 9-2009 nhưng không kịp. Đến cuối năm 2009 mới hoàn tất. Trùng hợp với ngày 19/12/2009 là 63 năm sau ngày toàn quốc kháng chiến. Lịch sử đã bước 1 bước thật dài.
Chị Diễm Hương đã hỏi 1 câu sau cùng: Ông đã có ý gửi 1 thông điệp gì qua bộ phim này. Chúng tôi xin nói rõ hơn 1 chút về nhu cầu của Bảo Tàng là phải làm phim tài liệu để việc lưu giữ lịch sử được mở rộng. Nhu cầu chính của Bảo Tàng là giữ di sản cho thế hệ tương lai. Trong hiện tại là phải gửi hình ảnh công bình, trung thực của cuộc chiến Quảng Trị mùa hè 72 cho người Việt hải ngoại và cho người Việt tại Việt Nam. Đây là hình ảnh Quảng Trị hè 72 nhìn từ phía Việt Nam Cộng Hòa.

Quân và dân Việt Nam của phe chiến thắng Hà Nội có điều kiện và trách nhiệm bảo toàn di sản chiến tranh của cả 2 phía, nhưng họ đã không làm. Bổn phận của người Việt tại hải ngoại, dù khó khăn và thiếu điều kiện nhưng vẫn phải làm. Và chúng tôi đã cố hoàn tất. Đó là bức thông điệp chúng tôi rất hãnh diện đưa ra.

Một cách trực tiếp, tôi ước mong những người có trách nhiệm tại Việt Nam hiện nay cần thực hiện những bộ phim chân thực và nhân bản. Bây giờ miền Bắc đã chiến thắng, họ không cần phải dối trá tuyên truyền nữa. Chúng tôi đã làm phim tựa đề: Chân Dung Người Lính Việt Nam Cộng Hòa, và bộ phim Quảng Trị mùa hè 72. Trong đó bao gồm cả những đoạn phe ta có thể gọi là rất phản tuyên truyền, rất phản chiến, rất nản lòng chiến sĩ. Có cả những đoạn rút quân bi thảm. Nhưng tất cả là sự thật. Chúng tôi tuyệt đối không làm nhục đối phương. Đã cắt bỏ tất cả các phim ảnh có xác chết địch quân hay tài liệu về tù binh cộng sản. Chúng tôi gửi thông điệp rõ ràng cho chính quyền tại Việt Nam là muốn thấy 1 bộ phim Chân dung người chiến binh quân đội nhân dân. Từ tuổi thơ đi lính vào Nam, bỏ lại gia đình, tình yêu để đi B. Bước chân vào con đường sinh Bắc tử Nam. Bao nhiêu người may mắn trở về. Đời sống phục viên bây giờ ra sao.

Mang tính cách hết sức cá nhân, tôi cũng muốn tình cờ gặp lại những bạn bè ngày xưa là những cậu bé con năm 1946 toàn quốc kháng chiến, ngày nay còn sống các anh ra sao.
Đoạn trường đã trải qua như thế nào.

Những người đã chết
Nói đến chiến tranh, không thể không nói đến những chiến binh đã hy sinh.
Ngày xưa chúng ta thường chê bai Mỹ quốc là nước trẻ thơ, ngông nghênh, thiếu văn hóa. Nhưng ngày nay tại Việt Nam, thị hiếu Hoa Kỳ đã lan tràn trong đời sống còn hơn cả thời kỳ Hoa Kỳ tham chiến tại miền Nam Việt Nam. Nhưng bài học cần ghi lại là phương thức người Mỹ quan tâm đến chiến binh đã hy sinh. Biết bao lần máy bay đã hy sinh cả phi hành đoàn để cứu 1 người. Sau khi chiến tranh chấm dứt, đi tìm xác là 1 sứ mạng quan trọng của nước Mỹ. Họ kiểm kê chính xác với 58 ngàn 193 chiến sĩ hy sinh. Tên tuổi hồ sơ và di sản đầy đủ. Trong đó có hơn 52 ngàn bộ binh, 2,584 không quân và 2,500 hải quân. Có 8 nữ quân nhân đã hy sinh. Thống kê ghi cả số Mỹ trắng và Mỹ đen. Bao nhiêu người ở tuổi từ 17 trở lên và lạc loài có 1 chú lính Mỹ chết mới 16 tuổi. Số chết của từng tiểu bang và con số mất tích cho đến nay đã trở thành vô danh. Không 1 di hài nào sẽ được coi là cuối cùng. Hồ sơ vẫn còn mở...

Trong khi đó, tử sĩ Việt Nam của cả 2 miền Nam Bắc vẫn còn là những con số mơ hồ. Người ta tạm ghi lại 1 triệu và 100 ngàn bộ đội cộng sản hy sinh. Một triệu và 170 ngàn dân thương vong. Tổng cộng 2 phía Nam Bắc đã chết khoảng 2 triệu 500 ngàn người. Phía Việt Nam Cộng Hòa có 224 ngàn binh sĩ tử trận.
Tiếc thay, hồ sơ phe miền Nam không còn nữa để đối chiếu và phe chiến thắng miền Bắc không quan tâm.

Câu chuyện 35 năm sau
Từ 1975 đến nay là 35 năm sau ngày phe miền Bắc chiến thắng. Bây giờ sự dối trá tuyên truyền trong chiến tranh không còn cần thiết nữa, nhất là đối với các dữ liệu lịch sử.
Việc khai sinh Mặt trận và chính phủ Giải phóng miền Nam của Hà Nội năm 62. Việc khai tử Mặt trận và và chính phủ Giải phóng miền Nam của Hà Nội năm 76. Đó là sự dối trá vĩ đại nhất đã phơi bầy và nay trôi vào dĩ vãng.
Ngay cả những chiến binh 20 tuổi cầm súng vào ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 cũng chẳng còn ai.
Những chiến binh 20 tuổi vào năm 1954 của cả 2 miền Bắc Nam cũng chẳng còn được bao nhiêu. Chúng ta sẽ có tội với tiền nhân nếu còn tiếp tục dối tra với thế hệ tương lai.

Thông điệp sau cùng và rõ ràng nhất là chúng tôi gửi đến để các anh xem bức Chân Dung của người lính Việt Nam Cộng Hòa và Quảng trị mùa hè 72 nhìn từ phía Việt Nam Cộng Hòa.

Bây giờ xin các anh cho chúng tôi xem chân dung đích thực của người bộ đội các anh gởi vào giải phóng miền Nam. Khi người chiến sĩ ra đi, tình yêu bỏ lại, bao nhiêu người sinh Bắc tử Nam. Bao nhiêu người trở về. Bao nhiêu trong hàng ngũ bộ đội, bao nhiêu thanh niên xung phong. Trường Sơn đông, Trường Sơn tây. Bao nhiêu B quay. Bao nhiêu hồi chánh, bao nhiêu tù binh?
Rồi ngày hạnh phúc trở về, rồi cuộc đời phục viên hôm nay. Xin phơi bày chân thực, dù có đau thương bao nhiêu cũng phải đầy đủ và xác thực.

Xin nhắc lại, chúng ta sẽ có tội với tổ tiên nếu tiếp tục dối trá con cháu sau này. Vì ý nghĩa thiêng liêng đích thực của cuộc toàn quốc kháng chiến dành độc lập vào ngày 19/12/1946, xin hãy bảo toàn di sản cho lịch sử Việt Nam. [GC]


GIAO CHỈ SJ - ViệtTribune

No comments: