Monday, December 28, 2009

CẦU THỦ NGOẠI NHẬP TỊCH VN : CÔNG DÂN HẠNG HAI

VFF không thuộc luật
BBC
Cập nhật: 10:36 GMT - thứ hai, 28 tháng 12, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/12/091228_column_qdvffchetyeu.shtml
Cuối cùng, Nghị quyết về hạn chế cầu thủ ngoại nhập quốc tịch Việt Nam thi đấu tại V- League và giải hạng Nhất của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã chết. Trong bản Điều lệ V- League, giải hạng nhất, cúp Quốc gia được thông báo rộng rãi từ chiều 25.12 vừa qua, quy định chỉ có 1 cầu thủ ngoại nhập tịch được vào sân thi đấu đã không còn được nhắc đến.

Phú quý giật lùi
Trình tự phát triển của ý định hạn chế cầu thủ ngoại nhập tịch thi đấu tại các giải bóng đá Việt Nam, thực tế, bắt đầu từ Đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam khóa 6, tổ chức ngày 15.10.2009.
Khi đó, Thứ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao- Du lịch, Nguyễn Danh Thái, phát biểu trong đại hội đã đưa ra ý kiến hạn chế cầu thủ ngoại nhập tịch thi đấu tại V- League, cấm thi đấu tại giải hạng Nhất và cúp Quốc gia.
Có điều, chính ngài Thứ trưởng cũng tế nhị hạn chế tầm ảnh hưởng của bài phát biểu, bằng việc chua thêm: “Đó chỉ là ý kiến cá nhân, không mang tính chỉ đạo hội nghị”.
Dù mang tính cá nhân hay chính thức chỉ đạo, ý kiến của một thứ trưởng Bộ chủ quản, lại từng là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục Thể thao (trước khi bị sáp nhập), không đơn giản chỉ là một phát biểu suông.
Ngày 18.11.2009, tại hội nghị ban chấp hành (BCH) VFF khóa 6 lần 2, Thường trực VFF tổ chức lấy ý kiến các ủy viên thông qua quy định: mỗi CLB chỉ được sử dụng duy nhất 1 cầu thủ ngoại nhập quốc tịch trong một trận đấu.
Theo thông cáo báo chí của VFF đưa ra sau đó (báo chí không được tham dự hội nghị), các ý kiến tại Hội thảo đều thống nhất rằng, quyết định hạn chế cầu thủ nhập tịch không vi phạm Luật Quốc tịch, quyền công dân và luật Lao động, bởi bóng đá là loại hình lao động đặc thù.
Một tuần sau, Bộ Tư pháp cùng Bộ Công An, Vụ Tư pháp Văn phòng Chủ tịch nước… và 6 tỉnh, thành có cầu thủ nhập tịch tổ chức một cuộc Hội thảo về vấn đề cầu thủ ngoại nhập tịch. Có điều, hội thảo này không đi tới một kết luận đúng hay sai trong quyết định mà VFF đưa ra trước đó.
Tại thời điểm ấy, khi mà đội tuyển U23 đang tích cực chuẩn bị cho SEA Games 25, không ai – bao gồm cả VFF, các câu lạc bộ, cầu thủ nội và ngoại đã nhập tịch và giới truyền thông – muốn mổ xẻ những bất hợp lý và trái luật, hiện sờ sờ trong bản nghị quyết mà VFF đã thông qua.
Dẫu sao, những ý kiến trái chiều được báo chí ghi nhận từ lãnh đạo các câu lạc bộ đều cho thấy: nghị quyết mà VFF đưa ra không mang tính thực tế, không phù hợp với nguyện vọng của các đội bóng và mang tính áp đặt.
Bởi thế, cuối tháng 11, VFF “cẩn tắc vô áy náy” gửi công văn lên Bộ Tư pháp xin ý kiến chỉ đạo chính thức, và bị Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp chính thức “tuýt còi”.

Công văn của Bộ Tư pháp khẳng định: Nghị quyết của Liên đoàn bóng đá Việt Nam số 422/BB-LĐBĐVN ngày 18/11/2009 quy định: “Mỗi câu lạc bộ chỉ được sử dụng một cầu thủ nước ngoài đã nhập quốc tịch thi đấu trên sân” là chưa phù hợp với quy định tại các Điều 49, 50, 52 và 55 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khoản 2 Điều 5 của Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008, Điều 5 của Bộ Luật Lao động và Điều 45 của Luật Thể dục thể thao”.

“Công dân hạng hai”
Phan Văn Santos, Đinh Hoàng Max, Đinh Hoàng La, Huỳnh Kesley… không phải là cái tên xa lạ với giới hâm mộ trái bóng tròn Việt Nam. Chính thức, họ từng là tuyển thủ quốc gia.
Thủ môn gốc Brazil là cầu thủ ngoại nhập tịch đầu tiên được HLV Henrique Calisto gọi lên đội tuyển, đá giao hữu với đội tuyển Olympic Brazil, hồi tháng 8.2008. Tiếp đó là sự xuất hiện bộ đôi cầu thủ họ Đinh, tiền đạo họ Huỳnh trong trận đấu giao hữu với Olympiakos (Hy Lạp).
Đinh Hoàng Max còn nằm trong kế hoạch SEA Games 25 của HLV Calisto. Nhưng vì một lý do ngầm của luật “bất thành văn”, cầu thủ gốc Nigeria, 23 tuổi, đã không được triệu tập lên đội dự tuyển U23.
Và ở cấp độ của những trận đấu chính thức (vòng loại Asian Cup 2011), đội tuyển Việt Nam đến nay chưa được hưởng lợi gì từ các cầu thủ ngoại nhập tịch.
Một điều chắc chắn, ở góc độ pháp luật và quyền lao động, bốn cái tên kể trên, trong số 9 cầu thủ ngoại đã nhập tịch và khoảng chục người khác đang thi đấu tại V- League và giải hạng Nhất, đều đáp ứng đủ các tiêu chuẩn: sinh sống và làm việc tại Việt Nam từ 5 năm trở lên, có đóng góp đặc biệt, có vợ con là công dân Việt Nam…
Phan Văn Santos đến Việt Nam từ khi V- League mới bắt đầu hình thành, trước cả HLV Calisto có thâm niên 7 năm ở Việt Nam. Huỳnh Kesley hay Đinh Hoàng Max có vợ và con gái là người Việt Nam.
Những người khác, như Đoàn Văn Sakda, Đoàn Văn Nirut, Nguyễn Rogerio…, đều nằm trong số những người đóng góp tích cực vào sự phát triển của V- League trở thành một trong những giải đấu hàng đầu của khu vực, thậm chí còn được ESPN đặt vấn đề mua bản quyền truyền hình.
Còn nhớ, khi Phan Văn Santos lần đầu tiên được triệu tập lên đội tuyển quốc gia, chính Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ từng nói: “Tôi nghĩ rằng khi đội tuyển chúng ta giành chức vô địch AFF Cup 2008, sẽ không có ai phân biệt rằng Phan Văn Santos hay Huỳnh Kesley là người Brazil hay Việt Nam chính gốc, mà chỉ có những nhà vô địch mà thôi”.
Ông Hỷ cũng từng lên tiếng ủng hộ quan điểm triệu tập, có giới hạn, cầu thủ ngoại nhập tịch vào đội tuyển quốc gia.
HLV Calisto, người đang được VFF xoắn xuýt đề nghị gia hạn hợp đồng, là một trong số những người cực lực ủng hộ quan điểm tăng thêm số lượng cầu thủ nước ngoài thi đấu tại V- League, đồng nghĩa với cơ hội thi đấu nhiều hơn cho các cầu thủ ngoại nhập tịch, ở câu lạc bộ và đội tuyển.

Vĩ thanh
Nghị quyết vừa bị bác bỏ của VFF thực chất chỉ là một hành động mang tính đối phó.
Thực tế là, từ giữa mùa giải 2009, giới truyền thông và lãnh đạo các đội bóng đều đã biết thông tin “vào mùa 2010, Hoàng Anh – Gia Lai (HA.GL) sẽ chơi với 7 Tây, Đồng Tâm – Long An (ĐT.LA) cũng có 6 ngoại”…
Xu thế các đội bóng “lách luật” nhập tịch cầu thủ ngoại để tăng thêm sức mạnh tại V- League, kiểu HA.GL hay ĐT.LA, hay ở hạng Nhất như Ninh Bình hoặc Hòa Phát.Hà Nội… ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, VFF vẫn không có một động thái điều chỉnh hay biện pháp giám sát (đặt ra các tiêu chuẩn riêng cho phép cầu thủ ngoại nhập tịch ra sân).
Chỉ đến khi một vị Thứ trưởng, là lãnh đạo đầu ngành dọc, bày tỏ quan điểm cá nhân, VFF mới vội vàng “sửa sai”, thể hiện bằng một văn bản trái pháp luật.
Cuối cùng, té ra mấy chục con người trong ban chấp hành VFF lại không thuộc luật. Họ vi phạm Luật Lao động, Luật Quốc tịch. Và dưới con mắt quan sát của quốc tế, VFF đang vi phạm nhân quyền.
Dẫu vậy, dường như, VFF vẫn tiếp tục theo đuổi ý định hạn chế số lượng cầu thủ ngoại nhập tịch thi đấu ở các giải bóng đá Việt Nam, với lý do “tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ thi đấu”.
Có vẻ như, các cầu thủ ngoại nhập tịch vẫn chỉ là những công dân hạng hai.

Danh sách cầu thủ nước ngoài nhập quốc tịch Việt Nam
Năm 2009: Phan Văn Santos (Đồng Tâm Long An), Đoàn Văn Nirut, Đoàn Văn Sakda (Hoàng Anh Gia Lai), Phan Lê Martin, Trần Lê Issac (Hòa Phát Hà Nội), Đinh Hoàng Max, Đinh Hoàng La (Ninh Bình), Huỳnh Kesley (Bình Dương), Nguyễn Rogerio (SHB.Đà Nẵng).
Dự kiến: Das Silva (Ninh Bình), Jonathan, Issifu (Khánh Hòa), Helio (SLNA), Aniekan, Williams (Hải Phòng), Issawa, Tshamala (Đồng Tâm), Almeida (SHB Đà Nẵng)…



No comments: