Thursday, December 10, 2009

ÁM ẢNH NHÂN QUYỀN

Ám ảnh nhân quyền
Phạm Phú Đức
10/12/2009 6:44 chiều
3 phản hồi
http://www.talawas.org/?p=14841
Nhân quyền luôn là đề tài thôi thúc, thao thức và thách thức tôi, ngay từ nhỏ. Nó vẫn ám ảnh cho đến bây giờ.

Hồi nhỏ, tôi bị ăn đòn hầu như mỗi ngày. Nghịch? Đã đành. Có thể nói bảy lần trên mười bị ăn đòn tính ra cũng hợp lý (của thời gian và không gian đó). Còn ba lần kia không hẳn là lỗi của tôi. Thế nhưng ba tôi luôn bảo rằng nếu tôi ở trong nhà thì làm gì có chuyện, chỉ vì đi ra ngoài chơi bời lêu lổng gây chuyện, nên lỗi hoàn toàn tại tôi. Nghe thì hợp lý, nhưng vẫn thấy oan sao đó. Nhưng thời đó, một, không dám cãi, hai, cũng không biết làm sao cãi, dù trong lòng rất ấm ức. Rốt cuộc thì vẫn vậy: bị ăn đòn, lắm khi điếng người.

Tóm lại, vừa bị ăn đòn vừa không được khiếu nại, kháng án hay bảo vệ lập trường của mình trong bao nhiêu năm trời thì làm sao mà không ám ảnh về nó.

Khi lớn, hiểu đời hơn một chút, thì thấy rõ nhiều sự bất công chung quanh mình, từ cái ăn cái mặc bởi chính sách kinh tế tem phiếu, bao cấp, tập trung, cho đến cái đi cái đứng phải thưa trình, khai báo, xin phép v.v… Không bút mực nào có thể liệt kê hết được những điều bất công vô lý và chướng tai gai mắt vào thập niên 1980 (và trước đó nữa). Cái gì cũng ràng buộc, khó khăn, cản trở đủ điều. Ngay cả trong nhà trường, nơi đáng lẽ ra phải là nương tựa của tuổi thơ của học trò, thì cũng bị cái đoàn, cái đảng, cái lý lịch gia đình nó áp đặt, quyết định mọi điều.

Vì không còn bất cứ một sự tự do nào trên mảnh đất mình sống, nhiều người đã phải vì thế mà bỏ nước ra đi, trong hy vọng một sống cho đáng sống, hai chết thì đành chịu, chứ không thể thở trong bầu không khí đó được nữa. Ba má tôi cũng vì tương lai của con mình nên dù thương đến mấy cũng tìm cách cho con đi. Anh chị tôi vì thế, và nhờ may mắn, mà đến được bến bờ tự do. Nhưng cũng nhờ sống còn mà ở nhà, tập quyền địa phương móc nối áp lực lên những người hàng xóm hiền lành chung quanh gia đình tôi đem ông ra đấu tố. Họ xỉ vả, lên án, khuyên nhủ, cảnh cáo và kết tội phản quốc và bao nhiêu thứ tội khác lên ông. Lúc đó, tôi còn nhỏ lắm, chừng mười tuổi, nhưng thấy ba mình bị hiếp đáp tinh thần như thế làm cho tôi căm phẫn đến ngột thở. Nó làm cho tôi, và bao người khác, chỉ muốn có được cơ hội rời khỏi nơi này. Lúc đó chắc có lẽ tôi cũng chưa hoàn toàn hiểu ý niệm tự do là gì cả, nhưng khát vọng được sống tự do thì nung nấu và thôi thúc trong lòng mình.

Tóm lại, kỷ niệm về thuở niên thiếu của tôi ở Việt Nam, tuy không phủ nhận là có phần hồn nhiên trong sáng, lắm ám ảnh về sự bất công hay những con người bị chà đạp vì nghèo, vì lý lịch, vì bị phân biệt bởi đủ thứ lý do, nào “giai cấp” chính trị, nào giai tầng kinh tế.

Rồi suốt những năm tháng sau đó, sau bao nhiêu chuyến đi vượt biên hụt, đối với tôi ít nhất cũng vài chục lần, một phần gia đình tôi cũng đã may mắn đi lọt đến Hồng Kông sau hai lần gặp bão tưởng chết đến nơi. May quá, còn sống. Nhưng mới bước vào trại thì gặp phải những sự bất bình khác. Các cai quản trại, người Tàu Hồng Kông, lắm khi đối xử tệ hại đối với người tị nạn mình. Với một số trường hợp, họ công khai đánh đập và trấn áp tinh thần người mình. Tất nhiên không phải vô lý vô cớ người mình bị hiếp đáp như thế, nhưng cách đối xử và giải quyết như vậy vừa bất nhân vừa bất hợp pháp. Riêng tôi, nhìn thấy những cảnh như thế, nó đã làm cho tự ái dân tộc trong lòng tôi nổi lên. Nó cũng làm tôi bắt đầu suy tư về số phận làm người, nhất là làm người dân của một nước không chỉ nhược tiểu, nghèo nàn mà còn bị chính quyền xua đuổi và chà đạp lên chính người dân của mình. Người tị nạn, từ bất cứ không gian và thời gian nào, trên hành trình đi tìm tự do, luôn gánh chịu nhiều bất hạnh, bị người ta khinh khi ngờ vực, bị chà đạp nhân phẩm, chết trong tù đày và biển cả, nhưng có lẽ không có trường hợp nào bất hạnh đau thương như người tị nạn Việt Nam sau năm 1975.

Những gì xảy ra trước mắt đã biến tôi, từ một cậu bé ham chơi hiếu động, trở thành một người vùi đầu vào học hành và lấy sách vở làm ý nghĩa sống và thú vui tiêu khiển. Lúc đó, tôi chỉ mong thời gian sớm qua mau để có thể đến một xứ sở tự do hơn (không phải ở trong các bức tường rào hay toà nhà phủ kín bốn bề), nhất là có được môi trường để mình học hành đến nơi đến chốn, đáp lại sự hy sinh và lòng mong chờ của cha mẹ.

Tóm lại, kỷ niệm về cuộc đời tị nạn của tôi cũng choán đầy những ám ảnh về vi phạm nhân quyền. Mà người tị nạn nào không thế!

Có lẽ vì những gì xảy ra trước đây nên tôi luôn khát khao và ước mơ về tự do, về quyền làm người, về một chân trời mới đầy tình người. Nó cứ mãi thôi thúc và thách thức tôi, có lúc tiềm ẩn, có lúc bộc phát, nhưng không bao giờ nguôi ngoai.

Vào những năm đầu định cư tại Úc, ghi nhớ lời dặn khuyên của ba má, tôi chỉ biết tập trung học hành đàng hoàng, chẳng cần ai nhắc nhở. Đến khi vào đại học, gặp được môi trường tốt, có những anh chị bạn bè hoạt động trong Hội Sinh viên Việt Nam tại Đại học Melbourne, rồi bị thu hút vào các hoạt động văn nghệ, thể thao, báo chí, trại hè, đi bộ (gây quỹ) cho thuyền nhân, hát cho tuổi trẻ Việt Nam v.v…, tôi bắt đầu tìm thấy ý nghĩa sống, nhận ra những tinh thần trong sáng và tâm hồn cao thượng, khám phá những lý tưởng cao đẹp. Hạt mầm đó, môi trường đó, cơ hội đó cũng đủ để làm ấm áp lòng người, đủ để đánh thức lương tâm và trách nhiệm của mình đối với quê hương, đủ để xây dựng và nuôi dưỡng những hoài bão thay đổi Việt Nam ngày một tiến bộ, văn minh, giàu mạnh hơn. Cũng vì thế mà trong lúc, và sau khi, hoạt động trong giới sinh viên, tôi nhận thấy cần dấn thân hơn nữa nên quyết định tham gia tích cực vào các sinh hoạt “chính trị” để tranh đấu cho tự do dân chủ nhân quyền tại Việt Nam. Thí dụ như Hội Ân xá Quốc tế qua chiến dịch Hãy sử dụng quyền tự do của mình (Use Your Freedom), tiêu biểu là vận động trả tự do cho luật sư Lê Chí Quang. Hay góp phần hình thành Ủy ban Nhân quyền Úc Việt (Australia-Vietnam Human Rights Committee) tại Victoria v.v…

Hoạt động tranh đấu cho nhân quyền dân chủ như thế cũng chưa đủ, cũng chưa hiểu thấu những nguyên nhân sâu xa đưa đến sự hình thành bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và nội dung từng điều khoản trong đó, và hơn nữa các yếu tố chính trị đằng sau nó, tôi quyết đi học Khoa học Chính trị. Tuy nhiên, trải qua tất cả những kinh nghiệm nêu trên, từ lý thuyết đến thực hành, chưa khi nào tôi cảm nhận về nhân quyền giống như bây giờ. Đúng ra là kể từ khi có con.

Có con, khác với nhiều người, tôi muốn tham gia phụ giúp vợ làm mọi chuyện, từ cái nhỏ nhặt nhất, tuy vẫn đi làm như bình thường. Có con thì vui thật, nhưng cũng cực trăm bề. Nhưng qua đó tôi hiểu được thêm giá trị của sự sống hơn bao giờ hết. Từng ngày, từng giờ, từng phút lo lắng cho con, nhất là khi bé không bú được, ngủ được, hay chướng, chẳng hạn. Chỉ nội cái ăn, cái ngủ, cái vệ sinh thôi từ lúc mới sinh đã làm mình loay hoay hết giờ, chưa kể bao nhiêu cái lo khác ở mỗi giai đoạn khác nhau, từ sức khoẻ đến tinh thần, từ từng ánh mắt nụ cười cho đến tiếng khóc tiếng ho. Tóm lại, tôi thấy công việc nuôi con để được khoẻ mạnh thể lực và tinh thần, để con nên người, trở thành một người tốt và hữu dụng cho xã hội, quả là một công trình đầy thử thách mà lại không bao giờ chấm dứt.

Đôi khi lỡ con mình có hề gì, như đau ốm hay bệnh tật chẳng hạn, thì cha mẹ nào mà không buồn phiền, đau đớn, đứt ruột. Những tháng ngày lo lắng như thế thảo nào không làm cha mẹ thêm tóc bạc trên đầu.
Nhìn một con người ở khía cạnh cá nhân như thế, thật rất dễ để đi đến kết luật rằng sự sống của tất cả mọi người, không phân biệt đến từ nơi nào, quả là vô giá.

Nhưng nếu xã hội mà chúng ta đang sống coi thường sự sống, một cách có hệ thống, thì chúng ta phải làm gì?

Cứ hình dung rằng bao nhiêu tình thương và công sức của cha mẹ dồn vào đầu tư cho sự sống, phát triển và thành đạt của con mình, trong khi đó cái xã hội chung quanh thì lại coi thường mạng sống con người, và không những thế, nó còn thường xuyên đè bẹp, bóp nghẹt, chà đạp lên cái niềm tin, cái giá trị, cái lẽ sống rất thiêng liêng đó, thì thật quá uổng phí, phải không? Bao nhiêu công lao khó nhọc của cha mẹ bị cái xã hội cái môi trường đó phá huỷ thì còn gì vô ích hơn.

Nội chỉ nghĩ đến điều đó thôi đã làm tôi cảm thấy rùng mình, bởi bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân trực tiếp hay gián tiếp của cả một hệ thống áp chế trong cái xã hội nghiệt ngã đó.

Tôi luôn cảm thấy mình rất may mắn không phải ở trong trường hợp đó, mặc dầu cái giá phải trả để có được tự do ngày hôm nay không phải là nhỏ. May mắn hơn nữa là con tôi được nuôi dưỡng trong một môi trường, tuy không hoàn hảo bởi ở nơi nào cũng cần có sự cải tiến để được công bằng hợp lý hơn, trong đó quyền con người được tôn trọng ở mức độ đáng tự hào so với nhiều nơi khác.

Tôi tin rằng người Việt nào, ở trong lẫn ngoài nước, cũng đều mong muốn nhân quyền được cải tiến tại Việt Nam. Muốn vậy thì, kinh nghiệm lịch sử cho thấy, người dân ở đó phải tranh đấu để giành lấy quyền đó, chẳng thể chờ đợi ai làm thế hay bố thí cho mình. Người ta cho thì người ta có thể lấy lại được, trong khi của mình hay tự mình giành lấy thì khác, nhất là khi hành động xuất phát từ tư duy, ý thức và tinh thần trách nhiệm của chính mình.

Cho đến ngày nào vẫn còn sự áp chế, cưỡng bức buộc người ta hành động chứ không phải từ ý thức tự giác, tinh thần tự chủ và tự trọng, nhất là từ cái đơn vị gia đình, thì khó hình dung có được nhân quyền tôn trọng tại nước đó, bởi nó đã bị vi phạm từ cơ bản.

Vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, vì thế, cứ mãi ám ảnh tôi đến bây giờ, và sẽ còn lâu nữa.

Melbourne 7/12/2009
© 2009 Phạm Phú Đức
© 2009 talawas blog


No comments: