Thursday, December 10, 2009

TRUNG QUỐC ĐI VỀ ĐÂU 10 NĂM TỚI ?

Trung Quốc đi về đâu 10 năm tới?
Lê Quỳnh
BBCVietnamese.com
Cập nhật: 13:20 GMT - thứ tư, 9 tháng 12, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/12/091209_china_foreign_policy.shtml

Với nhiều người Trung Quốc, năm 2009 là năm tỏa sáng của đất nước này.
Cuộc họp G20 tại London và chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đẩy quan hệ Mỹ - Trung sang một chặng mới.
Tiềm năng của cặp đôi gọi là G2 có vẻ sẽ xây đắp khung tương lai cho các mối quan hệ toàn cầu.
Trong khi cuộc họp thượng đỉnh Copenhagen về Khí hậu đang làm tăng mong chờ từ Trung Quốc, hai chữ “Trách nhiệm” đã thay thế “Phát triển” để trở thành từ quan trọng cho vai trò toàn cầu của Trung Quốc.
Bắc Kinh không còn ngần ngại bày tỏ quan điểm toàn cầu của họ. Ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Obama, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào công bố quan điểm về tương lai quan hệ với Hoa Kỳ.

Theo đó, nền ngoại giao của Hồ Cẩm Đào bao gồm năm điểm:
Tăng cường niềm tin giữa Trung Quốc và Mỹ
Duy trì liên lạc gần gũi ở mọi cấp độ
Củng cố chính sách tài chính và kinh tế vi mô
Thúc đẩy hợp tác trong mọi lĩnh vực
Cùng đối diện thách thức toàn cầu và khu vực

Trong cuộc gặp với ông Obama, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nói ông không đồng ý với nhãn hiệu “G2”, ám chỉ Trung Quốc đã gần như có sự độc quyền bên cạnh Hoa Kỳ, cho dù ông tin rằng hai quốc gia có thể có ảnh hưởng độc nhất vô nhị trên trường quốc tế.

Hồi cuối tháng 11, trong một tạp chí của Đảng, cây bút lý luận Trương Hiểu Đồng tóm tắt cái mà ông xem là viễn kiến thời đại của Hồ Cẩm Đào, cũng gồm năm điểm:
Thế giới đã thay đổi, và Trung Quốc sống trong một “thời đại đầy cơ hội và thách thức”
Xây dựng một thế giới hòa hợp
Cùng phát triển (có vẻ ám chỉ các tranh chấp lãnh thổ, gồm cả Biển Đông)
Chia sẻ trách nhiệm
Tham gia tích cực vào công việc quốc tế

Phân tích sự việc này, nhà quan sát ở Hong Kong, Willy Lam, cho rằng ba ý đầu không có gì mới. Duy ý tưởng “chia sẻ trách nhiệm và tham gia tích cực” phản ánh việc Trung Quốc sẵn sàng dấn thân nhiều hơn vào các vấn đề của thế giới.
Trung Quốc ít nhất cũng đã thay đổi, có chọn lọc, nguyên tắc ‘không can thiệp vào công việc nội bộ’. Thông tin chính thức nói Trung Quốc đã tham gia hơn 20 sứ mạng gìn giữ hòa bình của LHQ, nỗ lực đàm phán đa phương về Bắc Hàn và Iran. Trong chuyến thăm của Obama, dường như Bắc Kinh đã ngả theo đòi hỏi của Washington là yêu cầu Iran ngừng chương trình hạt nhân.

10 năm tới?

Đa số giới quan sát nhận định Phó Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ kế vị ông Hồ để lãnh đạo Trung Quốc sau năm 2012. Nhưng vị tân chủ tịch sẽ đem đến thay đổi gì?

Ông Tập Cận Bình thuộc vào nhóm gọi là “Thái Tử Đảng”, ám chỉ nhóm con cháu các công thần của Đảng. Ông là con trai Tập Trọng Huân, nguyên phó thủ tướng và là một trong tám nhân vật cao cấp dưới trướng Đặng Tiểu Bình hồi thập niên 1980 và 1990.
Sinh năm 1953 ở Bắc Kinh, ông từng tham gia phong trào về nông thôn năm 1968 trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Ông được tiến cử để vào học tại Đại học Thanh Hoa từ 1966 đến 1971, theo chế độ “Công Nông Binh”, tức là vào thẳng đại học không cần thi tuyển.
Nhìn theo cách này, có người bảo ông Tập Cận Bình lớn lên từ chính sách của Chủ tịch Mao Trạch Đông, được nuôi dưỡng trong tư tưởng cộng sản sâu sắc hơn nhiều người cùng lứa.
Ông có quê ở tỉnh Thiểm Tây – nơi trở thành trung tâm cuộc cách mạng khi Mao làm cuộc trường hành tới nơi này thập niên 1930. Vậy, có thể bảo rằng tính cách bảo thủ đã in sâu trong tính cách của ông Tập.
Nhưng liệu điều có có nghĩa rằng Trung Quốc sẽ chứng kiến sự hồi sinh của chủ nghĩa Mao sau khi ông Tập Cận Bình ‘lên ngôi’?

Rõ ràng những người nổi bật trong nhóm Thái tử Đảng như Tập Cận Bình hay Bạc Hy Lai (Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, con trai một cố phó thủ tướng) đã không ngại khơi gợi những giá trị cộng sản thời Mao. Từ ngay sang Trùng Khánh, ông Bạc Hy Lai tích cực mở các chiến dịch tuyên truyền những câu nói và học thuyết của Mao xuống cho dân chúng.
Còn Tập Cận Bình, trong vai trò Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương, cũng kêu gọi đảng viên học tập các tấm gương đạo đức của thế hệ cách mạng thứ nhất.
Sự thăng tiến của ông Tập Cận Bình có thể gợi lại sự hồi nhớ về thời đại Mao, nhưng cũng không thể nói rằng ông sẽ đưa Trung Quốc trở lại thời kỳ ‘cách mạng’.

Gần đây, Francesco Sisci, biên tập tờ La Stampa nói ông Tập Cận Bình có bài diễn văn quan trọng đặt ra mục tiêu nghiên cứu mô hình ‘đảng Marxist’, bỏ cụm từ 'mô hình cộng sản Marxist-Leninist'.
Khó tin rằng ông Tập sẽ lại bỏ qua chính sách ngoại giao như Hồ Cẩm Đào đã đề ra. Và nếu ông Hồ đã ra dấu rằng mục tiêu của Trung Quốc trong 10 năm tới là thúc đẩy phát triển chung và hòa hợp, thì phải chăng đó cũng sẽ là chính sách của nhà lãnh đạo mới?
Tuy vậy, đã có những bình luận rằng ông Tập sẽ mang phong cách cứng rắn của Mao và Đặng trong chính sách đối ngoại.
Với Việt Nam, người ta sẽ chú ý giới lãnh đạo mới sẽ có quan điểm mềm hay cứng trong tranh chấp Biển Đông.

Tác giả cảm ơn một số nhà nghiên cứu, dịch giả người Trung Quốc tại London đã giúp đỡ tìm tài liệu và dịch thuật cho bài viết này.


No comments: