Thursday, September 28, 2023

VAI TRÒ CỦA CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO TRONG VỤ TỬ HÌNH LÊ VĂN MẠNH (Gió Bấc, Blog RFA)

 



Vai trò của Chánh Án Toà án Nhân dân Tối cao trong vụ tử hình Lê Văn Mạnh

Bình luận của blogger Gió Bấc
2023.09.28

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/nguyen-hoa-binh-role-in-le-van-manh-death-09282023100059.html

 

Ngày 22/9/2023, cái chết của tử tù oan Lê Văn Mạnh chấn động như vết dao đâm vào tim của mọi người. Đau đớn trước cuộc đời bất hạnh oan trái của Mạnh, thương xót cha mẹ em 18 năm kêu oan, hy vọng đợi chờ công lý sáng soi nhưng kết quả quá thảm khốc. Dư luận xã hội, giới luật gia trong nước, các tổ chức nhân đạo, cơ quan ngoại giao quốc tế đồng loạt lên tiếng kêu oan.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/nguyen-hoa-binh-role-in-le-van-manh-death-09282023100059.html/@@images/a811a61e-4d24-497d-be17-3043d0d6baf4.jpeg

Những người thân khóc thương trước nấm mồ của tử tù Lê Văn Mạnh .  (Facebook)

 

Vì sao, ai đã cố tình giết Lê Văn Mạnh? Mọi ý kiến đều quy về Nguyễn Hòa Bình, Ủy Viên Bộ Chính Trị, Chánh Án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao. Không chỉ với Lê Văn Mạnh, nếu không ngăn chặn, kẻ thủ ác sẽ tiếp tục giết oan Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng và bao nhiêu người khác nửa.

 

Xem lại hồ sơ vụ án, có thể khẳng định không chút hồ nghi, Lê Văn Mạnh bị kết án oan. Mạnh bị kết tội hiếp dâm, giết người mà không có một chứng cứ nào. Công An Thanh Hóa đã ép cung, dùng bọn tù hình sự tra tấn buộc Mạnh viết thư thú tội gửi cho cha và lấy lá thư ấy làm chứng cứ duy nhất cáo buộc tội.

 

Đó không phải là suy luận chủ quan mà chính là kết luận từ hồ sơ tố tụng của các cơ quan pháp luật cao nhất là Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao và Tòa Án Nhân Dân Tối Cao trước đây (thời điểm, ông Trần Quốc Vượng là Viện Trưởng, ông Nguyễn Văn Hiện là Chánh Án TANDTC).

 

Báo chí trong nước đã nhiều lần đưa tin khẳng định: sau bốn phiên tòa sơ và phúc thẩm, ngày 23/4/2007, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã ra kháng nghị giám đốc thẩm cho rằng “cơ quan điều tra mắc nhiều thiếu sót, mâu thuẫn và chưa có cơ sở vững chắc để kết luận Lê Văn Mạnh phạm tội Giết người, Hiếp dâm trẻ em”.

 

Theo Viện Kiểm sát, vật chứng duy nhất là chiếc quần sooc rách được Mạnh thay ra vứt bỏ gần hiện trường khi đi mò xác Linh được xác định mất giá trị chứng cứ buộc tội với Lê Văn Mạnh (1)

 

Thực hiện kháng nghị này, ngày 04/06/2007, Hội Đồng Thẩm Phán Tòa Án Nhân Dân Tối Cao đã mở phiên Giám Đốc Thẩm. May mắn là trang mạng Cộng Đồng Dân Luật đã lưu trữ toàn văn Quyết Định Giám Đốc Thẩm này

 

Nội dung Quyết Định Giám Đốc Thẩm đã bác bỏ hoàn toàn mọi cáo buộc và vạch ra những sai trái, mâu thuẫn trong hồ sơ án còn hơn một bài bào chữa cho Lê Văn Mạnh. Xin trích một phần nhận định về vụ án.

 

“Trong lời khai nhận tội của bị cáo có nhiều mâu thuẫn và thiếu thống nhất nhưng chưa được điều tra hoặc không cho đối chất làm rõ và quá trình tố tụng còn một số thiếu sót; cụ thể như sau:

 

- Lê Văn Mạnh khai khi thấy cháu Hoàng Thị Loan ở bờ sông (thuộc địa phận xã Yên Thịnh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa), Mạnh nảy sinh ý định hiếp cháu Loan. Khi bị cháu Loan chống cự thì Mạnh đấm, đập đầu cháu Loan cho đến khi cháu Loan bất động và bế cháu Loan qua sông Cầu Chày (thuộc địa phận xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) để dấu xác (BL 127). Quá trình điều tra, cơ quan điều tra không xác định hiện trường chính nơi xảy ra hành vi tấn công đầu tiên của Mạnh đối với cháu Loan để thực hiện hành vi hiếp dâm là ở chỗ nào và nếu cháu Loan kêu cứu thì có ai phát hiện được không?

 

Khi thấy cháu Loan bất động, Mạnh bế cháu trên tay lội qua sông Cầu Chày, đầu và người nạn nhân ở trên mặt nước, nước sông lúc đó chỉ sâu khoảng 1m (BL 119). Theo kết quả giám định pháp y tỉnh Thanh Hóa thì cháu Loan “chết ngạt do thắt cổ, trên nạn nhân có ngạt nước và bị hiếp dâm”. Cơ quan điều tra không cho thực nghiệm điều tra để làm rõ Mạnh bế cháu Loan qua sông như thế nào và cũng chưa có văn bản yêu cầu Tổ chức giám định pháp y giải thích rõ cháu Loan chết do nguyên nhân trực tiếp nào? Lê Văn Mạnh nhận tội “Giết người” nhưng không có lời khai nào nhận có hành vi hiếp dâm cháu Loan, Cơ quan điều tra cũng chưa yêu cầu Cơ quan giám định giải thích rõ nếu trường hợp bị đánh, bị ngạt thở thì tử cung người phụ nữ có thể ra máu không?

 

- Ở giai đoạn điều tra, Lê Văn Mạnh có khai nhận tội, nhưng tại phiên tòa sơ thẩm Mạnh lại phản cung, chối tội cho là bị các phạm nhân cùng phòng giam là Nguyễn Kế Hiền, Hoàng Văn Dương, Mai Xuân Tình, Nguyễn Trọng Tuấn và Nguyễn Thành Nam đánh đập bắt phải nhận tội (BL 258). Sau khi Tòa án cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm để điều tra lại, mặc dù Cơ quan điều tra có lấy lời khai các phạm nhân cùng buồng giam về việc có đánh Mạnh hay không nhưng không cho Mạnh đối chất với các phạm nhân nói trên để làm rõ là chưa khách quan.

 

- Về lá thư Lê Văn Mạnh viết gửi về cho gia đình (ghi ngày 23-4-2005), thì ngày 28-4-2005 phạm nhân Lê Văn Dũng chuyển cho cán bộ Trại giam bức thư của Mạnh, nhưng Cơ quan điều tra không hỏi gì về lá thư này. Khi xét xử sơ thẩm Mạnh khai do phạm nhân Hiền ép phải viết thư và nhờ Hiền chuyển ra ngoài. Cơ quan điều tra không hỏi phạm nhân Hiền có ép buộc Mạnh viết bức thư không? Vì sao Mạnh nhờ Phạm nhân Hiền chuyển thư ra ngoài nhưng người giao lá thư cho cán bộ Trại giam lại là phạm nhân Dũng.

 

-.…

 

- Cơ quan điều tra cũng chưa xác định sơ đồ hiện trường khu vực nhà ở của gia đình Mạnh như thế nào? Cháu Lệ ngồi ở vị trí nào mà quan sát được Mạnh đi từ vườn vào nhà tắm? Ngày 21-3-2005, Đài truyền hình tỉnh Thanh Hóa có phát hành phim “Phong Vân” không?

 

Việc điều tra làm rõ những vấn đề trên là cần thiết bảo đảm cho việc có đủ căn cứ kết luận Lê Văn Mạnh phạm tội “Giết người” và tội “Hiếp dâm trẻ em” hay không.

 

Vì các lẽ trên, căn cứ vào khoản 3 Điều 285, Điều 287 và Điều 289 Bộ luật tố tụng hình sự,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

1. Hủy bản án hình sự phúc thẩm số 756/2006/HSPT ngày 26-7-2006 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội và bản án hình sự sơ thẩm số 61/2006/HSST ngày 13-3-2006 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa (2)”

 

Theo một nền tư pháp văn minh thì đến đây, khi không có đủ chứng cứ kết tội bị cáo thì tòa có quyền và trách nhiệm tuyên vô tội và trả tự do cho Lê Văn Mạnh. Nhưng theo ràng buộc của nền tố tụng Việt Nam thì Tòa lại trả hồ sơ cho Viện, Viện lại trả cho Công an Thanh Hóa để điều tra xét xử lại từ đầu.

 

levanmanh.jpeg

Tử tù Lê Văn Mạnh. Hình: Công An Nhân Dân

Người có quyền lực không ai tự vả vào mặt mình, Công an , Viện Kiểm sát và Tòa án Thanh Hóa vẫn tiếp tục lập lại hồ sơ cũ. Năm 2008 hai phiên tòa của hai cấp sơ phúc thẩm lần thứ ba, tòa án vẫn xác định Mạnh có tội, tiếp tục tuyên án tử hình.Trong tất cả các phiên tòa, Mạnh đều phản cung, tố cáo bị điều tra viên và các bạn cùng phòng đánh và bắt nhận tội.

 

Theo Mạnh, tại thời điểm xảy ra án mạng, anh đang đi làm giúp em gái Lê Thị Nhài nên có bằng chứng ngoại phạm. Hội đồng xét xử căn cứ chủ yếu vào bức thư để khép tội, trong khi thư là do bị hai phạm nhân cùng buồng ép viết.

 

Theo luật sư đại diện kêu oan cho Mạnh, trong các bản án sơ thẩm cũng như phúc thẩm không có chứng cứ nào khác ngoài lời nhận tội của bị cáo, mà chính bị cáo phủ nhận toàn bộ tại phiên tòa. "Điều này đã vi phạm quy định tại khoản 2 điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003: Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị án làm chứng cứ duy nhất để kết tội", luật sư trình bày trong đơn đề nghị hoãn thi hành án tử hình với Mạnh. (3)

 

Năm 2015, Tòa Án Thanh Hóa đã từng ra quyết định thi hành án Lê Văn Mạnh tạo ra làn sóng dư luận phản đối mạnh mẽ. Nhiều luật sư (trong có luật sư Trần Vũ Hải, Nguyễn Hà Luân, Lê Văn Luân, Trần Thu Nam, Nguyễn Thị Huệ, và Hà Minh Tú) ký đơn gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các cơ quan liên quan kiến nghị hoãn thi hành án với tử tù Lê Văn Mạnh để “tránh hàm oan người vô tội”. Tổ chức Ân xá Quốc tế viết thư kêu gọi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoãn xử tử Lê Văn Mạnh. Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ) gửi thư tới Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kêu gọi ngừng ngay kế hoạch tử hình phạm nhân Lê Văn Mạnh và cho mở cuộc điều tra độc lập về các cáo buộc nói Mạnh đã bị cảnh sát tra tấn bắt nhận tội. Tòa án Thanh Hóa đã thông báo tạm hoãn thi hành án.

 

Từ đó đến nay Tòa tối cao và các cơ quan liên ngành cũng nhiều lần xem xét lại hồ sơ vụ án.

 

Chiều 13/9/2022, trình bày báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của Tòa án Nhân dân năm 2022, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, hiện nay, có trường hợp đơn kêu oan của bị cáo Lê Văn Mạnh bị kết án tử hình về tội Giết người và Hiếp dâm trẻ em xảy ra tại tỉnh Thanh Hóa.

 

Theo ông Bình, đây là vụ án phức tạp về đánh giá chứng cứ, vì vậy, Tổ công tác Liên ngành Tư pháp Trung ương đang tiếp tục xác minh để báo cáo lãnh đạo liên ngành theo quy định. (4)

 

Thế nhưng từ đó đến nay chưa hề có thông tin nào về kết quả xác mình thì đột nhiên ngày 18/9 gia đình Lê Văn Mạnh nhận thông báo của Tòa án Thanh Hóa về việc thi hành án. Một lần nữa dư luận lại dậy sóng. Gia đình Lê Văn Mạnh tất tả nộp đơn cầu xin khắp các cơ quan. Ông Nguyễn Trường Chinh, thân phụ của tử tù oan Lê Văn Chưởng từ Hải Dương, bà Nguyễn Thị Loan thân mẫu của tử tù oan Hồ Duy Hải từ miền Nam xa xôi cũng bay ra Hà Nội đồng hành cùng ông Lê Văn Chính kêu cứu hoãn tử hình cho Lê Văn Mạnh.

 

Ngày 20/09/2023, Liên hiệp Châu Âu và các cơ quan đại diện ngoại giao của Canada, Vương quốc Na Uy và Vương quốc Anh ở Việt Nam đã “kêu gọi các cơ quan thẩm quyền Việt Nam dừng việc thi hành án tử hình ông Lê Văn Mạnh”

 

Thế nhưng bất chấp những giọt nước mắt thương tâm của những người cha, người mẹ đau khổ, bất chấp lòng dân sục sôi phản ứng, bất chấp tiếng nói của các đối tác ngoại giao quan trọng, người ta vẫn xuống tay nhẫn tâm nhân danh “thi hành án” giết Lê Văn Mạnh dù không có chứng cứ buộc tội nào.

 

Vì sao cùng là TANDTC nhưng năm 2007 đã ra Quyết Định Giám Đốc Thẩm chặt chẽ, công minh như bài bào chữa, năm 2022 vẫn còn xác minh vụ án, nay chưa công bố kết quả xác minh lại cho thi hành án tử hình? Xin thưa, có một sự khác nhau nho nhỏ mà không hề nhỏ đó là Chánh Án TANDTC năm 2007 là ông Nguyễn Văn Hiện và đương kim Chánh Án hiện nay là đồ tể Nguyễn Hòa Bình. (5)

 

129505dc-ab14-4d7a-b0b4-5964c1933a6a.jpeg

Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình báo cáo về công tác của các Toà án trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV, vào ngày 12/1/2021. Hình: Quốc hội

Hoàn toàn không suy luận chủ quan, Facebooker Nguyễn Anh Tuấn đã trích từ văn bản thông báo gửi cho gia đình Lê Văn Mạnh cho thấy căn cứ mới nhất mà Tòa Án Thanh Hóa  “thi hành án Mạnh thể theo yêu cầu của Vụ I, Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) thông qua công văn đề ngày 11/8/2023.

 

Trong hệ thống thứ bậc của bộ máy quyền lực ở Việt Nam, chúng ta biết rằng Vụ I không thể gửi công văn này nếu không có sự chỉ đạo của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình”. (6)

 

Cùng quan điểm này, Luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh cũng viết trên fb: “Chính Công văn số 189, ngày 11/08/2023 của Tòa án Nhân dân Tối cao mới là văn bản chỉ đạo giết người dưới danh nghĩa tử hình.

 

Tôi nói ra nơi chỉ đạo, các bạn tiếp tục đoán ra người chỉ đạo nhé? Và đó mới đích thị là kẻ “sát nhân”. Lúc này, hắn đang mỉm cười đắc thắng vì ý nguyện của công chúng đối với hắn, hóa ra chả là "cái đinh" gì sất.”

 

Luật sư Đặng Đình Mạnh còn đưa ra nhận định làm người ta lạnh sống lưng “Tôi đã từng nghe “Tử hình sạch đám kêu oan, thì sẽ không còn án oan nữa!!!” cứ nghĩ là câu đùa quá trớn. Hóa ra, nó là chủ trương. Cho nên, sau khi giết Lê Văn Mạnh như một phép thử, mà công chúng vẫn bàng quan, thì sẽ đến lượt Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải…” (7)

 

Nguyễn Hòa Bình từng nổi tiếng tổ chức “Hội Đồng dao thớt” với 17 thẩm phán tối cao Giám Đốc Thẩm vụ án Hồ Duy Hải bằng kết luận rợn người y án tử hình vì “hồ sơ án có vi phạm tố tụng nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án”

 

Nguyễn Hòa Bình từng luôn khẳng định tòa án không có án oan nhưng mới đây khi đề xuất sửa đổi luật Tổ chức tòa án lại cho rằng “nghị quyết của Quốc hội cho phép 1,5% của 600.000 vụ án được phép sai do lỗi chủ quan, tức là khoảng 9.000 vụ án được phép sai do lỗi chủ quan. “Bây giờ cứ sai là bị kỷ luật hết thì lấy đâu ra người làm việc” (8)

 

Tất cả những điều đó cho thấy trong đầu Nguyễn Hòa Bình không có ý niệm nào về pháp luật mà chỉ có ý niệm của tên đồ tể. Y mang hình thể con người nhưng có trái tim chó sói. Không thể dùng ngôn ngữ, lý lẻ để thuyết phục. Không hy vọng vào phép màu để cảm hóa.

 

Càng không thể dùng những lời kêu gọi chung chung, không thể lên án bằng dư luận.

 

Người dân trong nước, các tổ chức dân sự xã hội, công đồng quốc tế cần có hành động, biện pháp chế tài có hiệu lực, vận dụng luật pháp quốc tế bảo vệ nhân quyền, ngăn chặn bàn tay sát nhân dưới danh nghĩa thi hành án! Nếu không, Lê Văn Chưởng, Hồ Duy Hải và bao nhiêu người oan ức khác sẽ tiếp tục là vật tế thần.

 

__________

 

 Tham khảo:

 

1--https://vtc.vn/vi-sao-tu-tu-le-van-manh-keu-oan-ar228228.html

 

2-https://thuvienphapluat.vn/cong-dong-dan-luat/quyet-dinh-giam-doc-tham-v...

 

3-https://vnexpress.net/vi-sao-tu-tu-le-van-manh-keu-oan-3302228.html

 

4-https://vtc.vn/toa-an-nhan-dan-toi-cao-dang-xac-minh-don-keu-oan-17-nam-cua-tu-tu-le-van-manh-ar700478.html

 

 

5-https://www.toaan.gov.vn/webcenter/portal/ca/chanh-an-tien-nhiem

6-https://www.facebook.com/nguyen.anh.tuan8690/posts/pfbid0gk7B8FiLJR31GUXLA4MZM6ptwjof1EcJHqPZKGGHnzaotw4YxQ1on2MN4G8TSYvNl

 

7-https://www.facebook.com/manhdang001/posts/pfbid02bPQL9CxFpTJugJKovXc5XGjvcxFx34W5P8RvPciVribU2WMs83AvBf7z1Tvdcmx4l

 

8-https://plo.vn/chanh-an-nguyen-hoa-binh-tham-phan-chi-phai-chiu-trach-nhiem-khi-co-loi-chu-quan-post752052.html

 

----------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

 

 

--------------------

Tin, bài liên quan

BLOG

 

Bối rối của ba bộ

 

Nguyễn Văn Chưởng đã từng nhận tội, có oan không?

 

Vì sao Chủ tịch nước ân giảm tội chết, dân cảm ơn ông cựu nghị Lưu Bình Nhưỡng?

 

Khi nào thì tới chính chúng ta?

 

2016: Những đại án chưa thể khép





No comments: