Wednesday, September 20, 2023

TUYÊN BỐ CHUNG VIỆT – MỸ : ĐẰNG SAU VẤN ĐỀ KINH TẾ LÀ VẤN ĐỀ AN NINH (RFA)

 



Tuyên bố chung Việt Mỹ: đằng sau vấn đề kinh tế là vấn đề an ninh

RFA
2023.09.18

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-us-joint-statement-behind-economic-issues-are-security-issues-09182023155343.html

 

Hôm 10 tháng 9, Tổng thống Biden thăm Việt Nam và Việt Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Đồng thời hai bên công bố một bản Tuyên bố chung. Nhân dịp này, RFA phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, Giáo sư Huân công ngành quan hệ quốc tế Đại học George Mason, Hoa Kỳ, về các thế chiến lược trong quan hệ Việt Mỹ được thể hiện qua bản tuyên bố chung đó. 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-us-joint-statement-behind-economic-issues-are-security-issues-09182023155343.html/@@images/d585599f-e455-4b22-8853-77da56dc7db5.jpeg

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Biden hôm 10/9/2023 tại Hà Nội   (The White House)

 

RFA. Xin Giáo sư cho một đánh giá tổng quan về Tuyên bố chung Việt Nam Hoa Kỳ khi họ nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược toàn diện”. 

 

GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Trong tuyên bố chung đó, cùng với bài phát biểu ngắn trong Bạch Cung thì tôi thấy có hai điểm. 

 

Điểm thứ nhất là những đòi hỏi xưa nay của hai bên, một bên thường hay đòi hỏi phát triển nhân quyền, còn bên kia đòi hỏi phải hàn gắn những vết thương chiến tranh, thì giờ đây chỉ được nhắc lại theo cách có tính chất hình thức. 

 

Điểm thứ hai là họ nhấn mạnh nhất đến vấn đề kinh tế. Họ nâng cấp quan hệ vượt cấp, từ Đối tác toàn diện thì thường phải qua Đối tác chiến lược, nhưng họ lên thẳng Đối tác chiến lược toàn diện. Trong Tuyên bố chung có rất nhiều cam kết. Tôi thấy các cam kết nổi bật trong đó là liên quan đến kinh tế.  

 

Đặc điểm của các cam kết hợp tác kinh tế này là mặc dù họ không nói đến quốc phòng, nhưng rõ ràng các hợp tác kinh tế đó đều có liên quan đến quốc phòng. Ví dụ các cam kết trong lĩnh vực AI (trí tuệ nhân tạo, artificial intelligent), vấn đề an ninh mạng (cybersecurity), công nghệ thông tin... Quan trọng hơn cả là sự có mặt của các nhà đầu tư lớn của Mỹ. Một số đã có mặt ở Việt Nam rồi, một số sẽ có mặt trong tương lai. 

 

Như vậy có hai điểm quan trọng trong bản Tuyên bố chung. Thứ nhất là chiến lược, thứ hai là kinh tế. 

 

Khi nghe bài nói chuyện của ông Biden và ông Trọng trong cuộc họp báo chung thì tôi để ý thấy ông Trọng nói rằng ông rất ấn tượng chuyến thăm của mình tới Bạch Cung năm 2015. Và ông Trọng nhắc lại lời mời của ông Biden hồi tháng 7 năm 2023 mời ông thăm Bạch Cung nhưng ông chưa có điều kiện đi thăm. Như vậy ông Trọng tô đậm thắng lợi của Việt Nam là ông Biden công nhận thể chế chính trị của Việt Nam. Như vậy hai bên bỏ cái mô thức lâu nay là đảng quan hệ với bên đảng, quốc gia quan hệ với quốc gia. Nay Mỹ bỏ cái mô thức ấy mà công nhận đặc thù của Việt Nam. 

 

Hai bên cũng nói rõ là tôn trọng thể chế chính trị của nhau, không can thiệp vào nội bộ của nhau. Điều này làm chúng ta liên tưởng tới tư duy chính trị thế kỷ 19, khi mà người ta chỉ nhắm đến việc cân bằng quyền lực, quyền lợi quốc gia, chứ không nói đến việc can thiệp nội bộ hay tôn trọng thể chế. Như vậy, ông Trọng nhắc đến những gì mà Việt Nam đạt được trong buổi họp báo. 

 

Về phía Mỹ thì dĩ nhiên Mỹ muốn một Việt Nam hùng mạnh, mà muốn Việt Nam hùng mạnh thì Việt Nam phải có khả năng quốc phòng. Trước đây hai bên thường nói đến Coastguard (bảo vệ bờ biển) còn bây giờ có rất nhiều điều cho thấy ngoài sự hiện diện của những nhà chế tạo công nghệ mới nhất, thì còn nói đến vấn đề “Friend-shoring” (chuyển sản xuất đến những nước thân thiện).

 

Chuyện đó hoàn toàn có thể đẩy tới vấn đề công nghệ mới, mà các công nghệ mới như AI (trí tuệ nhân tạo) đều quan hệ tới vấn đề quốc phòng cả chứ không chỉ là chuyện kinh tế thuần túy. Mà Việt Mỹ lại nhấn mạnh vấn đề cộng tác hai bên, và Mỹ nói Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia vào chuỗi cung ứng này. Nếu Việt Nam vào được chuỗi cung ứng của Mỹ thì nó tạo niềm tin chiến lược mạnh hơn. Có hai điểm: 

 

Thứ nhất là về phương diện thực tiễn, nó có thể giúp Việt Nam tăng khả năng quốc phòng của mình. Việt Nam có thể đạt được điều đó qua sự cộng tác nghiên cứu. 

 

Thứ hai, sự cộng tác này làm cho Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Mỹ. Nếu làm được điều đó thì như tôi nói ở trên niềm tin chiến lược của hai bên sẽ mạnh hơn. Tôi thấy niềm tin chiến lược Việt Nam và Mỹ vẫn còn yếu. Nó còn yếu do nhiều lý do khác nhau, nhất là thời chính quyền trước của Mỹ đã làm niềm tin chiến lược đối với Mỹ đã bị tổn hại rất nhiều. Chính quyền Biden đã làm rất nhiều để sửa điều đó. Nhưng đây là việc khác, mình có thể bàn sau. 

 

.

RFA. Giáo sư nói Mỹ muốn một Việt Nam hùng mạnh. Xin Giáo sư giải thích vì sao một Việt Nam hùng mạnh thì phù hợp với lợi ích của nước Mỹ. 

 

GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Trong bản tuyên bố chung, không có ai nhắc tới Trung Quốc. Nhưng tất cả những gì Mỹ đã và đàm là để đối phó với thách thức của Trung Quốc, từ việc lập ra dự án tàu ngầm hạt nhân AUKUS, lập ra QUAD, tập trận chung với Ấn Độ, và gần đây là họp thượng định giữa Biden và Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Đại Hàn. Tức là ông Biden đã cố gắng tái lập liên minh bị ông Trump phá. Khi ông mới lên, ông Trump đã gây sự với Đại Hàn và Nhật Bản. Ông Biden đã cố gắng gỡ lại liên minh cũ. Nếu ông Biden không làm được điều đó thì ASEAN cũng không thể tin Hoa Kỳ được. 

 

Nếu mình nhìn vào những gì Trung Quốc hiện nay đang làm, ta thấy họ hành động từ Phi Châu, lập ra BRICS, đến mời thêm các nước khác vào BRICS, rồi hành động ở các nước Châu Mỹ Latin, ta thấy hành động của họ có vẻ muốn cạnh tranh với Mỹ trên toàn thế giới. Họ muốn chiếm một địa vị quan trọng trên thế giới, tức là trật tự thế giới phải có sự hiện diện của mình. 

 

Tuy nhiên,Trung Quốc khả năng nhiều nhất ở địa phương, tức là vùng Đông Nam Á. Mục đích gần là họ muốn thống soái vùng Đông Nam Á, tức là tạo cái thế unipolarity (thế đơn cực). Vì vậy họ cố gắng đẩy Mỹ ra khỏi vùng Asia Pacific (Châu Á Thái Bình Dương), trong đó có Biển Đông. 

 

Khi Trung Quốc muốn đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông thì trước tiên họ cố gắng đẩy Mỹ ra khỏi chuỗi đảo thứ nhất xung quanh họ. Sau đó nếu có thể được thì đẩy Mỹ ra khỏi chuỗi đảo thứ hai. Để làm được điều đó, trước hết, họ cố gắng tạo ra được thế thống soái ở vùng Biển Đông bằng cách xây dựng tam giác căn cứ quân sự trên quần đảo Trường Sa là Subi, Chữ Thập, Vành Khăn. Khi đã có tam giác này, họ chế ngự cả vùng trời trong khu vực. Nếu Trung Quốc có thể lập thế thống soái khu vực thì Mỹ có nguy cơ hết cửa đi vào chỗ giữ ảnh hưởng trong khu vực. Vì vậy, để đối trọng với thế unipolarity (đơn cực) của Trung Quốc thì Mỹ phải tạo ra multipolarity (thế đa cực) trong khu vực.  

 

Muốn tạo ra thế đa cực trong khu vực thì Mỹ cần có các con bài chủ. Ở vòng ngoài, phái Đông Bắc Á, Mỹ đã có Nhật Hàn là những con bài chủ. Nhưng ở Đông Nam Á thì Mỹ chưa có. Trước hết, Mỹ gây ảnh hưởng trở lại ở Philippines. Mối quan hệ Mỹ - Philippines trước đây bị Duterte phá nhưng bây giờ đến thời Marcos thì quan hệ được tái lập. Mỹ đã trở lại và lập mới các căn cứ để đóng quân trên lãnh thổ Philippines. 

 

Sau Philippines thì Việt Nam quan trọng thứ hai. Việt Nam có vị trí rất quan trọng để phá cái thế unipolarity (đơn cực) của Trung Quốc để tạo ra thế multipolarity (đa cực). Dĩ nhiên trước đây Việt Nam không thể tin Mỹ ngay được vì lo sợ Mỹ “diễn biến hòa bình”. Thêm nữa, Việt Nam cũng lo lắng Mỹ không giữ vững cam kết. Thời Trump thì Mỹ gây xích mích với Nhật Bản, Đại Hàn là những đồng minh lâu đời. Rồi Mỹ lại còn chạy khỏi Iraq và Afghanistan thì làm sao Việt Nam tin Mỹ được. Nhưng vấn đề là Việt Nam không tin Mỹ nhưng cần Mỹ. Trong hai cái thế đó thì mình thấy là Việt Nam cần Mỹ hơn là Mỹ cần Việt Nam. Nếu Trung Quốc khống chế toàn bộ Biển Đông thì Việt Nam mất hết nhưng Mỹ vẫn còn chỗ khác, và hơn nữa Trung Quốc dù khống chế Biển Đông đi nữa thì vẫn không thể ngăn cản quyền tự do hàng hải của Mỹ ở đó. Tôi nhìn cái thế chiến lược hiện nay là như thế: Việt Nam nghi họ nhưng cần họ, và cả Đông Nam Á cũng tương tự như vậy. 

 

 

RFA xin cảm ơn GS. Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ với khán thính giả của chúng tôi cuộc phỏng vấn này. Ở phần tiếp theo, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng sẽ chia sẻ với khán thính giả RFA về vấn đề “niềm tin chiến lược” giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ. 

 

Phần 1Phần 2Phần 3Phần 4

 

--------------

 

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

Việt Nam phải thay đổi nếu muốn đạt được kỳ vọng của bản thân và kỳ vọng quốc tế!

 

Bài học Đài Loan và Philippines cho Việt Nam trong quan hệ với Mỹ

 

Tam giác lợi ích “chiến lược,” “kinh tế,” “giá trị” trong quan hệ Việt Mỹ

 

Vì sao không phải Chủ tịch nước mà là Tổng bí thư chủ trì lễ đón tổng thống Mỹ?

 

Nâng cấp quan hệ đối tác Mỹ - Việt lên ‘chiến lược toàn diện’ là 'cơ hội vàng' mà VN cần tận dụng

 

 

 



No comments: