Wednesday, September 20, 2023

HOA KỲ HỨA HẸN ĐẦU TƯ CÔNG NGHỆ, LIỆU VIỆT NAM CÓ ĐỦ NĂNG LỰC TIẾP NHẬN? (RFA)

 



Mỹ hứa hẹn đầu tư công nghệ, liệu Việt Nam có đủ năng lực tiếp nhận?

RFA

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/does-vietnam-have-capacity-to-make-use-of-us-technological-support-09182023132708.html

 

Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam mang theo hàng loạt dự án từ các tập đoàn khổng lồ của Mỹ. Thực tế đó được cho sẽ mang lại cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế đánh giá Việt Nam cần phải thay đổi rất nhiều nữa mới có thể tận dụng tối đa nguồn lực mà Mỹ cam kết hỗ trợ.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/does-vietnam-have-capacity-to-make-use-of-us-technological-support-09182023132708.html/@@images/cfadd1e7-38cf-4561-a864-d43a41ee5ac2.jpeg

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng trong buổi quốc yến trưa ngày 11/9.   (Reuters)

 

Cam kết của Mỹ

 

Trong chuyến thăm chính thức đến Hà Nội vào hai ngày 10 và 11/9 vừa qua, theo Reuters, Nhà Trắng công bố một số thỏa thuận thương mại của hai bên, bao gồm Vietnam Airlines được hỗ trợ mua 50 máy bay Boeing 737 Max có trị giá khoảng 7,8 tỷ USD.

 

Kế hoạch của Microsoft (MSFT.O) nhằm tạo ra một “giải pháp sáng tạo dựa trên công nghệ AI phù hợp với Việt Nam và các thị trường mới nổi”.

 

Nvidia (NVDA.O) cũng sẽ hợp tác với các tập đoàn của Việt Nam như FPT, Viettel và VinGroup… trong lĩnh vực AI.

 

Nhà Trắng nhấn mạnh số lượng về nguồn đầu tư của các công ty Mỹ tại Việt Nam liên quan đến chip, bao gồm cả kế hoạch của Marvell và Synopsys (SNPS.O) để xây dựng các trung tâm thiết kế chip tại Việt Nam.

 

Một nhà máy mới của Amkor trị giá 1,6 tỷ USD ở gần Hà Nội chuyên lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip sẽ bắt đầu hoạt động vào tháng 10. Intel sẽ đầu tư một nhà máy lắp ráp chip trị giá 1,5 tỷ USD ở miền Nam Việt Nam.

 

Tập đoàn Honeywell (HON.O) của Hoa Kỳ sẽ hợp tác với một đối tác Việt Nam để triển khai dự án thí điểm phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng pin đầu tiên của Việt Nam.

 

Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, hiện đang làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, cho rằng đây thực sự là cơ hội lớn để Việt Nam có thể phát triển vượt bậc, đạt được mục tiêu trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Do đó, Chính phủ Việt Nam sẽ nỗ lực để tạp điều kiện cho các dự án này được đi vào thực tiễn:

 

“Mình tin rằng là họ (Chính phủ VN - PV) sẽ tạo điều kiện hết sức cho các dự án, các cái sáng kiến như vậy chứ không có trở ngại về mặt pháp lý hay về bản thủ tục hành chính hiện nay vẫn thường thấy đối với một số dự án bình thường khác.

 

Tại vì đây là một cái lĩnh vực ưu tiên cao. Ngoài việc phục vụ các lợi ích của Việt Nam thì nó cũng là nằm trong cái thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ, cho nên chắc chắn sẽ được ưu tiên, sẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai.

 

Khó khăn chủ yếu là đến từ các cái nguồn lực cũng như là các biện pháp triển khai của các bên đối tác cụ thể, chứ không phải là từ  nhà nước.”

 

Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết hồi năm 2006, ông từng tham gia các hội nghị về kinh tế khi Tổng thống Bush đến Việt Nam dự APEC. Lúc đó cũng đã có nhiều Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa các doanh nghiệp lớn hai nước Việt - Mỹ, nhưng kết quả thực hiện lại không được bao nhiêu:

 

“Trước nhất là trong những hội nghị như thế thì thường Tổng thống Mỹ mang theo một phái đoàn rất là rầm rộ với các doanh nghiệp lớn của Mỹ và để kết thúc hội nghị một cách tốt đẹp thì thường là họ đưa ra những cái MOU để ký kết với nhau và được báo chí tung hô lên như là một thời điểm của một giai đoạn mới. Lần này cũng vậy, rất nhiều những hợp đồng ký kết với nhau…

 

Tất cả những cái đó dĩ nhiên là cần phải có. Thế nhưng từ cái lần trước cho thấy rằng những cái MOU đó nó không đi vào thực hiện được là bởi vì ngồi trên bàn hội nghị thì có thể dễ dàng ký kết với nhau, nhưng mà khi thực hiện các dự án lớn lao hàng tỷ đô thì cần phải có một sự nghiên cứu về tính khả thi của các dự án đó, môi trường pháp lý, môi trường tài chính như thế nào…”

 

Rào cản

Các dự án hợp tác cụ thể đã có, nhưng làm thế nào để hiện thực hoá những dự án này không phải là điều dễ dàng cho Việt Nam.

 

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, dù môi trường kinh doanh của Việt Nam bây giờ đã cải thiện rất nhiều so với những năm 2006; tuy nhiên, các nhà đầu tư Hoa Kỳ vẫn e ngại về những rào cản như pháp lý, quy định về đất đai, trình độ lao động và cả tình hình chính trị không ổn định ở cả khu vực Đông Nam Á hiện nay.

 

Trở ngại lớn nhất của nhà đầu tư Mỹ khi vào Việt Nam, theo ông Hiếu, là những luật lệ của Việt Nam, đặc biệt là liên quan đến bất động sản. Đất đai là cơ sở nền tảng để xây dựng xí nghiệp cũng như các hãng xưởng sản xuất; do đó, các doanh nghiệp Mỹ cũng ái ngại khi luật về đất đai ở Việt Nam còn chồng chéo, nhiều thủ tục rắc rối:

 

“Không chỉ là về vấn đề đất đai mà tất cả những quy định về luật pháp liên quan đến đầu tư thương mại ở Việt Nam nó còn rất chồng chéo với nhau và cần phải có một sự cải tiến để có thể làm cho các nhà đầu tư yên tâm về tài sản của họ được ổn định.”

 

Về nguồn nhân lực, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu đánh giá dù trình độ người lao động của Việt Nam đã tăng cao trong 20 năm qua nhưng vẫn chưa đủ, đặc biệt là lao động trong các ngành liên quan đến công nghệ, AI, bán dẫn…

 

Trong một bài viết được đăng trên Reuters hôm 31/8, ông Vũ Tú Thành - người đứng đầu văn phòng Việt Nam của Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN - cho biết “con số các kỹ sư phần cứng có sẵn ở Việt Nam hiện thấp hơn số lượng cần thiết cho việc đầu tư vào ngành công nghiệp hàng tỷ đô la này”.

 

Cũng theo ông Thành, Việt Nam hiện có khoảng từ 5.000 đến 6.000 kỹ sư được đào tạo cho ngành chip bán dẫn, trong khi nhu cầu cần có là 20.000 kỹ sư trong năm năm tới và 50.000 kỹ sư trong một thập niên tới.

 

Liên quan đến vấn đề môi trường, ông Hiếu đánh giá tình trạng ô nhiễm không khí, nước và đất vẫn còn nặng, đặc biệt ở những khu vực có nhièu khu công nghiệp, nơi đặt các nhà máy, hãng xưởng nước ngoài:

 

“Sang đến vấn đề môi trường thì chưa có sự quan tâm đủ từ chính quyền, mặc dù Việt Nam đã có chương trình đến năm 2050 thì sẽ đạt “zero carbon”. Trên giấy tờ thì rất tốt về các chính sách và kế hoạch nhưng mà việc thực hiện thì còn rất thô sơ để có thể tiến đến một môi trường không có khí thải.”

 

Giải pháp

 

Việt Nam cần phải giải quyết các rào cản kể trên thì mới có thể tận dụng tốt nhất các cơ hội và nguồn lực mà Mỹ sẽ hỗ trợ cho Việt Nam. Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nêu một số giải pháp sau. Trước tiên là vấn đề luật pháp:

 

“Đây là một quá trình sửa đổi cải tiến rất lâu dài, không thể nào trong một thời gian ngắn có thể thay đổi được. Chính phủ và Quốc hội Việt Nam cần phải là rà soát tất cả những luật lệ, đặc biệt là những luật lệ sẽ có tác động đến nhà đầu tư nước ngoài

 

Các dự án nước ngoài thì cần phải có sự xem xét chỉn chu để có thể đáp ứng những yêu cầu mới, đặc biệt là trong các hàng hóa mà bán sang Mỹ cũng cần phải được rà soát lại về vấn đề vệ sinh và tất cả những quy định ở trong các hiệp định thương mại.”

 

Việt Nam cũng phải tăng cường đào tạo, tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ để có đủ khả năng đón đầu những dự án đầu tư lớn từ những các “ông lớn” của Mỹ về chất bán dẫn, AI hoặc kỹ thuật số…

 

Ngoài ra, vấn đề tham nhũng cũng cần phải được quản lý tốt hơn:

 

“Bên cạnh đó, một trong những vấn đề gây trở ngại cho quan hệ làm ăn với nước ngoài là tham nhũng. Dù hiện tượng tham nhũng cũng đã giảm nhiều, những chiến dịch chống tham nhũng của Đảng và nhà nước đã có tác động lớn nhưng tham nhũng vẫn còn và đó cũng làm nhụt chí các nhà đầu tư nước ngoài rất nhiều. Đó là những cái cần phải thay đổi.”

 

------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

Kết quả chuyến thăm Hà Nội của TT Biden: P2 - Cơ hội & thách thức

 

Kết quả chuyến thăm Hà Nội của TT Biden: P1 - Chú trọng kinh tế hơn an ninh quốc phòng?

 

Một bước đi quyết định ‘vào quỹ đạo Mỹ’ của Việt Nam

 

Quan hệ Việt - Mỹ qua chuyện kể của cố vấn Bùi Kiến Thành: Phần 2 - Hợp tác

 

Quan hệ Việt - Mỹ qua chuyện kể của cố vấn Bùi Kiến Thành: Phần 1 - Hoà giải

 

 

 

 

 

 

No comments: