Tết Trung Thu
có còn là ngày vui của trẻ em?
Võ Ngọc Ánh
Gửi bài từ Tacoma, bang Washington, Hoa Kỳ
19 tháng 9 2023, 18:16 +07
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cd1z0pwwed8o
Chính quyền Việt Nam đang đề xuất chi 350 nghìn tỷ đồng để chấn hưng và
phát triển văn hóa trong thực tế người lớn dường như đang cướp đi Trung thu
mang đậm tính truyền thống của con trẻ.
Khi còn là một đứa trẻ ở Việt Nam trong những năm 1980, trong tháng 8
âm lịch, tôi chờ đến ngày Trung thu và đợi tiếng kẻng vang lên vào đầu buổi
trưa để đến sân nhà đội nhận kẹo.
Mọi đứa trẻ từ 16 tuổi trở xuống trong làng đều có kẹo. Những cây kẹo
ú, kẹo chanh, cái bánh Trung thu nho nhỏ bỏ trong bịch đem lại cho bọn trẻ cảm
giác hạnh phúc. Hiếm có dịp mà mọi đứa trẻ đều có kẹo như thế để không phải
nhìn đứa khác ăn mà thèm.
Thời bao cấp vật chất thiếu thốn, đời sống tinh thần nghèo nàn, Trung
thu là dịp để bọn trẻ thấy được thấy múa lân, được làm cho lồng đèn, rước đèn,
con nhà có điều kiện còn được mua cho đồ chơi, trống cơm… Sự phong phú của dịp
Trung thu làm cho nó đáng nhớ chỉ sau Tết Nguyên đán trong lòng những đứa trẻ.
Được có quà, được chơi, câu thơ, bài hát… đã cho tôi hiểu Trung thu là
của trẻ con.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/7252/live/2c94dc00-56d5-11ee-93bf-c758a853042c.jpg
Đồ chơi Trung Quốc lấn
át các mặt hàng thủ công truyền thống trên các sạp hàng dịp Trung thu
Trung thu trở thành dịp tỏ lòng toan tính
Từ khi đất nước được cởi dây trói bao cấp, đời sống người dân trở nên dễ
thở, hàng hóa dồi dào, Trung thu trở thành dịp để người lớn thể hiện sự mánh lới
một cách hợp pháp.
Bánh trung thu là hàng hóa đặc trưng, phổ biến, từ đây lại có giá bán
trên trời ở góc độ vật chất.
Tại các thành phố, đô thị lớn, từ tháng sáu người kinh doanh dựng sạp tại
các ngã đường, bày bánh lên kệ hàng. Đa số người mua không phải để ăn, mà biếu
tặng.
Nếu việc tặng bánh chỉ là hành động cám ơn nhau thì thật cao quý. Nhưng
thực tế, việc tặng bánh đã bị người lớn tận dụng cho những toan tính, phương tiện
qua đường không chính thức.
Người lớn đang đẩy những chiếc lồng đèn thủ công nho nhỏ lùi vào dĩ
vãng, nhường chổ cho hàng công nghiệp từ Trung Quốc.
Thanh niên lại thể hiện kiểu sáng tạo với những chiếc lồng đèn to – bự
- khổng lồ, hình thù khác lạ như sự nổi loạn không bị kiểm duyệt.
Khi những chiếc lồng đèn này nghênh ngang ra đường, đêm Trung thu trở
nên lễ hội của người trưởng thành.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/2f85/live/11acdc50-56d8-11ee-83bb-5f9bffc8f569.jpg
Nhiều người trưởng thành cũng thích
vui tết Trung thu (hình minh họa)
Nhiều cơ hội vui chơi lành mạnh cho con tôi ở Mỹ
Tuần trước tôi dắt hai con vào một ngôi nhà kính, nơi trồng, nuôi dưỡng
nhiều loại sinh vật nhiệt đới tại xứ ôn đới nơi tôi đang ở. Vừa vào cửa, những
người làm việc thiện nguyện ở đây hỏi tụi nhỏ, có muốn cho cá ăn không.
Tôi chỉ cho tụi nhỏ những thực vật thân thuộc với tôi khi còn ở Việt
Nam đang có ở đây từ dây tiêu, cây cà phê, cây phong lan, cây thơm… Khi ba cha
con chuẩn bị đi ra thì người phụ giúp ở đây tiến lại hỏi hai đứa nhỏ, có thấy mấy
con ếch không. Và một người trực tiếp dẫn con tôi đến tận nơi chỉ.
Nước Mỹ nói chung, thành phố tôi sống có nhiều nơi giáo dục thiên nhiên
cho trẻ như thế. Người ta cho trẻ biết con ong làm mật thế nào, các loại thú,
chim, côn trùng, cây cỏ… sống thế nào để giáo dục nhận thức phải tôn trọng và bảo
vệ. Tất cả đều miễn phí.
Phải nói dân Mỹ chịu nghĩ ra những sự kiện cho trẻ con. Nơi tôi sống có
một vườn táo rộng, được chăm sóc cẩn thận, dưới tán cây táo cứ hằng năm lại tổ
chức lễ hội teddy bears (gấu bông) miễn phí cho trẻ con.
Năm nay, mỗi đứa trẻ đến đây được phát một cái phiếu với 10 trò chơi miễn
phí, như tặng gấu bông, khám bệnh cho đồ chơi, câu cá, nghe đọc sách, nhảy múa…
Đến mùa thu lại cho bọn trẻ vào hái táo.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/84ee/live/957595e0-56d8-11ee-93bf-c758a853042c.jpg
Khám bệnh cho gấu bông trong lễ hội
teddy bears ở Mỹ
Có vô số những sự kiện như thế này ở Mỹ từ mùa xuân đến mùa thu, khi thời
tiết ấm áp. Từ lễ hội diều, đi xe đạp, đến nông trại… được tổ chức cho con trẻ.
Cứ vào cuối tuần tôi vào mạng tìm những sự kiện xảy ra gần mình và chọn cái
thích hợp để dẫn con đến để chúng trải nghiệm, học hỏi.
Ngay các sự kiện của người lớn thì trẻ con vẫn là đối tượng được quan
tâm nhiều nhất với những trò chơi, chút quà để thu hút.
Vài tuần trước ngày trở lại trường, nhiều sự kiện lại được tổ chức tập
trung vào việc bảo vệ chăm sóc, bảo vệ bản thân, an toàn và cho dụng cụ học tập.
Trong ngày đầu tiên đến trường của năm học mới, các con tôi được giáo
viên cho vé váo cổng của lễ hội tiểu bang (festival nông nghiệp) đang diễn ra.
Cái vé có giá 14 đô la. Trong lễ hội fair ở có thể nhìn thấy nhiều loại
cây trồng, và các con vật ở nông trại (heo, gà, chim, thỏ, dê, cừu, ngựa, bò…)
sống thế nào, ăn uống ra sao, vắt sữa bằng cách nào, được sờ vào các con vật và
nhiều loại thú cưng.
https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/9f69/live/b7012640-56d6-11ee-83bb-5f9bffc8f569.jpg
Trong một khu nhà kính nuôi, trồng các
sinh vật nhiệt đới giữa công viên
Và từ đầu tháng 10 tại các nông trại có tổ chức Pumpkin patch sẽ mở cửa
với nhiều hoạt động có tính giáo dục dành cho trẻ như hái bí, mê cung trong ruộng
bắp, ngồi trên những bó cỏ khô sau loại xe dành chở nông sản chạy quanh nông trại,
chơi những trò liên quan… và cuối cùng mua bí, cây bắp khô… về trang trí cho
Halloween ở nhà trước khi về.
Các gia đình có con nhỏ thường không bỏ qua pumpkin patch. Trẻ con
trong cả tháng 10 như được sống trong không khí của lễ hội truyền thống này.
Cao điểm là cuối tháng 10 được hóa trang thành những nhân vật, con vật yêu
thích để gõ cửa từng nhà xin kẹo.
Trong khi đó, lễ hội Halloween du nhập vào Việt Nam chỉ tập trung vào
phần hóa trang rung rợn, ma quái. Kiểu tiếp thu thực hành, thiếu tính giáo dục
làm cho Halloween ở Việt Nam bị nhiều người hiểu như lễ hội ma quỷ.
Để Trung thu cho con trẻ sự chờ đợi và hấp dẫn, người Việt nên học cách
người Mỹ đối xử với lễ hội Halloween. Đừng để cuộc sống hiện đại xóa nhòa đi
chính ký ức của người lớn mà trẻ con có thể khơi gợi.
--------------------------
*Bài viết
thể thể hiện kinh nghiệm, cách nhìn của tác giả Võ Ngọc Ánh
No comments:
Post a Comment