Wednesday, September 20, 2023

DIỄN BIẾN : VỤ ÁN CỦA TỬ TÙ LÊ VĂN MẠNH (Trọng Phụng / Luật Khoa Tạp Chí)

 



Diễn biến: Vụ án của tử tù Lê Văn Mạnh

Trọng Phụng  - Luật Khoa

Sep 20, 2023  11:12 AM

https://www.luatkhoa.com/2023/09/dien-bien-vu-an-le-van-manh/

 

Đến thời điểm hiện tại, gia đình tử tù Lê Văn Mạnh đã hai lần nhận được thông báo tử hình từ Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w2000/format/webp/2023/09/Feature-4---1-.png

Đồ họa: Tùy Phong/ Luật Khoa.

 

Cùng với Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải, vụ án của tử tù Lê Văn Mạnh là một vụ án có nhiều dấu hiệu oan sai.

 

Để bạn đọc tiện theo dõi, Luật Khoa giới thiệu các diễn biến chính của vụ án, được tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau.

 

Bài được cập nhật liên tục. Lần cập nhật gần nhất: 09:20 ngày 20/9/2023, giờ Việt Nam.

 

                                                             ***

 

21/3/2005 

Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Việt - mẹ của Lê Văn Mạnh (huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa), trong một cuộc phỏng vấn của VnExpress - hôm đó, bà sai con trai Lê Văn Mạnh đi tìm em gái đang thả trâu ngoài đồng. 

 

Tối đó, khi cả nhà đang quây quần ăn cơm, xem tivi, thì nghe hàng xóm xôn xao việc bé gái trong xóm mất tích, nghi bị chết đuối. Ba bố con Mạnh cùng nhiều dân làng mò ở một số ao nhưng không thấy xác. [1]

 

Theo bản án hình sự sơ thẩm ngày 29/7/2008 của Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Thanh Hóa, khoảng 17 giờ, ngày 21/3/2005, trong lúc đi tìm trâu ở bờ sông Cầu Chày thuộc xã Yên Thịnh (huyện Yên Định), Lê Văn Mạnh (sinh năm 1982) thấy một bé gái đang đi vệ sinh nên lén lút lại gần, bịt miệng khống chế rồi hiếp dâm. 

 

Sau đó, cũng theo bản án, Mạnh hành hung khiến bé gái tử vong. Mạnh ôm xác nạn nhân lội qua sông Cầu Chày giấu vào bụi cây rậm ở bờ sông thuộc xã Xuân Minh (huyện Thọ Xuân). Sợ bị phát giác, Mạnh xé quần áo của nạn nhân làm dây quấn quanh cổ nhằm tạo hiện trường giả một vụ thắt cổ tự vẫn.

 

Trưa ngày 22/3/2005

Người dân phát hiện xác bé gái. Kết quả giám định pháp y xác định “nạn nhân chết ngạt do ngạt nước, có bị hiếp dâm”. 

 

Tại hiện trường, cơ quan điều tra thu nhận được chiếc quần sooc cạp chun nền trắng sọc đỏ được xác định là của Lê Văn Mạnh. [2]

 

Chi tiết này được nhà chức trách dùng làm căn cứ buộc tội Mạnh. 

 

Tuy nhiên, theo luật sư Lê Thị Hoa, người bào chữa cho Lê Văn Mạnh, tại các phiên tòa xét xử sau đó, Mạnh khai chiếc quần cơ quan điều tra thu tại hiện trường là do khi đi mò tìm xác nạn nhân bị ướt và rách. Ngại nhiều người chê bai, Mạnh xấu hổ vứt lại, mặc quần dài về nhà. [3]

 

20/4/2005

Mạnh bị bắt theo lệnh truy nã của Công an tỉnh Đồng Nai do hành vi cướp tài sản và bỏ trốn trong một vụ án khác.

 

23/4/2005

Từ trong trại tạm giam, Mạnh gửi thư cho bố với nội dung nhận là thủ phạm gây án với bé gái. 

 

Sau khi được phạm nhân Lê Văn Dũng báo cáo [về việc Mạnh viết thư cho bố], [4] nhà chức trách đã thu giữ thư này, dùng làm căn cứ buộc tội. [5]

 

24/4/2005, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) trực thuộc Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố bị can đối với Lê Văn Mạnh về tội “giết người” và “hiếp dâm trẻ em”.

 

Hai vụ án trên sau đó được cơ quan điều tra ra quyết định nhập lại, chuyển Viện KSND tỉnh Thanh Hóa truy tố Lê Văn Mạnh về các tội “giết người”, “hiếp dâm trẻ em” và “cướp tài sản”. [6]

 

29/7/2005

TAND tỉnh Thanh Hóa xét xử sơ thẩm, kết án tử hình Lê Văn Mạnh với ba tội danh “giết người”, “hiếp dâm”, và “cướp tài sản”.

 

27/10/2005

Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội hủy bỏ tội danh “giết người” và “hiếp dâm trẻ em”, giao TAND tỉnh Thanh Hóa tiến hành tố tụng lại từ giai đoạn điều tra. 

 

13/3/2006

TAND tỉnh Thanh Hóa mở lại phiên tòa hình sự sơ thẩm, xét xử và tuyên án tử hình đối với Lê Văn Mạnh về hai tội danh “giết người” và “cướp tài sản”. [7]

 

23/4/2007

Trong bản kháng nghị giám đốc thẩm số 12, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSND) cho rằng “cơ quan điều tra mắc nhiều sai sót, mâu thuẫn và chưa có cơ sở vững chắc để kết luận Lê Văn Mạnh phạm tội “giết người”, “hiếp dâm trẻ em”. [8]

 

Viện trưởng VKSND Tối cao có kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy hai bản án hình sự trên; giao hồ sơ về Viện để giải quyết vụ án lại từ giai đoạn điều tra. [9]

 

2008

Qua thân nhân của một bạn tù, Lê Văn Mạnh gửi về gia đình một chiếc áo phông màu trắng ghi kín những dòng chữ nhỏ bằng bút bi màu xanh, với nội dung kêu oan, kể bị đánh nên buộc phải nhận tội. 

 

Theo bà Nguyễn Thị Việt - mẹ của Mạnh, anh đã dặn bà ghi lại nội dung viết trên áo thành đơn gửi đến các cơ quan chức năng. [10]

 

29/8/2008, Tòa sơ thẩm TAND tỉnh Thanh Hóa vẫn kết án tử hình đối với Lê Văn Mạnh về tội “giết người” và “hiếp dâm trẻ em”.

 

25/11/2008, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội xử y án tử hình. [11]

 

Từ năm 2005 đến năm 2008, Lê Văn Mạnh trải qua ba phiên xét xử sơ thẩm, ba lần phúc thẩm và một lần giám đốc thẩm. 

 

Trong tất cả các phiên tòa, Mạnh đều phản cung, tố cáo bị điều tra viên và các bạn cùng phòng đánh và bắt nhận tội. 

 

Theo Mạnh, tại thời điểm xảy ra án mạng, anh đang đi làm giúp em gái Lê Thị Nhài nên có bằng chứng ngoại phạm. Hội đồng xét xử căn cứ chủ yếu vào bức thư để khép tội, trong khi thư là do bị hai phạm nhân cùng buồng ép viết.

 

14/10/2015

Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định thi hành án tử hình số 02/2015/QĐ-CA về việc thi hành án đối với Lê Văn Mạnh.

 

16/10/2015

Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa ký thông báo gửi ông Lê Văn Chính và bà Nguyễn Thị Việt (bố mẹ của Mạnh) về việc thi hành án tử hình đối với Lê Văn Mạnh để gia đình làm đơn nhận tử thi đưa về an táng. [12]

 

Nắm được thông tin, gia đình bị cáo Mạnh tiếp tục gõ cửa các cơ quan chức năng kêu oan. [13]

 

22/10/2015

Một loạt luật sư ký đơn (trong có luật sư Trần Vũ Hải, Nguyễn Hà Luân, Lê Văn Luân, Trần Thu Nam, Nguyễn Thị Huệ, và Hà Minh Tú) gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các cơ quan liên quan kiến nghị hoãn thi hành án với tử tù Lê Văn Mạnh để “tránh hàm oan người vô tội”.

 

23/10/2015

Luật sư Trần Vũ Hải cho biết TANDTC đã từ chối nhận đơn kiến nghị. [14]

 

Cùng ngày, tổ chức Ân xá Quốc tế viết thư kêu gọi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoãn xử tử Lê Văn Mạnh. [15]

 

26/10/2015, tại buổi làm việc với Ban Thanh tra TAND Tối cao, bà Nguyễn Thị Việt đã nộp đơn kêu oan cho con trai Lê Văn Mạnh. [16]

 

Cùng ngày, trả lời VnExpress, ông Đàm Cảnh Long (Phó trưởng phòng Giám đốc kiểm tra phụ trách thi hành án hình sự, TAND tỉnh Thanh Hóa) cho biết Hội đồng Thi hành án tử hình chưa họp để đưa ra quyết định về các vấn đề liên quan tử tù Lê Văn Mạnh. [17]

 

Trả lời báo Tuổi Trẻ, Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa Phạm Quốc Bảo cho biết tòa “đã xem xét hoãn việc thi hành án tử hình với Lê Văn Mạnh” sau khi nhận được đơn. [18]

 

Trong khi đó, Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ) gửi thư tới Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kêu gọi ngừng ngay kế hoạch tử hình phạm nhân Lê Văn Mạnh và cho mở cuộc điều tra độc lập về các cáo buộc nói Mạnh đã bị cảnh sát tra tấn bắt nhận tội. [19]

 

29/10/2015

Ông Lê Văn Chính - cha của tử tù Lê Văn Mạnh, cho hay, con trai ông dặn dò gia đình rằng nếu anh bị tuyên án tử hình, có nghĩa là anh bị oan. Gia đình không được nhận xác anh về chôn cất.

 

Ông Chính khẳng định gia đình sẽ làm theo ý con trai nếu Mạnh bị xử tử; và nhấn mạnh rằng gia đình sẽ “tiếp tục kêu oan đến khi không còn có thể đi lại được nữa”. [20]

 

1/11/2015

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cho biết, Chánh án TAND Tối cao đang yêu cầu các cơ quan chức năng rút toàn bộ hồ sơ vụ Lê Văn Mạnh để xem xét lại. [21]

 

9/9/2016 

Bà Nguyễn Thị Việt (mẹ tử tù Mạnh) cho luật sư Nguyễn Hà Luân biết, có một đoàn công tác đến hiện trường của vụ án để đo đạc, chiếu chụp, cũng như thu thập một số tài liệu liên quan vụ án. [22]

 

6/11/2016

Liên ngành Tư pháp Trung ương đang tiến hành rà soát vụ án Lê Văn Mạnh, theo báo Tuổi Trẻ. [23]

 

13/9/2022

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, Tổ công tác Liên ngành Tư pháp Trung ương đang xác minh đơn kêu oan của tử tù Lê Văn Mạnh. [24]

 

18/9/2023

Ông Lê Văn Chính và bà Nguyễn Thị Việt nhận được thông báo về việc thi hành án tử hình con trai mình từ TAND tỉnh Thanh Hóa, trong đó nói rằng gia đình có thể làm đơn xin nhận xác của Mạnh.

 

Thông báo do Chánh án Nguyễn Thị Nga ký không thể hiện cụ thể ngày thi hành án tử hình với Lê Văn Mạnh. [25]

 

 

==================================================

 

Tư liệu: Đơn xin thi hành án của tử tù Lê Văn Mạnh

Lá đơn dưới đây do tử tù Lê Văn Mạnh viết vào khoảng tháng 9/2014. Luật Khoa đăng nguyên văn để tư liệu hóa

Luật Khoa tạp chí    -    Luật Khoa tạp chí

 

 

Cực hình tâm lý của tử tù: Khi án tử hình chưa phải là điều tồi tệ nhất

Thời gian chờ thi hành án tử kéo dài như một cách tra tấn về thể chất lẫn tinh thần.

Luật Khoa tạp chí   -   Nguyễn Quốc Tấn Trung







No comments: