Phải
bảo vệ khu rừng ở xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam
07/09/2023
https://www.voatiengviet.com/a/phai-bao-ve-khu-rung-o-xa-my-thanh-huyen-ham-thuan-nam/7258254.html
Phá rừng để phát triển thủy điện, thủy điện giành
nước của thủy lợi, giờ tiếp tục phá rừng để có nước cho thủy lợi rồi sau đó thì
sao?
https://gdb.voanews.com/B66FE1E1-DE99-4B81-831A-3424D43329B5_w650_r1_s.jpg
Theo nhiều chuyên gia,
sở dĩ đầu tư cho thủy điện vừa và nhỏ trở thành phong trào vì chủ đầu tư có quyền
khai thác gỗ trên diện rộng. Hình minh họa.
Cuối cùng, đại diện chính quyền tỉnh Bình Thuận đã đáp trả góp ý, đề
nghị của nhiều người, nhiều giới về việc đừng triệt hạ một khu rừng ở xã Mỹ Thạnh,
huyện Hàm Thuận Nam để thực hiện Dự án Thủy lợi Ka Pét (1).
Theo ông Lê Thanh Sơn - Phó giám đốc Sở NN PTNT Bình Thuận thì: Bắt
buộc phải thực hiện công trình này vì cần cung cấp nước sinh hoạt
cho khoảng 120.000 người, cung cấp nước tưới cho hơn 7.000 héc ta đất
nông nghiệp, cung cấp nước sản xuất cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm. Đồng thời
lưu ý: Khu rừng sẽ phá không phải rừng già vì đã từng được cho phép
khai thác đến năm 2002 mới ngưng, đại thụ cho gỗ quý đã được đốn gần như sạch sẽ.
Cây cối trong khu vực cần triệt hạ phần lớn là hỗn giao chỉ có tre nứa, dây leo
xen kẽ với cây họ dầu, bằng lăng, căm xe (2)... Ông Sơn nhấn mạnh, việc xây
dựng hồ chứa nước ở xã Mỹ Thạnh đã được Thủ tướng duyệt từ năm 1995 nhưng thiếu
vốn nên đến 2015 mới làm thủ tục và Quốc hội đã duyệt dự án vào năm 2019.
Nói cách khác, hệ thống công quyền vẫn thế - không thèm bận tâm đến dân
ý: Không nên phá rừng, xây dựng hồ chứa nước vì chắc chắn là còn những
biện pháp khác để giải quyết nhu cầu về nước sinh hoạt, nước cho sản xuất nông
nghiệp, công nghiệp.
Và không chỉ thế...
Hôm 5/9/2023, Phạm Lan Phương (một trong những người phản đối việc phá
rừng thực hiện Dự án Hồ Ka Pét) đã lục lọi, nhặt nhạnh những thông tin liên
quan đến Rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét rồi xếp chúng vào một chỗ nhằm chứng
minh, dường như mục tiêu chính của Dự án Thủy lợi Ka Pét là... khai thác gỗ chứ
không phải để tích nước và cấp nước cho các khu dân cư, sản xuất nông nghiệp,
công nghiệp (3)... Chẳng hạn khu rừng mà ông Lê Thanh Sơn vừa khẳng
định “không phải rừng già, chỉ là một mảng... hỗn giao” lại từng được
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận khẳng định là... “cánh rừng được đánh giá
ít bị tác động nhất mà ở Sông Móng – Ca Pét hàng ngàn cây lim xanh nhiều năm tuổi
sừng sững chiếm lĩnh những tán cao đẹp mê mẩn” (4).
Vào thời điểm đó (1/2021), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận còn nhấn mạnh:
“Mỗi cây lim xanh trên một trăm năm tuổi có giá trị hàng trăm triệu đồng”.
Tương tự, VTV loan báo rộng rãi “Phát hiện quần thể lim xanh quý hiếm, có
cây bốn người ôm mới hết” và lưu ý: “Giá trị kinh tế cao, nên rừng
lim Mỹ Thạnh cũng đang đứng trước nguy cơ bị xâm phạm rất lớn, cần được quản
lý, bảo vệ nghiêm ngặt” (5)... Nay, khi hệ thống công
quyền từ địa phương đến trung ương đột nhiên muốn thực hiện “Dự án Hồ Ka Pét”,
những nỗ lực nhằm chỉ ra sự bất nhất đáng ngờ trong đánh giá về Rừng phòng hộ
Sông Móng – Ka Pét như của Phạm Lan Phương đã khiến bộ phận điều hành Cổng
thông tin Đảng bộ tỉnh Bình Thuận vội vàng đục bỏ sạch sẽ những thông
tin bất lợi cho dự án.
***
Tháng 1 năm 2015, The Economist – một tạp chí về kinh tế của Anh – từng
kể rằng, dẫu thiên hạ luôn xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng tác động đến môi trường của
từng dự án thủy điện nhưng theo Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP),
Việt Nam chưa bao giờ công bố những tài liệu kiểu đó đối với các công trình thủy
điện mọc lên như nấm trên khắp Việt Nam. The Economist gọi nỗ lực phát triển thủy
điện để thỏa mãn nhu cầu năng lượng cho đến năm 2020, bất kể nỗ lực đó hủy diệt
các cánh rừng già, những dòng sông, biến nông dân thành nạn nhân của lũ, lụt, sạt
lở, động đất là thiển cận và dự đoán giá sẽ rất đắt. Đối tượng trực tiếp thanh
toán các chi phí này sẽ là người nghèo, đặc biệt là thành viên các cộng đồng
thiều số (6).
Kế hoạch phát triển thủy điện ồ ạt là con đẻ của chủ trương “công
nghiệp hóa theo kiểu rút ngắn, gắn với hiện đại hóa và phát triển kinh tế thị
trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” và chỉ khi thủy điện đã trở thành
đại họa của nhiều vùng, dân chúng liên tục cất tiếng oán thán, Quốc hội Việt
Nam mới cử Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường thẩm tra các công trình thủy
điện. Theo ủy ban này, việc quản lý chất lượng, an toàn tại các công trình thủy
điện đặc biệt là các công trình thủy điện vừa và nhỏ tiềm ẩn nhiều rủi ro khó
lường. Giữa thập niên 2010, chính phủ Việt Nam chính thức thú nhận, những dự án
thủy điện vừa và nhỏ là nguyên nhân chính tăng thêm đói nghèo, đẩy người thiểu
số tới tột đỉnh của sự bần cùng.
Từ khi có các dự án thủy điện, vào mùa khô, cả điện lẫn nước ở nhiều
khu vực cùng thiếu. Hạn hán có xu hướng năm sau nghiêm trọng hơn năm trước.
Chuyện xả lũ vô tội vạ của các nhà máy thủy điện sau những trận bão lớn còn làm
chết thêm hàng trăm người, phá hủy nhiều khu dân cư, ruộng vườn, khiến hậu quả
thiên tai thêm trầm trọng. Phát triển thủy điện ồ ạt trong giai đoạn từ cuối thập
niên 1990 đến giữa thập niên 2010 đã làm Việt Nam mất khoảng 20.000 héc ta rừng
và hoạt động trồng lại rừng của các chủ đầu tư vào những dự án thủy điện chỉ thể
hiện trên giấy (7). Theo nhiều chuyên gia, sở dĩ đầu tư cho thủy điện
vừa và nhỏ trở thành phong trào vì chủ đầu tư có quyền khai thác gỗ trên diện rộng.
Phá rừng để phát triển thủy điện, thủy điện giành nước của thủy lợi, giờ
tiếp tục phá rừng để có nước cho thủy lợi rồi sau đó thì sao? Cứ nhìn vào mức độ
thảm khốc càng ngày càng cao của hạn hán, sạt lở, lũ quét,... tất sẽ nhận ra
tương lai thế nào.
-----------------
Chú thích
(1) https://vnexpress.net/khu-rung-hon-600-ha-sap-bi-pha-lam-ho-thuy-loi-4648600.html
(2) https://tuoitre.vn/lam-ho-ka-pet-binh-thuan-noi-khong-con-cho-nao-khac-tot-hon-20230907075356197.htm
(3) https://khaidon.substack.com/p/canh-rung-600ha-va-nhung-gi-se-bien
(4) https://btgtu.binhthuan.dcs.vn/Tintuc/post/206566/lim-xanh-o-rung-song-mong-capet
No comments:
Post a Comment