Tuesday, September 5, 2023

PHÁ RỪNG LÀM HỒ THỦY LỢI : CHỮA BỆNH BẰNG CÁCH UỐNG THUÔC ĐỘC (Tổng hợp)

 



NỘI DUNG :

 

Phá rừng làm hồ thủy lợi : chữa bệnh bằng cách uống thuốc độc   

Thái Hạo

.

Cánh rừng 600ha và những gì sẽ biến mất

Khải Đơn

.

VẪN PHẢI LÊN TIẾNG DÙ ĐÃ QUÁ MUỘN MÀNG   

Lê Nguyễn

.

QUỐC HỘI CẦN KHẨN CẤP XEM LẠI  

Lão Tạ   (Tạ Duy Anh)

 

===============================================

.

.

Phá rừng làm hồ thủy lợi : chữa bệnh bằng cách uống thuốc độc   

Thái Hạo

4-9-2023  21:06   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid05MpQQLgkzPq4n5maB3hd1BbDEkTg4iL3DqU8LAt7i5rwnVfuo9khYf2CjaqPRSnQl&id=100059910855657

 

Hơn 600 ha rừng giàu hàng trăm năm tuổi của Bình Thuận đang sắp bị xóa sổ để làm hồ thủy lợi, dư luận cả nước bàng hoàng.

 

Bàng hoàng vì không thể hiểu tại sao người ta có thể lạnh lùng đặt bút để ký khai tử nốt những mảnh rừng nhỏ nhoi cuối cùng còn sót lại của một quốc gia nhiệt đới nhưng chỉ còn diện tích rừng khoảng 2%, riêng rừng nguyên sinh chỉ còn 0,25% (!).

 

Bàng hoàng bởi vì tại sao người ta lại không biết một điều giản dị: rừng chính là nước. Không còn rừng thì nước cũng hết, lúc ấy những hồ thủy lợi chỉ còn dùng để chứa nước mùa mưa, còn mùa khô trơ đáy. Muốn có nước thì phải giữ rừng, trồng rừng, đó là nguyên tắc tối thiểu.

 

Một dải cát trắng nhức nhối mấy trăm cây số của Nam Trung bộ thuở xưa vừa nhìn tưởng sa mạc, nhưng không, nó trù mật và cuồn cuộn sự sống, vì sao? Vì Tây Nguyên là rừng. Rừng giữ nước, dòng nước len lỏi bất tận từ dãy Trường Sơn luôn ăm ắp trong lòng cát, nuôi dưỡng sự phồn thịnh của miền Nam của tổ quốc. Nay thì không còn nữa, rừng Tây Nguyên đã bị tận diệt, cả một dải miền Trung thành cằn cỗi, khô khát. Xin đọc “Nước mội, rừng xanh và sự sống” – một bài viết hay đến đau đớn của nhà văn Nguyên Ngọc, để thấy một tang thương (https://www.vtr.org.vn/nuoc-moi-rung-xanh-va-su-song.html).

 

Rừng không phải chỉ là rừng, là gỗ, là chim thú; rừng là sự sống của con người, là nền tảng của kinh tế, là đảm bảo của thịnh vượng, là sự hưng vong của quốc gia.

 

Rừng hết nghĩa là nước hết, chỉ còn lũ, lũ quét, lũ ống, lũ bùn. Rừng hết nghĩa là thiên tai, là đất chảy, là điêu tàn tương lai.

 

Trồng cây để đợi thành rừng phải mất cả trăm năm, trong khi làm hồ thủy lợi có nhiều cách. Còn những mảnh xanh cuối cùng cũng đem phá nốt và lập luận rằng sẽ trồng thay thế, đó là nói cùn, nói lấy được.

 

Rừng đối với Việt Nam bây giờ phải được coi như da thịt, máu huyết. Phải bảo vệ như bảo vệ chính sự sống còn của mình, không một lý lẽ nào có thể dùng để biện minh cho hành động tàn phá.

 

Với tất cả giá trị của rừng, nhất là trong hoàn cảnh rừng đã gần như bị xóa trắng như hiện nay, thì việc chọn một phương án khác để làm hồ thủy lợi mà không phải phá rừng, dù kinh phí có cao hơn gấp vài lần, vẫn là một cái rất giá rẻ.

 

Tôi phản đối phá rừng!

 

Thái Hạo

 

.

280 BÌNH LUÂN  

 

 

==================================================

.

.

Cánh rừng 600ha và những gì sẽ biến mất

Khải Đơn

SEP 4, 2023

https://khaidon.substack.com/p/canh-rung-600ha-va-nhung-gi-se-bien?fbclid=IwAR2-H8cF5fJZJbMFnmIXGsTr0vRbFgU7GU-hl___3COKoAnVRwfvNjFXXiA

 

Hàng ngàn cây lim xanh, “trên một trăm năm tuổi có giá trị hàng trăm triệu đồng” nằm ở nơi sẽ được đem đấu giá khai thác gỗ.

 

https://substackcdn.com/image/fetch/w_1456,c_limit,f_webp,q_auto:good,fl_progressive:steep/https%3A%2F%2Fsubstack-post-media.s3.amazonaws.com%2Fpublic%2Fimages%2F22acea94-a424-4bff-842f-a03f1f6bd847_1679x1203.jpeg

Phối cảnh hồ chứa nước Ka Pét nhìn từ trên cao. Ảnh: Cổng TTĐT Bình Thuận

 

 

                                                         *

 

Hầu hết chúng ta không biết đến dự án hồ chứa nước Ka Pét nếu Vnexpress không làm một bộ ảnh thình lình cho thấy khu rừng 600ha khổng lồ đó không đơn giản chỉ là một khu rừng.

 

Nó nằm trong một phần Khu Bảo Tồn Thiên Nhiên Núi Ông, và do Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét quản lý và cộng đồng người Raglai sống ở đây hàng trăm năm qua.

 

Qua ảnh, ta có thể thấy rừng ở Mỹ Thạnh là các loại cây gỗ quý như lim, cẩm, hương, trắc, căm xe, mun, bằng lăng.

 

Trong vài tấm ảnh của Vnexpress là hình ảnh một cây lim đá trên 100 năm tuổi.

 

Để dọn dẹp chỗ làm hồ thủy lợi, “khu rừng sẽ được bán đấu giá cho đơn vị khai thác gỗ”, theo Vnexpress.

 

 

Rừng sẽ được đem đấu giá khai thác là rừng gì?

 

Báo Bình Thuận vào năm 2017 đã viết một bài những người làm ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét phải thường xuyên tuần tra vì “chỉ hở ra là gỗ quý hiếm bị khai thác, chặt hạ. Đặc biệt là khu vực thuộc trạm Đèo Nam quản lý đóng trên địa bàn xã Mỹ Thạnh, giáp sông La Ngà, huyện Tánh Linh, địa hình đồi núi cao, hiểm trở”.

 

Về độ giàu của Rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét, ban tuyên giáo tỉnh Bình Thuận viết trên trang web của họ: “Đây không chỉ là cánh rừng được đánh giá ít bị tác động nhất mà ở Sông Móng – Ca Pét, hàng ngàn cây lim xanh nhiều năm tuổi sừng sững chiếm lĩnh những tán cao đẹp mê mẩn.” (2)

 

Hàng ngàn cây lim xanh, “Mỗi cây Lim xanh trên một trăm năm tuổi có giá trị hàng trăm triệu đồng”, cũng theo trang web của Đảng bộ Tỉnh Bình Thuận định giá. (2)

 

Bạn có thể cùng tôi google để tìm được giá của gỗ lim vào khoảng 5 triệu đồng/m3, giá của gỗ căm xe tròn là 10-13 triệu đồng/m3, giá của gỗ hương là 18-45 triệu đồng/m3, giá của gỗ cẩm lai với tuổi thọ cao là… 80-100 triệu đồng/m3. Trong bộ ảnh của Vnexpress, người xem có thể thấy gỗ căm xe mọc dày đặc ở khu rừng này.

 

Trên đây là mô tả về độ giàu ước tính về mặt tiền bạc của cánh rừng sắp “được” làm thành hồ chứa nước. Những cây cổ thụ hơn 100 tuổi, đặc biệt là nhóm cây có giá trị kinh tế cực kỳ lớn mà ta có thể thấy chạm trổ rồng phụng trong biệt phủ của những quan chức giàu có mỗi khi bão lũ quét qua phơi bày hết nội thất. Độ giàu về tiền bạc khiến bất cứ con buôn gỗ lậu nào cũng sẽ hào hứng đón nhận dự án này. Đặc biệt, bài báo của Vnexpress cho biết khu rừng 600ha sắp bị phá có 137ha nằm trong khu rừng đặc dụng, và nó sẽ được đem bán đấu giá cho đơn vị khai thác gỗ.

 

Ngoài độ giàu về mặt tiền bạc, thứ có thể làm bất cứ con buôn gỗ lậu nào hào hứng trước dự án này, thì khu rừng do hai cơ quan quản lý trên còn nằm trong Khu Bảo Tồn Thiên Nhiên Núi Ông, và chịu sự quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét, nghĩa là ngoài tên là rừng, nơi này còn có một số đặc điểm khác khiến nó đi kèm tên “đặc dụng” và “phòng hộ”.

 

 

Tại sao ta gọi một khu rừng là rừng đặc dụng? 

 

Theo Luật Lâm Nghiệp năm 2017, có hiệu lực từ năm 2017 (1)

 

Trong điều 5, khoảng 2 có ghi, “rừng đặc dụng là rừng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo tồn di tích lịch sử – văn hóa, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh kết hợp du lịch sinh thái; nghỉ dưỡng, giải trí trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng”.

 

Trong điều này bạn có thể lưu ý, rừng đặc dụng khác với rừng bạn tự trồng với mảnh đất kế bên nhà hay rừng trồng lại bằng dự án là ở điểm nơi đây còn có một thứ khác là “hệ sinh thái rừng tự nhiên, nguồn gen sinh vật rừng”.

 

Để nhấn mạnh độ đa dạng của khu rừng sẽ bị dùng làm hồ chứa, tôi trích lại lời của ông Phan Thái Bình (từ Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) mô tả những gì có trong khu vực rừng đặc dụng sẽ bị phá đó là “332 cây gỗ trong khu vực hồ chứa Ka Pet thuộc 43 loài thực vật thân gỗ, 36 chi và 23 họ thực vật khác nhau. Trong đó có 2 loài trong danh mục các loài thực vật quý hiếm của sách đỏ Việt Nam; 8 loài thuộc danh mục thực vật quý hiếm theo sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Đặc biệt có những loài thuộc nhóm có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng nếu không được quản lý chặt chẽ.”

 

Vào năm 2020, một số báo đưa tin “quần thể lim xanh cổ thụ hơn 1.000 cây trên một trăm tuổi” được phát hiện ở triền núi kề làng Raglai Mỹ Thạnh. VTV khi đó viết, “hơn 1.000 cá thể lim xanh với chiều cao hơn 30m, đường kính thân gỗ từ 1 – 1,5m. Những cây lớn phải đến 4 người ôm mới hết”, “tán rộng, mọc cách nhau từ 40-50 mét” (3). Đó là một vài mô tả về độ đa dạng của cánh rừng bạn thấy qua ảnh.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/09/44-1536x1066.jpeg

Khu vực rừng bị phá bỏ để làm hồ thuỷ lợi. Đồ hoạ: Khánh Hoàng/VNE

 

 

Rừng phòng hộ là gì? 

 

Cũng trong điều 5 của Luật Lâm Nghiệp 2017, khoản 3, Rừng phòng hộ “được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, cung ứng dịch vụ môi trường rừng”.

 

Nghĩa là, bằng cách nào đó, khu rừng 600h sắp bị phá trên  theo kiểu phân loại của Luật Lâm Nghiệp 2017, nó đáp ứng một số tiêu chí quan trọng của rừng THẬT, nơi có độ đa dạng sinh học, tuổi thọ, và có chức năng “phòng hộ” để chống bão lụt, lũ quét cho khu vực dân cư ngoài rừng. Cụ thể, bạn có thể tìm các bài báo để thấy huyện Hàm Thuận Nam thường xuyên có nguy cơ bị lũ quét hoặc có trải qua ngập lụt thực sự.

 

 

Làm hồ nước phải làm gấp? 

 

Năm 2019, không rõ các đại biểu quốc hội có biết tên và chức năng của khu rừng này hay không, nhưng họ đã kịp phê duyệt chủ trương đầu tư tại nghị quyết số 93/2019. (4)

 

Nghị quyết đó viết ở điều 2 rằng dự án “cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân, phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận”. (4)

 

Văn bản này ghi rõ, trong 693,31ha diện tích đất của dự án gồm có 162,55ha là rừng đặc dụng, 471,09 ha là rừng sản xuất). Nghĩa là, 1/5 diện tích của dự án này cắn vào khu rừng đặc dụng đã được dày công bảo vệ bao nhiêu năm qua, với độ đa dạng không thể tái tạo lại bằng cách trồng cây giả làm rừng mới.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/09/55-1536x864.jpeg

Khu rừng sắp bị cưa hạ tồn tại từ lâu đời, gắn liền không gian sống của người dân tộc Rai (Raglai) hàng trăm năm qua. Ảnh: VNE

 

Lúc ký nghị quyết, dự án này có tổng tiền đầu tư là 585,647 tỷ đồng. (4) Không hiểu bằng sự màu nhiệm nào sau 4 năm, từ 585 tỷ số tiền này tăng lên thành 874 tỷ đồng. Nghĩa là sau 4 năm, chính phủ sẽ chi thêm 289 tỷ đồng chủ yếu là vì… trượt giá.  (5)

 

Vào tháng 5/2023, Ủy ban Khoa học Công Nghệ và Môi Trường tán thành, và đề nghị chỉnh ngay giá tiền thực hiện lẹ đến 2025 phải xong. Cánh rừng bạn đang thấy trên Vnexpress sẽ còn 2 năm nữa, sống chết sẽ vào tay tên nào đó đấu giá mua được để khai thác gỗ.

 

 

Rừng trồng mới thay thế là rừng gì?

 

Trong các bài tường thuật về chuyện phá rừng này để làm hồ, thì có thêm mục phá rừng cũ thì trồng thêm rừng mới thôi, và trồng nhiều gấp ba lần. Vậy rừng mới đó là rừng gì?

 

Trên trang web của quốc hội Việt Nam, tôi tìm thấy rừng trồng thay thế là cây keo lai, bạch đàn và cây giáng hương. Cũng chính các đại biểu quốc hội tự hiểu rằng các cây bên trên là “những loại cây sản xuất kinh tế, chỉ có lợi ích thu hoạch trong 3-5 năm sẽ trắng rừng, không đảm bảo cân bằng sinh thái lâu bền”. (6)

 

Ba loại cây này không phải là ba loại cây chính trong khu rừng sắp bị phá mà chính trang web của Đảng bộ Hàm Thuận Nam, cán bộ bảo vệ rừng cũng như các báo liệt kê. Vậy tại sao nó có thể được gọi là “rừng trồng thay thế”? Ngoài ra, 500ha những cây này thực chất là loại cây trồng để thu hoạch (nghĩa là trồng đến lớn rồi chặt lấy gỗ đem bán), sao có thể tính vào vị trí là rừng trồng thay thế cho một khu rừng thật sẽ bị chặt sạch với hệ sinh thái và các loài sẽ bị biến mất cùng với nó?

 

Tôi vẫn chưa hiểu bằng phép tính nào mà quốc hội đủ can đảm thông qua một dự án có sức tàn phá như vậy, dựa trên chính những quy định mà luật pháp quy định về các loại rừng.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/09/66-1536x864.jpeg

Một cây bằng lăng nằm trong tiểu khu 262, có thân cao hơn 30 m, gốc đường kính hơn 2 m, bốn người ôm không hết, sẽ bị cưa hạ để làm lòng hồ Ka Pét. Ảnh: VNE

 

 

** Phá rừng vs Net Zero

 

Năm 2021, chính phủ của thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết ở COP26 Việt Nam sẽ đạt mức trung hòa phát thải net-zero carbon vào năm 2050. Cam kết này mở đường cho thị trường mua bán trữ lượng carbon và có thể biến Việt Nam thành điểm đến kế tiếp cho các thiên tài mua bán carbon từ Ấn Độ xuất hiện.

 

Nếu bạn nào hay mua hàng hiệu sẽ để ý một số nhãn hàng bạn mua sẽ nói họ có đóng góp hoặc chi trả để mua “carbon offset”, đại để là họ sẽ đi mua chứng chỉ carbon offset này ở đâu đó, sau đó cái đứa bán sẽ cam kết là nó trồng một cánh rừng ở đâu đó để rừng hít sạch carbon thải ra từ việc sản xuất túi hiệu, đi máy bay hoặc xăng dầu để chạy xe máy xe hơi.

 

Tuy nhiên, bạn có thể đọc hoặc xem các bài báo ở đây: 

https://www.theguardian.com/environment/2023/jan/18/revealed-forest-carbon-offsets-biggest-provider-worthless-verra-aoe

 

Hoặc video ở đây:

Carbon Offsets: Last Week Tonight with John Oliver (HBO)  

LastWeekTonight

 Aug 22, 2022

https://www.youtube.com/watch?v=6p8zAbFKpW0&t=4s

 

để hiểu là số tiền bạn bỏ ra mua, hoặc tin rằng các nhãn hàng bạn yêu thích sẽ mua, thực ra không hề đến được với cánh rừng nào cả, mà nó có thể chỉ là một cánh rừng toàn cây ngoại lai hoặc các cây không có chức năng gì được trồng đại lên một khu đất nào đó, và công bố là đã giúp trung hòa carbon mà nhãn hàng đó thải ra. Tình cờ là, các hợp đồng buôn bán carbon offset đó thường đi qua các dự án trồng rừng mới, trồng rừng tái tạo cho một dự án nào đó tương tự kiểu làm hồ chứa, trồng rừng mới rộng gấp ba như dự án bên trên

 

Vậy có phải thứ bạn đang đọc trên báo hàng ngày về nỗ lực của Việt Nam giúp chống biến đổi khí hậu, tham gia cam kết Net Zero chỉ là một dạng mở ra thị trường buôn bán carbon offset chứ không phải nỗ lực thật bảo vệ cánh rừng nào để giúp người Việt có thêm không gian để “thở” trong biến đổi khí hậu cả.

 

_____

Chú thích sử dụng trong bài:

 

(1)  https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2017/12/16.signed.pdf

 

(2) https://btgtu.binhthuan.dcs.vn/Tintuc/post/206566/lim-xanh-o-rung-song-mong-capet

 

(3) https://baoquangninh.vn/phat-hien-quan-the-lim-xanh-quy-hiem-co-cay-4-nguoi-om-moi-het-2485758.html

 

(4) https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2020/02/93.signed.pdf

 

(5) https://vov.vn/kinh-te/du-an-ho-chua-nuoc-ka-pet-o-binh-thuan-tang-von-dau-tu-tu-585-ty-dong-len-874-ty-dong-post1021799.vov

 

(6) https://quochoi.vn/hoatdongcuaquochoi/cackyhopquochoi/quochoikhoaXIII/Pages/danh-sach-ky-hop.aspx?ItemID=42865&CategoryId=0

 

 

================================================

.

.

VẪN PHẢI LÊN TIẾNG DÙ ĐÃ QUÁ MUỘN MÀNG   

Lê Nguyễn

5-9-2023  08:07  

https://www.facebook.com/lenguyenpd/posts/pfbid02GnHX2W1V3r6Yk9dBVDkdYnLhPd6iXRQT3Seam6PrrQPCLuqJd59Dp9Afaq25HuNwl

 

Tin tỉnh Bình Thuận được phép phá hủy hơn 600 ha rừng để làm hồ thủy lợi là một quả bom tấn có sức công phá dữ dội trong một xã hội vốn đã có quá nhiều điều bất cập.

 

Sự chấn động của nguồn tin có đủ sức mạnh để những ai đang cố tình quên đi nhiều ký ức bi thương về cuộc sống đã qua cũng phải bật dậy, ôm lấy đầu mình. Sao lại có thể như vậy được nhỉ?

 

Chúng ta sống trong sự ngột ngạt của một thành phố mà mật độ dân cư lên đến mức cao nhất, có những buổi tan sở, cầm trong tay một giò lan hay một chậu hồng tỉ muội mua ở ven đường, lòng khấp khởi nỗi vui mừng, mang chút quà tặng của thiên nhiên về để trước balcon, chăm sóc, ngắm nghía mỗi buổi chiều về. Chỉ một bụi cây nhỏ xíu đủ mang lại niềm vui, thế mà ở không xa chúng ta là mấy, đang có toan tính hủy hoại những rừng cây bạt ngàn đã sinh trưởng từ nhiều trăm năm trước, đã che chở, bảo vệ chúng ta khỏi những cơn lũ giữa đại ngàn, hấp thu cho chúng ta hàng triệu tấn khí độc hại của môi trường.

 

Thật là một điều đáng ôm đầu suy nghĩ!

 

600 ha ấy đâu phải chỉ có cây rừng! Đó còn là ngôi nhà chung, nơi nương náu của hàng triệu sinh vật, từ những giống thú móng guốc to lớn đến những loài chim líu lo, những chú bướm khoe màu sắc trong cái thế giới mà bà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho chúng.

 

Viễn cảnh tàn phá động thực vật còn lại rất ít trên đất nước này khiến không ít người trong chúng ta quặn lòng khi nhớ đến hình ảnh bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường của những đất nước văn minh mà nhiều người trong chúng ta từng có lần đặt chân đến. Ở đó, có những chiếc xe nối đuôi nhau dừng lại, im phăng phắc, nhẫn nại chờ cho mẹ con đàn ngỗng hoang dã chậm rãi đi qua đường; nhiều tiểu bang trên đất Mỹ cho máy bay trực thăng rải hàng chục tấn hạt giống hoa dại trên các thảm cây rừng khắp chốn, để khi mùa Xuân trở về, khách nhàn du có dịp ngây ngất trước vẻ đẹp của đời sống tự nhiên.

 

Người ta yêu thiên nhiên, chăm sóc và làm đẹp thiên nhiên như thế, vậy mà trên đất nước “rừng vàng biển bạc” này, con người tiếp tục hủy hoại không thương tiếc di sản quý giá đã được cha ông truyền lại từ hàng trăm năm trước. Nhiều thập kỷ qua, thảm họa phát xuất từ hành động phá rừng đã diễn ra dưới thiên hình vạn trạng, từ những trận lũ kinh hồn cuốn phăng nhà cửa, ruộng vườn, đến những trận đất chuồi biến thành mồ chôn cả tài sản lẫn con người ..., vậy mà đến nay, chúng vẫn chưa đủ sức răn đe và ngăn chặn lòng tham của nhiều người!

 

Những tiếng kêu thống thiết vang lên từ mấy chục năm qua, nay đã quá muộn màng, khi rừng nguyên sinh chỉ còn 0,25%!

 

Ăn của rừng hơn 99%, bấy lâu nay, ta đã trả lại cho rừng được bao nhiêu?

 

Song như người xưa từng nói, muộn vẫn còn hơn không, cất lên tiếng nói của lương tri, hành động bằng cách này hay cách khác, để bảo vệ nguồn tài nguyên vô giá của cha ông, là trách nhiệm chung của mọi người trong xã hội này. Làm ngơ trước những hành vi chưa thể hiện đầy đủ tinh thần vì dân, vì nước, chúng ta đắc tội với tiền nhân, vô cùng có lỗi với những thế hệ cháu con phải gánh chịu hậu quả nặng nề do thế hệ của mình gây nên.

 

Lê Nguyễn

5.9.2023

 

.

35 BÌNH LUẬN  

 

 

===============================================

.

.

QUỐC HỘI CẦN KHẨN CẤP XEM LẠI  

Lão Tạ   (Tạ Duy Anh)

5-9-2023  03:31   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02BYF9JGpvUBiREMMmifKpWhrn8W5VbRe1ex5SQDkbSskKophWusoAFa6cqbB92v4gl&id=1160946631

 

Từ lâu tôi đã rất ngạc nhiên và bức xúc với việc tại sao vùng đất hạn hán Bình Thuận, Ninh Thuận cứ mãi chịu cảnh thiếu nước, đến mức có năm cừu, bò không có cỏ để ăn, còn người dân thì phải dùng cả nước ô nhiễm nặng để sinh hoạt?

 

Phát triển không thể đồng đều tuyệt đối, nhưng đừng chênh lệch đến mức khiến một bộ phận dân cư nào đó sống với cảm giác họ bị lãng quên, hoặc tệ hơn nữa, bị bỏ rơi.

 

Vì thế, khi nghe Quốc hội đồng ý đầu tư một hồ thủy lợi với sức chứa hơn 50 triệu mét khối nước, thú thực là tôi thấy lòng có chút nhẹ nhõm.

 

Sáng nay chủ đề của “Hội đạp xe” chúng tôi bỗng xoay quanh khu rừng 600ha sắp bị phá, để làm cái hồ đang nói tới. Một thành viên trong nhóm, thay cho việc đưa ra quan điểm, đã kể lại chuyện sau đây.

 

Theo như anh nghe được từ một người tham gia đầu tư làm thủy điện, thì thứ mà họ nhằm đến không phải là nhà máy phát điện sau này (vừa bé bát gạo, vừa lâu đồng tiền), mà là số gỗ của khu rừng bị phá để làm lòng hồ và mặt bằng công trình.

 

Một khối lượng gỗ khổng lồ, toàn gỗ quý, mới là món lợi chính đáng để đầu tư công sức chạy chọt.

 

Kể xong anh kết luận: Mục tiêu vẫn là gỗ các ông ạ.

 

Tôi nghe vậy, bèn bảo với anh:

 

600ha rừng sắp bị phá để làm hồ Ka Pét chắc chắn là rừng tràm, rừng keo chứ Quốc hội còn lâu mới cho động đến rừng đặc dụng, rừng nguyên sinh. Quốc hội cũng nhiều người thông minh, tử tế, thương xót môi trường chứ ông.

 

Mọi người lập tức đồng ý với tôi. Gỗ nhóm tứ thiết, bét cũng phải gỗ thông… mới có giá, chứ tràm hay keo đều là gỗ tạp, chỉ làm giấy hoặc ván ép, giàn giáo… là cùng.

 

Về nhà tôi bèn vào đọc các báo, để thật yên tâm và giật mình với những thông tin về khu rừng. Hóa ra, dù đã được điều chỉnh, thì trong số 600ha có tới gần 140ha là rừng đặc dụng.

 

Rừng đặc dụng quý báu ra sao, có vai trò gì với sinh thái thì bạn hoàn toàn có thể biết trong vòng vài phút. Số rừng còn lại, đều có tuổi từ trăm năm trở lên. Có nhiều cây gỗ lim, gỗ căm xe, bằng lăng vài trăm tuổi, cao tới 30 mét, tỏa tán che phủ một diện tích lớn.

 

Để hình dung về độ cổ xưa và ổn định sinh thái của khu rừng, chỉ cần biết rằng đại bàng, loài chim khổng lồ và cực kỳ khó tính, tất nhiên cũng vô cùng quý hiếm, đã chọn làm nơi sinh sống.

 

Nhưng quan trọng là khu rừng đã gắn bó với cả một cộng đồng cư dân tới mức có thể ví nó với máu thịt họ.

 

Không ổn. Rất không ổn các ngài dân biểu ạ. Quốc hội cần ngay lập tức cho dừng dự án đó lại, tìm phương án khác.

 

Tôi tin rằng luôn có phương án khác tốt hơn, với khả năng khoa học và công nghệ hiện nay.

 

Đã có lúc tôi nghĩ, liệu có thể làm hồ chứa, tích nước ở ngay vùng cát cháy? Chắc chắn phức tạp, tốn kém hơn, nhưng khi còn có thể trả bằng tiền thì vẫn chưa phải là đắt nhất?

 

Chả hiểu sao tôi đặc biệt bất an với thông tin sau đây của VNExpress: “Khu rừng sẽ được bán đấu giá cho đơn vị khai thác gỗ“.

 

.

HÌNH :

https://www.facebook.com/photo/?fbid=10227687970082372&set=pcb.10227687971162399

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=10227687970402380&set=pcb.10227687971162399

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=10227687970682387&set=pcb.10227687971162399

 

.

365 BÌNH LUẬN   

 





No comments: