Saturday, September 2, 2023

NHỮNG TỬ TÙ ĐANG KÊU OAN CÓ CẦN XIN ÂN XÁ? (Diễm Thi, RFA)

 



Những tử tù đang kêu oan có cần xin ân xá?

Diễm Thi, RFA
2023.08.31

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/do-death-row-prisoners-who-are-considered-unjustly-need-amnesty-08312023114642.html

 

Hôm 30 tháng 8 năm 2023 tin tức Nhà nước Việt Nam loan rằng ông Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký Quyết định ân giảm từ hình phạt tử hình xuống tù chung thân cho 11 bị án. Theo Văn phòng Chủ tịch nước, Quyết định này thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước, mở cho họ con đường được sống, cải tạo, phục thiện, có cơ hội trở về với gia đình, cộng đồng.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/do-death-row-prisoners-who-are-considered-unjustly-need-amnesty-08312023114642.html/@@images/1a578beb-b86c-45f8-8a92-47dae0fe1c97.jpeg

Một tù nhân được cấp quần áo mới trước khi được trả tự do sau buổi lễ công bố lệnh ân xá của chủ tịch nước tại một nhà tù ở ngoại ô Hà Nội vào ngày 31 tháng 8 năm 2015. Ảnh minh họa.

 

Luật sư Đặng Đình Mạnh bình luận với RFA sáng 31 tháng 8 năm 2023:

 

“Nhiều người chia sẻ thông tin này vội bày tỏ sự thất vọng vì danh sách 11 người được ân xá không có danh tính Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải. Thật ra, về phương diện pháp lý, Chủ tịch nước chỉ ban hành quyết định ân xá đối với những trường hợp có đơn xin ân xá mà thôi, trong đó, về tội danh, thì người bị tuyên án tử hình đã thừa nhận tội trạng của mình bị truy tố là đúng đắn, không oan sai, họ chỉ quan tâm đến hình phạt.

 

Theo đó, họ làm đơn xin ân giảm hình phạt tử hình chuyển thành chung thân. Trong trường hợp này, Chủ tịch nước ban hành quyết định ân xá là hoàn toàn đúng thẩm quyền, đúng quy định pháp luật. Nhưng với trường hợp Nguyễn Văn Chưởng (hay Hồ Duy Hải) là hoàn toàn khác biệt. Chung cuộc thì cả hai đều không nhận tội và kêu oan. Nếu xin ân xá thì chẳng khác nào mặc nhiên thừa nhận mình có tội và xin ân giảm mức hình phạt?!

 

Do đó, về phương diện pháp lý, cả hai trường hợp Nguyễn Văn Chưởng hay Hồ Duy Hải đều không thuộc thẩm quyền ân xá hình phạt của Chủ tịch nước.”

 

Đúng một năm trước, Chủ tịch nước lúc đó là ông Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ký Quyết định ân giảm án tử hình xuống tù chung thân cho 10 bị án, trong đó có hai bị án là người nước ngoài.

 

Tại Việt Nam, các ngày lễ lớn của đất nước như ngày Quốc khánh 2 tháng 9, ngày thống nhất đất nước 30 tháng 4, ngày Quốc tế Lao động 1 tháng 5… là dịp để chủ tịch nước xem xét ân xá, đặc xá cho phạm nhân.

 

Ân xá là hình thức giảm án cho người có tội đang bị thi hành án. Đây là một đặc quyền mà chỉ có Chủ tịch nước mới có quyền quyết định. Nhưng với những trường hợp đang kêu oan như Nguyễn Văn Chưởng hay Hồ Duy Hải thì liệu gia đình có chấp nhận được ân xá hay không?

 

Ông Nguyễn Trường Chinh, cha tử tù Nguyễn Văn Chưởng, cho RFA biết quan điểm của ông sáng 31 tháng 8 năm 2023:

 

“Tôi cũng chờ (thông báo ân xá – NV) xem có gì không nhưng không thấy thông tin gì cả. Tôi hy vọng con tôi sẽ được minh oan vì con tôi không có tội, Hồ Duy Hải cũng thế. Mình không thể có tội thì mình không xin ân xá giảm án. Tôi yêu cầu điều tra xét xử lại vụ án này. Có tội thì cứ thi hành án. Không có tội thì phải minh oan.”

 

Hôm 4 tháng 8 năm 2023, Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng gửi văn bản thông báo cho gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng về việc cơ quan này sẽ thi hành án tử hình và báo cho gia đình làm thủ tục để xin nhận tro cốt người thân. Khi tin tức lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người, trong đó có ký giả Nguyễn Đức, đã nhắn tin trực tiếp đến số điện thoại di động được cho là của ông Chủ tịch nước Nguyễn Văn Thưởng để đề nghị ông ấy cho hoãn thi hành án tử hình đối với Nguyễn Văn Chưởng.

 

Hầu như, chỉ có ký giả Nguyễn Đức và một vài người nhắn tin được hồi âm rằng chủ tịch nước đã nhận tin nhắn. Còn lại các tin nhắn khác đều rơi vào im lặng.

 

Đến ngày 29 tháng 8 năm 2023, gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng nhận được cuộc điện thoại từ Trại tạm giam Công an thành phố Hải Phòng yêu cầu họ đến gặp con trai vào ngày 5 tháng 8 năm 2023.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/f71a4687-80df-40e5-b4f7-dec8903fca1f.jpeg/@@images/d5762c06-624d-4991-bea6-9ce33b144c4e.jpeg

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong buổi lễ tuyên thệ sáng 2/3/2023. AFP

 

Trong khi tin tức về việc cuộc gọi của quản giáo lan rộng trên mạng xã hội Facebook với nhiều hy vọng Chưởng sẽ được ân xá trong dịp 2 tháng 9, thì vào lúc 4 giờ chiều cùng ngày, quản giáo thông báo trở lại rằng, cuộc thăm gặp thân nhân sẽ vẫn như thường lệ, vào ngày 11 tháng 9 tới.

 

Luật sư Đặng Đình Mạnh nói thêm về quyền của Chủ tịch nước trong việc ban hành quyết định ân xá, đặc xá cho phạm nhân:

 

“Ký giả Nguyễn Đức và cả tôi khi ấy đều nhắc đến vai trò Chủ tịch nước có thể “cứu” Nguyễn Văn Chưởng là không phải căn cứ vào quy định pháp luật, mà căn cứ vào vai trò, vị thế quyền lực chính trị của ông ấy có khả năng cứu Nguyễn Văn Chưởng mà thôi. Thật vậy, khả năng này hoàn toàn khả thi và đã từng có tiền lệ. Người tạo ra tiền lệ ấy là nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đối với trường hợp vụ án Hồ Duy Hải. Để “cứu” Hồ Duy Hải thoát chết một ngày ngay trước khi bản án tử hình Hồ Duy Hải được mang ra thi hành, thì ông Trương Tấn Sang đã sử dụng vai trò, vị thế quyền lực chính trị của mình để “ra lệnh” hoãn thi hành án, chứ ông ấy không làm theo bất kỳ quy định pháp luật nào cả.

 

Nhưng tiếc rằng ông ấy chỉ “cứu” Hồ Duy Hải với mức độ thoát chết lúc ấy mà thôi. Ông ấy đã không làm gì thêm để có thể trả tự do cho Hồ Duy Hải trở về với cuộc sống bình thường. Do vậy, khi công chúng gởi tin nhắn đến điện thoại di động của ông Nguyễn Văn Thưởng, thì chúng ta phải hiểu đấy là động thái mong ông ấy sử dụng vai trò, vị thế quyền lực của chủ tịch nước để cứu một người tù oan khiên, như người tiền nhiệm của ông ấy, chứ không phải căn cứ theo quy định pháp luật.

 

Và đó cũng là cách là luật pháp Việt Nam đang vận hành và cũng là cách mà số phận con người trong xứ sở này được định đoạt!? “Biến thế tùng quyền”, khi gởi tin nhắn đến điện thoại di động của chủ tịch nước, là công chúng đã thực thi quyền dân chủ, bày tỏ ý nguyện của mình một cách trực tiếp. Cách mà luật pháp không hề quy định!”

 

Tại Việt Nam có những vụ án oan nổi tiếng đã được làm sáng tỏ, bị can được trả tự do và nhận tiền bồi thường như vụ ông Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long, Nguyễn Thanh Chấn… Song còn những vụ mà các chuyên gia luật nhận định là án tử hình oan vẫn chưa được điều tra lại như Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải hay Lê Văn Mạnh.

 

Luật sư Lê Văn Hoà, từng làm tổ trưởng tổ điều tra án oan của Ban Nội chính Trung ương, người hỗ trợ pháp lý cho ông Nguyễn Trường Chinh kêu oan cho con là tử tù Nguyễn Văn Chưởng nói với RFA rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ án oan đã được báo chí đưa tin, gây rúng động dư luận trong những năm qua, là do yếu tố con người. Ông nói:

 

“Tất cả là do con người không quan tâm, không sâu sát chỉ đạo cho nên đã để xảy ra tình trạng một số cán bộ điều tra, sốt sắng để phá án lập thành tích; hoặc cũng có vụ là do trình độ năng lực cán bộ điều tra yếu kém, cũng không loại trừ những vụ án do từ sự chỉ đạo của một ai đó, mà ở Việt Nam gọi là án bỏ túi.”

 

Theo vị luật sư này, cứ xác định thời điểm xảy ra vụ án rồi tìm ngược lại những ai đã đứng đầu các cơ quan tố tụng thì không khó để tìm ra sự thật.

 

 




No comments: