Saturday, September 2, 2023

NĂM CHA, BA MẸ, MƯỜI TÁM BÀ CÔ (Lê Ngạo Thiên, RFA)

 



Năm cha, ba mẹ, mười tám bà cô

Bình luận của Lê Ngạo Thiên
2023.08.31

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/5-fathers-3-mothers-18-aunts-life-08312023114840.html

 

Năm 2020-2021, giữa cao điểm dịch COVID-19, Công an các phường ráo riết kêu gọi, thúc ép người dân đi làm căn cước công dân gắn chip.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/5-fathers-3-mothers-18-aunts-life-08312023114840.html/@@images/3e6cc77e-b79d-4ed9-b1d7-b579078bfb80.jpeg

Căn cước công dân ở Việt Nam   (Người Lao Động)

 

Mục đích-theo Công an giải thích, là để nhanh chóng điện tử hóa tất cả các thông số về dân cư, nhằm giảm bớt lượng giấy tờ hành chính cho người dân, đồng thời cơ quan quản lý được dễ dàng.

 

Chương trình chạy đua lập căn cước công dân gắn chip ráo riết đến nỗi nó được đưa vào hẳn các công ty lớn. Phòng nhân sự của một số công ty có đông nhân viên gửi mail yêu cầu nhân viên phải nộp mã định danh điện tử và số căn cước công dân gắn chip cho công ty trong vòng vài tuần. Mail chỉ yêu cầu như thế, chẳng đưa ra mục đích gì nhưng nhân viên nào cũng hiểu đó là mệnh lệnh. Những ai có hộ khẩu ở một nơi nhưng đang sinh sống và làm việc tại nơi khác thì nháo nhác. Nhiều người phải xin nghỉ vài ngày để về quê làm căn cước gắn chip đặng nộp kết quả cho công ty.

 

Cho đến tháng 7/2021, sau rất nhiều phàn nàn kêu ca của người dân, đặc biệt trong điều kiện đi lại trong mùa dịch rất khó khăn và liên quan đến việc bị cách ly khi ở địa phương có dịch về, cơ quan Công an mới ra văn bản cho phép người dân được làm căn cước công dân tại nơi tạm trú, thay vì bắt buộc phải về nơi thường trú.

 

Sau chạy nước rút là… bị chuột rút

 

Luật Căn cước công dân quy định Giấy chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân mã vạch vẫn được sử dụng tiếp tục cho đến khi hết thời hạn quy định, tức là còn mấy chục năm nữa. Thế nhưng các phường vẫn liên tiếp kêu gọi, thúc giục người dân đi làm căn cước gắn chip lại tất.

 

Ngay trong mùa dịch, khi đường phố vắng tanh thì tại các trụ sở Công an phường, người dân đến làm căn cước gắn chip đông nghìn nghịt. Do Công an “nhiệt tình” thông báo là làm việc suốt tuần (không nghỉ cả thứ  bảy chủ nhật), xuyên đêm nên nhiều người tranh thủ đi làm về thì đến thẳng trụ sở công an phường làm căn cước. Cứ ngỡ buổi tối thì vắng người hơn hẳn. Dè đâu vẫn đông ơi là đông, đông chen chúc phát ngại cho sức khỏe. Có người buổi sáng đến bốc số thứ tự nhưng vì danh sách quá dài nên cán bộ khuyên nên về nhà nghỉ ngơi, buổi tối quay lại. Tối đến vẫn phải ngồi chờ cả tiếng nữa.

 

Chờ đợi và làm việc quá tải cao độ nên từ dân đến cán bộ, ai cũng bơ phờ nhàu nhĩ.

 

Các đợt cao điểm cấp thẻ căn cước gắn chip qua đi, báo chí hân hoan loan tin các địa phương chạy nước rút, hoàn tất cấp 100% căn cước gắn chip trước kỳ hạn đăng ký.

 

Nhưng, phía sau mặt trước của tấm huy chương là… mặt trái.

 

Mà cái mặt trái này nó nở hậu, nên to bành trướng gấp mấy lần mặt phải.

 

Do suốt thời gian dài chạy nước rút nên sau khi về đích thì hầu như tất cả các ‘”vận động viên” đều bị… chuột rút.

 

Do phải tăng ca làm ngày làm đêm, mắt toét tòe loe nên lực lượng công an nhập sai thông tin vô số. Sai đủ các kiểu. Sai họ, sai tên, sai ngày/ tháng/ năm sinh hoặc cả ba loại thông tin này, sai nơi sinh, sai giới tính, sai địa chỉ thường trú, sai quê quán, sai tên cha/ mẹ…

 

Khi sai bất cứ thông tin nào trong các loại trên thì mã số định danh công dân cũng sai. Người dân buộc phải đi làm lại mã số định danh mới, sau đó đi làm lại căn cước gắn chip mới.

 

Mở ngoặc một tí là tuy sai sót thuộc về cơ quan quản lý nhưng quá trình sửa sai không hề được lược giản bất cứ bước nào cho người dân.

 

Nhiều người được cấp mã số định danh ở chỗ ở cũ, sau đó chuyển chỗ ở mới (khác tỉnh/thành) cũng phải bỏ thời gian và tiền bạc quay trở lại nơi ở cũ để nộp hồ sơ chỉnh sửa thông tin, xin cấp lại mã số định danh mới. Người nào đã làm xong căn cước gắn chip mà sai thông tin thì phải đi làm lại lại từ đầu, lặp lại một quy trình gồm nhiều khâu và gấp bội phiền toái, tốn kém, bực bội.

 

Đến nỗi xảy ra chuyện vô cùng tiếu lâm là sau khi kết thúc đợt cao điểm làm căn cước gắn chip thì có địa phương lại tiếp tục mở đợt cao điểm… sửa sai!

 

“Công an Hà Nội đề nghị mỗi công dân đối chiếu thông tin trên giấy tờ nhân thân và căn cước công dân hoặc với thông báo của công an. Nếu phát hiện sai sót thì liên hệ với công an cấp xã nơi đăng ký thường trú để lập hồ sơ hủy mã số định danh cũ và cấp lại mã số mới”- cuối tháng 4/2023, Công an Hà Nội phải “mở đợt cao điểm hủy và xác lập lại số định danh cá nhân cho công dân bị sai cấu trúc số định danh và sai thông tin trên thẻ căn cước công dân gắn chip.

 

Phải thành thật khen ngợi Công an Hà Nội vì sự dũng cảm và thẳng thắn này. Vì nhiều địa phương khác cũng sai be bét cả ra mà có dám công khai nói và sửa sai như vậy đâu.

 

Hành cả củ

 

Sai thông tin trên tờ khai, dẫn đến sai mã định danh hoặc sai trên căn cước gắn chip xem như người dân khổ hết nước nói.

 

Vì, tuy quy định cấp mới hoặc đổi căn cước gắn chip không quá bảy ngày làm việc, nếu cấp lại thì không quá 15 ngày làm việc, nhưng thực tế làm gì có cái mùa xuân ấy. Có nhiều người chờ mấy tháng trời nhưng cái căn cước mới vẫn biệt tăm, trong khi căn cước cũ đã nộp lại cho công an. Chẳng còn giấy tờ tùy thân nào để đi làm các thủ tục hành chính, như về hưu, xin việc, chứng nhận, mua bán, giao dịch ngân hàng, xác nhận độc thân để đăng ký kết hôn… Họ như người vô danh. Lên công an hỏi bao giờ có thì chỉ nhận được câu: “Chờ”. Chờ đến bao giờ? Không biết. Khi nào Bộ Công an sửa xong, cấp lại, gửi xuống thì chúng tôi thông báo cho ông bà.

 

-Anh ơi, sai nhiều lắm. Bạn em là công an mà vợ nó bị sai cũng chờ cả năm nay chưa được cấp lại đây-một chú công an phường an ủi khi tôi đến khiếu nại về vụ sai thông tin trên thông báo mã định danh.

 

Người bị sai thông tin trên căn cước còn bị “ăn hành” ra bã.

 

Có nhà báo kể trên Facebook cá nhân: chị gái bị ghi sai năm sinh trên số định danh, nên phải đi vài trăm cây số về nơi ở cũ xin lập số mới. Nhà cũ không còn, phải thuê khách sạn ở. Thuê xe đi lại. Tốn mấy triệu bạc.

 

Không có mã định danh nên cho dù thông tin trên chứng minh nhân dân cũ khớp với đăng ký tại nhà mạng điện thoại, nhưng nhà mạng vẫn khẳng định bà không chứng minh được chính chủ thuê bao điện thoại. Họ cắt luôn số điện thoại đã dùng hàng chục năm của bà, lý do là Công an yêu cầu như thế.

 

Không có số điện thoại để liên lạc, không nhập được hộ khẩu, không làm được căn cước. Bà chờ ba tháng mới được cấp lại mã định danh mới.

 

Thì lần này lại sai quê quán.

 

-Tức là số định danh thứ hai này lại phải hủy tiếp, chờ làm lại lần thứ hai. Lần này Công an phường bảo tôi chụp lại giấy tờ gửi qua cho họ chứ không cần về trực tiếp làm nữa.

Chờ thêm vài tháng, Công an phường trả số định danh mới cho bà nhưng ra lệnh: Ngay trong ngày phải đi làm căn cước gắn chip và nộp thông báo cho họ.

 

Bà bảo không thể đi làm ngay trong ngày được, vì cần sắp xếp công việc và thời gian.

 

Cả tổ trưởng tổ dân phố lẫn công an phường đồng thanh nói đây là quy định của công an.

 

Khi bà dẫn ra Luật Căn cước công dân không bắt buộc người dân phải đi làm căn cước gắn chip mà vẫn sử dụng được chứng minh nhân dân cũ còn hiệu lực hoặc căn cước mã vạch cho đến hết thời hạn quy định… thì chú công an đuối lý.

 

Đuối lý thì sao?

 

Thì đầu dây bên kia, chú lên giọng dọa dẫm ngay: “Tôi không nói lý với chị. Nếu hôm nay chị không làm, tôi sẽ xóa tên chị khỏi diện thường trú tại địa phương, đưa chị vào diện dân cư vãng lai, sau này chị sẽ rất khó khăn trong làm giấy tờ hành chính”.

 

Quả là nói được làm được. Ngay cả khi số định danh mới.. của mới đã được cấp lại, Công an phường vẫn câm như hến, dứt khoát không thông báo cho bà, trong khi nó là chức trách phận sự của họ.

 

Phải nhờ người quen là cấp trên của công an phường gọi điện hỏi thăm, bà mới được họ cung cấp mã định danh mới.

 

Người quen tủm tỉm: “Họ nói tại nhà mình mắng họ nhiều quá nên họ giam lại mã số định danh luôn, khỏi mở ra cho mình làm căn cước nữa”.

 

Trời ơi là trời! Bộ trưởng Tô Lâm ngó xuống mà coi!

 

Trung ương hứa hẹn không gây xáo trộn, không gây rắc rối phiền hà cho người dân khi đi làm căn cước gắn chip, nhưng thực tế máu chó như vậy đấy.

 

Chưa hết.

 

Bạn tôi, mấy năm nay kiên quyết giữ xài căn cước công dân mã vạch (mới cấp được bảy, tám năm, từ 2016). Theo quy định của Bộ Công an thì căn cước này bạn còn xài được đến tám năm nữa. Nhưng giờ bạn đành chịu phép, phải lót tót đi làm căn cước gắn chip. Vì khi bạn đi nhập hộ khẩu cho cha mẹ vào nhà mình thì Công an phường trừng mắt: “Cả phường này còn mình anh chưa đi làm căn cước đó. Anh không làm mai mốt sao nhập khẩu (cho người thân) được?”

 

Nói liều!

 

Bạn tôi có thể giở Luật Căn cước công dân và các thông tư của Bộ Công an ra làm việc với công an phường. Nhưng nhỡ mai mốt họ làm khó khi bạn đi nhập hộ khẩu cho cha mẹ thì sao? Họ bắt chẹt cái này cái nọ thì sao? Quan thì xa bản nha thì gần. Nếu công an phường ghim gút sự “cứng đầu” của bạn, sau này khó sống lắm.

 

Trong khi đó, Quốc hội và Bộ Công an vẫn đang hăng say bàn cãi về Luật Căn cước công dân sửa đổi. Ngoài thay đổi dễ thấy nhất là dòng chữ “Căn cước công dân” trên thẻ sẽ chỉ còn “Căn cước” thì theo dự thảo Luật, dĩ nhiên là sẽ không gây xáo trộn phiền hà gì cho công dân cả.

 

Cụ thể dự thảo Luật quy định:

 

- Căn cước công dân đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thì vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ; khi người dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ căn cước.

 

- Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.

 

- Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.

 

- Thẻ căn cước công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị như thẻ căn cước được quy định tại Luật này.

 

Tóm tắt là nếu Luật này được thông qua và có hiệu lực thì cho dù thay đổi nhiều thông tin ghi trên thẻ căn cước mới nhưng người dân vẫn được dùng chứng minh nhân dân còn thời hạn/căn cước công dân mã vạch/căn cước công dân gắn chip như thường.

 

Đặc biệt, dự thảo quy định “Cơ quan quản lý nhà nước không được quy định thủ tục riêng về thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp”.

 

Nếu công an cơ sở cứ thực hiện đúng y chang dự thảo luật thì đúng là cũng không xáo trộn gì lắm cho dân thật, ngoài việc khi đến hạn thì phải tốn thêm một khoản tiền để làm mới hoặc đổi căn cước.

 

Nhưng nói thế thôi!

 

Anh công an phường nói thẳng với tôi: “Dân mà không đi làm căn cước (gắn chip) 100% thì ảnh hưởng tới chỉ tiêu thi đua của tụi em.”

 

- Ảnh hưởng sao hả em? Có bị cắt tiền thưởng không?

 

- Không! Tiền thưởng thì cũng chẳng có bao nhiêu. Nhưng mà nó ảnh hưởng nhiều thứ khác.

 

Anh bỏ lửng câu trả lời. Nhưng với truyền thống của các ngành, có thể suy đoán mà không sợ sai là nếu đơn vị nào không đạt chỉ tiêu thi đua, nhất là thi đua chuyên đề như vừa rồi chẳng hạn, thì đơn vị sẽ bị đánh giá thấp, ví dụ không đạt Đơn vị tiên tiến. Chỉ huy, sĩ quan và lính có thể bị trì hoãn thăng cấp, lên lương.

 

Chỉ trong vòng bảy năm qua, chứng minh nhân dân/căn cước công dân của người Việt Nam đã liên tục thay đổi đến ba lần:

 

-Lần đầu vào năm 2016, khi Luật Căn cước công dân có hiệu lực, từ đang sử dụng Giấy chứng minh nhân dân, người dân bắt đầu được cấp thẻ căn cước công dân có mã vạch.

 

Tuy nhiên, do thiếu điều kiện về kỹ thuật và cơ sở vật chất, chỉ có 16/63 tỉnh thành cấp được căn cước mã vạch cho dân. 47 tỉnh thành còn lại vẫn cấp chứng minh nhân dân theo mẫu cũ. Điều này dẫn tới cúng lúc có tới ba loại giấy tờ tùy thân cùng có giá trị sử dụng, gồm chứng minh nhân dân 9 số, 12 số và căn cước mã vạch.

 

-Chỉ năm năm sau, toàn quốc thực hiện cao điểm cấp căn cước gắn chip.

 

Từ ba loại giấy tờ tùy thân cùng có giá trị sử dụng lên thành bốn loại.

 

-Luật căn cước công dân sửa đổi sẽ được thông qua vào cuối năm nay, cụ thể là vào tháng 11/2023. Khi đó, chắc như bắp rằng toàn ngành Công an sẽ lại tiếp tục phát động một đợt cao điểm làm thẻ Căn cước mới.

 

Tức là chỉ vỏn vẹn trong tám năm, loại giấy tờ tùy thân thiết thân nhất của người dân thay đổi đến bốn lần.

 

Mỗi lần như thế, dân lại tốn thêm tiền và thời gian để đi cấp đổi.

 

Chưa kể người dân ở các phường/xã/quận sắp tới sẽ bị xóa sổ để sáp nhập thành đơn vị hành chính mới sẽ phải thay đổi giấy tờ liên tục để cập nhật thông tin.

 

Trời đất ơi là phiền toái, tốn kém và khổ.

 

Nhưng cái kiếp làm con dân, à nhầm, làm công dân Việt Nam nó vốn vậy rồi. Năm cha, ba mẹ, mười tám bà cô cùng kịch liệt nắm đầu, à nhầm, quản lý. Chừng nào còn một sợi tóc, chừng đó kiếp nạn thứ 82 n lần của các ông bà chủ còn sống mãi.

 

___________

 

Tham khảo:

 

https://danviet.vn/tu-hom-nay-cong-dan-tam-tru-khong-can-ve-que-lam-the-can-can-cuoc-20210630112557947.htm

 

https://thanhnien.vn/cong-an-tphcm-chay-nuoc-rut-lam-the-cccd-gan-chip-cho-nguoi-dan-den-tan-khuya-1851046913.htm

 

https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ha-noi-mo-dot-cao-diem-sua-thong-tin-sai-tren-cccd-cho-nguoi-dan-a590622.html

 

https://giaothonghanoi.kinhtedothi.vn/xa-hoi/can-cuoc-cong-dan-bi-sai-thong-tin-nguoi-dan-phai-lam-thu-tuc-gi-81402.html

 

https://plo.vn/dan-gap-kho-vi-cccd-sai-thong-tin-sai-so-dinh-danh-post712262.html

 

https://cafebiz.vn/vi-sao-phai-doi-the-can-cuoc-gan-chip-20200822084546247.chn

 

https://thuvienphapluat.vn/cong-dong-dan-luat/khi-nao-cccd-ma-vach-chinh-thuc-bi-%E2%80%9Ckhai-tu%E2%80%9D-203009.aspx

 

https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/nhung-diem-moi-cua-du-thao-luat-can-cuoc-cong-dan-sua-doi-119230117081520324.htm

 

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.






No comments: