Đông Sa
06/09/2023
https://baotiengdan.com/2023/09/06/nay-cong-dan-oi/
Xin chớ vội cho rằng tôi đang “lĩnh xướng” mở
đầu cho một bài ca. Không, đây chỉ là một cách đột khởi… hơi dở để biểu tỏ sự đồng
cảm với một bài báo; và có thể, nhân đây, nhấn nhá thêm những điều dẫu chẳng mới
mẻ gì, nhưng gióng giả lên mãi nữa chắc là vẫn còn cần.
Đó là bài viết nhân kỷ niệm Quốc khánh 2/9 với
tựa đề “Tinh Thần Quốc Dân” của tác giả Nguyễn Hồng Lam (NHL), Thượng tá Công
an và là phóng viên – “người nhà” – của báo Công An Nhân Dân (CAND). Bài đăng rồi,
nhưng sau đó bị gỡ bỏ khỏi báo CAND và tạp chí Văn Nghệ Thái Nguyên số 16. (Bài
vẫn còn có thể tìm đọc trên các trang mạng khác đã kịp đăng lại).
Khen thì tự thân bài báo cũng gọi là … được được,
bởi vì ý tưởng chẳng phải mới mẻ tinh khôi gì. Rải rác chỗ này chỗ kia, người
ta đã từng gặp. Cái khá là nó được viết ra trong bối cảnh ở cột mốc 78 năm nhìn
lại đất nước và được viết bởi một ông Thượng tá CA đang làm … báo CA. Chê chút
đỉnh là ngôn ngữ nhẹ hều, mon men, chưa nêu rõ được chân tướng. Nhưng tác giả
là “ông ấy” mà. Xí xóa bỏ qua cái chút đỉnh chê này cũng được.
Đồng cảm với tâm tư của “Tinh Thần Quốc Dân”
nhưng tôi thấy phải cần “lật lại” một vài ý chính của tác giả NHL để thấy rõ được
chân tướng.
Tác giả NHL nhìn lại thời gian nước Nhật đã vượt
qua sự đổ nát và nhục nhã để tiến lên vị thế siêu cường kinh tế với một xã hội
văn minh hiện đại, rồi so với thời gian ¾ thế kỷ của Việt Nam mang danh độc lập
tự do nhưng vẫn mãi còn chìm trong lạc hậu (ấy là NHL đã tránh né không nói đến
hiện trạng là ta đang có một xã hội băng hoại trên mọi phương diện, một đất nước
đang hoang phá đến gần như cạn kiệt những nguồn tài nguyên phải đến hàng ngàn,
hàng vạn năm mới tích tụ được). Ông NHL lý giải sự hùng tráng và nỗi bi thương
của hai đất nước là “cái khác tâm thế giữa con người hai dân tộc”.
Hai quốc gia bất kỳ đương nhiên là khác nhau
trên nhiều phương diện. Nhưng khát vọng Độc Lập, Tự Do, Tự Chủ, tiến đến một đất
nước Văn Minh, dân tộc có được một cuộc sống ấm no Hạnh Phúc, Dân Giàu Nước Mạnh,
thì ở chúng tôi, dân Việt Nam, nỗi khát khao đó từ năm 1945, chắc gì đã kém hơn
anh… Honda. (Nếu mà đong đo được, biết đâu lại cao hơn ấy chứ!).
Không phải “cái khác tâm thế giữa con người
hai dân tộc” là lý do chính. Nó có thể có nhưng chỉ là phần phụ. Cái chính, cái
cốt lõi bao trùm là chọn lấy con đường để vươn tới những mục tiêu kể trên. Lịch
sử đương đại thế giới trong 50 năm qua đã chứng minh rành rành, khỏi tốn thêm
giấy bút lôi thôi…
Đã chọn phải con đường sai với qui luật tồn tại
và phát triển của xã hội loài người, đâm quàng ngõ cụt, thì phải “không chịu
phát triển” thôi. Chẳng những không chịu phát triển mà trong cảnh bí bách, bùng
nhùng dở dơi dở chuột, tất yếu sẽ xảy ra biết bao là đổ vỡ. Chí mạng nhất là
người ta mất niềm tin về sự lương thiện, lương tri và nhân phẩm.
Vụ “Chuyến bay giải cứu” và “Việt Á” là những
minh chứng quá thừa. Thiên hạ dồn vô mạt sát các “tham dự viên” cả hai vụ vừa
nêu là quân vô lương, tham tàn độc ác… Đúng mà chưa “tới”. Nhìn cho “thấu tới”
cái “tâm thế” của đám này là chúng không tin quanh chúng có sự lương thiện, lương
tri và nhân phẩm. Hụi ngon đang sung không hốt, còn chờ đến khi nào. Cứ hốt đại
đi, phần thu hồi vốn, phần còn lận lưng. Ai biết “nhiệm kỳ của tất cả chúng ta”
còn dài được bao lâu?
Phần tiếp theo, tác giả NHL cho rằng, nông nỗi
đất nước ta đến thế này là do dân ta thiếu “Tinh Thần Quốc Dân” như người Nhật.
Ý này cũng đúng mà chưa đủ luôn. Tinh thần quốc
dân chỉ có được từ từng từng lớp lớp Công Dân có ý thức về bổn phận, trách nhiệm
và quyền hạn của bản thân và với xã hội mình đang sống.
Sau năm 1953, trên một nửa nước, và sau tháng
4 năm 1975 trên cả nước, ở nước ta không có khái niệm Công Dân. Chỉ có Nhân
Dân. Và nhân dân phải “được” lãnh đạo. Chỉ có nhân dân “thuần” và nhân dân
“chưa được thuần”. Nếu còn thành phần nào khác nữa, chắc chắn là rất ít thôi,
là ngoan cố và phản động.
Không có khái niệm công dân. Không có con người
công dân cụ thể. Chỉ có một đám đông nhân dân được lãnh đạo – như dẫn dắt một bầy
đàn – thì làm gì có tinh thần quốc dân ngoài khẩu hiệu của lãnh đạo.
Ở phần kết, NHL viết: “Viết, nói ra, đó cũng
là cách tôi thể hiện tinh thần quốc dân trong cá nhân tôi”… Và bài đã bị gỡ. Đã
bảo rồi mà. Đâu có cái “ông công dân” để mà thể hiện cái tinh thần quốc dân.
Anh phải là và chỉ là một đám đông nhân dân được lãnh đạo thôi mà!
Có thể, sau khi bị gỡ bài, ông tác giả này hổm
rày đã viết bài kiểm điểm xong chưa đây?
Thế cho nên, kẻ hèn này mới viết rằng: Này
công dân ơi! Anh có không và ở đâu trên đất nước này! Hãy cùng chung tay phát
triển đất nước, hẹn sang năm nước Việt ta ngang bằng và vượt qua nước Nhật nhé!
_____
Ghi chú của Tiếng Dân: Thật ra bài này đã được ông Nguyễn Hồng Lam đăng 5 năm trước trên
Facebook của ông, mà Tiếng Dân đã từng đăng lại tại đây:
https://baotiengdan.com/2018/09/04/tinh-than-quoc-dan/
Còn đây là ảnh chụp bài viết này đăng trên báo
Văn Nghệ Thái Nguyên nhưng đã bị gỡ bỏ:
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/09/1-11.jpg
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/09/1-7.jpeg
No comments:
Post a Comment