Monday, September 11, 2023

MỘT SỐ NHÀ HOẠT ĐỘNG VUI MỪNG KHI VIỆT - MỸ NÂNG CẤP QUAN HỆ SONG PHƯƠNG (RFA)

 



Một số nhà hoạt động vui mừng khi Việt-Mỹ nâng cấp quan hệ song phương

RFA
2023.09.11

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/some-activists-feel-happy-for-upgraded-ties-between-vietnam-and-us-09112023104618.html

 

Một số nhà hoạt động xã hội, bất đồng chính kiến, và chức sắc tôn giáo ở Việt Nam bày tỏ vui mừng khi được hỏi ý kiến việc Hoa Kỳ và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện, coi đây là một trang sử mới trong lịch sử ngoại giao và lịch sử dân tộc.

 

Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trong chiều 10/9 cùng công bố mối quan hệ giữa hai nước được nâng lên cấp cao nhất trong ngoại giao của Việt Nam.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/some-activists-feel-happy-for-upgraded-ties-between-vietnam-and-us-09112023104618.html/@@images/d6c61266-129c-41de-8393-86b1d3e783ed.jpeg

Tổng thống Biden trong buổi họp báo ở Hà Nội ngày 11/9/2023   (Reuters)

 

Từ miền Tây, Đạo huynh Lê Quang Hiển, Phó Hội trưởng thường trực kiêm Chánh thư ký Ban trị sự trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo thuần túy, Thư ký Hội đồng Liên tôn, hiện cư trú tại thành phố Hồ Chí Minh, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 11/9:

 

“Toàn thể nhân dân Việt Nam người dân Việt Nam không phân biệt miền Nam miền Trung miền Bắc dân chúng rất phấn khởi và hy vọng rằng việc Mỹ nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, đó là một điều rất đáng mừng vì có thể đây là một cái cơ hội để đất nước Việt Nam được nâng lên ngang hàng với các nước tiên tiến trên thế giới.”

 

Cùng chia sẻ ý nghĩ như vậy, cựu tù nhân lương tâm Lê Anh Hùng nói với phóng viên:

“Việc Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ ngoại giao từ quan hệ đối tác toàn diện lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện là một bước chuyển biến ngoạn mục. Tôi thực sự rất vui và tôi hi vọng rằng đây là một sự kiện trọng đại mở ra một trang mới không chỉ là trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mà quan trọng hơn là trong cái tiến trình phát triển của đất nước.

Dĩ nhiên điều đấy rất có ý nghĩa trong cái chiến lược phát triển và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.”

 

Theo blogger này, Việt Nam là quốc gia phải chịu ảnh hưởng lớn nhất từ sự trỗi dậy mang đầy tính đe dọa của Trung Quốc. Chính vì thế mà việc nâng cấp quan hệ với Mỹ - một cường quốc có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển và bảo vệ chủ quyền Việt Nam trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đầy biến động.

 

Từ Hà Nội, nhà báo kỳ cựu Nguyễn Đình Ấm phân tích về lợi ích mang lại cho Việt Nam:

“Việc Việt Nam nâng quan hệ với Mỹ lên tầm chiến lược có lợi cho cả hai bên. Việt Nam sẽ xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn, được Mỹ đầu tư nhiều hơn nhất là khoa học, công nghệ, giáo dục, y tế...

Đặc biệt trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, khi Việt Nam làm bạn chiến lược với Hoa Kỳ, Trung Quốc sẽ bớt hung hăng và coi thường Việt Nam.”

 

Ông cho rằng việc thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ giúp Việt Nam có thể nhận được những phương tiện để bảo vệ chủ quyền quốc gia trong khi Đảng Cộng sản cũng được lợi lớn về chính danh, ảnh hưởng trong nước và quốc tế. Khi kinh tế được cải thiện thì nhà cầm quyền cũng vững vàng hơn.

 

Với Mỹ, họ có đồng minh chắc chắn hơn chút trong việc kiềm chế Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông, ông nói.

 

 

Chính phủ cần coi tôn giáo là "nguồn lực phát triển"

 

Ông Lê Quang Hiển cũng bày tỏ sự hy vọng bằng việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ, ban lãnh đạo của Việt Nam sẽ tìm ra một biện pháp để dần thoát ảnh hưởng của Trung Quốc. Ông đề nghị:

 

“Việt Nam nên cho Hoa Kỳ thuê cảm Cam Ranh hoặc một vùng đất nào đó để lập căn cứ quân sự thì Trung Quốc không bao giờ dám hà hiếp hay xâm lấn Việt Nam nữa.”

 

Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo thuần túy là một nhóm tôn giáo độc lập và chịu nhiều sự đàn áp của chính quyền Việt Nam. Ông Hiển người lãnh đạo tổ chức tôn giáo không được nhà nước công nhận bày tỏ hy vọng:

 

“Đối với vấn đề nhân quyền là cái ưu tiên với tự do tôn giáo ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Hoa Kỳ từ trước tới giờ thì tôi hi vọng sau chuyến thăm này của Tổng thống Biden thì Việt Nam có thể cởi mở một phần nào và dân Việt Nam được một chút tự do về nhân quyền và tự do tôn giáo.”

 

Linh mục Lê Ngọc Thanh của Dòng Chúa Cứu thế nói Nhà nước Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận đối với tôn giáo. Ông nói:

 

“Với tư cách làm một công dân và làm một chức sắc tôn giáo, tôi nghĩ rằng là nhà nước Việt Nam sẽ phải có những cái thay đổi thích hợp, ví dụ như sẽ phải thay đổi cái quan điểm của mình coi tôn giáo như là một thế lực đối lập từ đó phải chuyển thành là xem tôn giáo như là một nguồn lực phát triển.

Nếu mà xem tôn giáo là một thế lực đối trọng thì tự nhiên mình tự triệt tiêu đi hơn 50% năng lực phát triển của mình.”

 

Theo nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, Việt Nam có hồ sơ nhân quyền vô cùng tồi tệ. Theo nhiều nhà hoạt động, Việt Nam cần cải thiện điều này để phát triển bền vững và khai thác tối đa lợi ích mang lại từ việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ.

 

Một nhà hoạt động môi trường ở Hà Nội nói với RFA trong điều kiện ẩn danh:

 

“Song song với những kỳ vọng về việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ, tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam cũng cần thực thi những lời hứa từ xưa nay là tôn trọng nhân quyền, cải cách kinh tế nhưng phải tôn trọng bảo tồn và bảo vệ môi trường, cởi mở trong quan hệ chính trị và lắng nghe những mong muốn nguyện vọng của công dân.

Hà Nội cần hạn chế việc đẩy tiếng nói của người dân trở thành thù địch và chống phá, nhìn nhận đa chiều những góp ý để xây dựng đất nước tốt đẹp và văn minh.”

 

Cựu tù nhân lương tâm Lê Anh Hùng cho rằng bên cạnh việc cải thiện hồ sơ nhân quyền, Việt Nam cần cải cách thể chế và kinh tế. Ông cho rằng bên cạnh việc tôn trọng các quyền cơ bản của con người, nhà nước Việt Nam cần tinh giản bộ máy để nâng cao hiệu quả làm việc của công chức và giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, giảm sự can thiệp của nhà nước trong điều hành kinh tế, và giảm số lượng công ty nhà nước vì các doanh nghiệp này chỉ tạo ra vấn đề thay vì giải quyết vấn đề.

 

Nhà báo Nguyễn Đình Ấm thì cho rằng Việt Nam cần cải cách thay đổi thể chế từ độc tài đến tự do và dân chủ. Mọi cam kết sẽ không thể tồn tại nếu dư luận và Quốc hội Mỹ phản đối, ông nói.

 

Thượng toạ Thích Không Tánh thì dự báo:

“Rõ ràng họ vẫn đàn áp, cô lập, sách nhiễu các nhóm tôn giáo độc lập thôi. Họ không bao giờ cho tự do tôn giáo thực sự bao giờ cả. Có chăng họ thêm quyền, nới rộng cho các tổ chức tôn giáo lệ thuộc nhà nước hay là những tổ chức tôn giáo quốc doanh chịu sự điều hành của chế độ thì đương nhiên là nó được phát triển nhiều hơn.”

 





No comments: