Làm
du lịch kiểu ‘ăn xổi’, Phú Quốc đang ‘ngồi chơi xơi nước’
An Vui - Saigon Nhỏ
9 tháng 9, 2023
https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/lam-dulich-kieu-an-xoi-phu-quoc-dang-ngoi-choi-xoi-nuoc/
Trả lời báo chí trong nước, lãnh đạo đảo Phú Quốc
cho rằng Phú Quốc ngày càng vắng do thời tiết không thuận lợi, giá vé bay cao,
du khách chọn đi du lịch gần nhà bằng đường bộ…
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/9.9.23_Anh-7-1024x577.jpg
Biển Phú Quốc trong
xanh và đẹp nhưng việc cho phép các tập đoàn xây dựng resort và đô thị khắp các
bãi biển đã ngăn người dân và du khách bình dân xuống tắm biển, khác hẳn Thái
Lan, biển là của chung của mọi người dân – Ảnh: Tuổi Trẻ
Trong bốn ngày nghỉ lễ đầu Tháng Chín 2023, Phú Quốc chỉ đón 62,544 lượt
khách, giảm 26.5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó chỉ có 5,700 lượt du khách
quốc tế, một mức giảm kỷ lục từ khi Phú Quốc chọn phát triển du lịch là nền
kinh tế mũi nhọn.
Các nhà hàng, bãi biển, khu du lịch, dịch vụ ca-nô vốn nổi tiếng ở thị
trấn Dương Đông, An Thới hay khu vực phía nam đảo Phú Quốc đều đìu hiu vắng du
khách. Lượng khách lưu trú chỉ 19,209 lượt, giảm 38.6%, nên công suất phòng tại
các khách sạn, resort từ bình dân đến cao cấp chỉ đạt 20 – 30%!
Tuổi Trẻ ngày
7 Tháng Chín dẫn lời bà Lương Thị Ngoan, chủ nhà hàng Ra Khơi (phường Dương
Đông), cho biết số lượng du khách đến nhà hàng của bà dịp lễ 2 Tháng Chín giảm
70%, chỉ đón được 300 người so với 1,000 người cùng kỳ năm ngoái.
Bà than thở: “Dù là đất nhà, không chịu tiền thuê mặt bằng nhưng cả
tháng qua, với chi phí nhân viên, nguyên liệu thì chỉ tính dịp lễ vừa rồi lỗ cả
trăm triệu đồng. Giờ chỉ còn cách hy vọng vào dịp cuối năm…”.
Thực tế số liệu cho thấy: năm 2018, Phú Quốc đón hơn 4 triệu lượt
khách; năm 2019 đón 5.1 triệu lượt. Đến năm 2020 chỉ đón hơn 3.5 triệu lượt
khách, giảm 30.6% so với cùng kỳ; năm 2021 đón 2.3 triệu lượt và năm 2022 đón
4.7 triệu lượt.
Từ các số liệu trên, một chuyên viên ngành du lịch nói thẳng với Tuổi
Trẻ: Đừng đổ lỗi cho ông trời hay mùa tựu trường cận kề vì rõ ràng đâu phải
chỉ đến kỳ nghỉ 2 Tháng Chín năm nay Phú Quốc mới ế khách mà lượng khách đến đảo
này đã liên tục sụt giảm các năm gần kề!
Đó là điềm báo xấu do chính cách làm du lịch “ăn xổi” của Phú Quốc gây
ra.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/9.9.23_Anh-10a-800x450.jpg
Thị trấn Hoàng Hôn của
Sungroup tại phường An Thới, Phú Quốc đã biến bãi biển hoang sơ thơ mộng thành
thảm bê-tông, một thảm họa – Ảnh: FB Save Tam Đảo
Trái với lời bào chữa của lãnh đạo đảo Phú Quốc vốn chuộng thành tích,
không dám nhìn vào sự thật, độc giả Tuổi Trẻ ngày 9 Tháng Chín
chỉ ra những nguyên nhân khiến Phú Quốc không còn là điểm đến ưa thích.
Giá cả ăn uống và dịch vụ ở Phú Quốc quá đắt là phàn nàn đầu tiên. Độc giả Tư Sài Gòn thẳng thắn:
“Phải dũng cảm tìm ra nguyên nhân đích
thực dẫn đến tình trạng Phú Quốc vắng khách. Đừng đổ lỗi nữa. Thử làm khảo sát
lấy ý kiến du khách để xem họ hài lòng chỗ nào, không hài lòng chỗ nào.
Theo tôi, nguyên do là giá cả ở Phú Quốc
quá cao, lại không có dịch vụ gì đặc sắc. Khách nước ngoài chuộng cảnh thiên
nhiên, nét văn hóa và món ăn bản địa. Khách trong nước mong muốn giá cả phải
tương xứng với chất lượng dịch vụ. Những cái này Phú Quốc còn thiếu”.
Sống và làm việc tại Phú Quốc trong 10 năm, độc giả Tomy Khúc nhận định: “Môi
trường, cảnh quan thay đổi làm mất đi vẻ hoang sơ, vì thế mất đi một lượng
khách theo phong cách cổ điển. Tuy nhiên phải nói là các dịch vụ đắt đỏ mà
không xứng với đồng tiền bỏ ra, quy hoạch thì lấn chiếm bờ biển…
Điều cần làm ngay lập tức là hình
thành con đường vành đai biển để phát triển du lịch bền vững. Đừng biến Phú Quốc
thành nơi lướt sóng bất động sản rồi để lại nhiều khu nhà bỏ hoang, nhếch
nhác”.
Độc giả Phong Vu phân tích:
“Theo
tôi, Phú Quốc mất du khách vì ba lý do: Một là giá cả đua nhau tăng không theo
nhận dạng đẳng cấp dịch vụ mà theo hướng chộp giựt. Hai là đánh mất chủ đề du lịch.
Đầu tư xây dựng theo tư duy chủ quan cho rằng để trở thành nơi nghỉ dưỡng cao cấp
nhưng chưa đạt, vô tình đánh mất thế mạnh, không còn là nơi khám phá nhiều nét
thiên nhiên tuyệt đẹp đặc thù.
Ba là ô nhiễm, khi xây dựng đầu tư chú
trọng bộ mặt mà chưa chú ý đến hạ tầng vệ sinh đô thị phù hợp với biến động dân
cư”.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/9.9.23_Anh-10-800x450.jpg
Một cây cầu nhân tạo để
du khách sống ảo tại thị trấn Hoàng Hôn của Sungroup, kiến trúc chắp vá trên
hòn đảo vốn xinh đẹp – Ảnh: FB Save Tam Đảo
Nhận định cuối cùng của Phong Vu hoàn toàn
đúng, nếu ai đã từng đến làng chài Hàm Ninh ăn uống thì đều chán ngán khi nhìn
thấy rác tấp từng chùm trên bờ biển gần làng chài.
Chưa kể, nếu thuê phòng nghỉ tại khách sạn cho rẻ hơn ở resort thì dù
biển có ở phía bên kia đường thì cũng không được qua tắm (resort xây ven biển ở
Việt Nam đều tự động rào kín đường xuống biển, không cho dân xuống tắm, khác hẳn
Thái Lan) mà phải thuê xe gắn máy đi thật xa đến bãi Dài, phải mua chỗ trên bãi
biển kèm với đồ ăn thì mới được tắm! Đi một lần là ngán không bao giờ muốn quay
lại.
Cũng là du khách từng đến Phú Quốc, độc giả Tri
Bui nhận xét: “Phú Quốc chỉ đẹp trong bốn bức tường của
các khu resort. Ngoài ra chẳng có gì ngoài một thị trấn buồn tẻ với những dãy
nhà phố lộn xộn, không có nét đặc trưng về kiến trúc, cảnh quan. Đường bờ biển
không có, rừng bị tàn phá, sông thì đầy rác, giá cả lại đắt đỏ”.
Độc giả Vô Tình chung nhận
xét: “Người ta đến Phú Quốc vì cảnh quan thiên nhiên và những
gì đặc trưng ở đây chứ không phải bê nguyên những kiến trúc ở nước ngoài về, đi
một – hai lần là thấy chán, tại sao không giữ nguyên bản sắc địa phương ở hòn đảo
này?”.
Độc giả Hoan tiếc nuối:
“Phú
Quốc có nhiều bãi biển nước xanh như ngọc, rừng cây trải dài với con đường vắt
ngang rừng, lên xuống chập chùng rất lãng mạn. Ước gì đừng để xảy ra nạn lấn
chiếm rừng và biển, các cơ sở du lịch không “chặt chém”, bên cạnh đó cần xử lý
rác cho tốt vì thấy rác đang tràn ngập đảo”.
Ông Nguyễn Hành, một du
khách vừa đưa gia đình trở lại Phú Quốc chơi dịp lễ 2 Tháng Chín, nhận xét:
“Hơn mười năm rồi tôi mới quay lại Phú Quốc. Các bãi biển thơ mộng,
hoang sơ trải dài làm tôi nhớ mãi đã dần biến mất, nhìn đâu cũng thấy bê tông
như một đô thị nhân tạo hơn là một vùng thiên nhiên”.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/9.9.23_Anh-9-780x518.jpg
Những dãy nhà kiến
trúc lai căng, bắt chước châu Âu tại đảo Phú Quốc, hiện vắng teo người, như thị
trấn ma – Ảnh: FB Save Tam Đảo
Trang Save
Tam Đảo nhận định về đà xuống dốc của đảo ngọc Phú Quốc: “Sự khác
nhau giữa Bali với Phú Quốc: Dù có nhiều đặc điểm khác nhau nhưng tựu chung lại
đều là những hòn đảo với những bãi biển xinh đẹp, những cánh rừng nguyên sinh,
những cánh đồng man mác.
Nhưng cách thức quản lý khác nhau nên trông cũng khác nhau, chỉ khác là
Bali vẫn là điểm đến của du khách quốc tế, đặc biệt là những tay chơi lướt
sóng. Bali với lượng khách quốc tế chiếm 70%, trong khi Phú Quốc giờ chỉ có 15%
là khách quốc tế”.
Dưới dòng thông tin này, một độc giả có tài khoản Lê Tùng Dương cho biết: “Trước mình làm ở một công ty thiết kế
nước ngòai, sau một thời gian vài tháng thấy công ty đó nhận mấy dự án ở Phú Quốc,
xây toàn thứ tầm xàm bá láp hổ lốn Pháp, Ý, mình nghỉ luôn, mình gọi đó là
nhưng bản thiết kế xàm.
Là người Việt Nam, không thể hấp thụ nổi
thứ lai căng kệch cỡm học đòi này. Đành rằng tạo không gian để phát triển du lịch,
tại sao không bắt nguồn từ kiến trúc vùng miền của dân tộc, nó vừa tiết kiệm
năng lượng, vừa đảm bảo nhu cầu sử dụng cũng như giới thiệu bản sắc dân tộc cho
quốc tế. Sau chiến tranh, ta lại đang tự đô hộ bản sắc của ta bằng cái triết lý
sống ảo. Hiện thực buồn!”.
Tài khoản ETron Muscat trả lời: “Lê
Tùng Dương mình có bạn ở EU về Việt Nam lên Bà Nà với ra Phú Quốc chơi
thì nó phán cho câu xanh rờn: fake EU architect. Ngậm ngùi
bảo nó gu dân tao là vậy. May mà nó chưa đi thêm”.
Tài khoản Huỳnh Dũng kết luận: “Thiên
nhiên vốn đẹp bền vững thì không tôn tạo, xây lấn một đống bê tông vô hồn lên
thì lấy gì thu hút?”.
No comments:
Post a Comment