Sunday, September 17, 2023

HOA KỲ LÀ MỘT ĐỀ CHẾ ĐANG ĐI XUỐNG NHƯNG KHÔNG CÓ NGHĨA NÓ PHẢI SỤP ĐỔ (John Rapley  -  New York Times)

 



Mỹ là một đế chế đang đi xuống nhưng không có nghĩa nó phải sụp đổ

John Rapley  -  New York Times

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

14/09/2023

https://nghiencuuquocte.org/2023/09/14/my-la-mot-de-che-dang-di-xuong-nhung-khong-co-nghia-no-phai-sup-do/

 

Nước Mỹ thích nghĩ về mình bằng những cái tên thật bóng bẩy. Thành phố tỏa sáng trên ngọn đồi. Dân tộc không thể thiếu. Vùng đất của tự do. Tất nhiên, mỗi cái tên đều có phần đúng. Nhưng còn một cụm từ khác, không phải lúc nào cũng có tính tâng bốc như vậy, có thể áp dụng cho Mỹ: đế chế toàn cầu.

 

Không giống như những tên gọi khác, vốn bắt nguồn từ thuở khai sinh của nền Cộng hòa, “đế chế toàn cầu” xuất hiện từ sau giai đoạn cuối của Thế chiến II. Tại Hội nghị Bretton Woods nổi tiếng, Mỹ đã phát triển một hệ thống tài chính và thương mại quốc tế mà trên thực tế hoạt động như một nền kinh tế đế quốc, mang những thành quả của tăng trưởng toàn cầu đến tay người dân phương Tây một cách không cân xứng.


Ngoài ra, Mỹ còn thành lập NATO (để cung cấp chiếc ô an ninh cho các đồng minh) và các tổ chức khác như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD (nhằm xây dựng các chính sách chung). Trong nửa sau của thế kỷ, hệ thống này đã đạt được mức độ thống trị thế giới mà chưa một đế chế nào trước đây từng biết đến.

 

Tuy nhiên, trong hai thập niên vừa qua, Mỹ đã liên tục đi xuống. Hồi đầu thiên niên kỷ, phương Tây chiếm 4/5 sản lượng kinh tế toàn cầu. Ngày nay, tỷ lệ đó giảm xuống còn 3/5 và vẫn tiếp tục giảm. Trong khi các nước phương Tây chật vật khôi phục lại sự năng động của mình, thì các nước đang phát triển hiện có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Thông qua các tổ chức như BRICS và OPEC, cùng với sự khuyến khích từ Trung Quốc, họ đang chuyển đổi sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của mình thành quyền lực chính trị.

 

Từ góc nhìn này, dường như Mỹ đang đi theo con đường của tất cả các đế quốc: chắc chắn sẽ suy tàn và cuối cùng là sụp đổ. Đúng là nước Mỹ sẽ không bao giờ được hưởng lại mức độ thống trị về kinh tế và chính trị toàn cầu như họ đã từng có trong những thập niên sau chiến tranh. Nhưng với những lựa chọn đúng đắn, nước này có thể hướng tới một tương lai nơi họ vẫn là quốc gia hàng đầu thế giới.

 

Chắc chắn, việc gọi nước Mỹ là một đế chế gây ra nhiều tranh cãi hoặc chí ít cũng gây nhầm lẫn. Rốt cuộc thì Mỹ chưa từng tuyên bố thống trị bất kỳ quốc gia nào, và thậm chí còn thúc giục các đồng minh của mình từ bỏ thuộc địa của họ. Nhưng có một tiền lệ nổi bật cho loại dự án đế quốc mà Mỹ đã thực hiện sau Thế chiến II: Đế chế La Mã.

 

Tính đến thế kỷ thứ tư, La Mã đã phát triển từ một quốc gia chuyên chinh phạt thành một nơi mà Thành phố Vĩnh cửu [Rome] vẫn là trung tâm tôn giáo, nhưng quyền lực thực sự đã được chia sẻ khắp các tỉnh, với hai trung tâm quyền lực đế quốc: một ở phía đông và một ở phía tây. Để đổi lại việc thu thuế, giới tinh hoa sở hữu đất đai ở các tỉnh sẽ được hưởng sự bảo vệ của các quân đoàn; lòng trung thành của họ với đế chế được củng cố bằng sự chia sẻ lợi ích thực sự, điều mà nhà sử học Peter Heather gọi là nền văn hóa La Mã thống nhất, các thị trấn và giới tinh hoa (togas).

 

Giống như nước Mỹ hiện đại, Rome đã đạt được mức độ thống trị chưa từng có vào thời đó. Nhưng nghịch lý của các hệ thống đế quốc lớn là chúng thường gieo mầm mống cho sự sụp đổ của chính mình. Khi La Mã trở nên giàu có và hùng mạnh nhờ khai thác kinh tế ở các vùng ngoại vi, nó đã vô tình thúc đẩy sự phát triển của các vùng lãnh thổ bên ngoài biên giới châu Âu. Theo thời gian, các liên minh lớn hơn và chặt chẽ hơn về mặt chính trị xuất hiện và có khả năng ngăn chặn – và cuối cùng là khả năng đẩy lùi – sự thống trị của đế quốc.

 

Tương tự, sự đi xuống của nước Mỹ là sản phẩm từ sự thành công của nước này. Dù các nước đang phát triển tăng trưởng chậm hơn so với các nước phương Tây trong thời kỳ hậu thế chiến, nhưng họ vẫn đang tăng trưởng. Đến cuối thế kỷ này, họ sẽ bắt đầu chuyển đổi sức mạnh kinh tế đang mở rộng đó thành quyền lực chính trị và ngoại giao. Họ không chỉ bắt đầu có được khả năng đàm phán các hiệp định tài chính và thương mại tốt hơn, mà còn có lợi thế thương lượng quan trọng dưới dạng hai nguồn lực mà các doanh nghiệp phương Tây đang cần: thị trường đang phát triển và nguồn cung lao động dồi dào.

 

Một trong những dấu hiệu sớm nhất của một “vùng ngoại vi quyết đoán hơn” xuất hiện tại hội nghị năm 1999 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ở Seattle. Một nhóm các nước đang phát triển đã hợp lực để tạm dừng các thủ tục, chấm dứt thông lệ lâu đời của một số đồng minh phương Tây là soạn thảo một dự thảo thỏa thuận rồi đơn giản trình bày trước các đại biểu. Kể từ đó, các nước đang phát triển đã giảm dần sự phụ thuộc vào Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tự thành lập các tổ chức cho vay và bắt đầu thử nghiệm các thỏa thuận thương mại giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng đô la.

 

Chuyện kể rằng Rome đã bị lật đổ bởi cái gọi là những cuộc xâm lược của các man tộc. Nhưng sự thật phức tạp hơn nhiều. Chỉ trong một thế hệ hỗn loạn ở những năm 400, nhiều người nhập cư đã xâm nhập nửa phía tây của đế chế. Và khi sống trên đất La Mã, những người nhập cư này đã tự lập thành những liên minh lớn hơn – như người Visigoth và Vandal – những liên minh quá mạnh để đế chế có thể đánh bại.

 

Một số nhà bình luận đã đúng khi xem việc di cư thời hiện đại sang phương Tây là một lực lượng có sức tàn phá không kém. Nhưng đó là bài học sai lầm rút ra từ lịch sử La Mã. Nền kinh tế của đế chế này chủ yếu dựa trên nông nghiệp. Nếu quyền lực mới trỗi dậy thì quyền lực cũ phải suy tàn, vì không thể mở rộng cơ sở tài nguyên để hỗ trợ cả hai. Khi La Mã không còn có thể đánh bại các đối thủ mới, họ đã mất đi nguồn thuế mà không thể phục hồi được.

 

Nhưng tình hình ngày nay hoàn toàn khác. Nhờ các thay đổi công nghệ, tăng trưởng kinh tế không còn là trò chơi có tổng bằng 0, có thể xảy ra ở nơi này nhưng không thể ở nơi khác. Dù các nước phương Tây không còn thống trị về sản xuất và dịch vụ, họ vẫn giữ được lợi thế trong các ngành thâm dụng tri thức như trí tuệ nhân tạo và dược phẩm, hoặc những ngành đã xây dựng được giá trị thương hiệu như hàng xa xỉ, thể thao, và giải trí. Tăng trưởng kinh tế – ngay cả khi chậm hơn so với vùng ngoại vi – vẫn có thể tiếp tục ở phương Tây.

 

Nhưng điều đó đòi hỏi phải có nhân công. Với tỷ lệ sinh giảm và dân số già đi, các xã hội phương Tây không thể sản xuất đủ nhân công, nên nguồn nhân lực sẽ phải đến từ vùng ngoại vi toàn cầu – từ cả những người nhập cư sang phương Tây lẫn những người ở lại quê nhà nhưng làm việc trong các doanh nghiệp phục vụ chuỗi cung ứng phương Tây. Di cư có thể đã làm xói mòn sự giàu có của Đế chế La Mã. Nhưng giờ đây, nó chính là điều đang ngăn chặn phương Tây rơi vào suy thoái kinh tế tuyệt đối.

 

Những điểm khác có sự tương đồng trực tiếp hơn với lịch sử La Mã. Nửa phía đông của Đế chế La Mã đã vượt qua sự sụp đổ của phía tây vào thế kỷ thứ năm, và thậm chí còn có thể thiết lập vị thế bá quyền đối với các vương quốc mới ở các vùng lãnh thổ phía tây đã mất. Tình trạng này có thể tồn tại vô thời hạn nếu đế chế La Mã phương đông này không tiêu tốn các nguồn lực quan trọng trong một cuộc xung đột không cần thiết với đối thủ Ba Tư bắt đầu từ cuối thế kỷ thứ sáu. Sự kiêu ngạo của đế chế đã đẩy nó vào một loạt những cuộc chiến mà sau hai thế hệ đã khiến cả hai đế quốc trở nên dễ bị tổn thương trước một thách thức sẽ áp đảo họ chỉ sau vài thập niên: một thế giới Ả Rập mới, thống nhất.

 

Đối với Mỹ, đây là một câu chuyện cảnh báo. Để đối phó với sự trỗi dậy không thể tránh khỏi của Trung Quốc, Mỹ cần tự hỏi bản thân mối đe dọa nào là sống còn và mối đe dọa nào chỉ đơn thuần gây khó chịu. Có những mối nguy cấp bách mà cả phương Tây và Trung Quốc phải đối mặt, chẳng hạn như bệnh tật và biến đổi khí hậu – và chúng sẽ tàn phá toàn nhân loại trừ phi các quốc gia cùng nhau giải quyết chúng. Đối với tình trạng quân sự hóa và sự hiếu chiến ngày càng tăng của Trung Quốc, Mỹ phải xem xét liệu nước này có thực sự đang đối mặt với bẫy Thucydides về một cường quốc đang lên, hay chỉ đơn giản là một quốc gia đang bảo vệ lợi ích ngày càng mở rộng của mình.

 

Nếu Mỹ phải đối đầu với Trung Quốc, dù về mặt quân sự, hay như người ta hy vọng là chỉ về mặt ngoại giao, thì nước này sẽ thừa hưởng những lợi thế lớn từ di sản đế quốc của mình. Mỹ vẫn có những nguồn sức mạnh mà không ai có thể sánh bằng: một loại tiền tệ không phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng nào trong vai trò là phương tiện trao đổi của thế giới, nguồn vốn khổng lồ được quản lý ở Phố Wall, quân đội hùng mạnh nhất thế giới, quyền lực mềm được quảng bá nhờ các trường đại học, và sức hấp dẫn to lớn của nền văn hóa. Và nước Mỹ luôn có thể kêu gọi bạn bè trên toàn cầu của mình. Tóm lại, họ vẫn có khả năng huy động các nguồn tài nguyên dồi dào để duy trì vị thế cường quốc dẫn đầu thế giới.

 

Tuy nhiên, để làm được điều đó, nước Mỹ sẽ cần phải từ bỏ việc cố gắng khôi phục lại vinh quang trong quá khứ thông qua cách tiếp cận đơn độc, Nước Mỹ trên hết. Chính động lực đó đã đẩy Đế quốc La Mã vào cuộc phiêu lưu quân sự và cuối cùng dẫn đến sự hủy diệt. Nền kinh tế thế giới đã thay đổi và Mỹ sẽ không bao giờ có thể thống trị hành tinh này như trước. Nhưng khả năng xây dựng một thế giới mới từ liên minh của những người cùng chí hướng là một điều xa xỉ mà Rome chưa bao giờ có được. Nước Mỹ, dù họ tự gọi mình là gì, cũng nên biết nắm bắt cơ hội.

 

--------------------------------

John Rapley là nhà kinh tế chính trị tại Đại học Cambridge và là đồng tác giả, cùng với Peter Heather, của cuốn sách “Why Empires Fall: Rome, America and the Future of the West.”

 

Nguồn: John Rapley, “America Is an Empire in Decline. That Doesn’t Mean It Has to Fall.,” New York Times, 04/09/2023

 





No comments: