Thursday, September 7, 2023

CÔNG LUẬN PHẢN ĐỐI DỰ ÁN PHÁ 600 HECTA RỪNG TỰ NHIÊN Ở BÌNH THUẬN! (RFA)

 



Công luận phản đối dự án phá 600 hecta rừng tự nhiên ở Bình Thuận!

RFA
2023.09.06

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/public-opinion-against-the-project-of-destroying-600-hectares-of-natural-forest-in-binh-thuan-09062023124117.html

 

Mới đây nhiều tờ báo trong nước cùng dư luận mạng xã hội đều lên tiếng về việc tỉnh Bình Thuận chuẩn bị khai thác khu rừng tự nhiên hơn 600 hecta ở xã Mỹ Thạnh, kéo dài lên hướng núi rừng huyện Tánh Linh, thuộc huyện Hàm Thuận Nam để làm hồ chứa nước thủy lợi, được cho là giúp phát triển kinh tế, xã hội…

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/public-opinion-against-the-project-of-destroying-600-hectares-of-natural-forest-in-binh-thuan-09062023124117.html/@@images/0bc0c1ba-81e8-4354-a197-2f46ebdfe315.jpeg

Mô hình thiết kế đập trong dự án hồ thủy lợi Ka Pét.

 Courtesy Ban quản lý dự án Công trình NN&PTNT Bình Thuận

 

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, dự án hồ chứa nước Ka Pét với dung tích chứa 51,21 triệu m3 nước. Công trình được cho là nhằm cung cấp nước cho nông nghiệp; khu công nghiệp Hàm Kiệm 2; nước sinh hoạt, điều tiết nước cho vùng hạ du gồm huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết.

 

Khu rừng rộng hơn 619 hecta ở xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, nơi sắp triển khai dự án hồ chứa nước Ka Pét, theo báo Vnexpress, tồn tại từ lâu đời, gắn liền không gian sống của người dân tộc Rai (Raglai) hàng trăm năm qua. Hiện, khu rừng do Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông và Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng - Ka Pét quản lý, có sự chung tay bảo vệ của cộng đồng địa phương thông qua chính sách nhận khoán.

 

Vào năm 2021, Ban tuyên giáo tỉnh Bình Thuận từng có bài viết đăng trên trang chủ về độ giàu của Rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét cho rằng ‘đây không chỉ là cánh rừng được đánh giá ít bị tác động nhất mà ở Sông Móng – Ca Pét, hàng ngàn cây lim xanh nhiều năm tuổi sừng sững chiếm lĩnh những tán cao đẹp mê mẩn’… Trang web của Đảng bộ Tỉnh Bình Thuận còn đánh giá ‘mỗi cây Lim xanh trên một trăm năm tuổi có giá trị hàng trăm triệu đồng’.

 

Một nhà hoạt động môi trường ở Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn nói với RFA hôm 6/9/2023:

 

“Tôi là một người rất quan tâm đến thiên nhiên nói chung, hiểu sự ảnh hưởng của thiên nhiên lên cuộc sống con người. Tôi cũng tham gia một vài dự án phục hồi rừng tự nhiên và trồng vườn rừng. Tôi biết môi trường rừng, đât và nước liên quan đến nhau như thế nào. Tôi có rất những bạn bè trong ngành môi trường, khí hậu và nông nghiệp, chúng tôi thường trao đổi với nhau về việc làm thế nào để khôi phục rừng tự nhiên ở VN, vì giờ đây khắp nơi trên đất nước này bị bao phủ bởi rừng keo, tràm,.. độc canh, những cánh ‘rừng’ đó chỉ làm cho đất ngày một khô kiệt.

 

Những cánh rừng nguyên sinh hay rừng đặc dụng như ở Bình Thuận hiện nay gần như đã hoàn toàn biến mất, đó là những gì quý giá nhất còn sót lại, giữ cho nguồn nước ở đây không bị cạn kiệt. Nếu mất đi khu rừng này (khu rừng tự nhiên hơn 600 hecta ở xã Mỹ Thạnh - PV), thì nguồn nước cũng mất và cái hồ mà người ta làm để chứa nước sẽ chắng lấy đâu ra nước mà chứa nữa. Đó là những kiến thức sơ đẳng mà những người làm về Rừng, về môi trường nước không thể không biết.”

 

Chưa kể theo nhà hoạt động này, toàn bộ môi trường sinh thái, động thực vật thay đổi hết, thậm chí vùng đất đó có thể biến thành sa mạc như người ta đã sa mạc hóa Tây Nguyên. Và rồi hạn hán, lở đất, lũ quét... đều có thể nhìn thấy trước. Thực trạng đó đang xảy ra mỗi năm ở Tây Nguyên và vùng núi Trung phần… Nhà hoạt động này nói tiếp:

 

“Đó là chưa kể dự án xâm phạm vùng rừng linh thiêng, tín ngưỡng của đồng bào Chăm và Raglai, vùng đã được đồng bào bảo vệ nghiêm ngặt trong nhiều năm, và do đó bảo tồn rừng nguyên vẹn. Bằng vào những tài liệu rất ít ỏi công khai trên mạng, dự án có vẻ đã được xây dựng rất cẩu thả và không minh bạch. Trong báo cáo về hiện trạng không hề nói đến vùng rừng nguyên sinh và khu bảo tồn, mà nói đó là rừng nghèo là hoàn toàn sai sự thật. Luật về Rừng của VN đã cấm không được triệt phá rừng nguyên sinh nên có lẽ họ phải dùng thủ đoạn đó để thông qua.”

 

RFA hôm 6/9/2023 nhiều lần liên lạc UBND tỉnh Bình Thuận để hỏi về việc này, nhưng không thể kết nối.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/public-opinion-against-the-project-of-destroying-600-hectares-of-natural-forest-in-binh-thuan-09062023124117.html/lim-xanh-song-mong-700.jpg/@@images/460581e3-1128-4f18-931b-36d00d97b071.jpeg

Rừng phòng hộ Sông Móng – Ca Pét. Courtesy binhthuan.dcs.vn

 

Dự án khai thác khu rừng tự nhiên hơn 600 hecta ở xã Mỹ Thạnh kéo dài lên hướng núi rừng huyện Tánh Linh để xây dựng hồ chứa nước Ka Pét được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93 ngày 26/11/2019. Đến ngày 30/5/2023, Quốc hội tán thành áp dụng cơ chế đặc thù triển khai dự án Hồ chứa nước Ka Pét, nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.

 

Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Mỏ Địa chất Miền Nam vào tháng 6/2023 tiếp tục đưa ra báo cáo đánh giá tác động môi trường thay thế đánh giá tác động môi trường cũng do công ty này lập vào tháng 8/2022 về việc xây dựng hồ chứa nước Ka Pét có nhìn nhận việc xây dựng hồ chứa nước Ka Pét sẽ gây ra những tác động tiêu cực nhất định đến môi trường xã hội… Nhưng báo cáo vẫn cho rằng dự án sẽ mang lại hiệu quả to lớn về kinh tế - xã hội như cấp nước sinh hoạt, công nghiệp và sản xuất nông nghiệp; điều tiết lũ cho hạ du, cải tạo môi trường sinh thái, góp phần nâng cao đời sống người dân khu vực dự án.

 

Cũng theo báo cáo này, dự án sẽ làm giảm diện tích đất rừng tự nhiên, làm phân mảnh các hệ sinh thái tự nhiên ảnh hưởng đến quần cư của các loài động vật hoang dã. Về lâu dài sẽ gây lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán, ngập mặn. Do đó, dự án cần phải có phương án giải phóng mặt bằng và phương án trồng rừng thay thế phù hợp.

 

Tuy nhiên theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án hồ chứa nước Ka Pét chưa được Bộ này duyệt.

 

VTC News hôm 6/9/2023 cho biết, trên trang web của Bộ Tài nguyên và Môi trường (www.monre.gov.vn) từ ngày 19/7 đến 3/8, bộ này đăng tải công khai Báo cáo Đánh giá tác động Môi trường của dự án Hồ chứa nước Ka Pét. Bộ này cũng cho biết Dự án thuộc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận là Đại diện chủ đầu tư và Công ty Mỏ địa chất Miền Nam là đơn vị tư vấn.

 

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết việc đăng tải thông tin vừa nêu để lấy ý kiến và để thực hiện các bước tiếp theo, chứ không phải là ‘Báo cáo đánh giá tác động môi trường’ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.

 

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA liên quan vấn đề này hôm 6/9/2023 cho rằng:

 

“Đây là việc không nên làm, bởi vì vừa rồi hàng loạt các nơi đã xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất gây chết người… Nguyên nhân chẳng qua là do chúng ta tàn phá rừng tự nhiên nhiều quá. Nếu việc này ở Bình Thuận xảy ra thì đây là một việc rất đáng tiếc. Theo tôi chúng ta làm gì đấy cũng phải tìm kiếm cách khác, đừng phá rừng tự nhiên nữa… Bởi vì khi phá rừng tự nhiên sẽ tạo ra những sự cố rất đáng tiếc, những tổn thất rất lớn với người dân. Phát triển nhưng chúng ta phải lưu ý tuyệt đối không đụng đến rừng tự nhiên.”

 

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, dù đây là một dự án được nói đã quy hoạch, nhưng theo ông Võ có nhiều cách để tạo ra hồ thuỷ lợi, chứ không phải chỉ có một cách là phá rừng để tạo một cái hồ ở khu vực núi. Ông Võ nói tiếp:

 

“Vấn đề còn lại là tại sao lại quy hoạch hồ thuỷ lợi tại vị trí đó? Chúng ta phải nghiên cứu kỹ ai là người trình dự án đó? Mối quan hệ ở đó là như thế nào…? Tôi cho rằng cũng có thể là do kém cỏi trong quy hoạch, nhưng cũng có thể là mượn cớ quy hoạch để mưu lợi cá nhân, tất cả những trường hợp ấy đều có thể xảy ra. Tôi cho rằng một là phải bảo vệ rừng tự nhiên, đừng tàn phá tiếp nữa. Thứ hai chúng ta nhìn lại câu chuyện ở Bình Thuận xem là có vấn đề gì uẩn khúc ở trong tư lợi ở đây hay không?”

 

Theo Vnexpress, khu rừng 600 hecta sắp bị phá có 137 hecta nằm trong khu rừng đặc dụng, và nó sẽ được đem bán đấu giá cho đơn vị khai thác gỗ.

 

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phan Thái Bình thuộc tỉnh Quảng Nam khi phát biểu trước Quốc hội từng cho biết ‘332 cây gỗ trong khu vực hồ chứa Ka Pet thuộc 43 loài thực vật thân gỗ, 36 chi và 23 họ thực vật khác nhau. Trong đó có 2 loài trong danh mục các loài thực vật quý hiếm của sách đỏ Việt Nam; 8 loài thuộc danh mục thực vật quý hiếm theo sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế. Đặc biệt có những loài thuộc nhóm có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng nếu không được quản lý chặt chẽ.’

 

Theo Điều 5, khoản 2 – Luật Lâm Nghiệp năm 2017, rừng đặc dụng là rừng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo tồn di tích lịch sử – văn hóa, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh kết hợp du lịch sinh thái; nghỉ dưỡng, giải trí trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng.

 

Còn rừng phòng hộ theo Luật Lâm Nghiệp được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

 

Như vậy có thể thấy khu rừng hơn 600 hecta sắp bị phá có độ đa dạng sinh học, tuổi thọ, và có chức năng phòng hộ để chống bão lụt, lũ quét cho khu vực dân cư ngoài rừng.

 

Theo ghi nhận của RFA, đến ngày 7/9/2023, bài báo về độ giàu của Rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét của Ban tuyên giáo tỉnh Bình Thuận đăng năm 2021 đã bị gỡ xuống. Đồng thời Vnexpress cũng đính chính một số thông tin về khu rừng 600 hecta sắp bị phá và xin lỗi tỉnh Bình Thuận.

 

-----------------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

Bỏ 1.600 hecta rừng phòng hộ để phát triển kinh tế có hợp lý?

 

Có nên để tỉnh tự chuyển đất rừng mà không phải trình Thủ tướng?

 

Công trình 'xẻ thịt' đất rừng Sóc Sơn: Có thể tháo dỡ và thu hồi quyền sử dụng đất?

 

Hội chứng cáp treo lan đến Vườn Quốc Gia Bạch Mã!

 

Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN phản bác Global Witness

 

========================================================

 

Bình Thuận họp báo về việc phá rừng nguyên sinh làm hồ chứa nước

RFA

2023.09.07

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/binh-thuan-party-chief-continued-to-defend-the-reasons-for-clearing-600-ha-of-natural-forest-for-reservoir-09072023090634.html

 

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận kiêm Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh này, ông Dương Văn An, vào chiều ngày 7/9 chủ trì cuộc họp báo về dự án lấy 600 ha rừng nguyên sinh làm hồ chứa nước Ka Pét ở Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/binh-thuan-party-chief-continued-to-defend-the-reasons-for-clearing-600-ha-of-natural-forest-for-reservoir-09072023090634.html/@@images/d0a7c05c-be87-4843-aa03-5c30bb01e8df.jpeg

Phối cảnh hồ chứa nước Ka Pét   (Cổng TTĐT tỉnh Bình ThuậN)

 

Truyền thông Nhà nước loan tin trong cùng ngày. Theo đó cuộc họp báo được tiến hành vào khi nhiều ý kiến tranh cãi về dự án này diễn ra mạnh mẽ trong công luận.

 

Tại cuộc họp báo, ông Bí thư Dương Văn An và các lãnh đạo tỉnh liên quan đều nêu ra yêu cầu bức thiết phải làm hồ chứa nước trên 600 ha rừng nguyên sinh tại địa phương.

 

Những lý giải đưa ra trái với các lập luận của giới phản đối dự án phá rừng làm hồ chứa nước của tỉnh Bình Thuận.

 

Giáo sư Nguyễn Ngọc Chu vào ngày 6/9 có bài nêu ý kiến trên mạng báo Tiếng Dân rằng “Xem bản đồ của Google, rừng nguyên sinh Mỹ Thạnh có màu xanh đậm nhất trên toàn bộ dải đất phía Nam Tây Nguyên và Bình Thuận, kéo dài từ Gia Nghĩa, qua Bảo Lộc đến Phan Thiết. Mở rộng lên toàn bộ đất nước thì Mỹ Thạnh là một trong số rất ít các vùng có màu xanh đậm nhất.”

 

Ông đưa ra đề xuất “Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp &Phát Triển Nông Thôn (NN&PTNT) cần thành lập một tập thể các nhà khoa học có năng lực, với nhiệm vụ đi khảo sát và đề xuất các phương án giải quyết. Trong đoàn các nhà khoa học, cần bao gồm cả người ngoài Bộ NN&PTNT, cả những người không còn trong biên chế, cả những người dám nói khác ý lãnh đạo, và không bao gồm những người đã đồng ý với quyết định phá bỏ 680,41ha rừng nguyên sinh Mỹ Thạnh vào năm 2014.”

 

------------------------------------------

Tin, bài liên quan

TIN VIỆT NAM

 

Bình Thuận vẫn bảo vệ quyết định chuyển đổi 600 ha rừng làm hồ chứa nước

 

Bình Thuận: Cựu Chủ tịch tỉnh Nguyễn Ngọc Hai lãnh năm năm tù

 

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ra tòa do vi phạm trong quản lý đất đai

 

Vụ Việt Á: Kỷ luật giám đốc Bệnh viện đa khoa & CDC tỉnh Bình Thuận

 

Bộ Công an yêu cầu cung cấp thông tin tài sản của nhiều nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Thuận

 






No comments: