Chuyến thăm của Biden: Bước thay đổi quan trọng của Hà Nội
Hiếu Chân/Người Việt
September 8, 2023
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/chuyen-tham-cua-biden-buoc-thay-doi-quan-trong-cua-ha-noi/
Nếu không
có sự thay đổi vào giờ chót thì ông Joe Biden, tổng thống Mỹ, sẽ đến Hà Nội vào
Chủ Nhật, 10 Tháng Chín, chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông từ khi nhậm chức,
theo lời mời của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam
(CSVN), bất chấp những lo ngại về tình trạng đàn áp của đảng này đối với người
dân trong nước.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/09/A1-Chuyen-tham-VN-Biden-1536x1025.jpg
Ông Joe Biden, tổng thống Mỹ, sẽ đến Hà Nội vào Chủ
Nhật, 10 Tháng Chín, để thăm Việt Nam. (Hình minh họa: Abir Sultan/Pool/AFP via
Getty Images)
Các nhà quan sát thời sự dựa theo các thông
tin mới nhất, đều dự báo ông Biden đến Hà Nội để chào mừng quan hệ song phương
Việt-Mỹ được nâng cấp “nhảy vọt,” từ quan hệ “đối tác toàn diện” (comprehensive
partnership – CP) hiện nay lên quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện”
(comprehensive strategic partnership – CSP), ngang hàng với Nga, Trung Quốc và
Nam Hàn, bỏ qua giai đoạn “đối tác chiến lược” (strategic partnership – SP) – tức
là từ mức thấp nhất lên mức cao nhất.
Sự nâng cấp quan hệ này được Washington theo
đuổi nhiều năm qua nhưng chưa được Hà Nội đáp ứng. Hai lý do căn bản là Hà Nội
chưa thật sự tin tưởng ở “cựu thù” Washington và Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào
Trung Quốc cả về chính trị lẫn kinh tế, Hà Nội rất lo sợ đòn trả đũa của Bắc
Kinh.
Lần này, nếu Hà Nội quyết định nâng cấp quan hệ
Việt-Mỹ lên mức “đối tác chiến lược toàn diện” trong chuyến thăm của ông Biden
thì đó là dấu hiệu về một bước thay đổi quan trọng trong chính sách đối ngoại của
đảng CSVN: Sự chèn ép ngày càng lộ liễu và tàn bạo của Trung Quốc buộc Việt Nam
phải tìm một chỗ dựa.
Kể từ Hội Nghị Thành Đô (Trung Quốc) 1990, Việt
Nam nhất mực đi theo Trung Quốc, nhân nhượng Bắc Kinh trong tất cả mọi chuyện,
từ phân định biên giới trên bộ đến hải đảo ngoài khơi, để Trung Quốc can thiệp
thô bạo cả vào lĩnh vực nhân sự điều hành quốc gia, tới mức dân chúng trong nước
phẫn nộ và giới bất đồng chính kiến quy kết chế độ Cộng Sản “hèn với giặc, ác với
dân.”
Nhưng rồi xảy ra sự kiện Trung Quốc đưa giàn
khoan nước sâu Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam năm 2014, làm
dấy lên nhiều cuộc biểu tình, phá hoại các doanh nghiệp Trung Quốc của người
dân trong nước. Sau đó là những cuộc Trung Quốc liên tục dọa nạt các công ty dầu
khí nước ngoài làm ăn ở Việt Nam, buộc họ phải rút đi; còn ngư dân đánh cá ở
các ngư trường truyền thống bị tấn công rất tàn ác. Tất cả các diễn biến đó đã
buộc giới cầm quyền Việt Nam phải thấy dù nhượng bộ đến đâu thì Hà Nội cũng
không thể làm hài lòng một ban lãnh đạo Trung Quốc vô cùng tham lam, trịch thượng
và đầy thủ đoạn. Có thể nói, mối đe dọa của Trung Quốc là yếu tố chính đẩy Việt
Nam đến gần với Hoa Kỳ.
Cạnh tranh địa chính trị giữa Hoa Kỳ và Trung
Quốc mở ra một cơ hội mới trong rất nhiều cơ hội mà Việt Nam đã bỏ lỡ. Từ khi
lên cầm quyền, chính quyền Biden đã nỗ lực tối đa để xây dựng mạng lưới đối tác
và đồng minh ở Châu Á, đặt Việt Nam vào vị trí là đối tác không thể thiếu trong
việc thực hiện chiến lược Châu Á-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Trong chiến lược “giảm rủi ro” (de-risk) cho
các hoạt động kinh tế-thương mại, Mỹ cũng muốn Việt Nam đóng vai trò tích cực
hơn trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu thay vì Mỹ dựa chủ yếu vào nguồn
cung Trung Quốc như từ trước tới nay. Những đề nghị giúp Việt Nam phát triển
nguồn nhân lực, tăng trưởng kinh tế dựa vào công nghệ và sáng tạo, đặc biệt là
phát triển công nghệ bán dẫn, mà ông Biden sắp đưa ra ở Hà Nội không chỉ đem lại
lợi ích cho Việt Nam mà còn nằm trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Mỹ tại
khu vực.
Báo The New York Times nhận định, Việt Nam và
Mỹ “mỗi nước đều có thứ tài sản mà nước kia cần. Việt Nam cần Mỹ giúp chia sẻ
công nghệ để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn non trẻ và giám sát vùng biển.
Các công ty công nghệ Mỹ đang chuyển khỏi Trung Quốc thấy Việt Nam có thể là sự
thay thế một phần.” Rõ ràng, Việt Nam lần này đã không bỏ lỡ cơ hội để nâng cấp
mối quan hệ đôi bên cùng có lợi.
Sự thay đổi thái độ của đảng CSVN, nâng cấp
quan hệ với Mỹ, còn là một nước cờ phải đi trong bối cảnh tình hình địa chính
trị thay đổi mạnh mẽ gần đây: Hai đối tác quan trọng nhất mà Hà Nội dựa vào đều
đang suy yếu: Nga bị sa lầy trong cuộc xâm lược Ukraine và bị cô lập trên thế
giới, Trung Quốc đang đối mặt với những khó khăn mang tính cơ cấu khiến nước
này khó mà tái lập mức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ như trước.
Bản thân Việt Nam cũng đang rơi vào khủng hoảng
kinh tế có nguy cơ dẫn tới bất ổn xã hội. Và các nhà lãnh đạo Việt Nam biết rõ,
trong hoàn cảnh này, chỉ có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ Mỹ và các nước dân chủ
phát triển về đầu tư, công nghệ, thị trường… thì mới có thể giúp kinh tế Việt
Nam ổn định trở lại và tăng trưởng.
Cho nên, đáng chú ý là trong lúc sẵn sàng nâng
cấp quan hệ với Mỹ lên “đối tác chiến lược toàn diện,” Hà Nội bắn tín hiệu cho
thấy họ cũng sẽ nâng cấp như vậy quan hệ đang ở mức “đối tác chiến lược” giữa
Việt Nam với Nhật, Úc, Indonesia và Singapore. Để né tránh phản ứng của Trung
Quốc, Việt Nam đang cố “đóng khung” việc nâng cấp quan hệ này trong những vấn đề
kinh tế và thương mại, bỏ qua các lĩnh vực an ninh – quốc phòng mà quan hệ đối
tác chiến lược toàn diện thường nhắm tới.
Nói gì thì nói, việc Hà Nội thay đổi lập trường,
nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ và các nước vừa kể cũng là một điều đáng khích lệ,
dù muộn màng sau nhiều chuyến lỡ tàu. Các cuộc thăm dò ý kiến đều cho thấy, đại
đa số người Việt Nam cả trong và ngoài nước đều lo ngại tham vọng của nước láng
giềng Trung Quốc và ủng hộ quan hệ mật thiết hơn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Nếu
không ngăn chặn được tham vọng của Trung Quốc thì quan hệ với Mỹ cũng sẽ giúp
Việt Nam mạnh hơn về kinh tế, cải thiện chính trị và hội nhập sâu hơn vào thế
giới dân chủ.
Tuy vậy, không nên đặt nhiều kỳ vọng lớn vào
việc nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ. Do những vấn đề lịch sử, ý thức hệ và mô hình thể
chế, Việt Nam sẽ không bao giờ đứng cùng Washington chống lại ảnh hưởng kinh tế
và quân sự của Bắc Kinh ở Châu Á-Thái Bình Dương. Hà Nội có thể nhận được sự hỗ
trợ về quốc phòng và an ninh của Washington để bảo vệ chủ quyền biển đảo, có thể
mua vũ khí tân tiến của Mỹ, kể cả chiến đấu cơ F-16, nhưng sẽ không ra mặt chống
lại Trung Quốc, chẳng hạn như khi xung đột xảy ra ở eo biển Đài Loan.
Chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam
(không tham gia liên minh quân sự, không đứng với nước này chống lại nước kia,
không có căn cứ quân sự nước ngoài và không dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế)
làm cho Việt Nam không thể trở thành một “đồng minh” trong chiến lược Thái Bình
Dương-Ấn Độ Dương của Mỹ như Nhật, Nam Hàn hoặc Philippines. Có lẽ đó là điều
làm Trung Quốc “yên tâm” khi Việt Nam tiến gần hơn tới Mỹ và cho tới nay chưa
thấy Bắc Kinh có phản ứng đáng kể nào, ngoài lời răn đe của ông Vương Nghị, ngoại
trưởng Trung Quốc, tố cáo Mỹ đang tạo ra căng thẳng khu vực, kích động sự thù địch
và đối đầu. “Chúng ta không thể để não trạng Chiến Tranh Lạnh lại trỗi dậy
trong khu vực và thảm kịch Ukraine lặp lại giữa chúng ta,” ông Vương nói với
ông Bùi Thanh Sơn, ngoại trưởng Việt Nam, hồi Tháng Tư năm ngoái được New York
Times trích dẫn.
Chuyến thăm Hà Nội của ông Joe Biden không được
giới hoạt động nhân quyền hoan nghênh. Việt Nam, dưới sự cai trị độc quyền của
đảng Cộng Sản, vẫn là nước chuyên chế nhất Đông Nam Á, đàn áp ngày càng khốc liệt
những người bất đồng chính kiến và xã hội dân sự.
Các nhà hoạt động cho rằng, những cam kết về
thúc đẩy dân chủ và nhân quyền trên thế giới đang bị chính quyền Biden dẹp sang
một bên để mở rộng sự thống trị của Mỹ ở khu vực. Trên báo The New York Times,
ông Ben Swanton – đồng giám đốc dự án 88, một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ tập
trung vào các vấn đề nhân quyền ở Việt Nam – tuyên bố: “Bất chấp những lời lẽ
hùng biện cao cả về thúc đẩy ‘trật tự thế giới dựa trên luật lệ’ và bảo vệ tự
do, một lần nữa Biden lại lấy lòng các nhà độc tài có thành tích nhân quyền tàn
bạo.”
Những lời lên án như vậy không mới và cũng
không lạ. Tình trạng nhân quyền và tự do ở Việt Nam chẳng những không được cải
thiện mà còn tồi tệ hơn từ khi Hoa Kỳ và Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác
toàn diện năm 2013.
Để biện hộ, ông Kurt Campbell, phụ tá ngoại
trưởng về chính sách Châu Á-Thái Bình Dương, cho rằng dù Việt Nam và Mỹ có thể
chế khác nhau, hệ giá trị khác nhau, thì về căn bản, khả năng làm việc mật thiết
với Việt Nam vẫn là yếu tố quyết định để tiến tới. Các nhà ngoại giao Mỹ thường
nói rằng, Mỹ vẫn liên tục thúc đẩy nhân quyền và tự do ở Việt Nam trong những
cuộc tiếp xúc cấp cao giữa hai nước; họ không muốn công khai lên án hoặc phản đối
có thể làm cho Hà Nội bị mất mặt, dẫn tới phản tác dụng.
Thực tế chính trị thế giới cho thấy, các thể
chế độc tài ít khi thay đổi do sức ép bên ngoài mà tự sụp đổ do mâu thuẫn từ
bên trong. Dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam chỉ có thể trông mong vào cuộc đấu
tranh của người dân trong và ngoài nước và là một tiến trình lâu dài, gian khổ;
quan hệ mật thiết hơn với Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ khác không thể làm
thay đổi hiện trạng trong một sớm một chiều. [qd]
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/09/A1-Chuyen-tham-VN-Biden-1536x1025.jpg
Ông Joe Biden, tổng thống Mỹ, sẽ đến Hà Nội vào Chủ Nhật, 10 Tháng Chín,
để thăm Việt Nam. (Hình minh họa: Abir Sultan/Pool/AFP via Getty Images)
No comments:
Post a Comment