Saturday, September 23, 2023

BIỂN ĐÔNG : PHILIPPINES CÓ THỂ KIỆN TRUNG QUỐC "PHÁ HỦY" SAN HÔ (RFI | Reuters)

 



Biển Đông: Philippines có thể kiện Trung Quốc “phá hủy” san hô

Trọng Nghĩa  -  RFI

Đăng ngày: 22/09/2023 - 14:02

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20230922-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng-philippines-c%C3%B3-th%E1%BB%83-ki%E1%BB%87n-trung-qu%E1%BB%91c-ph%C3%A1-h%E1%BB%A7y-san-h%C3%B4

 

Philippines ngày 21/09/2023 cho biết đang xem xét các phương án pháp lý kiện Trung Quốc trước tòa án quốc tế về việc phá hủy các rạn san hô trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines tại Biển Đông. Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc của Manila, xem đấy là một thủ đoạn nhằm “tạo ra kịch tính chính trị”.

 

https://s.rfi.fr/media/display/a2e1e89c-4e6c-11ee-9189-005056a90284/w:980/p:16x9/PhilippinesChine08092023.webp

Philippines tố cáo tàu Trung Quốc có hành vì bất hợp pháp tại Biển Đông. Ảnh ngày 08/09/2023. © Reuters

 

Theo hãng tin Anh Reuters, bộ Ngoại Giao Philippines tối qua xác nhận việc đang chờ đánh giá từ nhiều cơ quan khác nhau về mức độ thiệt hại môi trường ở rạn san hô Iroquois thuộc quần đảo Trường Sa và sẽ được Tổng Công Tố Philippines Menardo Guevarra hướng dẫn.

 

Phát biểu vào hôm nay, ông Guevarra cho biết là Philippines đang nghiên cứu khả năng nộp đơn kiện thứ hai lên Tòa Trọng Tài Thường Trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan). Tại cơ chế này, Philippines đã thắng được một vụ kiện Trung Quốc khởi động vào năm 2013, phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với khu vực Biển Đông.

 

Trả lời hãng Reuters, tổng công tố Philippines nói rõ là khả năng khởi kiện Trung Quốc lần này không chỉ xuất phát từ các hành vi phá hủy các rạn san hô mà còn từ các sự cố khác và tình hình chung ở Biển Đông. Ông đồng thời cho biết thêm rằng một báo cáo và khuyến nghị sẽ được gửi lên tổng thống Ferdinand Marcos Jr và bộ Ngoại Giao.

 

Trong một thông cáo, bộ Ngoại Giao Philippines tuyên bố “sẵn sàng đóng góp cho nỗ lực này” và cho rằng “các quốc gia đi vào vùng đặc quyền kinh tế và vùng biển của Philippines cũng có nghĩa vụ bảo vệ, bảo tồn môi trường biển của chúng tôi”.

 

Rạn san hô Iroquois nằm gần Bãi Cỏ Rong, nơi Philippines hy vọng một ngày nào đó sẽ có thẻ khai thác trữ lượng khí đốt, một kế hoạch đang gặp trở ngại vì các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên gần như toàn bộ Biển Đông, trong đó có khu vực này.

 

Trung Quốc, nước đã từ chối công nhận phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực theo đó các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý, dĩ nhiên đã bác bỏ những cáo buộc về việc họ đã phá hủy các rạn san hô.

 

Tối hôm qua, đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã dẫn lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh “kêu gọi các bên liên quan tại Philippines ngừng “bịa ra một vở kịch chính trị”.

 

Theo Reuters, hồi đầu tuần, Tuần Duyên và Quân Đội Philippines đã báo cáo về những “thiệt hại nghiêm trọng đối với môi trường biển và san hô” tại rạn san hô Iroquois, nơi đã có 33 tàu Trung Quốc neo đậu trong tháng 8 và tháng 9.

 

Theo bản báo cáo, các chiếc tàu Trung Quốc là tàu đánh cá, nhưng thực ra là tàu của lực lượng dân quân biển, đã nạo vét san hô, mang về làm đá vôi, vật liệu xây dựng, các loại thuốc truyền thống và thậm chí cả đồ lưu niệm và trang sức.

 

================================================

 

.

Philippines cân nhắc các phương án pháp lý chống lại Trung Quốc vì ‘phá hủy’ rạn san hô

Reuters

22/09/2023

https://www.voatiengviet.com/a/7279790.html

 

Philippines đang xem xét các lựa chọn pháp lý chống lại Trung Quốc, cáo buộc nước này phá hủy các rạn san hô trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines ở Biển Đông, một cáo buộc bị Bắc Kinh bác bỏ vì cho rằng đây là một nỗ lực nhằm “tạo ra kịch tính chính trị”.

 

https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-f0be-08dbaa36b79f_cx0_cy4_cw0_w650_r1_s.jpg

Ảnh chụp trên không về cáo buộc mà Tuần duyên Philippines nói là các tàu cá do dân quân Trung Quốc điều khiển đang lảng vảng trong khu vực quần đảo Trường Sa vào ngày 9 tháng 3 năm 2023.

 

Bộ Ngoại giao Philippines cuối ngày thứ Năm (21/9) cho biết họ đang chờ đánh giá từ nhiều cơ quan khác nhau về mức độ thiệt hại môi trường ở Đá Khúc Giác thuộc quần đảo Trường Sa và dưới sự dẫn dắt của Tổng công tố Menardo Guevarra.

 

Ông Guevarra cho biết Philippines đang nghiên cứu khả năng nộp đơn kiện pháp lý thứ hai lên Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye.

 

Manila đã thắng kiện lần đầu tiên vào năm 2013, phản đối các yêu sách của Trung Quốc đối với khu vực này.

 

Ông Guevarra nói với Reuters rằng nghiên cứu này “được thúc đẩy không chỉ bởi cáo buộc phá hủy các rạn san hô mà còn bởi các sự cố khác và tình hình chung ở Biển Tây Philippines”. Đồng thời, ông cho biết thêm rằng một báo cáo và khuyến nghị sẽ được gửi tới Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. và Bộ Ngoại giao. Manila gọi phần Biển Đông mà nước này tuyên bố chủ quyền là Biển Tây Philippines.

 

“Bộ Ngoại giao sẵn sàng đóng góp cho nỗ lực này”, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết trong một tuyên bố.

 

“Các quốc gia đi vào vùng đặc quyền kinh tế và vùng biển của Philippines cũng có nghĩa vụ bảo vệ và bảo tồn môi trường biển của chúng tôi”, tuyên bố nêu rõ.

 

Theo Reuters, bất kỳ động thái nào theo đuổi việc phân xử bằng trọng tài đều sẽ gây tranh cãi lớn sau chiến thắng mang tính bước ngoặt vào năm 2016 của Philippines trong vụ kiện chống lại Trung Quốc, trong đó kết luận rằng yêu sách của Bắc Kinh về chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông là không có cơ sở theo luật pháp quốc tế.

 

Đá Khúc Giác nằm gần Bãi Cỏ Rong, nơi Philippines hy vọng một ngày nào đó sẽ tiếp cận được trữ lượng khí đốt, một kế hoạch đã bị trở nên phức tạp do yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với khu vực này.

 

Trung Quốc, nước đã từ chối công nhận phán quyết năm 2016 và tỏ ra khó chịu khi các cường quốc phương Tây liên tục đề cập đến vụ việc, đã bác bỏ những tuyên bố mới nhất về việc phá hủy các rạn san hô.

 

“Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan của Philippines ngừng tạo ra một vở kịch chính trị từ hư cấu”, đại sứ quán nước này ở Manila nói vào cuối ngày thứ Năm, dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh.

 

Lực lượng Tuần duyên và lực lượng vũ trang của Philippines hồi đầu tuần đã báo cáo “thiệt hại nghiêm trọng đối với môi trường biển và san hô” tại Đá Khúc Giác, nơi họ cho biết 33 tàu Trung Quốc đã neo đậu vào tháng 8 và tháng 9.

 

Họ mô tả các tàu, thường là tàu đánh cá, là “dân quân biển” và cho biết họ đang thu hoạch san hô. San hô ở Biển Đông đã được sử dụng làm đá vôi và vật liệu xây dựng, các loại thuốc truyền thống và thậm chí cả đồ lưu niệm và đồ trang sức.

 

Trung Quốc đã khẳng định yêu sách chủ quyền của mình đối với khu vực Trường Sa bằng cách xây dựng một loạt đảo nhân tạo trên các rạn san hô chìm trong nước. Một số đảo nhân tạo này được trang bị đường băng, nhà chứa máy bay, hệ thống radar và tên lửa.

 

Việt Nam, Malaysia và Philippines cũng chiếm giữ các đảo đá trong quần đảo, nơi nhiều quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng chéo nhau.

 

 



No comments: