Bài học Đài Loan và Philippines cho Việt Nam trong quan hệ với Mỹ
RFA
2023.09.18
.
Tiếp
theo phần trước, GS. Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ với khán thính giả RFA những suy
nghĩ riêng về cách ứng xử của Việt Nam khi xử lý tam giác lợi ích “chiến lược,
kinh tế, giá trị” với Mỹ. Ông dẫn hai ví dụ về Đài Loan và Philippines để cho
thấy những cải cách quyết đoán và quan hệ cá nhân giữa các nhà lãnh đạo hai nước
có thể có những tác động như thế nào đến mối quan hệ thực sự giữa hai nước
trong thực tế.
Lãnh đạo hai nước Việt
Nam - Hoa Kỳ họp báo chung sau khi tuyên bố nâng cấp quan hệ song phương hôm 10/9/2023
tại Hà Nội. (AFP)
RFA. Như Giáo sư nói Việt Nam hiện nay vẫn lo sợ Mỹ
bỏ rơi. Trước đây Mỹ đã bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa. Mỹ đánh Afghanistan rồi bỏ
đi. Trước đây đánh Iraq rồi giữa chừng cũng bỏ về, để cho Iraq ngày nay tự xử với
các nhóm loạn quân ở bên trong. Nhưng nhìn lại, ta thấy Mỹ có nhiều đồng minh
mà họ không bỏ rơi, ví dụ như Nhật Bản, Hàn Quốc. Mỹ hỗ trợ cho phát triển và
chung thủy đến giờ. Có phải là những đồng minh hội tụ cùng lúc cả ba quyền lợi
là chiến lược, kinh tế và giá trị thì sẽ không bị bỏ rơi hay không? Có phải một
đồng minh nếu chỉ có lợi ích về mặt chiến lược thì sẽ bị bỏ rơi khi lợi ích chiến
lược không còn? Một đồng minh của Mỹ thường bị bỏ rơi trong điều kiện nào và
không bị bỏ rơi trong điều kiện nào?
GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Thực
ra thì ba loại quyền lợi trên không phải ngang bằng nhau. Thứ nhất là chiến lược,
thứ hai là kinh tế và thứ ba mới là giá trị. Điều bạn nói một phần nào đó là
đúng, ít nhất đúng với trường hợp châu Âu. Ngược lại đối với Hàn Quốc thời Park
Chung Hi rất độc tài nhưng Mỹ không bỏ rơi. Đài Loan thời Tưởng Giới Thạch rất
độc tài nhưng Mỹ không bỏ rơi.
Nhưng thời thế thay đổi thì chính sách Mỹ cũng thay đổi.
Khi Việt Nam hỏi tôi về vấn đề “bỏ rơi”, tôi có lấy ví dụ vấn đề Đài
Loan: năm 1979 thì Đài Loan đã gần như bị Mỹ bỏ rơi. Lúc đó Carter đã điều
đình với Trung Quốc, tiếp nối chính sách của Nixon. Đó là lúc Đặng Tiểu Bình
sang Mỹ rồi về đánh Việt Nam. Mỹ chấp nhận Trung Quốc là một đối tác, một người
để đối thoại. Trung Quốc là độc tài. Lúc đó Mỹ đã định bỏ Đài Loan. Trước hết,
họ hạ thấp tầm của Đài Loan với chính sách chỉ có “một Trung Quốc”. Tất nhiên,
trong thông cáo chung Hoa Kỳ - Trung Quốc khi đó cũng có thêm một câu để cứu
Đài Loan: ủng hộ “một Trung Quốc” nhưng cũng ủng hộ sự thống nhất “trong hòa
bình”. Câu này là cơ sở cho Đạo luật “Taiwan Relations Act” năm 1979, theo đó Mỹ
phải giúp Đài Loan tự phòng thủ. Tức là họ chỉ tập trung vào vấn đề phòng thủ,
không chấp nhận hai bên thống nhất bằng vũ lực. Lúc đó Mỹ đã rút quân tuần tra eo
biển Đài Loan, sẵn sàng bỏ về bất kì lúc nào.
Ngay lập tức, ông Tưởng Kinh Quốc cải tổ, trở thành dân chủ. Khi cải tổ
trở thành dân chủ thì trùng hợp với Mỹ về quyền lợi giá trị. Bạn nói đúng ở điểm
đó là các quyền lợi về chiến lược đã khác nhau, nhưng quyền lợi giá trị trở nên
giống nhau. Bất chấp chính sách của bên hành pháp, bên lập pháp Mỹ đã ủng hộ
Đài Loan. Nếu như trước 1979 thì Đài Loan có thị trường còn Trung Quốc đại lục
không có, thì sau 1979 đại lục cũng có thị trường như Đài Loan nhưng quy mô thị
trường lớn hơn. Như vậy quyền lợi kinh tế thì Đài Loan sẽ không bằng được Trung
Quốc, nhưng lúc này Đài Loan lại đem đến một quyền lợi khác là giá trị. Khi
Trung Quốc phóng tên lửa qua eo biển Đài Loan vì giận dữ khi Trung Hoa Dân quốc
(Đài Loan) tổ chức cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên năm 1996 thì ông Bill
Clinton đã điều động hai hạm đội hàng không mẫu hạm đến khu vực. Đó là cuộc điều
động lực lượng lớn nhất của Mỹ từ sau chiến tranh Việt Nam. Lúc đó, Trung Quốc
đã rút lui.
Điều đó có nghĩa là không phải lúc nào Mỹ cũng bỏ rơi đồng minh. Yếu tố
giá trị đã trở nên quan trọng ở thời điểm đó, ở điểm đó, trong chế độ đó.
*
RFA. Vậy điều đó có hàm ý cho quan hệ Việt Mỹ ngày
nay không?
GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Nếu
có hàm ý chung chung cho quan hệ hai nước thì tôi nghĩ Mỹ muốn Việt Nam dân chủ
và phát triển nhân quyền, nhưng Mỹ không tìm cách thay đổi chính quyền. Mỹ
không có lợi ích trong việc thay đổi chính thể ở Việt Nam. Bởi vì nếu thay đổi
chính thể và chính phủ nên hỗn loạn như khi lật đổ ông Diệm năm 1963 thì chính
trị hỗn loạn. Việt Nam bị nát ra thì sẽ tạo ra khoảng trống quyền lực. Mà khoảng
trống quyền lực khi đó có thể bị lấp đầy bằng một lực lượng thù nghịch với Mỹ.
Về phương diện chiến lược thì Mỹ không có lợi ích gì nếu Chính phủ Việt Nam bị
lật đổ. Đối với Mỹ, nếu Việt Nam dân chủ hơn, phát triển về nhân quyền hơn thì
càng tốt, vì như thế sẽ được sự ủng hộ của cả bên Quốc Hội, của nhân dân. Còn nếu
Việt Nam không phát triển theo hướng đó thì Mỹ cũng không có lợi ích gì nếu
Chính phủ Việt Nam bị lật đổ.
Tất nhiên, trong chính trị, không có công thức bất biến. Ngay cả khi Việt
Nam chia sẻ thêm với Mỹ một lợi ích khác nữa là lợi ích về giá trị thì không có
gì bảo đảm chắc chắn là Mỹ vẫn không bỏ rơi. Ví như thời ông Trump thì Mỹ cũng
gây sự với cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Không có gì đúng tuyệt đối. Cái gì cũng chỉ
có tính tương đối.
Tôi nghĩ về phương diện quốc phòng, mối quan hệ cá nhân giữa các nhà
lãnh đạo quốc phòng hai nước rất quan trọng. Ví dụ như quan hệ quốc phòng Mỹ -
Philippines đã có khoảng 70 năm quan hệ quốc phòng, nên khi ông tổng thống
Duterte phá thì phá không được. Mối quan hệ lại trở lại. Quan hệ quốc phòng Mỹ
- Việt Nam đòi hỏi hai bên có những vị tướng, những vị chỉ huy quốc phòng có thể
nói chuyện trực tiếp với nhau, có thể gọi điện thoại nói chuyện thân mật với
nhau. Nếu đạt được giai đoạn đó thì hai bên sẽ gắn bó rất nhiều.
*
RFA. Theo Giáo sư, để tạo ra mối quan hệ đó thì cần
những điều kiện gì?
GS. Nguyễn Mạnh Hùng: Bây
giờ mình thấy là Mỹ đã đào tạo cho mình rồi. Như phi công thì Mỹ đã đào tạo cho
mình rồi. Nếu hai bên mua bán vũ khí thì dĩ nhiên phải đào tạo cách sử dụng.
Nhưng tôi nghĩ sẽ phải đến lúc hai nước có “co-production” (“sản xuất chung”) để
chuyển giao công nghệ. Nếu Mỹ thành thật muốn giúp Việt Nam thì phải có sản xuất
chung và chuyển giao công nghệ. Muốn như thế thì hai bên đều cần có các cấp sỹ
quan cơ sở cộng tác với nhau. Những sỹ quan học ở West Point khi tốt nghiệp thì
trở thành bạn của nhau, khoảng mười năm sau thì thành sỹ quan cấp cao hết cả. Và
họ cộng tác với nhau. Đó là tính chuyện lâu dài, còn trước mắt cần xây dựng mối
quan hệ cá nhân giữa các lãnh đạo quân sự hai nước, như ông Bộ trưởng quốc
phòng, ông Tổng tham mưu trưởng. Họ cần quan hệ một cách ngang hàng, làm cho
người ta kính trọng mình, tức là kính trọng thật chứ không phải ngoại
giao.
Nếu Việt Nam muốn tăng cường quốc phòng với Mỹ thì lãnh đạo Bộ quốc
phòng Việt Nam rất quan trọng. Thái độ và khả năng của Bộ Quốc phòng Việt Nam rất
quan trọng trong việc quyết định mối quan hệ an ninh có tiến lên hay không,
trong việc thi hành các cam kết.
Nếu Bộ quốc phòng có những liên hệ cá nhân với phía Mỹ thì niềm tin chiến
lược sẽ tăng lên cao. Về định chế thì hai bên đã có nhu cầu đó, nhưng về phương
diện cá nhân thì các vị lãnh đạo quốc phòng có đáp ứng được nhu cầu đó hay
không là vấn đề quan trọng. Hai bên đẩy được quan hệ quốc phòng tới đâu thì tùy
thuộc vào phía Việt Nam thôi.
RFA
xin cảm ơn GS. Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ với khán thính giả của chúng tôi cuộc
phỏng vấn này. Ở phần cuối cùng, GS Nguyễn Mạnh Hùng sẽ chia sẻ với RFA về tầm
quan trọng của AI (trí tuệ nhân tạo) đối với sự phát triển và an ninh của Việt
Nam trong quan hệ với Mỹ.
-------------------------------------
Tin, bài liên quan
THỜI SỰ
Việt Nam phải thay đổi nếu muốn đạt được
kỳ vọng của bản thân và kỳ vọng quốc tế!
Tam giác lợi ích “chiến lược,” “kinh tế,”
“giá trị” trong quan hệ Việt Mỹ
Tuyên bố chung Việt Mỹ: đằng sau vấn đề
kinh tế là vấn đề an ninh
Vì sao không phải Chủ tịch nước mà là Tổng
bí thư chủ trì lễ đón tổng thống Mỹ?
Nâng cấp quan hệ đối tác Mỹ - Việt lên
‘chiến lược toàn diện’ là 'cơ hội vàng' mà VN cần tận dụng
No comments:
Post a Comment