Bình luận của Vọng Lai
2023.09.05
https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/break-the-door-to-barge-in-09052023112832.html
Một đám
đông vài trăm người chen thít lại với nhau bên ngoài hàng rào điện tử của một
công ty. Các cơ thể áp chịt vào nhau không còn lấy một khoảng hở. Họ tràn ra
chiếm một phần lớn mặt đường, mặc kệ giao thông vẫn đang tấp nập. Trên cao nhìn
xuống, y như một đám kiến dày đặc.
Đoàn người tranh nhau lấy phần quà từ
thiện từ Bệnh viện thẩm mỹ JT Angel tại quận 6 TP HCM, sáng 31/8/2023 . (Hình chụp từ video Bệnh viện
thẩm mỹ JT Angel)
Bên
trong hàng rào là một mảnh sân rộng và trống, ở giữa bày một chiếc bàn gỗ, góc
phải có một tấm bạt trên đặt rất nhiều túi gạo cân sẵn. Chiếc bàn này có lẽ là
để phát phiếu nhận quà. Một số nhân viên bảo vệ và nhân viên công lực đứng bên
trong hàng rào sắt, cố giữ trật tự.
Bên ngoài, đám đông vẫn đang xô đẩy, áp sát vào
hàng rào. Chợt giữa đám người xuất hiện một làn sóng có lẽ do những người đứng
trước bị xô quá mạnh. Cứ thế người này nghiêng ngả vào người kia. Sau làn sóng
đó, đám đông ngày càng hung mãnh. Bỗng một phụ nữ bế theo đứa nhỏ chui luồn vượt
qua cổng sắt bằng cách nào đó. Chị ta lội thẳng xuống hồ nước trang trí và
phong thủy ở phía trước sân, khoảng giữa hàng rào sắt dài. Rồi tay vẫn kẹp theo
đứa nhỏ, chị ta lướt thướt trèo lên chạy vào bên trong sân.
Cướp cô hồn
Như những hạt đỗ lăn khỏi chai, hàng chục người
khác nãy giờ vẫn đang áp sát hàng rào nhưng chưa dám vượt thì bắt đầu nhốn
nháo. Họ bấu vào nhau trèo lên từng chùm, họ nhảy ào xuống hồ nước rồi leo lên
vào bên trong. Hàng trăm người bắt đầu dùng hết sức xô đẩy cho ngã hẳn cái hàng
rào vẫn đang cố cầm cự.
Những nhân viên bên trong cũng bắt đầu cuống
loạn. Họ chạy dọc theo hàng rào để cố giữ chắc nó. Họ huơ dùi cui bảo vệ về
phía những người hung hăng nhất. Vài người khác kéo tấm bạt trên có các túi gạo
vào sâu hơn một chút.
Nhưng tất cả đã muộn. Khi chiếc hàng rào sắp gục
ngã trước đám đông cuồng loạn thì một người đàn ông bên trong ra hiệu kéo hàng
rào mở cổng. Trời ơi như nước lũ, người ta nhào vào bên trong. Một đám người
lao ngay tới tấm bạt đựng gạo. Anh nhân viên cầm gậy ngăn lại, chỉ họ xếp hàng
vào bên trong một dải phân cách mềm bằng vải. Có một số người nghe lời. Nhưng một
đám đông hơn đã ùa vào và bu quanh tấm bạt, y chang đàn kiến bu đặc nghẹt quanh
con sâu. Những người đã xếp hàng lật đật chui ra khỏi hàng để chạy tới cùng bu.
Cho tới lúc đó, họ vẫn chỉ tranh nhau đứng sát
đống quà nhất để chắc chắn mình sẽ không mất phần, chứ chưa ai manh động gì cả.
Nhưng chỉ được vài giây. Rồi một phụ nữ bỗng
thò vụt tay ra xách bổng hai bịch gạo chạy biến.
Thế là vỡ trận.
Sau cú mở màn hoành tráng, đám người đang vây
quanh đống quà bỗng trở thành đám cướp ngày. Dự định mỗi người chỉ được nhận một
phần quà gồm gạo và tiền, nhưng lúc này thì không ai, không gì có thể kiểm soát
họ nữa. Họ lăn xả vào giật tán loạn, mạnh ai nấy ôm, vơ, xách, ai cướp được bao
nhiêu cứ cướp. Chỉ vài giây, đống gạo biến mất sạch sành sanh. Tất cả đám người,
giờ là đông hơn nhiều lần, tiếp tục xô đẩy nhau vào phía bên trong, nơi có lẽ
đang chất các túi gạo khác. Những thanh niên khỏe mạnh liên tiếp giật các bịch
gạo ném ra phía ngoài cho đám đông bắt lấy.
Lúc này có lẽ chỉ có vài loạt súng chỉ thiên mới
đủ sức khiến cho đám đông dừng tay.
Đoàn người tranh nhau các túi gạo từ thiện tại sân Bệnh viện Thẩm mỹ JT
Angel. Hình: Ảnh chụp màn hình video của Bệnh viện Thẩm mỹ JT Angel
Không phải cảnh phá kho thóc thời Pháp thuộc.
Đó chính là cuộc cướp quà diễn ra tại sân công ty Bệnh viện thẩm mỹ JT Angel tại
quận 6 TP HCM, sáng 31/8/2023 tức 16 tháng bảy năm Quý Mão.
Tháng bảy âm lịch, tập quán người Việt miền
Nam đều soạn bàn thờ cúng cô hồn và sau đó, giựt cô hồn.
Trong cụm từ cực kỳ quen thuộc với dân miền
Nam này vốn đã khẳng định hành động giành giựt, tranh nhau, nhưng “giựt cô hồn”
đúng nghĩa của nó là một thực hành tín ngưỡng và văn hóa dân gian đặc sắc, đã tồn
tại lâu đời tại miền Nam. Chuỗi hành vi “giựt cô hồn” khác hẳn về biểu hiện và
bản chất so với những gì chúng ta vừa trông thấy.
Trong Tây Du Ký hồi 10, đoạn vua Lý Thế Dân hết
kiếp nên chết xuống cõi âm, gặp được Thôi Phán quan sửa sổ sinh cho thành tuổi
thọ trên dương thế được thêm 20 năm nữa. Lý Thế Dân được Phán quan đưa hồn về
nhập xác, trở lại cõi dương. Khi hồn Lý Thế Dân đi tới thành Uổng Tử (chết oan)
thì bị oan hồn đòi mạng:
“Hồn Thái Tôn theo Phán quan qua khỏi cầu
vàng, đi một hồi lâu tới thành Uổng Tử, nghe tiếng nói xôn xao rằng:
-Lý Thế Dân tới đó, Lý Thế Dân tới đó.
Và nghe tiếng kêu oan hỡi oan.
Hồn Thái Tôn nghe kêu run lên rét rét, xảy thấy
bầy quỷ cụt đầu, cụt tay, xốc tới đón đường níu hồn Thái Tôn mà đòi thường mạng.
Hồn Thái Tôn hoảng, quên xưng trẫm, cứ nói xin
thầy cứu tôi, xin thầy cứu tôi, miệng thì nói, tay thì níu Phán quan mà núp.
Thôi Phán quan nói:
-Tôi không có quyền cai trị những ma vô chủ,
biết cứu làm sao? Ấy là hồn oan sáu mươi bốn cõi xưng hùng, bảy mươi hai đảng
ăn cướp chết chưa tới số, không ai bắt hồn cho đầu thai nên họ vô thành Uổng Tử
mà ở làm ma thương ma đói, không gạo không tiền. Bệ hạ phải bố thí ít nhiều,
tôi nói giùm mới được.
(đoạn tiếp nói về việc Thôi Phán quan giúp Lý
Thái Tôn mượn tiền của một người trên dương gian để chia cho oan hồn uổng tử).
Thôi Phán quan nói lớn rằng:
-Chúng bay lãnh vàng mà chi dụng, để cho Hoàng
đế đi về, bởi số ngài còn sống lâu lắm. Ta vâng lệnh mười vua mà đưa hồn ngài
nhập xác, đặng ngài làm chay lớn siêu độ chúng bay, bay không được cản ngăn mà
sanh sự nữa.
Các quỷ Dạ Xoa lãnh bạc mà lui”.
Đó chính là cúng cô hồn.
Tây Du Ký được viết vào thế kỷ 16, cách đây
hơn 400 năm, chứng tỏ nghi lễ cúng cho cô hồn đã tồn tại ít nhất từ thời đó đến
giờ.
Nhưng vì sao cúng cô hồn vào tháng bảy âm lịch
lại phải có giành giựt thì gia chủ mới vui?
Hồi tôi còn nhỏ, mỗi năm tới dịp cúng cô hồn rằm
tháng bảy, mỗi nhà đều mang một hoặc vài cái nong lớn ra để trước cổng, ngay chỗ
đường đi của cả xóm. Nong bày đầy bánh con ngựa (bánh quy hình con ngựa, để chở
linh hồn), mía chặt khúc ngắn rồi bó lại, tiền vàng mã, gạo và muối, ít bánh ú
nhỏ xíu. Đặc biệt có nhiều chén đựng cháo trắng nấu loãng. Tục truyền rằng mâm
cúng cô hồn là cúng cho quỷ Dạ Xoa và các linh hồn cô quạnh quanh năm không người
cúng bái. Mà quỷ Dạ Xoa là những con quỷ đói có cổ dài và cuống họng nhỏ xíu
như cái kim nên chỉ nuốt được cháo loãng, nên mới có vụ cháo trắng như trên.
Con nít trong xóm đứng ngồi vòng trong vòng
ngoài vây quanh nong, nhưng không đứa nào nhúc nhích trước khi gia chủ ra hiệu.
Vì ông bà, cha mẹ chúng đã dặn nhiều lần: cô hồn linh thiêng lắm, phải chờ các
bác (tiếng gọi thành kính chỉ cô hồn) hưởng dụng xong, người trần mới được hưởng
phần còn lại. Đứa nào ho he dám ăn trước cô hồn các bác sẽ bị họ về vặn cổ.
Gia chủ mặc y phục tươm tất ngay ngắn, đầu tóc
chải thẳng thớm, mặt rửa sạch. Đốt nhang bái lạy thành kính giữa đất trời xong,
chờ nhang tàn, gia chủ hốt gạo và muối ném ra bốn phía, tức đã cúng xong cho cô
hồn rồi mới ra hiệu cho con nít vô giựt. Một đám con nít lúc đó mới nhảy dựng
lên nhào vô hò reo giựt lấy mọi vật phẩm trên nong rồi chạy túa kiếm chỗ ăn.
Nhà nào có đông con nít chầu chực và giựt cô hồn thiệt sạch sẽ nhanh chóng thì
mừng vui lắm, vì như vậy là cô hồn đã chứng kiến, về hưởng lộc và mang đi hết
giùm xui xẻo cho gia chủ.
Có những nhà thường khi ít qua lại với hàng
xóm hoặc nằm nơi khuất nẻo nên con nít trong xóm không biết để tới giựt cô hồn
thì trước đó phải đi hẹn giờ với tụi nhóc, dặn chờ sẵn. Tuy vậy vẫn có những
nhà cúng xong thì mâm cúng vẫn y nguyên, không một ai tới giựt, buồn hiu. Chủ
nhà phải gói đồ cúng vô bịch, mang ra đường cho những người vô gia cư, người ăn
xin, hoặc treo trên cành cây ở những chỗ đông, có nhiều người trông thấy để họ
mang về ăn, chớ tuyệt đối chủ nhà không được ăn đồ cúng.
Người lớn thì không nhào vô giựt cô hồn bao giờ.
Từ lúc nào trò giựt cô hồn vui vẻ của con nít
biến tướng thành trò người lớn tranh cướp đồ ăn và tiền, có lỗi từ cả hai phía:
người cho và người nhận.
Tục ngữ nói của cho không bằng cách cho. Tục
giựt cô hồn chỉ dành cho trẻ nhỏ, chúng giành nhau những món ăn vặt, không có mấy
giá trị mà gia chủ dành cúng cho cô hồn. Đứa không giựt được cũng chẳng tức tối,
giựt xong rồi thường tụi nhóc lại kéo nhau ngồi ăn chung tất. Hò reo nôn nả
giành giựt… chỉ để tạo không khí, tất cả đều vui.
Thế rồi từ khi nào người ta bắt đầu cực kỳ sợ
hãi trong tháng bảy âm. Từ chỗ nguyên gốc là đem ban phát tình thương cho tất cả
mọi cõi âm dương thì chúng ta xem vong hồn như lực lượng thù địch sẵn sàng làm
hại mình bất kỳ lúc nào. Rồi dương sao âm vậy, dân Việt ta dùng cách cư xử thường
ngày với các cơ quan chức năng để áp dụng với cõi âm.
Hối lộ là quốc sách
Thế là nảy ra trò cúng càng nhiều tiền càng tốt.
Quỷ thần được hối lộ nhiều chắc sẽ vui, sẽ phù hộ cho gia chủ ăn nên làm ra và
bỏ qua những điều không phải. Thế là thay vì cất công đi mua gạo, mua dầu, tận
tay mang thực phẩm tới biếu những xóm nghèo, các trại mồ côi, nơi nuôi người
già neo đơn… thì người ta đứng trên lầu thảy nắm tiền xuống đầu chúng sanh, dòm
họ lăn xả vô lượm và chờ chực những lần ném tiền tiếp theo. Nhanh gọn, dễ dàng
và vui lắm, cái cảm giác mình bố thí cho người khác nó khiến người ta cảm thấy
mình cao sang, sung sướng và may mắn hơn thiên hạ nhiều lắm.
Người đi cướp, ủa lộn, giựt cô hồn kiểu mới
thì hầu hết là người ít học, suy nghĩ đơn giản và trực tiếp. Họ không đói ăn
đâu, con gà giựt được ngay lập tức sẽ mang xé phay chấm muối tiêu. Mấy trăm
ngàn đồng lập tức biến thành thùng bia hoặc ba xị đế, anh em ngồi nhậu cười ha
hả. Nhưng mắc mớ gì người ta quăng tiền phơi phới xuống cho lượm mà mình không
lượm, có phải không? Mà đã vô cuộc tranh giành thì tự nhiên máu tham nổi lên,
phải nghĩ cách lượm được nhiều hơn thiên hạ. Vậy là sanh ra trò làm cái miệng
lưới hả ra trên cây sào cao nghêu để hốt được thật nhiều.
Nghĩ rộng ra một chút thì những sự biến tướng
méo mó của các tập quán và tín ngưỡng dân gian có đất phát triển cũng là do sự
hời hợt trong suy nghĩ và lối sống của người Việt chúng ta.
Từ mấy chục năm nay:
Chúng ta mê tín hơn nhưng vô thần hơn.
Không tín ngưỡng nhưng cúng bái lễ lạy từ cục
đá đến tấm xi măng
Lễ lạy từ con rắn đến bụi cây nhưng chỉ cầu
tài, cầu lộc chứ không cầu thiện.
Cơ thể khỏe mạnh hơn nhưng sự hung bạo cũng
tăng hơn.
Biết chữ nhiều hơn nhưng vô học cũng nhiều
hơn.
Sống liều lĩnh bất chấp, không sợ quỷ thần,
không sợ trừng phạt, chỉ sợ mất phần.
Không màng danh dự thể diện, miếng ăn trước
đã.
Nên không ít người Việt chúng ta sống kiểu mạnh
được yếu thua. Cho con đi học cũng đạp ngã cổng trường nhào vào nộp hồ sơ. Vào
công viên nước chơi thì túa lên trèo rào khi công viên tạm ngưng nhận khách, cả
cha lẫn mẹ bế dắt con cùng leo. Xin ấn đền Trần thì giẫm đạp lên nhau xông vào
trong bàn thờ nội cung cướp lộc.
Khi gốc rễ về tính thiện, về nhân cách, về thể
diện… đã lung lay, thì cái mầm tham và ác dễ chồi đầu dậy, thế thôi!
__________
Tham khảo:
https://www.tiktok.com/@naurotfplxn/video/7273840249069964552
https://tuoitre.vn/hon-loan-tai-mot-co-so-tham-my-tp-hcm-khi-phat-qua-tu-thien-20230901111149955.htm
https://thanhnien.vn/can-bo-quan-chuc-dua-nhau-chen-lan-trong-dem-khai-an-den-tran-185540364.htm
https://vnexpress.net/dap-do-cong-truong-xo-day-xin-hoc-lop-1-2230918.html
https://thanhnien.vn/treo-rao-sat-vao-cong-vien-nuoc-ho-tay-may-khong-co-ai-bi-thuong-185463539.htm
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
No comments:
Post a Comment