Saturday, August 6, 2022

ĐÔNG MARIUPOL : CHUYỆN GÌ ĐÃ XẢY RA VỚI NHỮNG NGƯỜI UKRAINE CHẠY SANG NGA? (Cù Tuấn dịch từ The Economist)

 



Đông Mariupol: Chuyện gì đã xảy ra với những người Ukraine chạy sang Nga?

Cù Tuấn dịch từ The Economist

Tháng Tám 5, 2022

https://nghiencuulichsu.com/2022/08/05/phong-su-ukraine-dong-mariupol-chuyen-gi-da-xay-ra-voi-nhung-nguoi-ukraine-chay-sang-nga/

 

 Một số người tị nạn Ukraine đi về phía đông phải đối mặt với các cuộc thẩm vấn. Những người khác lại nhận được những tách trà và lòng tốt bụng.

 

https://nghiencuulichsudotcom.files.wordpress.com/2022/08/296971317_5571047522933882_6648802487849714568_n.jpg?w=551&h=425

Natalya và Roma Balabas đã bỏ chạy khỏi Mariupol thành công cùng 3 người con.

 

 

Vào ngày 23 tháng 2, Natalya Balabas đã rút 1.000 đô la tiền mặt từ ngân hàng để chuẩn bị đi nghỉ ở Istanbul. Bà và gia đình không đặc biệt lo lắng khi tiếng súng bắt đầu nổ vào ngày hôm sau. Nga và Ukraine đã có chiến tranh ở miền đông Ukraine từ năm 2014 và người dân Mariupol, nơi Natalya sinh sống, đã quen với những tiếng nổ dữ dội: tiền tuyến chỉ cách đó 10km. Natalya và gia đình bà chỉ nghĩ rằng tiếng ồn báo hiệu một sự bùng phát giao tranh khác. Vova, con trai 24 tuổi của Natalya, hỏi liệu họ có nên mua thêm thức ăn không. Natalya nói với con rằng họ còn rất nhiều đồ ăn.

 

Một tuần sau, các vụ đánh bom ngày càng trở nên dữ dội hơn. Vào đêm ngày 2 tháng 3, điện, hệ thống sưởi và nước bị cắt. Không có internet, điện thoại di động hoặc sóng truyền hình. Natalya nói: “Giống như sống bên trong hang động vậy.”

 

Cả gia đình trèo lên trên cửa sổ của căn hộ ở tầng trệt của họ. Họ thu thập thức ăn từ các cửa hàng bỏ hoang và phân phát cho hàng xóm. Cả nhà tìm cách đổ đầy nước từ giếng vào một cái bể lớn – mọi người trong gia đình ngừng tắm rửa, để có nước dùng lâu hơn. Nastia, 12 tuổi, cuộn tròn với con mèo của mình trên nệm và hầu như không cử động. Natalya nói: “Ban đêm tối đen như mực, không có đèn, ban ngày khá tối đằng sau những ô cửa sổ đen.” Vào ban đêm, nhiệt độ xuống dưới 0 độ và họ mặc áo khoác và áo liền quần.

 

Vào đầu cuộc chiến, những người lính Ukraine đã xông vào một căn hộ trên tầng 5 của khu nhà để sử dụng ban công làm vị trí bắn tỉa. Cư dân khu nhà van xin họ đừng làm vậy, nhưng những người lính đã phớt lờ. Các tiếng nổ súng chắc chắn đã thu hút hỏa lực từ phía Nga. Khối nhà bị va đập và bắt đầu bốc cháy từ trên mái xuống. Người dân địa phương đã dập lửa trong vài giờ. Bằng một sự can thiệp kỳ diệu nào đó, gió đã thổi bay ngọn lửa ra khỏi căn hộ của Balabas. Cuộc giao tranh ngày càng gần hơn. Máy bay phản lực bay rầm rập trên đầu và không khí đầy các tia lửa và khói bụi.

 

Gia đình Balabas đã từng có một cuộc sống hạnh phúc và thịnh vượng ở Mariupol. Bà Natalya và chồng là Roma làm việc tại công trình sắt thép Azovstal, nơi có gần 11.000 người. Người con trai Vova đã tốt nghiệp với bằng luyện kim và đang làm việc tại nhà máy để tiết kiệm tiền mua nhà. Những đứa trẻ nhỏ hơn, Kostya và Nastia, vẫn còn đi học.

 

Tỉnh Donetsk đã bị chia làm đôi kể từ năm 2014, khi các cuộc biểu tình Maidan lật đổ tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych. Nga ủng hộ một nhóm ly khai tự xưng là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và tiến hành cuộc chiến chống lại nhà nước Ukraine. Nga đã sử dụng quân đội chính quy của mình để hỗ trợ quân nổi dậy. Mariupol vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine, nhưng nhiều người dân trong thành phố tỏ ra thờ ơ với cuộc cách mạng lật đổ Yanukovych và không thích các cuộc đụng độ bạo lực với cảnh sát. “Chúng tôi muốn dội một bát nước lớn lên đầu họ để họ cút đi,” Natalya nói. Giống như hầu hết những người ở Mariupol, gia đình Balabas nói tiếng Nga và có những người bạn Nga. Họ mất tinh thần trước những chia rẽ mà cuộc giao tranh gây ra. “Các gia đình đã bị chia rẽ. Hàng xóm thì đánh nhau,” Roma nói. Họ không muốn chọn phe: “Chúng tôi không làm chính trị,” Natalya nói với tôi nhiều lần.

 

Vào ngày 15 tháng 3, gần ba tuần sau cuộc chiến, Vova đã vớ được một chiếc radio và gia đình đã biết thêm về những gì đang diễn ra. Các đài của Nga chỉ đề cập đến “hoạt động đặc biệt” ở Ukraine trong thời gian ngắn giữa các buổi phát sóng nhạc hòa tấu. Các đài của Ukraine đã khuyến cáo người dân Mariupol sơ tán, nhưng không đưa ra thông tin thực tế nào. Một số người hàng xóm đã cố gắng lái xe ra ngoài, nhưng báo cáo đã bị ép quay trở lại tại các trạm kiểm soát của Ukraine.

 

Gia đình Balabas đã ngần ngừ quá lâu. Thành phố đã bị bao vây. “Lúc đầu, bố mẹ tôi nói rằng chờ khi người Nga vào trong thành phố hãy lo,” Vova nói, chán nản vì sự ngốc nghếch của bố mẹ mình. “Khi người Nga đánh vào trong thành phố, họ nói “chúng ta sẽ ở lại cho đến khi đường nhà chúng ta bị ném bom đã”. Sau đó, khi đường phố nhà Balabas bị ném bom tan tành, bố mẹ Vova lại nói “chúng ta sẽ ở lại cho đến khi khu nhà của chúng ta bị ném bom thì hãy tính”. Trên thực tế, chúng tôi đã ở lại cho đến khi nhà chúng tôi gần như bị phá hủy”. Natalya bây giờ gần như đồng ý với con trai. “Những người khôn khéo đã lên xe và rời đi ngay lập tức. Chúng tôi thì không thông minh lắm.”

 

Natalya đã mô tả chân thực sự khủng khiếp của tháng đó ở Mariupol, bằng những câu gọn gàng, chính xác. Thỉnh thoảng bà sẽ tạm dừng và hít thở, nửa để thở dài, nửa để nạp năng lượng rồi lại tiếp tục. Bà đã vẽ ra một bản đồ của thành phố để minh họa các sự kiện. Vào thời điểm ngày 16 tháng 3, bản đồ đó là một mớ hỗn độn của các nét vẽ màu xanh bút bi Biro. Vòng tròn nhỏ đánh dấu căn hộ của gia đình Balabas nằm ngay giữa chiến tuyến Ukraine và Nga.

 

Quân đội Nga đã chiếm các khu nhà ở con phố kế tiếp nơi bạn gái của Kostya, còn được gọi là Nastia, đang sống. Một người hàng xóm nói với họ rằng tòa nhà của bà ấy đang bị cháy và cặp vợ chồng trẻ đã đi xem xét. Các binh lính Nga đã được bố trí ở mọi lối vào. Một người lính đã kiểm tra cánh tay của Kostya để tìm các hình xăm thân Ukraine. Lúc đầu, Kostya, 16 tuổi, rất sợ hãi, nhưng khi họ nói chuyện, những người lính dường như giống như những người bình thường. Họ nói với Kostya rằng xe buýt sẽ đưa mọi người di tản về phía đông. Kostya cho biết gia đình này đã có ô tô riêng. Những người lính bảo Kostya tránh con đường chính vì đó là một nơi xả súng ác liệt. “Hãy rời đi càng sớm càng tốt,” một người nói, “Đêm nay sẽ là địa ngục.”

 

“Thường có một âm thanh rít dài, peeeee-ow” Natalya nói, “là tiếng động nhỏ trước khi bom nổ, vì vậy bạn có một chút thời gian để ẩn nấp. Lần này chỉ có một tiếng nổ mà thôi”. Khi cả gia đình đang thu dọn xe ô tô, một quả đạn pháo phát nổ trong sân. Vova bị áp lực nổ ném xuống đất; cả chân trái của anh tê dại. Khi anh nhìn lên, anh thấy cha mình đi khập khiễng nhưng vẫn đứng vững. Mảnh đạn đã xé toạc khuôn mặt của Kostya và ngón trỏ của cậu gần như bay mất, chỉ còn được dính vào tay nhờ một miếng da. Chị gái của Natalya đang cúi xuống con trai Vadim, cố gắng ngăn dòng máu phun ra từ cổ anh ta một cách tuyệt vọng. Nhìn đôi mắt thủy tinh vô hồn của Vadim, Vova nhận ra rằng anh đã chết.

 

Các chi tiết của đêm đó rất lộn xộn và đẫm máu: Kostya, đột nhiên nóng, đột nhiên khát, kêu lên rằng anh không muốn bạn gái nhìn thấy khuôn mặt của mình như thế này. Roma ném những chiếc túi ra khỏi xe, đặt Kostya lên băng ghế sau, sau đó lái xe đến bệnh viện, trong khi đùi của chính ông đang chảy máu, len lỏi qua những con phố rải đầy đống đổ nát một cách tuyệt vọng.

 

Bệnh viện không có nước hoặc máy sưởi, không có thuốc mê hay thuốc chữa bệnh, và không có bác sĩ phẫu thuật, chỉ có một bác sĩ thực tập đang kiệt sức. Natalya đã lấy trộm một chiếc chăn bẩn thỉu, đẫm máu từ đống quần áo bỏ đi để quấn quanh người Kostya đang run rẩy. Bác sĩ nói với họ tốt hơn nên giữ nguyên mảnh đạn ở phía sau đầu gối của Vova. Người bác sĩ nhét một miếng băng vào lỗ trên đùi của Roma và bảo họ phải giữ sạch vết thương bằng thuốc sát trùng.

 

“Chúng tôi không có chất sát trùng,” Natalya nói với bác sĩ.

 

“Vậy dùng vodka.”

 

“Chúng tôi không có vodka.”

 

“Vậy thì bà có thể dùng nước tiểu,” bác sĩ nói.

 

Natalya không thể nhớ họ đã quay về nhà bằng cách nào. Cả gia đình nằm chung một phòng, vừa đau đớn do bị thương, vừa run, vừa lạnh. Không ai ngủ được. Như những người lính Nga đã nói, trận pháo kích diễn ra rầm rộ suốt đêm; những bức tường rung chuyển và bụi thạch cao dày đặc trong không khí. Sáng hôm sau, trước khi bình minh, cuối cùng họ cũng rời đi. Roma chở các con trai bị thương và bạn gái của Kostya là Nastia trên chiếc xe màu xanh lam; Natalya lái chiếc xe hơi màu nâu cùng con gái và người mẹ 85 tuổi của mình – các cửa sổ xe đều bị vỡ tung và một chiếc lốp bị xẹp.

 

Có hai tuyến đường thoát khỏi Mariupol hiện đang bị bao vây: phía tây qua các phòng tuyến của Ukraine, hoặc phía đông qua các phòng tuyến của Nga vào Cộng hòa Nhân dân Donetsk. Cư dân của thành phố, bị mất tin tức và bị kẹt giữa hai đội quân, phải lựa chọn theo vị trí và may rủi. Dựa trên lời khuyên của những người lính Nga, gia đình Balabas tiến về phía đông.

 

Tại trạm kiểm soát đầu tiên của Nga, quân Nga vẫy xe cho Roma và những người con trai bị thương của ông đi qua và phát thanh yêu cầu xe cấp cứu đến gặp họ. Natalya được yêu cầu đợi và đi theo một đoàn xe buýt. Khi họ khởi hành, hai giờ sau, chiếc xe của bà bị xẹp lốp và bò chậm đến mức bà đã lạc mất đoàn xe. Giữ chắc tay lái, Natalya lái xe qua vùng ngoại ô của thành phố đổ nát này, trước khi gặp một đoàn xe tăng Nga. “Xe bà đã bị xẹp lốp!” pháo thủ xe tăng dẫn đầu hét lên vui vẻ.

 

Sáu giờ sau khi khởi hành, Natalya đến làng Bezimenne (có nghĩa là “vô danh” trong tiếng Nga) ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk. Natalya nhìn thấy chiếc xe đang đậu của Roma. Những người lính nói với bà rằng những người tản cư đã đến bệnh viện, nhưng họ không biết ở đâu. Họ chỉ cho bà thấy phía một hàng dài ô tô đang chờ ở một điểm được gọi là điểm thanh lọc, nơi các quan chức phỏng vấn và đăng ký cho người tị nạn trước khi họ có thể tiến xa hơn về phía đông. (Liên Xô đã áp dụng một quy trình tương tự vào cuối chiến tranh thế giới thứ hai, để đánh giá tư tưởng của những người Nga trở về từ các trại tù binh của Đức.)

 

Natalya đi bộ trong 40 phút dọc theo hàng xe. Một số người đã đợi ở đó ba ngày. Cuối cùng, một căn lều khổng lồ đã được dựng lên, bên trong có bàn làm việc cho những người tị nạn ngồi phỏng vấn và giường trại nơi một vài người trong số họ có thể nghỉ ngơi. Natalya đã rất tuyệt vọng: không có giấy phép đi qua, bà sẽ không thể tìm thấy chồng và các con trai của mình. Kiệt sức, bẩn thỉu và lạnh cóng, bà được dẫn đến một tòa nhà bằng đá lớn dùng làm nơi trú ẩn cho người già và gia đình có trẻ nhỏ, nhưng nó đã chật kín. Natalya gục xuống và khóc. Người phụ trách nói rằng mọi người có thể ở tạm trong hành lang căn nhà.

 

Một người lính đã chở bà đi sửa lốp xe. Những người khác rót cho Natalya những tách cà phê an ủi và đưa cho bà bánh quy và bánh mì. Họ đã giúp bà đổi tiền đô la thành rúp – bà vẫn còn giữ 1.000 đô la mà bà đã rút để tiêu cho kỳ nghỉ – và gọi đến các bệnh viện để tìm xem các thành viên trong gia đình bà đã được đưa đi đâu. “Họ là những người Ukraine mặc quân phục Nga. Họ không phải là lính Nga,” Natalya nói. “Họ không gây chuyện với chúng tôi và chúng tôi cũng không gây chuyện với họ.”

 

Một người lính tại nơi trú ẩn đã cho phép Natalya sử dụng điểm phát sóng Internet của anh ta, và bà đã lên mạng lần đầu tiên sau một tháng. Các nhóm Viber của bà sáng lên với các tin nhắn – Bạn đang ở đâu? Bạn khỏe không? – trong đó có một tin nhắn từ một người anh họ ở Matxcơva mà Natalya hầu như không nói chuyện kể từ năm 2014. Người anh họ này sở hữu một ngôi nhà lớn, trống trải ở Bezimenne. Một người hàng xóm có chìa khóa nhà, ông ta nói. Natalya có thể ở lại đó bao lâu tùy thích.

 

Ngôi nhà này đã có điện nhưng không có hệ thống sưởi. Natalya chặt củi làm bếp, mua khoai tây và bơ, và tìm chồng Roma và các con trai của bà, những người đang được chữa trị tại các bệnh viện khác nhau. Natalya được thông báo rằng bà sẽ không được gọi để phỏng vấn thanh lọc trong ít nhất một tuần, nhưng những người lính Donetsk đã cố gắng đưa bà lên trước để bà có thể đến gặp các con trai bị thương của mình nhanh hơn.

 

Tại điểm thanh lọc, những người lính lục soát cốp xe và nắp ca-pô của Natalya. Những người lính mặc quân phục kiểm tra giấy tờ: họ đăng ký tên Natalya, kiểm tra căn cước, chụp ảnh trực diện, chụp giấy tờ, và quét dấu vân tay của bà. Tại một bàn khác, bà được yêu cầu mở khóa điện thoại của mình, sau đó một người đàn ông đọc qua các tin nhắn Telegram, các cuộc trò chuyện trên Viber, bài đăng trên Facebook và tin nhắn WhatsApp của bà. Sau 40 phút xem tin, một quan chức khác bảo anh lính nhanh lên: “Hãy bắt giữ bà ta hoặc thả cho bà ấy đi!” Người lính nói rằng anh sẽ không vội vàng. Anh kết nối điện thoại của Natalya với máy tính và tải xuống toàn bộ nội dung.

 

Ở bàn tiếp theo, Natalya điền vào một bảng câu hỏi dài: bạn đã gặp bất kỳ thành viên nào của cơ quan tình báo Ukraine chưa? Bạn có bạn bè hoặc người thân trong quân đội Ukraine không? Có ai trong số hàng xóm của bạn treo cờ Ukraine không?“ Tôi đã trả lời không với tất cả câu hỏi,” Natalya nói. Quá trình này mất khoảng ba giờ. Cuối cùng, bà đã nhận được giấy phép. Mọi thứ sẽ ổn từ giờ trở đi, bà đã tự nhủ như vậy.

 

Hơn 6 triệu người đã rời khỏi Ukraine kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Hầu hết trong số này đi về phía tây, nhưng khoảng 1,5 triệu người đã tới nước Nga, theo LHQ (một số người cho rằng đây là một ước tính quá cao). Nhiều người đã đi về phía đông đến từ lãnh thổ bị chiếm đóng. Trong những tuần đầu của cuộc chiến, có báo cáo về việc người Nga buộc mọi người lên xe buýt sơ tán và vận chuyển họ đến Cộng hòa Nhân dân Donetsk.

 

https://nghiencuulichsudotcom.files.wordpress.com/2022/08/2-1.jpg?w=551&h=425

Ảnh 2: Kostya Balabas và bạn gái. Cậu bị đạn pháo làm đứt ngón tay trái và bị thương ở mặt tại Mariupol, Ukraine.

 

Những người muốn rời khỏi nước Nga phải đi hơn 800 km đến rặng núi Kavka và băng qua những ngọn núi để đến Gruzia, hoặc đi một vòng lớn để đến các nước Baltic, hoặc đi qua Belarus để đến Ba Lan. Thông tin kỹ thuật số trên phương tiện truyền thông xã hội đã cung cấp lời khuyên và hỗ trợ. Một số kênh thông tin đã được những người Nga nhân từ thiết lập.

Gia đình Masha Belkina rời Matxcơva ba năm trước để thoát khỏi sự đàn áp của chính phủ Nga và chuyển đến nước láng giềng Gruzia. Sau khi chiến tranh nổ ra vào tháng 2, Belkina đã tạo ra tổ chức Tình nguyện viên Tbilisi trên Telegram để giúp người dân Ukraine đến nơi an toàn. Tổ chức này cung cấp cho người tị nạn nơi trú ẩn trong những ngôi nhà thuê, cũng như phân phát cho họ thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Help to Leave, cũng có trụ sở tại Tbilisi, có 450 tình nguyện viên trên khắp thế giới, trả lời các câu hỏi và phối hợp các kế hoạch sơ tán.

 

Trợ giúp rời đi và Tình nguyện viên Tbilisi đều có mạng lưới bên trong khu vực bị chiếm đóng ở Donetsk và Nga để hỗ trợ người tị nạn Ukraine. Belkina nói: “Chúng tôi gọi họ là những tình nguyện viên trong sương mù của mình. “Không ai biết họ là ai và không ai cần biết. Tôi chưa bao giờ gặp bất kỳ ai trong số họ”. Trong ba tháng qua, cô ước tính rằng 1.000 người từ khắp nước Nga đã tình nguyện giúp những người tị nạn Ukraine đặt phòng khách sạn, mua vé xe buýt hoặc tìm một nơi ở.

 

Những tình nguyện viên này có một cái nhìn sâu sắc cụ thể về quá trình thanh lọc. Dường như không có một quy trình tiêu chuẩn nào. Một số điểm thanh lọc có nhân viên của người dân địa phương, thường là phụ nữ trung niên từng là nhân viên chính phủ hoặc cảnh sát. Ở những vùng của Ukraine bị chiếm đóng, chẳng hạn như miền nam xung quanh Kherson, binh lính Nga thường phụ trách việc này. Tất cả đều được fsb, tổ chức kế nhiệm kgb, giám sát.

 

Các quan chức có thể tỏ ra thân thiện, thờ ơ hoặc đe dọa. Nam giới thường phải lột quần áo để kiểm tra xem liệu họ có hình xăm ủng hộ Ukraine hoặc vết bầm tím do độ giật của súng trường. Một số cuộc phỏng vấn chỉ mang tính chất sơ sài, những cuộc phỏng vấn khác mang tính chất đe dọa. Hầu hết những người Ukraine đi qua không hề hấn gì, nhưng vẫn có những câu chuyện về những người bị đe dọa, đánh đập hoặc thủ tiêu.

 

Anna, một tình nguyện viên sống ở Stockholm, người điều hành nhóm Giúp đỡ để rời đi (và muốn giấu tên), cho biết “không thể” nói có bao nhiêu người Ukraine đã bị bắt vì tất cả thông tin đều không rõ ràng. Một trong những cuộc điện thoại mà cô nhận được là khoảng 200 người trong cùng một ngôi làng, chủ yếu là đàn ông, đã bị giam giữ hơn một tháng. (hiện tại họ đều đã được thả ra.)

 

Sau khi qua quá trình thanh lọc, người Ukraine sẽ ở lại vùng Donetsk hoặc lên xe buýt đưa họ qua biên giới để đến Nga. Tại đây họ có thể ở với người thân, thuê căn hộ hoặc xuất ngoại nếu có điều kiện. Những người thấy mình ở Nga mà không có bạn bè, người thân hoặc tiền – thẻ ngân hàng Ukraine không hoạt động ở đó và các lệnh trừng phạt có nghĩa là không ai có thể chuyển tiền từ nước ngoài tới cho họ – sẽ trở thành nạn nhân của hệ thống. Những người này được đưa lên những chuyến tàu đặc biệt – “Chúng tôi gọi họ là những chuyến tàu trục xuất”, Anna nói – và họ không thể chọn điểm đến cho bản thân mình.

 

Điều kiện cho họ ở Nga là khác nhau. Một số được đưa vào trong các ký túc xá, khu trọ hoặc doanh trại quân đội cũ. Anna biết về một gia đình ở một thành phố ở miền trung nước Nga sống trong một khách sạn đẹp với đồ ăn ngon – mặc dù nhân viên rất thô lỗ với họ vì quốc tịch Ukraine. Những người khác bị mắc kẹt trong những ngôi làng gần như không có tiện nghi và ăn cháo và súp đầy nước lõng bõng. Một số đã được gửi đi xa về phía đông tận Vladivostok hoặc đến Murmansk, phía bắc của Vòng Bắc Cực.

 

Anna nói: “Tin xấu là hầu hết mọi người ở lại Nga và bị mắc kẹt không chỉ vì thiếu tiền mà còn thiếu kiến ​​thức về các tuyến đường khác. Một số người Ukraine ở Nga trở thành nạn nhân của tuyên truyền: họ được cảnh báo rằng những người Ukraine bị đối xử tệ ở châu Âu và được thấy những hình ảnh Mariupol trở lại cuộc sống bình thường. Tuyên truyền tương tự khiến nhiều người Nga coi tất cả người Ukraine là kẻ thù – ngay cả khi câu chuyện méo mó của Điện Kremlin miêu tả những người tị nạn là nạn nhân của cái gọi là chế độ phát xít của Tổng thống Volodymyr Zelensky.

 

Khi Vova đến bệnh viện ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk, một người lính Nga nhìn thấy miếng dán lá cờ Ukraine nhỏ trên vai đồng phục Azovstal của anh và bùng nổ cơn giận dữ, anh ta nói với Vova về việc anh ta đã chiến đấu chống người Ukraine trong tám năm trời. Vova nói rằng đó là một chiếc áo khoác bảo hộ lao động và đã xé miếng dán đi. “Nếu tôi nhìn thấy một biểu tượng Ukraine khác trên người cậu, tôi sẽ bắt cậu nuốt nó,” người lính đáp lại. Những người khác trong bệnh viện tỏ ra thân thiện hơn. Một người phụ nữ lớn tuổi mang cho Vova bánh hạnh nhân tự làm, nói với Vova rằng bà cảm thấy thương cảm đối với anh.

 

Trong số những người đang hồi phục tại khu hồi sức của Vova có một người đàn ông ở Mariupol ở độ tuổi 50, người đã phải ngồi tù 25 năm vì một tội ác mà anh ta sẽ không tiết lộ; một người lính trong lực lượng dân quân Donetsk, đã không thể tin rằng Mariupol đã từng là một thành phố thịnh vượng (Vova mô tả anh ta là “mít đặc như một khối gỗ”); và một người lính Nga đến từ Dagestan, một vùng trên dãy núi Caucasus. Anh ta đã ký một hợp đồng phục vụ trong quân đội do được trả lương cao nhưng không hiểu tại sao hai quốc gia nói tiếng Nga có chung tôn giáo lại chiến đấu với nhau. “Cái gì đang xảy ra ở đây vậy? Nó giống như huynh đệ tương tàn, ” anh ta nói.

 

Các bác sĩ đã lấy mảnh đạn ra khỏi đầu gối của Vova, nhưng anh vẫn không thể đi lại như bình thường. Vova lo lắng về tổn thương thần kinh vĩnh viễn và đã liên hệ với Hội Chữ thập đỏ Đức để được sang Đức điều trị thêm. Nhiều người chạy trốn về phía đông thoát khỏi Mariupol đang đợi ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk cho đến khi chiến sự dừng lại, với hy vọng sẽ trở về nhà. Natalya và Roma hài lòng khi ở nhà người anh họ của họ ở Bezimenne. “Đối với bố mẹ tôi, đó là một ngôi nhà. Họ có thể sống trong đó. Họ không quan tâm đến ai, ”Vova nói. “Nhưng tôi đang nghĩ về tôi có thể làm việc ở đâu, về một tương lai của tôi. Và tôi không có tương lai ở Bezimenne ”. Tôi tự hỏi điều gì đã thuyết phục bố mẹ Vova ra đi? Vova bật cười. “Google là rất tốt!”

 

Natalya đã nghe về tổ chức Tình nguyện viên Tbilisi và liên hệ với Belkina để tìm hiểu xem họ có thể ở đâu khi đến Gruzia – và liệu có đúng là người Ukraine có thể được điều trị y tế miễn phí hay không. Belkina đã tìm ra điểm thanh lọc mà có thể phát hành giấy tờ nhanh nhất và khuyên mọi thành viên trong gia đình Natalya nên xóa sạch danh bạ, hình ảnh và lịch sử trò chuyện trên điện thoại của họ. Họ đã có sẵn địa chỉ của những người thân ở Nga, trong trường hợp họ bị hỏi về nơi họ sẽ đến. Trong trường hợp này, các quan chức tại điểm thanh lọc đã không thăm dò kỹ càng. Natalya nói với họ rằng các con trai của bà cần được điều trị ở Nga – Belkina đã đề nghị họ đóng vai nạn nhân – và trong vòng năm phút, giấy tờ của họ đã được đóng dấu.

 

Chuyến đi đến Nga mất nhiều thời gian hơn: cả gia đình bị chặn lại trong năm giờ trong khi cả hai xe ô tô của gia đình Balabas được khám xét kỹ lưỡng. Hai mươi giờ sau khi khởi hành, cuối cùng gia đình Balabas đã đến đích của họ là Rostov-on-Don, một thành phố của Nga gần biên giới Ukraine. Quá mệt mỏi, hai chiếc xe của gia đình họ tấp vào một cây xăng, những vết đạn vẫn còn hằn rõ trên xe. Nhận thấy biển số Mariupol của gia đình này, một người đàn ông Nga đã trả tiền một thùng đầy xăng và kem cho họ, và giúp họ tìm một khách sạn. Họ thuê một phòng đơn nằm trong một ký túc xá rẻ tiền, tồi tàn. “Nhưng nó có nước nóng!” Natalya nói, mỉm cười khi hồi tưởng lại câu chuyện. Gia đình Balabas lần đầu tiên được tắm vòi sen sau một tháng: “Nước đen chảy xối xả ra khỏi cơ thể chúng tôi.”

 

Gia đình này có những phản ứng khác nhau khi đến Nga. Một người đàn ông, có chiếc ô tô hào nhoáng có chữ Z ở bên cạnh, đã nhìn thẳng vào mặt họ. Một người khác nhét tiền vào túi của Kostya. Natalya đã gọi cho hàng chục thợ sửa xe trước khi tìm được người thương hại họ và vá lốp hai chiếc xe mà không tính phí.

 

Đầu tháng 4, gia đình Balabas lại lên đường. Họ đã lái xe trong hai ngày không ngừng nghỉ để đến cửa khẩu duy nhất tới Gruzia. Lính biên phòng Nga đã phàn nàn rằng họ không có thẻ nhập cư phù hợp; Lực lượng biên phòng Gruzia lo lắng rằng mẹ của Kostya và Natalya không có hộ chiếu. Cuối cùng thì cả gia đình cũng được cho qua. Belkina, người sáng lập của tổ chức Tình nguyện viên Tbilisi, đã đón họ ở phía bên kia biên giới. Khoảng 25.000 người Ukraine đã đến Gruzia kể từ đầu cuộc chiến.

 

Gia đình Balabas đã ở Gruzia được hai tháng khi tôi gặp họ vào giữa tháng 6. Bàn tay của Kostya đã bị băng bó thành một đống sau khi được ghép xương để tăng cường sức mạnh cho ngón tay cái – cậu đã bị mất ngón trỏ. Khóe mắt trái bị mù của anh hơi xệ xuống và má bên dưới có sẹo. Kostya là một thiếu niên 16 tuổi và vẫn đang phát triển, nhưng cậu đã có trong mình một sự kiên định ngược hẳn với vẻ ngoài thiếu niên của mình.

 

Giống như cha mẹ của mình, Kostya không thân Nga cũng không thân Ukraine trước chiến tranh. Cậu đã duy trì quan điểm đó ngay cả sau cuộc xâm lược. “Trong chiến tranh, tâm trí bạn bị thu hẹp. Chúng tôi đã chiến đấu chỉ để tồn tại. Chúng tôi không quan tâm xem chúng tôi đang ở dưới cờ Nga hay cờ Ukraine… Tôi thấy rằng người Nga đã giúp chúng tôi đi sơ tán. Tôi đã nghĩ người Nga rất tốt”. Khoảng cách đã thay đổi quan điểm đó. “Kể từ khi tôi có thể thoát ra khỏi giai đoạn căng thẳng đó, tâm trí của tôi đã mở ra trở lại và tôi có thể nhìn thấy bức tranh toàn cảnh hơn. Bây giờ tôi nghĩ: Những người Nga là những tên khốn kiếp; Người Ukraine, wow! Đó là những con người tuyệt vời ”.

 

Chân của Vova đã lành. Không ngừng siêng năng, gần đây anh đã tham gia một khóa học trực tuyến về thiết kế nội thất và tham gia một số cuộc biểu tình chống chiến tranh, tại đó anh vui mừng khi thấy những người Belarus và Nga lưu vong cầm cờ Ukraine. “Người ta nói người Nga tồi tệ, nhưng người Nga cũng là nạn nhân của Putin, cũng như chúng tôi thôi,” anh nói. Vova tin rằng người Ukraine đã cố gắng bảo vệ Mariupol tốt nhất có thể. Cha mẹ anh tỏ ra bình thường hơn: “Nga nói rằng họ đang cứu Ukraine khỏi bọn phát xít. Ukraine nói rằng họ đang cứu Mariupol khỏi sự xâm lược của Nga,” Roma nói với tôi. “Nhưng không ai nghĩ đến dân chúng cả.”

 

Gia đình Balabas đang quyết định nên tái định cư ở Canada hay Áo. Vova đang bị giằng xé – bạn gái của anh ở Kyiv muốn anh đến Đức với cô. Nhưng không ai trong số họ muốn trở lại Mariupol. Căn hộ của gia đình họ đã trở thành một đống đổ nát và tất cả các cửa sổ đều đã vỡ tan tành. Theo những người hàng xóm, có một người đàn ông Nga hiện đang sống ở đó.

 





No comments: