Monday, August 29, 2022

MỐI LIÊN HỆ GIỮA LỆNH TRỪNG PHẠT và CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ KỲ LẠ CỦA THỔ NHĨ KỲ (The Economist)

 



Mối liên hệ giữa lệnh trừng phạt Nga và chính sách tiền tệ kỳ lạ của Thổ Nhĩ Kỳ

The Economist

Phạm Quốc Hào, biên dịch

29/08/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/08/29/moi-lien-he-giua-lenh-trung-phat-nga-va-chinh-sach-tien-te-ky-la-cua-tho-nhi-ky/

 

Tiền của Nga có công dụng vượt ra ngoài những mục đích thông thường.

 

Trong bối cảnh nhiều quốc gia đang xa lánh Nga, có một quốc gia lại đang xích lại gần nước này, đó chính là Thổ Nhĩ Kỳ. Khách du lịch và người di cư Nga đang đổ về Istanbul và các khu nghỉ dưỡng ven biển của đất nước này, mua vào hàng nghìn bất động sản. Nga đang tài trợ cho một nhà máy hạt nhân trị giá 20 tỷ USD ở Akkuyu, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi nhiều quốc gia đã cắt giảm xuất khẩu sang Nga kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga lại tăng tới 60%. Các công ty phương Tây bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt dường như cũng đang sử dụng Thổ Nhĩ Kỳ làm một cửa ngõ chiến lược để xuất hàng hóa sang Nga.

 

Chính sách tiền tệ kỳ lạ của Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những lý do tại sao nước này rất quan tâm đến tiền của Nga. Bất chấp lạm phát tăng vọt lên 80%, vào ngày 18 tháng 8, ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã cắt giảm lãi suất từ ​​14% xuống còn 13%. Động thái này đi ngược lại với những gì mà các nhà kinh tế thường khuyến cáo. Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, muốn giảm chi phí đi vay để thúc đẩy nền kinh tế và cải thiện cơ hội thắng cử của ông trong cuộc bầu cử vào mùa hè tới. Nhưng chính sách tiền tệ nới lỏng đã khiến đồng lira trượt giá. Đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất 3/4 giá trị so với đồng đô la Mỹ kể từ năm 2018. Đồng lira suy yếu đã khiến lạm phát tại Thổ Nhĩ Kỳ tăng vọt do chi phí nhập khẩu hàng hóa tăng cao.

 

Vì vậy nước này bước vào trò chơi lách cấm vận. Thổ Nhĩ Kỳ đang rất cần ngoại tệ để mua lại đồng lira trên thị trường nhằm hỗ trợ giá trị đồng nội tệ mà không cần tăng lãi suất. Trong những tháng gần đây, ngân hàng trung ương có lẽ đã chi hàng chục tỷ đô la theo cách này. Nga đang thu được rất nhiều ngoài tệ từ xuất khẩu nhiên liệu hoá thạch, song lại thiếu đối tác và hàng hóa nước ngoài. Xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga giúp tăng cường dự trữ ngoại hối của Thổ Nhĩ Kỳ, vì các nhà xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ hiện phải đổi ngoại tệ thu được để lấy đồng lira từ chính phủ. Việc lách cấm vận và chính sách tiền tệ bất thường vì vậy là hai mặt của cùng một đồng xu.

 

Các chính trị gia Mỹ đã báo hiệu sự không hài lòng trước chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhà phân tích cảnh báo những hành động của nước này có nguy cơ khiến họ bị trừng phạt thứ cấp. Nhưng ông Erdogan coi tiền quan trọng hơn quan hệ nồng ấm với phương Tây. “Erdogan cần giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới”, Timothy Ash đến từ công ty quản lý tài sản BlueBay nói. “Erdogan sẽ đẩy [quan hệ với các quốc gia phương Tây] đến giới hạn”.

 

---------------------

 

Nguồn: “The connection between Russian sanctions and bizarre Turkish monetary policy”, The Economist, 27/8/2022




No comments: