Thursday, August 18, 2022

NHÀ NƯỚC CÒN BAO CẤP THÌ CÒN NGẬP DÀI DÀI! (Diễm Thi, RFA)

 



Nhà nước còn bao cấp thì còn ngập dài dài!

Diễm Thi, RFA
2022.08.18

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/state-subsidizes-it-s-still-flooded-dt-08182022131402.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/state-subsidizes-it-s-still-flooded-dt-08182022131402.html/@@images/d016b5de-3ec9-4235-a3c5-701d0dbe3188.jpeg

Ngập lụt sau mưa.  AFP

 

Chiều 15 tháng 8 năm 2022, sau một cơn mưa lớn kéo dài khoảng hai tiếng, hàng chục tuyến đường khu trung tâm TP.HCM ngập nặng gây tê liệt giao thông. Người dân thành phố đánh vật với những con phố biến thành sông chỉ sau một trận mưa lớn. Chuyện phố xá ngập trong nước, có khi đến nửa mét sau cơn mưa lớn đã xảy ra từ nhiều năm qua ở cả Hà Nội lẫn Sài Gòn. Người dân đành “sống chung với lũ”.

 

Lên tiếng với truyền thông Nhà nước về tình trạng nước ngập sau cơn mưa lớn chiều 15 tháng 8, ông Vũ Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng TP.HCM) cho rằng: “Nguyên nhân ngập là do mưa vượt thiết kế, đó là chuyện bình thường. Số điểm ngập nhiều hơn so với các trận mưa khác nhưng vẫn kiểm soát tốt, không đến mức nghiêm trọng”.

 

Là một kỹ sư xây dựng, ông Nguyễn Kế Quang cho rằng cách giải thích của ông Điệp là ngụy biện, là trốn tránh trình độ quản lý yếu kém của cơ quan chức năng. Ông nói với RFA:

 

“Thứ nhất là về mặt quản lý nhà nước. Khi thiết kế họ không tính đến xu thế phát triển tương lai, không tính đến tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Thứ hai là họ sử dụng vật liệu lót vỉa hè không phù hợp cho nên nước không thoát kịp. Cái thứ ba thuộc về ý thức người dân. Người dân do sợ mùi hôi nên chận các miệng hố ga dẫn nước mưa chảy ra ao hồ. Người dân còn xả rác ngập hố ga. Như vậy, nước ngập có nguyên nhân từ quản lý Nhà nước lẫn ý thức người dân. Hậu quả là mưa lớn thì phố biến thành sông.   

Để xử lý vấn đề cấp nước, thoát nước, trước hết phải căn cứ vào quy hoạch xây dựng đô thị. Trong quy hoạch xây dựng đô thị người ta sẽ xác định các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. Trong đó có giao thông, cấp điện, cấp nước và thoát nước. Tất cả phải được xây dựng sao cho phù hợp với quy hoạch. Thoát nước thì có thoát nước tự nhiên như nước mưa, và thoát nước thải do sinh hoạt.

Muốn cho một đô thị không bị tình trạng ngập sau mỗi trận mưa thì việc thiết kế hệ thống thoát nước cho phù hợp với quy mô của thành phố bao gồm dân cư, hệ thống giao thông. Khi thiết kế hệ thống thoát nước như thế phải tính đến hiện tại và dự báo tương lai.”    

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/state-subsidizes-it-s-still-flooded-dt-08182022131402.html/000_hkg7730354.jpg/@@images/7f42efa9-50ce-4e5f-9ab9-3777a8761f37.jpeg

Mưa gây ngập đường phố Hà Nội năm 2012. AFP

 

Theo số liệu chống ngập 9 tháng đầu năm 2020 của Sở Xây dựng báo cáo Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, TP. HCM ghi nhận thêm 35 tuyến đường bị ngập, tăng 18 tuyến so với cùng kỳ năm trước. Hai năm sau, con số tuyến đường bị ngập đã lên đến 67 điểm, tăng gần gấp đôi so với hai năm trước, theo báo cáo của Trung tâm quản lý và vận hành hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (thuộc Sở Xây dựng). Câu hỏi khi nào TP.HCM mới hết ngập được nhiều người đặt ra từ hàng chục năm qua nhưng chưa có câu trả lời thỏa đáng.

 

Tiến sĩ Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu (thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM), nêu một số yếu tố khiến việc chống ngập không thành công, với RFA sáng 18 tháng 8:

 

“Thứ nhất là giải pháp kỹ thuật. Đó không phải là vấn đề lớn vì nó có sẵn, cần làm gì thì mọi người đều biết. Vấn đề thứ hai liên quan đến hành lang phối hợp giữa các đơn vị và các ban ngành với nhau, đừng để xảy ra chuyện bên này gây ra ngập để bên kia khắc phục. Cái đó hiện nay chưa giải quyết được, chủ yếu ở tầm quy hoạch. 

Khi quy hoạch phát triển đô thị thì việc thoát nước sẽ gặp khó khăn. Phải làm sao để trong quy hoạch nó phải có những không gian dành cho nước hoặc phải có lộ trình đồng bộ với nhau. Đó cũng là một cái vướng. Các cơ quan vẫn hoạt động độc lập với nhau, chưa có một nhạc trưởng.

Cái thứ ba là cơ chế tài chính. Hiện nay chống ngập có thể gọi là bao cấp, tức Nhà nước lo hết. Các doanh nghiệp khi phát triển có thể để lại gánh nặng cho ngân sách trong việc chống ngập. Thí dụ khi đô thị hóa họ xây dựng, họ san lấp kênh, mương nhưng hậu quả lại không gắn với lợi ích mà họ thu được từ dự án.

Tóm lại, cái nguồn lực để phát triển phụ thuộc vào tư nhân rất nhiều trong khi nguồn lực để giải quyết hậu quả lại thuộc về Nhà nước. Cơ chế hiện nay lại không khuyến khích nhà đầu tư tham gia vào việc chống ngập mà chỉ có Nhà nước làm, vì chống ngập không có lợi nhuận. Thành ra nguồn lực nó mỏng.

Nhà nước không nên ôm chuyện chống ngập mà phải mở ra cho tư nhân làm bằng cách tạo ra cơ chế lợi nhuận. Ít nhất thu phải đủ bù chi.”

 

Theo TS. Hồ Long Phi, tất cả những gì thuộc về thuế, phí thì chỉ có Quốc hội mới quyết được, mà đến nay Quốc hội vẫn chấp nhận là bao cấp. Nếu không có sự tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân thì không đủ nguồn lực chống ngập.  

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/000_qo5yb.jpg/@@images/583bb242-f2b0-4312-a358-2e0079935e3c.jpeg

Mưa gây ngập ở đường phố Hà Nội năm 2017. Hình: AFP

 

Câu chuyện quy hoạch thành phố liên quan đến ngập lụt cũng từng được nhiều kiến trúc sư nói đến. Báo Pháp luật trích lời TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn trong một bài phỏng vấn vào năm 2016:

 

“Hiện nay việc chống ngập chưa hiệu quả vì vẫn chưa thực hiện được hợp tác đa ngành giữa các sở và ban ngành, mà chủ yếu chỉ giao công tác này cho Trung tâm Chống ngập. Do đó, ta thiếu sự nhất quán về xử lý cốt nền của toàn thành phố theo một kế hoạch thống nhất, đặc biệt là giữa cốt nền giao thông và hạ tầng với cốt nền xây dựng công trình đô thị, từ đó không đạt được hiệu quả kinh tế đô thị và sự ủng hộ của người dân…”

 

Cuối tháng 5 năm 2020, Sở Xây dựng TP.HCM trình Sở Tài chính phương án giá dịch vụ chống ngập theo mét vuông được Phân viện Kinh tế xây dựng miền Nam, thuộc Bộ Xây dựng tính toán. Theo Sở Xây dựng, nếu phương án được duyệt sẽ tạo điều kiện thu hút nguồn lực xã hội hóa trong việc thực hiện chống ngập cho thành phố trong thời gian tới. Dự án này gây nhiều tranh cãi bởi xã hội hóa tức người dân sẽ phải đóng phí chống ngập.

 

Một số người phản đối việc yêu cầu người dân đóng khoản phí này vì tác nhân gây ngập cho TP.HCM không phải người dân. Trong khi đó, một số người khác lại đồng tình vì chuyện chống ngập đang thiếu kinh phí. Cô Trần Kim Tuyết nêu ý kiến của mình:

 

“Bắt người dân đóng tiền chống ngập đó thì em sẽ không đóng vì Nhà nước phải có trách nhiệm. Trách nhiệm của Nhà nước thì mấy ổng phải tự giải quyết với nhau chứ. Nước ngập ngoài đường sao lại bắt dân đóng? Dân đã đóng đủ thứ tiền rồi. Mấy ổng thu, mấy ổng ăn thì mấy ổng phải chi ra để chống ngập. Không thể bắt dân đóng vì Nhà nước thu đủ thứ tiền, từ tiền cầu đường, tiền cầu cống…cái gì cũng thu.”

 

Từ năm 2001 thành phố đã có Chương trình chống ngập mùa mưa giai đoạn 2001-2005 với trên 70 dự án với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 11.000 tỷ đồng. Theo quy hoạch thoát nước của thành phố, từ năm 2002, nhiều dự án lớn bắt đầu thi công và dự kiến năm 2005 sẽ giải quyết khoảng 70% số điểm ngập. Còn để đạt 100% thì phải đến năm 2020.

 

Cho đến hôm nay, tình trạng ngập lụt ngày càng nặng không chỉ ở TP.HCM hay Hà Nội mà các thành phố cao nguyên hay ven biển cũng không thoát cảnh ngập lụt sau mưa.

 

-------------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

Bài toán chống ngập bao giờ giải được?

Sài Gòn lại ngập khi mưa





No comments: