Monday, August 15, 2022

KHỦNG HOẢNG BẢN SẮC Ở HONG KONG SAU 25 NĂM BẮC KINH CAI TRỊ (Pak Yiu / Nikkei Asia)

 



Khủng hoảng bản sắc ở Hong Kong sau 25 năm Bắc Kinh cai trị (P1)

Pak Yiu  -  Nikkei Asia  

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

15/08/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/08/15/khung-hoang-ban-sac-o-hong-kong-sau-25-nam-bac-kinh-cai-tri-p1/

 

Bị buộc phải rời khỏi thành phố sau những cuộc đàn áp của Trung Quốc, cộng đồng người Hong Kong hải ngoại đang chiến đấu để cứu nền văn hóa ở quê nhà.

 

Có một cảm giác hoài cổ phảng phất trong hội chợ Hong Kong khai mạc ở Vancouver, khi khoảng 3.000 người tham dự đi từ gian hàng này sang gian hàng khác, trò chuyện bằng tiếng Quảng Đông và chia sẻ những kỷ niệm về thành phố quê hương của họ.

 

Trong số những món đồ được bày bán có những cây nến hình dim sum, trang sức hình chiếc ô, và tranh vẽ đường chân trời rực sáng ở Cảng Victoria.

 

Tại quầy hàng của mình, Adrianna, một người mới vừa di cư từ Hong Kong sang, bày một loạt các món ăn đường phố Hong Kong thường thấy – cá viên, bánh quế trứng, và bánh bao xíu mại truyền thống – trong khi bật những bản nhạc pop Quảng Đông.

 

Một chủ đề thường xuyên xuất hiện trong các cuộc trò chuyện là sự đồng nhất văn hóa của Hong Kong với Trung Quốc đại lục, một quá trình đang được đẩy mạnh kể từ khi Bắc Kinh áp đặt đạo luật an ninh quốc gia hà khắc vào năm 2020. “Người ta lo ngại về sự xâm nhập văn hóa [từ đại lục],” nữ tình nguyện viên 27 tuổi của nhóm Các Nhà hoạt động Vancouver vì Hong Kong giải thích. “Hong Kong bây giờ không phải là Hong Kong mà tôi từng biết.”

 

Giống như hàng trăm nghìn người khác trước cô, Adrianna miễn cưỡng rời Hong Kong vào năm ngoái sau khi chứng kiến cuộc đàn áp không ngừng đối với các quyền tự do dân sự, và sự xói mòn liên tục của nền văn hóa đặc trưng của Hong Kong.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%253A%252F%252Fs3-ap-northeast-1.amazonaws.com%252Fpsh-ex-ftnikkei-3937bb4%252Fimages%252F_aliases%252Farticleimage%252F5%252F9%252F4%252F2%252F41072495-1-eng-GB%252FVancouver.jpg?source=nar-cms

Sau khi biểu tình bị cấm ở Hong Kong theo luật an ninh quốc gia, những người di cư gốc Hong Kong ở Vancouver đã xuống đường vào đầu tháng 6 để kỷ niệm ba năm kể từ cuộc biểu tình năm 2019. © Các Nhà hoạt động Vancouver vì Hong Kong

 

“Triển vọng cho bất kỳ quyền dân chủ nào cũng ngày càng mong manh, đó là lý do tại sao tôi biết rằng không còn hy vọng cho Hong Kong,” Adrianna nói với Nikkei Asia.

 

25 năm trước, khi Hong Kong được trao trả về Trung Quốc sau 156 năm dưới quyền cai trị của Anh, người Hong Kong được Chủ tịch Trung Quốc lúc đó là Giang Trạch Dân đảm bảo rằng lối sống độc đáo của thành phố sẽ không bị thay đổi.

 

Quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, và pháp quyền phải được bảo vệ theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ.” Điều này cho phép Hong Kong nuôi dưỡng một bản sắc và một tập hợp các giá trị khác biệt với Trung Quốc đại lục. Đó là một nguyên tắc được nêu trong Tuyên bố chung Trung-Anh, một hiệp ước quốc tế được đăng ký với Liên Hiệp Quốc.

 

Khi được bầu vào năm 2017, Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), đặc khu trưởng sắp mãn nhiệm của thành phố, cũng giống như các nhà lãnh đạo trước bà, nhấn mạnh tầm quan trọng của bản sắc độc lập của Hong Kong. “Với tư cách là đặc khu trưởng,” bà thề, “tôi sẽ làm hết sức mình để duy trì ‘một quốc gia, hai chế độ’ và bảo vệ các giá trị cốt lõi của chúng ta.”

 

“Hong Kong là một xã hội đa dạng, nơi những quan điểm khác nhau cùng tồn tại. … Các giá trị như tính bao trùm, quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, sự tôn trọng nhân quyền và các hệ thống mà nhiều thế hệ đã dày công thiết lập, chẳng hạn như tư pháp độc lập, pháp quyền, và chính phủ trong sạch, là những vấn đề mà người Hong Kong chúng ta cho là quý giá và đáng tự hào,” Lâm nói trong bài phát biểu chiến thắng của mình.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%253A%252F%252Fs3-ap-northeast-1.amazonaws.com%252Fpsh-ex-ftnikkei-3937bb4%252Fimages%252F_aliases%252Farticleimage%252F1%252F9%252F2%252F2%252F41072291-1-eng-GB%252FA47I3020re.jpg?source=nar-cms

Carrie Lam phát biểu nhân kỷ niệm 22 năm Hong Kong được bàn giao từ Anh cho Trung Quốc, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm của thành phố vào ngày 01/07/2019. (Ảnh của Rie Ishii)

 

Thay vào đó, trong nhiệm kỳ 5 năm của mình, Lâm – và chính phủ Trung Quốc – đã phá bỏ hệ thống làm nền tảng cho thành phố, bịt miệng những người bất đồng chính kiến, và bóp chết các quyền tự do đáng được trân trọng. Luật an ninh quốc gia, được ban hành vào tháng 06/2020, cấm bất cứ hành động nào mà chính phủ cho là mang tính lật đổ, ly khai, cấu kết với nước ngoài, và khủng bố – bao phủ thành phố với cái mà nhiều người mô tả là “khủng bố trắng.” Lo lắng về những lằn ranh đỏ bị thay đổi, người Hong Kong giờ đây giờ tự kiểm duyệt chính mình, hoặc chỉ lặp lại những quan điểm của chính phủ để tránh bị bỏ tù. Trong khi đó, một số người khác lên đường chạy trốn, bởi nỗi lo rằng Hong Kong không còn là quê hương mà họ từng biết.

 

Những lời hứa không thành

 

Dưới sự cai trị của người Anh, Hong Kong không phải là một nền dân chủ nhưng cư dân thành phố vẫn được hưởng các quyền tự do dân sự như quyền biểu tình và tự do báo chí. Những quyền tự do này tiếp tục tồn tại sau khi lãnh thổ trở về dưới quyền cai trị của Trung Quốc, được bảo vệ theo Luật Cơ bản, tức Hiến pháp Hong Kong.

 

Người Hong Kong có quyền tự do lên tiếng hoặc tự do im lặng, biểu tình trên đường phố hoặc ở yên trong nhà, chỉ trích hoặc ủng hộ chính quyền trung ương. Một môi trường như vậy tạo điều kiện cho một xã hội đầy màu sắc và khoan dung, nền tảng cho sự thành công của Hong Kong như là một trung tâm tài chính và kinh doanh quốc tế.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%253A%252F%252Fs3-ap-northeast-1.amazonaws.com%252Fpsh-ex-ftnikkei-3937bb4%252Fimages%252F_aliases%252Farticleimage%252F6%252F3%252F0%252F2%252F41072036-1-eng-GB%252FAP22168319368994re.jpg?source=nar-cms

Các mẩu báo về lễ bàn giao Hong Kong năm 1997 được trưng bày tại một cuộc triển lãm ở Bảo tàng Lịch sử Hong Kong vào ngày 17/06. © AP

 

Nhưng theo thời gian, bàn tay của Bắc Kinh ngày càng siết chặt lấy thành phố. Năm 2003, chính phủ Trung Quốc đã tạm ngưng phê chuẩn một đạo luật an ninh gây tranh cãi sau khi nửa triệu người xuống đường phản đối.

 

Cuốn sách trắng xuất bản vào tháng 06/2014 đã định hướng lại tương lai của Hong Kong và báo hiệu một quan điểm cứng rắn hơn từ chính phủ Trung Quốc. Các nhà lập pháp đã bị loại khỏi Hội đồng Lập pháp vì dám sửa đổi lời tuyên thệ của mình, một đảng chính trị ủng hộ nền độc lập của Hong Kong đã trở thành tổ chức bất hợp pháp, những người bán sách bị bắt cóc và đem ra xét xử ở Trung Quốc đại lục, trong khi một tỷ phú Trung Quốc sống ở Hong Kong đã biến mất một cách bí ẩn.

 

Cùng năm đó, thành phố rơi vào bế tắc suốt 79 ngày bởi Phong trào Ô dù (cuối cùng không thành công), khi hàng nghìn người Hong Kong xuống đường đòi cải cách dân chủ. Các nhà chức trách đã tìm mọi cách để cắt bớt các quyền tự chủ chính trị của thành phố kể từ đó.

 

Tình hình trở nên nghiêm trọng vào năm 2019, khi một dự luật dẫn độ gây tranh cãi làm dấy lên làn sóng biểu tình suốt nhiều tháng. Để đáp trả, Bắc Kinh áp đặt luật an ninh một năm sau đó, đẩy nhanh đáng kể sự đồng hóa Hong Kong vào đại lục, và trên thực tế, loại bỏ luôn nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ.”

 

Luật an ninh đã được nhà chức trách vũ khí hóa và mở đường cho một cuộc đàn áp chính trị. Hơn 200 chính trị gia, nhà báo, luật sư, và nhạc sĩ – bất kỳ ai bị cho là dám chỉ trích chính phủ – đã bị bắt, trong khi hơn 10.000 người khác bị bắt vì các cáo buộc liên quan đến biểu tình.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%253A%252F%252Fs3-ap-northeast-1.amazonaws.com%252Fpsh-ex-ftnikkei-3937bb4%252Fimages%252F_aliases%252Farticleimage%252F9%252F8%252F1%252F2%252F41072189-1-eng-GB%252F2022-06-24T014241Z_2071300470_RC2ZKU9EQ0N5_RTRMADP_3_HONGKONG-ANNIVERSARYre.jpg?source=nar-cms

Công viên Victoria của Hong Kong đóng cửa vào ngày 04/06. Trong nhiều thập niên, nó đã là địa điểm tổ chức những buổi cầu nguyện dưới ánh nến đánh dấu ngày kỷ niệm cuộc đàn áp năm 1989, chống lại những người biểu tình ủng hộ dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. © Reuters

 

Những diễn tiến này đã khiến cư dân địa phương và các nhà quan sát phải ngạc nhiên. Chính phủ cho thay đổi hoàn toàn chương trình giáo dục, vốn nhấn mạnh giá trị của tư duy phản biện và quyền tự do ngôn luận, đồng thời bịt miệng các đối thủ của mình. Ngày kỷ niệm sự kiện Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 với nghi lễ thắp nến được tổ chức hàng năm tại Hong Kong suốt 30 năm qua – một sự kiện chính trị gây khó chịu cho chính phủ Trung Quốc – đã trở thành hoạt động bất hợp pháp chỉ sau một đêm.

 

Các cuộc biểu tình ở Hong Kong dần tan biến khi các nhóm xã hội dân sự vì lo sợ cách thức thực thi luật mới nên đã lần lượt tan rã. Những tờ báo đăng tải nhiều ý kiến trái chiều đã ngưng xuất bản. Xã hội đa nguyên, khoan dung của Hong Kong nay hóa thành một căn phòng vang vọng toàn những thông điệp của chính phủ.

 

Các học giả từ các viện chính sách và quan chức được nhà nước hậu thuẫn ca ngợi điều họ cho là việc khôi phục hòa bình và ổn định, trong khi các nhà phê bình nói rằng cuộc đàn áp đã làm tiêu tan mọi hy vọng về dân chủ tại trung tâm tài chính này.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%253A%252F%252Fs3-ap-northeast-1.amazonaws.com%252Fpsh-ex-ftnikkei-3937bb4%252Fimages%252F_aliases%252Farticleimage%252F6%252F9%252F2%252F0%252F41040296-1-eng-GB%252F20220629%2520HK%2520global%2520freedom%2520index%2520Step.png?source=nar-cms

Đánh giá mức độ tự do ở Hong Kong (theo thang điểm 100) – Nguồn Freedom House

 

Cả chính phủ Trung Quốc và Hong Kong đều cam kết “giải quyết các vấn đề gốc rễ” đối với nền kinh tế và sinh kế của người dân, đồng thời xóa bỏ khủng hoảng nhà ở kéo dài mà họ cho là nguyên nhân dẫn đến biểu tình. Chính phủ, vốn tự hào về “sự ủng hộ mạnh mẽ từ đất mẹ,” đã nhấn mạnh việc hội nhập chặt chẽ hơn với Khu vực Vịnh Lớn (Greater Bay Area, gồm Quảng Đông, Hong Kong, Macao) và đang thúc đẩy một kế hoạch đầy tham vọng để biến vùng đất nông thôn gần biên giới thành “Đô thị phía Bắc.”

 

Làn sóng di cư từ Hong Kong

 

Việc Bắc Kinh đàn áp các quyền tự do đã kích động làn sóng di cư của người Hong Kong thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau.

 

Adrianna, từng là sinh viên khoa học xã hội và có quan tâm đến chính trị, cho biết thành phố đã có một bước thụt lùi rất lớn về mặt chính trị và xã hội. “Dường như không còn hy vọng nào cho Hong Kong,” cô nói với Nikkei.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%253A%252F%252Fs3-ap-northeast-1.amazonaws.com%252Fpsh-ex-ftnikkei-3937bb4%252Fimages%252F_aliases%252Farticleimage%252F2%252F5%252F3%252F3%252F41023352-3-eng-GB%252F20220629-Hong-Kong-population-Col.png?source=nar-cms

Tình hình dân số Hong Kong suy giảm, đặc biệt là sau khi đạo luật an ninh được thông qua

 

“Hong Kong đã mất đi chính những đứa con của mình, khi nhận ra rằng nơi này không còn giống như xưa, không còn là nơi chúng tôi đã lớn lên, và khi tất cả những gì chúng tôi có thể nhìn thấy là tình hình sẽ còn tồi tệ hơn, khi đó, chẳng còn chỗ để chúng tôi ở lại nữa.”

 

Thông điệp này nhận được sự đồng cảm của hàng chục nghìn người Hong Kong vỡ mộng đã lên đường ra đi, mang theo những phần văn hóa của riêng họ, mang theo các giá trị và bản sắc của vùng lãnh thổ mà họ lo sợ sẽ bị diệt vong, khi bức tường lửa ngăn cách thành phố với Trung Quốc đại lục mờ dần.

 

Hơn 60.000 công dân Hong Kong đã nộp đơn xin hộ chiếu công dân Anh ở hải ngoại (British National Overseas) kể từ khi Anh mở ra con đường nhập tịch vào đầu năm 2021, sau khi luật an ninh quốc gia được thông qua. Một số quốc gia khác, bao gồm Canada và Australia, cũng đã tạo điều kiện cho người Hong Kong di cư dễ dàng hơn, dẫn đến việc hơn 270.000 cư dân nhanh chóng rời đi kể từ khi đạo luật được ban hành.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%253A%252F%252Fs3-ap-northeast-1.amazonaws.com%252Fpsh-ex-ftnikkei-3937bb4%252Fimages%252F_aliases%252Farticleimage%252F2%252F4%252F3%252F2%252F41072342-1-eng-GB%252F2020-06-04T000000Z_1231237564_RC2D2H9XFG0B_RTRMADP_3_CHINA-TIANANMEN-HONGKONGre.jpg?source=nar-cms

Vương quốc Anh bắt đầu cấp cho người Hong Kong quyền công dân Anh theo hộ chiếu công dân Anh ở hải ngoại kể từ ngày 31/01/2021, sau khi luật an ninh quốc gia được thông qua vào năm 2020. © Reuters

 

Các mạng lưới hỗ trợ đã mọc lên trên khắp thế giới, hợp nhất cộng đồng người Hong Kong xa xứ trong lúc nhóm người này dần hòa nhập với cuộc sống mới của họ. Không còn gì là an toàn trong thành phố, các thay đổi bất lợi đã thúc đẩy những người di cư bảo vệ và bảo tồn văn hóa của quê hương họ ở nước ngoài.

 

Các tổ chức như nhóm của Adrianna – giới thiệu văn hóa và lịch sử Hong Kong bằng cách tổ chức các hoạt động và triển lãm cho cộng đồng người Hong Kong – đang làm việc từ xa để giữ cho văn hóa của thành phố tiếp tục tồn tại.

 

(Còn tiếp một phần)

 

Nguồn: Pak Yiu, “Hong Kong’s identity in crisis after 25 years of Beijing rule,” Nikkei Asia, 29/06/2022

 

                                                 ***

 

Khủng hoảng bản sắc ở Hong Kong sau 25 năm Bắc Kinh cai trị (P2)

Pak Yiu  -  Nikkei Asia  

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

16/08/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/08/16/khung-hoang-ban-sac-o-hong-kong-sau-25-nam-bac-kinh-cai-tri-p2/

 

Bảo tồn văn hóa Hong Kong

 

Động lực này đã giúp các nhóm bảo tồn văn hóa mọc lên như nấm, ngay cả ở những nơi như Cộng hòa Séc. Tại đây, Loretta Lau đã thành lập một nhóm nghệ thuật và văn hóa có tên là NGO DEI, có nghĩa là “chúng tôi” trong tiếng Quảng Đông. Nhóm này mở một không gian ở Praha chuyên phục vụ trà sữa, mì bò sa tế, bánh trứng và bánh cuốn – những món ăn đặc sản của Hong Kong. Họ cũng tổ chức nhiều triển lãm nghệ thuật.

 

Lau, người đã chuyển đến sống tại Praha vào năm 2018 để theo đuổi nghiệp nghệ sĩ biểu diễn, đã thành lập NGO DEI vào năm ngoái nhằm chia sẻ văn hóa của mình và kết nối với những người Hong Kong không có kế hoạch trở về quê nhà, giống như cô. Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei, Lau đã liên hệ cuộc đấu tranh của Hong Kong với Mùa xuân Praha bị Liên Xô đàn áp vào năm 1968, và Cách mạng Nhung, phong trào biểu tình tháng 11/1989 đã dẫn đến sự kết thúc của chế độ độc đảng.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%253A%252F%252Fs3-ap-northeast-1.amazonaws.com%252Fpsh-ex-ftnikkei-3937bb4%252Fimages%252F_aliases%252Farticleimage%252F2%252F7%252F4%252F9%252F41029472-1-eng-GB%252F20220629-HK-pension-funds-Col.png?source=nar-cms

Người Hong Kong đã chuyển quỹ tiền lương hưu của mình đến nơi khác.

 

Lau nói, “Những người còn đang sống ở Hong Kong đã mất đi quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp, đó là lý do tại sao cộng đồng Hong Kong ở nước ngoài phải có trách nhiệm lên tiếng và cảnh báo cộng đồng quốc tế về các vấn đề của thành phố.”

 

Khi ngày kỷ niệm 33 năm sự kiện Quảng trường Thiên An Môn và kỷ niệm ba năm các cuộc biểu tình ở Hong Kong năm 2019 đến gần, vào đầu tháng 06, Lau quyết định tổ chức các sự kiện kỷ niệm trên toàn thành phố Praha, “vì người Hong Kong ở quê nhà không thể làm thế.”

 

Khắp Praha, các bức ảnh về cuộc biểu tình quần chúng lịch sử đã được trưng bày, cùng với bản sao của đài tưởng niệm nghệ thuật Thiên An Môn vốn đã bị di dời khỏi Hong Kong vào năm ngoái. Các cuộc thảo luận nhóm với đông đảo khán giả đã được các nhà hoạt động lưu vong nổi tiếng của Hong Kong tổ chức, tranh luận về tương lai của phong trào dân chủ tại thành phố, và chia sẻ những kỷ niệm về ngôi nhà cũ của họ.

 

Bên trong một nhà máy sản xuất huy hiệu mà nay là trụ sở của NGO DEI, một bộ sưu tập các tác phẩm của các nghệ sĩ Hong Kong, bao gồm cả nghệ sĩ chính trị nổi tiếng Kacey Wong, đã được trưng bày. Tại một cuộc triển lãm có tiêu đề “Hé lộ Sự thật,” các bức tranh mô tả phong trào biểu tình được treo kín các bức tường, các đoạn video trích từ các bản tin được chiếu trên màn hình TV, và một bức tượng bằng kích thước thật của tượng Nữ thần Tự do Hong Kong, hiện thân của những người biểu tình năm 2019, được dựng lên giữa phòng.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%253A%252F%252Fs3-ap-northeast-1.amazonaws.com%252Fpsh-ex-ftnikkei-3937bb4%252Fimages%252F_aliases%252Farticleimage%252F4%252F3%252F9%252F1%252F41071934-1-eng-GB%252FFB_IMG_1654849346981re.jpg?source=nar-cms

Các tác phẩm của các nghệ sĩ Hong Kong đã rời thành phố, bao gồm Kacey Wong, được trưng bày tại một triễn lãm mang tên “Hé lộ Sự thật”, được tổ chức ở Praha bởi nhóm NGO DEI. © NGO DEI

 

“Chúng ta đang sống trong một vũ trụ bình thường hóa song song khác,” Lau nói, đề cập đến giai đoạn 20 năm kiểm duyệt và áp bức của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc sau Mùa xuân Praha năm 1968.

 

Trên khắp thế giới, hàng chục nghìn người Hong Kong di cư như Lau đã tổ chức các sự kiện kỷ niệm ba năm vụ biểu tình chống chính phủ. Tại Vancouver, nhóm tổ chức sự kiện tái hiện các cuộc đụng độ giữa cảnh sát chống bạo động và người biểu tình trước Phòng Trưng bày Nghệ thuật Vancouver, trong khi hàng trăm người mặc đồ đen cầm trên tay tờ giấy trắng, tượng trưng cho việc mất đi tự do ngôn luận.

 

Biểu tình cũng đã được tổ chức ở nhiều nơi khác, nhưng các nhóm tổ chức nói với Nikkei rằng họ thường bị những người ủng hộ Bắc Kinh quấy rối.

 

Trong khi đó, ở Hong Kong, các nhóm cảnh sát tuần tra trên đường phố sẵn sàng dập tắt bất kỳ dấu hiệu biểu tình nào. Ở đó, “bạn không còn có thể tổ chức các sự kiện phản kháng hoặc các hình thức biểu tình,” Adrianna nói với Nikkei, “vì thế những người Hong Kong may mắn được hưởng quyền tự do ngôn luận ở nước ngoài nên sử dụng tiếng nói của mình để tiếp tục phản kháng và biểu tình theo cách riêng của họ.”

 

 

Giáo dục đang bị đe dọa

 

Điều đặc biệt khiến người dân Hong Kong vô cùng phẫn nộ là việc ‘đại tu’ hệ thống giáo dục. Sau khi thất bại trong việc thông qua chương trình giáo dục quốc gia nhằm nâng cao bản sắc dân tộc Trung Hoa vào năm 2012, các nhà chức trách hiện đã bắt đầu thay đổi hệ thống giáo dục bằng cách đưa phiên bản lịch sử của chính họ vào sách giáo khoa, và giảng dạy học sinh về các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

 

Những cuốn sách giáo khoa đã được giới thiệu trong một môn học mới ở cấp trung học cơ sở, tập trung vào lý tưởng công dân và lòng yêu nước. Chúng nói rằng Hong Kong chưa bao giờ là thuộc địa của Anh. Môn học này thay thế cho một môn học khai phóng, vốn dạy cho học sinh tư duy phản biện và ý tưởng về nghĩa vụ công dân (civic engagement). Đối với nhiều người, động thái mới nhất này đã khẳng định mối lo ngại của các học giả và giáo viên rằng trường học sẽ trở thành nơi “tẩy não” trẻ em.

 

“Ngành giáo dục Hong Kong đang phải đối mặt với áp bức rất lớn,” Chung Kim-wah, một học giả và nhà khoa học xã hội nổi tiếng vừa bỏ ra nước ngoài cho biết. Các nhà chức trách Trung Quốc “đang sử dụng nhiều cách khác nhau để tiếp tục chương trình giảng dạy tẩy não của họ.”

 

Chung là một trong số rất nhiều học giả phải rời thành phố, lo sợ về những lằn ranh đỏ đang thay đổi và không gian cho tư duy phản biện ngày càng bị thu hẹp. Theo số liệu từ Cục Giáo dục, hơn 6.400 giáo viên đã rời khỏi các trường công lập của thành phố kể từ năm 2020, cùng với gần 600 giáo sư và nhân viên trường đại học rời khỏi lực lượng lao động.

 

Ngoài ra, hàng trăm cuốn sách đề cập đến đợt biểu tình năm 2019 và cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989 đã bị lấy đi khỏi các thư viện.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%253A%252F%252Fs3-ap-northeast-1.amazonaws.com%252Fpsh-ex-ftnikkei-3937bb4%252Fimages%252F_aliases%252Farticleimage%252F4%252F4%252F4%252F2%252F41072444-1-eng-GB%252F2019-12-04T000000Z_2097953792_RC2GOD9GO68F_RTRMADP_3_GLOBAL-POYre.jpg?source=nar-cms

Những người biểu tình chống chính phủ bảo vệ mình khỏi hơi cay bằng ô dù trong cuộc biểu tình gần Khu liên hợp Chính phủ Trung ương ở Hong Kong vào ngày 15/09/2019. © Reuters

 

Những thay đổi này sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến trẻ em khi lớn lên. Vì lý do này, Chung, cùng với hai học giả Hong Kong lưu vong khác, đã khởi động dự án Trung tâm Học tập Công dân của Thời đại Chúng ta, một nền tảng trực tuyến chuyên cung cấp cho phụ huynh, giáo viên, và học sinh “tài liệu học tập thay thế phản ánh sự thật lịch sử và chống lại những câu chuyện xuyên tạc.”

 

Mất khoảng sáu tháng gây quỹ để nền tảng có thể hoạt động, và nó hiện được điều hành bởi các cựu giáo viên và học giả Hong Kong. Các bài báo và video đề cập đến các chủ đề như dân chủ và xã hội dân sự được chia sẻ trực tuyến, cùng nhiều truyện ngụ ngôn dành cho trẻ em, và tài liệu giảng dạy cho các bậc cha mẹ Hong Kong ở nước ngoài.

 

Benson Wong, một trong những học giả sáng lập nền tảng cho biết, “Đây là nhu cầu của người Hong Kong. Chúng tôi vẫn đang khám phá mọi thứ, nhưng tài liệu mà chúng tôi tổng hợp sẽ có liên quan đến những gì đã mất và tình trạng hiện tại của Hong Kong. Chúng tôi nên dạy cho trẻ em cách tư duy phản biện và khái niệm về tư duy tự do.”

 

Nuôi dưỡng thế hệ tiếp theo

 

Tại Vương quốc Anh, Đại học St. Andrews ở Scotland đã khởi động một chương trình độc đáo về văn hóa Quảng Đông, nhằm mục đích bảo tồn những gì đang nhanh chóng biến mất sau cuộc đàn áp sâu rộng.

 

Giáo sư Gregory Lee, một học giả đã dành nhiều năm ở Hong Kong, đã xây dựng một kho lưu trữ các tài liệu được quyên góp, bao gồm các bản sao của tờ Apple Daily mà nay đã bị đóng cửa, các cuốn sách của các tác giả Hong Kong ghi lại các phong trào dân sự và các cuộc biểu tình trong quá khứ, cũng như phim tài liệu và các tệp âm thanh từ đài truyền hình công cộng RTHK, hầu hết trong số đó có thể bị coi là bất hợp pháp ở Hong Kong.

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%253A%252F%252Fs3-ap-northeast-1.amazonaws.com%252Fpsh-ex-ftnikkei-3937bb4%252Fimages%252F_aliases%252Farticleimage%252F0%252F6%252F6%252F6%252F41066660-3-eng-GB%252F20220629-HK-visa-applications-to-UK-Col.png?source=nar-cms

Người Hong Kong ồ ạt xin thị thực nhập cư vào Vương quốc Anh

 

“Khi tự do của Hong Kong bị thu hẹp, di sản văn hóa của nó cũng sẽ thu hẹp theo,” Lee, người tập trung nghiên cứu văn hóa Trung Quốc và cộng đồng người Trung Quốc ở hải ngoại, nói. “Tôi nghĩ rằng vẫn có một không gian cho nền văn hóa độc đáo đó trên thế giới.”

 

Trong khi trọng tâm của chương trình là dạy văn hóa và lịch sử Hong Kong, học sinh cũng được yêu cầu học tiếng Quảng Đông hoặc tiếng Phúc Kiến, một phương ngữ được sử dụng ở phía đông nam của Trung Quốc. Chữ phồn thể và tiếng Quảng Đông là một phần thiết yếu của bản sắc Hong Kong, Lee nói, và trước sự xâm lấn của tiếng Quan thoại – cũng như việc các quan chức cố gắng nuôi dưỡng bản sắc dân tộc Trung Hoa – lại càng cần phải bảo tồn tiếng Quảng Đông.

 

Bảo vệ và truyền thụ kiến thức và văn hóa Quảng Đông là hoàn toàn trái ngược với các hoạt động của các Viện Khổng Tử do nhà nước Trung Quốc tài trợ, vốn đã mọc lên khắp toàn cầu và được nhiều trường đại học phương Tây giám sát kỹ lưỡng trong việc quảng bá tiếng Quan thoại cùng với văn hóa và lịch sử được nhà nước Trung Quốc công nhận.

 

Cuộc đua tập thể nhằm bảo vệ bản sắc của đặc khu – bản sắc dân tộc của “người Hong Kong,” khác với người Trung Hoa hoặc người lai, liên tục chiếm vị trí cao nhất trong cuộc thăm dò công khai hai năm một lần kể từ năm 2008 – đã được đẩy nhanh do lo ngại về những nỗ lực không ngừng của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm xóa bỏ văn hóa địa phương ở các khu vực khác như Tân Cương và Tây Tạng.

 

Lee nói rằng cộng đồng người Hong Kong hải ngoại ngày càng quyết tâm tìm cơ hội để quảng bá và bảo vệ ngôn ngữ cũng như bản sắc của quê hương họ.

 

Làn sóng di cư và đàn áp ở Hong Kong đã thúc đẩy các trường đại học khác, từ Đại học California đến Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, giới thiệu các chương trình tập trung vào thành phố. Giới học thuật cũng đang tận dụng nó để cố gắng cứu lấy các hiện vật văn hóa.

 

Chảy máu chất xám trong lĩnh vực nghệ thuật

 

Ở Australia, các rạp chiếu phim đang chiếu những bộ phim không thể xuất hiện trong các rạp chiếu phim Hong Kong. Hiệp hội người Hong Kong ở Victoria đã tổ chức Liên hoan phim Hong Kong tại Melbourne vào tháng 6, chiếu những bộ phim về phong trào biểu tình, vốn là thứ không được chiếu ở Hong Kong.

 

Liên hoan này, do Jane Poon của nhóm Liên hệ Australia-Hong Kong khởi xướng, là một cách để bảo tồn một khía cạnh của văn hóa Hong Kong vốn phải đối mặt với sự tự kiểm duyệt trong thập niên vừa qua.

 

Luật kiểm duyệt phim được thông qua vào năm ngoái đã củng cố sự giám sát của chính phủ đối với các sản phẩm sáng tạo, làm dấy lên làn sóng di cư của các nhà làm phim, bao gồm Ngan Chi-sing (còn được gọi là Twinkle), đạo diễn của Love in the Time of Revolution, một bộ phim ca ngợi các cuộc biểu tình năm 2019. Ngan đã buộc phải chuyển đến Vương quốc Anh vào mùa thu năm ngoái.

 

“Việc bảo vệ sự thật và văn hóa địa phương ở Hong Kong ngày càng trở nên khó khăn hơn,” Poon, người đã chuyển đến Australia cách đây 5 năm, cho biết. “Văn hóa và bản sắc của chúng tôi phát triển một cách tự nhiên, và tôi chắc chắn rằng chúng tôi có thể bảo vệ nó cho các thế hệ tương lai.”

 

https://www.ft.com/__origami/service/image/v2/images/raw/https%253A%252F%252Fs3-ap-northeast-1.amazonaws.com%252Fpsh-ex-ftnikkei-3937bb4%252Fimages%252F_aliases%252Farticleimage%252F3%252F8%252F8%252F1%252F41071883-1-eng-GB%252FAP22168333591780re.jpg?source=nar-cms

Cờ Trung Quốc và Hong Kong được treo vào ngày 17/06 để kỷ niệm 25 năm ngày bàn giao thành phố. © AP

 

Trở lại Hong Kong, nằm rải rác khắp thành phố là những tấm biển lớn màu đỏ gợi nhớ đến những biểu ngữ tuyên truyền của Trung Quốc đại lục. Chúng được trang trí bằng các ký tự màu vàng có nội dung “Chào mừng sự trở về với Trung Quốc, mở ra một chương mới.” Bên trong trung tâm triển lãm của thành phố ít người thăm viếng, vào ngày 01/07, các quan chức Trung Quốc và Hong Kong đã cùng nâng ly chúc mừng “Một Kỷ nguyên Mới” – chủ đề năm nay của lễ kỷ niệm bàn giao – khi thuộc địa cũ của Anh hội nhập sâu hơn vào đại lục.

 

Ở nước ngoài, cộng đồng người Hong Kong chỉ có thể nhìn từ xa, trong sự buồn bã và đau lòng: Nỗi sợ hãi của họ từ 25 năm trước, rằng các quyền tự do trong nhiều lĩnh vực sẽ biến mất, nay đã thành hiện thực.

 

“Làm thế nào,” Adrianna tự hỏi, “mà chúng tôi, những người yêu mến Hong Kong, lại buộc phải rời đi và trở thành người tị nạn?”

 

===================================

 

XEM THÊM

 

Đằng sau cuộc chiến tiếng Quảng Đông-Quan thoại ở Hồng Kông

 

Nguồn: Gina Anne Tam, “Tongue – Tied in Hong Kong: The Fight for Two Systems and Two Languages”, Foreign Affairs, 03/08/2016

 

Biên dịch: Nguyễn Lương Sỹ | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

 

Năm 2012, Lương Chấn Anh nhậm chức Đặc khu trưởng Hồng Kông sau một chiến dịch gây tranh cãi. Nhờ quy chế “một … Đọc tiếp

 




No comments: