Trong 30
năm qua, từ lúc Việt Nam mở cửa, mỗi khi truyền thông quốc tế viết về nghệ thuật
đương đại của chúng ta, một trong những từ khóa xuất hiện nhiều nhất là “kiểm
duyệt”.
Năm 1995,
Washington Post đưa tin về loạt tranh giấy dó của Trương Tân (Truong
Tan Tan) tại Gallery Sông Hồng bị gỡ do chứa những hình nhân đồng tính lõa
thể. Ngay tại chỗ, nghệ sỹ đã hí hoáy một loạt tranh khác với dòng chữ “Xin lỗi.
Excuse me. Excusez moi.” để treo lên khoảng tường trống. Phản ứng quyết liệt
này đã truyền cảm hứng cho một thế hệ nghệ sỹ avant-garde cùng thời. Vị trí
tiên phong của Trương Tân được lưu vào sách sử, và tranh lõa thể của anh giờ đã
được sưu tập khắp các bảo tàng quốc tế.
Năm 2001,
triển lãm của Lê Quảng Hà (Hà
Quảng Lê) bị kiểm duyệt 7 bức tranh, và bị buộc phải đổi tên 3 bức khác.
Các tác phẩm giễu nhại chính trị-xã hội của nghệ sỹ đi trước thẩm mỹ của đại
chúng, và có tờ báo nội địa chỉ trích rằng chúng “quái dị, trần trụi và thô thiển”.
Năm 2019, Lê Quảng Hà là nghệ sỹ Việt Nam duy nhất được Singapore Biennale thiết
kế một căn phòng trưng bày riêng biệt.
Năm 2007,
bức tranh khắc gỗ của Lý Trần Quỳnh Giang miêu tả hai người phụ nữ khỏa thân bị
hội đồng kiểm duyệt loại khỏi Festival Nghệ sỹ trẻ Toàn quốc ngay trước giờ
khai mạc. Một vị quan chức trả lời nhẹ nhàng “Đồng giới là vi phạm thuần phong
mỹ tục.” Sự kiện này cho đến nay vẫn luôn được nhắc lại trong các khảo cứu học
thuật về chủ đề tự do biểu đạt tại Việt Nam.
Năm 2010,
trong festival “IN:ACT” tại Nhà Sàn, Lại Diệu Hà (Lai
Dieu Ha) trình diễn tác phẩm “Bay Lên” bằng cách trút bỏ quần áo, lăn người
xuống lớp lông chim, bỏ một con chim vào miệng rồi nhả cho nó bay đi. Tác phẩm
gây chấn động truyền thông, bị gọi là “phản cảm”; Sở Văn hóa vào cuộc vì sự kiện
chưa được cấp phép, gây nhiều rắc rối và hệ lụy cho Nhà Sàn. Cả Lý Trần Quỳnh
Giang và Lại Diệu Hà cũng đều đi vào sách sử như những ngọn cờ giải phóng biểu
đạt nghệ thuật, đặc biệt là cho nữ giới.
Luôn là
như vậy: chính quyền (nói chung, chứ không chỉ ở Việt Nam) luôn cố kiểm soát tư
tưởng xã hội để bảo hộ rủi ro chính trị. Còn nghệ sỹ luôn đóng vai trò mạo hiểm
và dũng cảm của những người thử, và cố, lung lay hàng rào tư tưởng ấy. Mối quan
hệ này vừa xung đột, vừa tương hỗ. Thế nhưng, khi thế giới ngày một siêu phẳng,
đại chúng đã trở nên thông minh và nhạy bén hơn bao giờ hết khi họ tự nhận ra rằng
mình đang nắm trong tay quyền lực phát tán thông tin và tự định đoạt được mình
muốn nghe, xem, đọc và chia sẻ cái gì.
Kiểm duyệt,
vì thế, đã mất tính kiểm soát cố hữu của nó. Thậm chí, nó trở nên phản tác dụng.
Còn nhớ, mới
3 tháng trước, triển lãm tranh “Điện Biên Phủ” của Mai Duy Minh (Minh
Kinh) bị ngừng vì tấm trường họa của anh bị nhận sẽ là vẽ “lá cờ rách quá
và anh bộ đội không đúng giải phẫu.” Dù cuộc trưng bày không được mở cửa cho
công chúng, số lượng bài viết và chia sẻ tăng nhanh khủng khiếp, và đến giờ thì
gần như ai – dù có quan tâm đến nghệ thuật hay không – cũng đã từng xem qua
phiên bản mềm của tác phẩm ấy.
Và bây giờ,
thông tư xử phạt và yêu cầu tiêu hủy 29 bức tranh trừu tượng của Bùi Chát (Bui
Quang Vien) trong triển lãm đầu tay “Ứng tác” tại Alpha Art Station đã gặp
phải phản ứng gay gắt từ cả giới chuyên môn và dư luận. Câu đầu tiên người ta hỏi
nhau là “Tranh trừu tượng thế thì có gì mà kiểm duyệt?” dẫn ngay đến câu trả lời
rằng à, quyết định này hẳn phải mang tính chính trị nhiều hơn chính sách! Rồi
người ta kháo nhau gõ tra thông tin về nhân thân Bùi Quang Viễn, về nhóm Mở Miệng,
về NXB Giấy Vụn! Thật trớ trêu, nếu thông tư kia không được đưa ra, tuyệt đại
đa số khán giả chắc chắn chẳng có nhu cầu tìm ra ngọn ngành.
Và thế là,
khác với kỷ nguyên của Tân, Hà, Giang, Hà – với những tác phẩm được bảo tồn ở ấn
phẩm và kinh viện hải ngoại nhiều hơn trong nước, giờ đây sự kiểm duyệt lại là
nghịch lý của chính mình. Khi kiểm duyệt mất kiểm soát, đó là dấu hiệu cho biết
công cụ-chính sách ấy đã lỗi thời.
Trân trọng,
Ace Lê
17.08.2022
Hình :
https://www.facebook.com/photo/?fbid=10160240785709914&set=pcb.10160240791764914
Bùi
Chát (Bùi Quang Viễn) tại triển lãm "Ứng Tác" (2022) với 29 tranh trừu
tượng bị xử phạt và yêu cầu tiêu hủy
https://www.facebook.com/photo/?fbid=10160240785924914&set=pcb.10160240791764914
Trương
Tân, "Sao mày dẫm lên chân tao" (1996), mực Tàu trên giấy dó, giễu nhại
một xã hội nam tính bá quyền, lấy quyền lực kiểm soát làm tôn chỉ tồn tại, hòng
lấp liếm đi những khiếm khuyết nội tại
https://www.facebook.com/photo?fbid=10160240785794914&set=pcb.10160240791764914
Gian trưng
bày của Lê Quảng Hà mang tên "Thời Đại Mạ Vàng" trong triển lãm lưỡng
niên Singapore Biennale 2019 với tranh, tượng và video - sắp đặt.
https://www.facebook.com/photo?fbid=10160240785679914&set=pcb.10160240791764914
Tranh khắc
gỗ "Bà Ta" (2007) của Lý Trần Quỳnh Giang bị gỡ khỏi Festival Nghệ sỹ
trẻ Toàn quốc vì lý do vi phạm thuần phong mỹ tục.
https://www.facebook.com/photo?fbid=10160240785669914&set=pcb.10160240791764914
Lại Diệu
Hà với tác phẩm trình diễn "Bay Lên" (2010) trong "IN:ACT"
tại Nhà Sàn, trong đó nghệ sỹ trút xiêm y, bôi hồ lên người, lăn vào đống lông
chim, bỏ con chim vào miệng rồi nhả cho nó bay đi.
https://www.facebook.com/photo/?fbid=10160240785654914&set=pcb.10160240791764914
Trích đoạn
tác phẩm sơn dầu "Điện Biên Phủ" (2022) của Mai Duy Minh, bị kiểm duyệt
với lý do "cờ quá rách và anh bộ đội không đẹp, không đúng giải phẫu".
.
No comments:
Post a Comment