Tuesday, November 16, 2021

VÌ SAO NGÀY CÀNG NHIỀU VỤ GIẢ DANH CÔNG AN ĐỂ LỪA GẠT? (Diễm Thi, RFA)

 


Vì sao ngày càng nhiều vụ giả danh công an để lừa gạt?

Diễm Thi, RFA
2021-11-16

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-do-people-pretending-to-be-a-police-officer-dt-11162021113145.html

 

Hôm 15 tháng 11, một nhóm nghi phạm có hành vi giả danh công an để bắt giữ người trái pháp luật và mua bán, tàng trữ, sử dụng công cụ hỗ trợ trái pháp luật, bị công an thật bắt ở TP.HCM. Trước đó, công an TP.HCM cũng bắt giữ một người tự xưng là đại tá, công tác trong ngành công an nên có mối quan hệ để xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xin việc làm, chạy án… tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Có người khai mua trang phục công an trên mạng xã hội mặc vào cho oách để lừa gạt tình cảm của các cô gái. 

 

Trung tá Vũ Minh Trí, từng công tác tại Tổng cục 2 Bộ quốc phòng, nói với RFA: 

 

“Thứ nhất, điều đó chứng tỏ trong ngành công an có khá nhiều người không đủ phẩm chất, tức là phẩm chất kém thì mới có chuyện lừa gạt như vậy. Thứ hai, đối với khá nhiều dân chúng, đặc biệt là ở vùng nông thôn, họ vẫn bị những cái danh của công an, quân đội hay công chức, thậm chí đảng viên là những người có thể tin cậy được nên họ mới bị lừa. Thêm vào đó, bản thân họ cũng có sự tham lam cho nên mới bị lừa.  

 

Họ là những người có quyền, có uy, có thế lực, có sự tác động…, họ có những thứ để có thể thu được mối lợi từ đấy, để mua bán, trao đổi ở đấy thì họ mới giả danh. Nhưng có trường hợp là công an thật hẳn hoi như trường hợp một nữ trung tá ở Tổng cục cảnh sát lừa tiền của hàng chục người và thu khá nhiều tiền, làm giả cả con dấu, làm giả cả chữ ký của thủ trưởng tổng cục cảnh sát, thủ trưởng bộ công an… Công an giả sẽ lợi dụng điều đấy, tức lợi dụng cái danh của công an thật để đi lừa người ta.  

 

Không chỉ công an mà cả quân đội cũng xảy ra rất nhiều vụ án như vậy. Ngày xưa, khi tôi công tác tại Tổng cục 2 Bộ quốc phòng, tôi từng được nắm danh sách vài chục đối tượng giả danh tình báo quân đội để đi lừa đảo và cũng lừa được khá nhiều người.” 

 

Thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an cho thấy, từ tháng 5 năm 2020 đến tháng 5 năm 2021 cả nước xảy ra gần 2.500 vụ lừa đảo trên không gian mạng, trong đó có 527 vụ giả danh cơ quan tư pháp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. 

 

Truyền thông Nhà nước từng đưa tin một giám đốc doanh nghiệp giả mạo Trung tướng Quân đội công tác tại “Cục Trinh sát Đặc biệt phụ trách về sinh học” nhằm mục đích phô trương thanh thế để thuận lợi cho việc kinh doanh; hay một phụ nữ tự giới thiệu là đại tá công an, có khả năng xin việc để lừa đảo chiếm đoạt hơn 20 tỉ đồng. 

 

Một số người nhận định rằng, lực lượng vũ trang bị giả dạng để đi lừa đảo vì họ là nhóm người có quyền lực cao nhất trong xã hội hiện nay. Họ có thể điều khiển, chi phối hoạt động của cả cơ quan chức năng bằng tiền và quyền. 

 

Cựu sĩ quan quân đội Võ Minh Đức nêu quan điểm của ông với RFA: 

 

“Thực ra mà nói, cái này là do thực tiễn cuộc sống. Nó tạo cho người dân khi nhìn thấy lực lượng này thì họ sợ. Công an được trao quá nhiều quyền hành. Họ lộng quyền nhưng chỉ huy lại buông lỏng sự lãnh đạo. Dường như cấp trên cố tình buông lỏng để cấp dưới lộng quyền. Nếu nói về luật pháp thì họ cũng chỉ có quyền hành ở góc độ an ninh trật tự xã hội thôi. Quá nhiều vấn đề công an can thiệp vào; nhiều cá nhân công an quá lộng quyền nhưng chính quyền lại làm ngơ. Nếu xảy ra sai phạm thì họ lại bao che, dung túng cho nhau thành ra khi người dân nói chung, hay những người có liên quan đến công an khi nhìn thấy lực lượng này thì tâm lý họ e dè, nói chính xác là họ sợ. Từ đó bọn tôi phạm giả danh công an lừa đảo, lừa cả luật pháp nữa. 

 

Tâm lý của nhiều người dân là sợ lực lượng công an. Tất nhiên có những cái dân không sai nhưng do chức trách, nhiệm vụ công an được giao nhiều quyền quá. Công an trị hay sao đó. Có những cái tôi thấy không phải nhiệm vụ của công an nhưng công an vẫn tham gia vào. Cái đó không gọi là lạm quyền thì gọi là gì? Chính quyền thì làm ngơ, lại dung túng để công an làm.”  

 

Có thể nêu một ví dụ cho việc cấp trên bao che cấp dưới qua một video được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội mấy ngày qua. Trong video, người đàn ông cầm súng được xác định là đại úy Nguyễn Duy Ngọ, thuộc Đội cảnh sát điều tra tội phạm ma túy công an huyện Lâm Hà. Ông Ngọ giương thẳng súng ngắn vào hai nhân viên y tế. Trong bản tường trình sau đó, ông Ngọ cho hay do lo lắng vì đứa con mới vài ngày tuổi bị sặc sữa nên đã rút súng đe dọa nhân viên y tế để con mình được cấp cứu nhanh. 

 

VIDEO :

Những lần công an "dọa dân", "đùa giỡn" hay "nóng giận tức thời" #shorts

https://www.youtube.com/watch?v=RT_GYfTZGnQ

 

Sau khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo công an huyện gọi điện thoại xin lỗi Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng là ông Võ Đông Phương - người sau đó nói với báo giới cho rằng vụ việc chỉ là cảnh trong một bộ phim. 

 

Không chỉ bị giả danh, một số cá nhân trong lực lượng vũ trang thực thụ bị bắt do phạm pháp, như một cán bộ Đội phòng chống buôn lậu thuộc Công an Thành phố Hồ Chí Minh tên Hoàng Duy Tiến bị bắt tạm giam hôm 3 tháng 6 năm 2021 do tổ chức đường dây buôn lậu. 

Ông Phan Văn Vĩnh, cựu tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát và ông Nguyễn Thanh Hóa, cựu Cục trưởng Cục C50, hiện đang phải thụ án tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” trong vụ án đánh bạc trực tuyến qua mạng với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam đứng đầu. 

 

Theo quan sát của RFA, trong mắt người dân Việt Nam hiện nay, hình ảnh những viên công an đủ mọi chức danh là những người hách dịch, tham nhũng, quan liêu, vô văn hóa, vô đạo đức. Họ luôn cho mình ở vị trí ban phát, coi dân là những người phải cần đến họ chứ không phải đó là công việc và trách nhiệm phục vụ nhân dân mà họ nhận lãnh và được quy định trong Luật công an nhân dân. 

 

Luật sư Phạm Công Út từng nói với RFA rằng, dưới chế độ phong kiến thì xã hội Việt Nam có hai giai cấp là Địa chủ và Nông dân; còn ở chế độ hiện nay thì Việt Nam có hai giai cấp phân hóa rõ rệt là cán bộ công chức Nhà nước và Người dân mà ông gọi là “Giai cấp thống trị” và “Giai cấp bị trị”.

 

---------------------

Tin, bài liên quan

·         Công an chĩa súng thẳng vào nhân viên y tế: "Tôi chỉ dọa!"

·         Hoãn phiên tòa hai cựu công an môi giới hối lộ

·         Cựu công an Lê Chí Thành nói "bị tra tấn dã man trong trại tạm giam”

·         Kết án cựu cán bộ Công an thuê người tạt axit cấp dưới

·         Công an TPHCM tăng cường hoạt động sau khi nới lỏng giãn cách

·         Bộ Công an đưa hơn 100 ngàn người tham gia tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19

·         TPHCM: đề nghị truy tố một cựu lãnh đạo Saigon Co.op và hai cựu công an liên quan bí mật Nhà nước

·         Công an tử vong vì rượt đuổi thanh niên ra đường sau 18 giờ được tặng huân chương chiến công

·         Hà Tĩnh: Bắt ba người ném bom xăng vào nhà cán bộ công an huyện

·         Kỷ luật nguyên Giám đốc và Ban giám đốc Công an tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2015-2020

 

.

.

.



No comments: