Về một vài vấn đề lạ thường trong
chế độ cộng sản Việt Nam
Thứ Hai, 11/15/2021 - 11:18
— nguyenvubinh
https://www.rfavietnam.com/node/7023
Trong chế độ cộng sản Việt Nam, có rất
nhiều vấn đề lạ thường. Có những vấn đề lạ thường xuất hiện trong đời sống nhân
dân, có nhiều vấn đề xuất hiện trong hệ thống quản lý, hệ thống chính trị. Gần
đây, có hai vấn đề nổi lên khiến nhiều người thắc mắc. Đầu tiên là việc nhà cầm
quyền Việt Nam, mà đại diện là Giáo Hội Phật giáo Việt Nam đã không tôn trọng
di nguyện của Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Pháp Chủ Giáo Hội Phật giáo Việt
Nam. Trước khi viên tịch, Đại lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ có khẩu dụ: “Sau khi
tôi theo hầu Phật Tổ thì không được tổ chức tang lễ linh đình. Nghi lễ hết sức
giản đơn, ngắn ngày theo truyền thống Đạo Phật và tổ chức tại chùa Viên Minh. Đề
nghị không vòng hoa phúng điếu, không tiểu sử dài dòng, không tiêu tốn thời
gian và tổn hại công đức của tăng ni và phật tử. Nếu quý vị tưởng nhớ tới tôi
thì niệm danh hiệu Phật và tụng thời kinh tại trụ xứ của mình hồi hướng công đức
cho thế giới hoà bình, nhân sinh an lạc.” Thế nhưng, Giáo Hội Phật giáo Việt
Nam đã tổ chức một đám tang rất lớn, nghe nói chỉ riêng cỗ quan tài của ngài
Pháp Chủ đã có giá trị trên 80 tỷ đồng. Nhiều người liên tưởng tới di chúc của
ông Hồ Chí Minh, về việc hỏa thiêu tro cốt, nhưng nhà cầm quyền lại xây lăng và
giữ thi hài của ông lại. Những thắc mắc tập trung vào vấn đề, tại sao những người có vị thế
lớn như vậy, khi di chúc và di nguyện lại cho hậu thế, nhà cầm quyền lại không
hề tôn trọng di chúc và di nguyện của họ?
Điều lạ thường thứ
hai, trong rất nhiều những quan chức tham nhũng bị xử lý thời gian mấy năm gần
đây, chúng ta thường nghe báo chí thông tin các hình thức kỷ luật, có một hình
thức kỷ luật nghe rất lạ thường. Đó là việc cắt hết các chức vụ trong quá khứ
(tư cách nguyên là…) của người bị kỷ luật. Trong khi đó, người bị kỷ luật đã mất
chức vụ hoặc đã về hưu. Đối với lẽ thường, và hiểu biết của rất nhiều người,
khi người ta đã bị mất chức vụ, về hưu rồi thì tư cách nguyên là (tức các chức
vụ cũ) đâu còn giá trị gì, tại sao đảng còn cắt hết các chức vụ cũ đó nữa, và để
làm gì?
Nếu như không hiểu được
sự vận hành của hệ thống toàn trị cộng sản, sẽ không thể lý giải nổi những lạ
thường nêu trên. Cốt lõi của hai vấn đề lạ thường đều có chung một nguyên nhân.
Đó là, dưới chế độ cộng sản nói chung và cộng sản Việt Nam nói riêng, tất cả
các hoạt động, các sự việc diễn ra đều phải phục vụ mục đích chính trị. Tương tự
như vậy, khi một người đã tham gia vào hệ thống đảng, nhà nước, một cách đương
nhiên, toàn bộ cuộc sống của họ đều phụ thuộc, nằm trong sự điều khiển và sắp đặt
của đảng, với mục đích phục vụ yêu cầu chính trị, thậm chí cả cái chết và lễ
tang của họ. Đây là điều ghê gớm và khủng khiếp của chế độ cộng sản.
Khi ông Hồ Chí Minh
di chúc lại, về việc hỏa thiêu và rải tro cốt, nhưng đảng nhận thấy việc giữ
thi thể của ông lại, và bảo quản trong lăng sẽ có giá trị giáo dục các thế hệ kế
tiếp, nêu gương và học tập theo tấm gương của ông, thì đảng sẽ giữ lại. Việc giữ
thi thể của ông lại, dù trái với di chúc, trái với nguyện vọng của ông nhưng có
lợi cho việc tuyên truyền, cho đảng thì đảng vẫn sẽ thực hiện. Tương tự như vậy,
Giáo hội Phật giáo thấy rằng, tổ chức lễ tang linh đình, hoành tráng cho ngài
Pháp Chủ sẽ giúp Phật giáo quốc doanh lấy lại được chút niềm tin với phật tử cả
nước và với nhân dân, vì ngài Pháp Chủ là tấm gương khổ hạnh.
Đối với các quan chức
tham nhũng, việc cắt hết các chức vụ cũ của họ, ngoài việc trừng phạt về danh dự,
thì việc đó mới chính thức loại bỏ họ khỏi hệ thống chính trị của chế độ. Tất cả
những quan chức về hưu thông thường của chế độ, họ chưa rời khỏi hệ thống chính
trị. Họ vẫn gắn bó với chế độ dưới hai hình thức, lợi ích và trách nhiệm. Về lợi
ích, đó là những phần thưởng, món quà khi các dịp lễ, tết, các dịp kỷ niệm
ngành hoặc cơ quan. Họ vẫn thường xuyên được họp bàn và nhận thông tin nội bộ của
nhà nước. Tức là họ vẫn giữ mối quan hệ và liên đới mật thiết với cơ quan cũ, tổ
chức, với đảng và nhà nước. Về trách nhiệm, khi cần những lãnh đạo này trong việc
gì đó, ví dụ tuyên truyền cho chế độ, tham khảo ý kiến về các vấn đề, đấu tranh
chống diễn biến hòa bình… họ đều được yêu cầu, và cũng bắt buộc phải thực hiện.
Tư cách “nguyên là…” của quan chức khi đã về hưu chính là như vậy. Việc xóa bỏ
tư cách “nguyên là…”, tức là cắt hết các chức vụ cũ của quan chức, đồng nghĩa với
việc loại bỏ họ khỏi hệ thống chính trị, chính thức trở thành dân thường./.
Hà nội, ngày 15/11/2021
N.V.B
No comments:
Post a Comment