Monday, November 29, 2021

MỸ TRUY ĐUỔI GIÁN ĐIỆP TRUNG QUỐC TRONG GIỚI KHOA HỌC - LÀM SAO ĐỂ KHÔNG BỊ PHẢN ỨNG NGƯỢC? (Lê Tây Sơn - Saigon Nhỏ)

 


Mỹ truy đuổi gián điệp Trung Quốc trong giới khoa học – làm sao để không bị phản ứng ngược? 

Lê Tây Sơn  -  Saigon Nhỏ
29 tháng 11, 2021

https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/my-truy-duoi-gian-diep-trung-quoc-trong-gioi-khoa-hoc-lam-sao-de-khong-bi-phan-ung-nguoc/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2021/11/maxresdefault-800x450.jpg

Ông Anming Hu (Hồ An Minh) – ảnh: apajustice.org

 

Khi nước Mỹ săn lùng gián điệp Trung Quốc, các nhà khoa học làm việc tại các đại học và viện nghiên cứu Hoa Kỳ cảnh báo sẽ có những hiệu ứng “chảy máu chất xám”, khi nhiều nhà khoa học gốc Hoa trở về quê hương, gây tổn hại cho Mỹ và có lợi cho Bắc Kinh.

 

Đặc vụ FBI đã dành gần hai năm theo dõi Giáo sư tiến sĩ Anming Hu, theo ông đến nơi làm việc, đến cửa hàng tạp hóa, và thậm chí giám sát cả cậu con trai đang học đại học của ông. Họ nói với trường đại học nơi ông đang làm việc rằng “Hu là gián điệp Trung Quốc”, đẩy nhà trường vào thế phải hợp tác điều tra và cuối cùng sa thải ông. Dù FBI không tìm thấy bằng chứng Hu làm gián điệp (đặc vụ FBI xác nhận trước tòa như thế) nhưng công tố liên bang vẫn buộc tội nhà khoa học gốc Hoa này “che giấu tinh vi mối quan hệ với một trường đại học Bắc Kinh và lừa dối chính phủ về khoản trợ cấp nghiên cứu ông nhận được từ NASA”. Cuối cùng, vào Tháng Chín, thẩm phán phải tuyên bố trắng án cho Hu về mọi tội danh.

 

Các trường đại học Mỹ có truyền thống chào đón những tài năng khoa học xuất sắc và sáng giá nhất từ ​​khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, những năm gần đây, các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ ngày càng nghi ngờ những người như Hu khai thác sự sơ hở của các cơ sở nghiên cứu được tài trợ bởi tiền đóng thuế của người dân Mỹ để đánh cắp những nghiên cứu nhạy cảm theo lệnh Trung Quốc.

 

Phiên tòa xử trắng án Hu, Giảng viên Đại học Tennessee ở thành phố Knoxville, được xem là minh chứng về sự can thiệp thái quá của chính phủ Mỹ vào hoạt động đại học. Trong thời gian bị quản thúc tại gia 18 tháng để chờ xét xử, ông hoàn toàn không có thu nhập mà chỉ sống nhờ khoản đóng góp chi phí pháp lý qua quĩ GoFundMe. Một số láng giềng và bạn bè trong giáo phận đã mua hàng và dọn rác giúp ông. Trong khi trường đại học đề nghị phục hồi công việc của ông, Hu (công dân Canada nhập tịch Mỹ) cho biết tình trạng nhập cư của mình vẫn bấp bênh.

 

Đại học Arizona và Ủy ban 100, tổ chức của những người Mỹ gốc Hoa nổi tiếng, đã khảo sát các nhà khoa học (gốc Hoa và không gốc Hoa) đang làm việc tại các cơ sở học thuật và nghiên cứu ở Mỹ về “các vấn đề chủng tộc và sắc tộc trong khoa học và nghiên cứu”. Báo cáo cho thấy: Khoảng phân nửa nhà khoa học gốc Hoa được khảo sát (kể cả một số đã là công dân Mỹ) thú thật họ “luôn cảm thấy bị chính phủ Mỹ đặt vào tầm ngắm và theo dõi”. Một số đổ lỗi cho chương trình có tên là “Sáng kiến ​​Trung Quốc” (China Initiative), được phát động dưới thời chính quyền Trump và tiếp tục dưới thời Tổng thống Biden.

 

Mục đích của chương trình là “ngăn không cho chính phủ Trung Quốc đánh cắp bí mật thương mại Mỹ và tiến hành các hành vi gián điệp khác”. Các học giả, nhà khoa học, các nhóm dân quyền và các nhà lập pháp đặt câu hỏi: “Liệu chương trình có đi quá xa khi nhắm vào các trường đại học và viện nghiên cứu, trong khi hầu hết các nghiên cứu bị nghi ngờ chưa được phân loại là bí mật và chưa được công bố?”. Gần 2,000 học giả tại các trường đại học lớn như Đại học Stanford, California-Berkeley và Princeton đã ký thư ngỏ gửi Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland bày tỏ lo ngại “Sáng kiến Trung Quốc cư xử không công bằng đối với các nhà nghiên cứu gốc Hoa” và thúc giục chấm dứt ngay chương trình.

 

Steven Chu, nhà vật lý đoạt Nobel tại Đại học Stanford và là cựu Bộ trưởng Năng lượng Mỹ, một người ký tên trong lá thư gửi Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ nói ở trên, nhận định: “Phần lớn sức mạnh công nghệ và trí tuệ của nước Mỹ đến từ người nhập cư. Chúng ta đang tự bắn mình vào một điểm gần đầu chứ không phải chân mình!”. Hu là Giảng viên đại học đầu tiên bị khép tội theo Sáng kiến ​​Trung Quốc phải hầu tòa trong 12 vụ liên quan các trường đại học hoặc cơ quan nghiên cứu mà FBI quyết định truy tố trong ba năm qua. Không có trường hợp nào thuộc tội gián điệp kinh tế, đánh cắp bí mật thương mại hoặc sở hữu trí tuệ mà hầu hết là gian lận điện tử, nói dối FBI và không tiết lộ mối quan hệ với Trung Quốc.

 

Trong quá khứ, chính phủ Trung Quốc đã nổi tiếng về việc đánh cắp công nghệ và bắt buộc các công ty Mỹ làm ăn tại nước này phải chuyển giao tài sản trí tuệ. Khi chính quyền Trump quan tâm hơn đến hoạt động gián điệp Trung Quốc, việc giám sát được mở rộng sang cả hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu. Yiguang Ju, Giáo sư kỹ thuật cơ khí và hàng không tại Đại học Princeton và là công dân nhập tịch Mỹ, cho biết ông cảm thấy vinh dự khi năm 2010 NASA đề nghị ông giúp phát triển một kế hoạch cho tương lai hệ thống hỏa tiễn Mỹ. Nhưng nếu lời mời xảy ra vào thời điểm này thì ông sẽ từ chối vì… mất nhiều hơn được. Ông nói: “Sự chú ý đối với các nhà khoa học Trung Quốc làm việc tại các cơ sở nghiên cứu là quá mức cần thiết nên niềm tự hào được làm việc ở đó không đáng để tôi và gia đình phải chịu những rủi ro”.

 

Chính sách của Mỹ đã khiến nhiều nhà khoa học gốc Hoa trở về Trung Quốc làm việc. Đại học Westlake ở thành phố Hàng Châu, miền Đông Trung Quốc, đã mời về nước được nhiều giảng viên tài năng trong đó có nhiều người từng giảng dạy tại các trường hàng đầu của Mỹ. Vào Tháng tám, Westlake bổ sung một số giảng viên mới, trong đó có một cựu giáo sư Đại học Northwestern và một giáo sư Đại học Illinois tại Urbana-Champaign.

 

Bất luận thế nào, các trường đại học Mỹ cũng cần xem lại chính sách của họ. 20 năm qua, do tiền liên bang tài trợ cho nghiên cứu khoa học cơ bản tại các trường đại học bị trì trệ nên các nhà khoa học phải tìm kiếm nguồn tiền thay thế. Nhiều trường đại học Mỹ bắt đầu tăng cường hợp tác với đồng nghiệp quốc tế. Bắc Kinh, với mục tiêu trở thành “siêu cường khoa học và công nghệ”, rất hân hoan khi được được tiếp cận. Thế là Trung Quốc tận dụng cơ hội để len lỏi vào các đại học Mỹ.

 

Khó có thể trách và đổ lỗi một cách tuyệt đối cho giới chức trách Hoa Kỳ. An ninh quốc gia vẫn là điều luôn cần được quan tâm. Vấn đề ở chỗ làm sao có thể kiểm soát được những sơ hở trong hệ thống Mỹ mà Trung Quốc lợi dụng, trong khi vẫn giữ chân được các khoa học gia tài năng và cần thiết cho sự phát triển của nước Mỹ. Nói cách khác, làm thế nào để lọc một cách chính xác và tìm ra được đâu là nhà khoa học tử tế và đâu là kẻ cắp khoác áo khoa học gia đang rình rập và chôm chỉa để phục vụ cho sự lớn mạnh hơn của Trung Quốc. Câu hỏi này là một thách thức lớn chưa có câu trả lời xác đáng.

 

(Tham khảo The New York Times)




No comments: