Saturday, November 27, 2021

PHẦN CÓ THỂ CẤU THÀNH VĂN HÓA (Huy Đức - Trương Huy San)

 


PHẦN CÓ THỂ CẤU THÀNH VĂN HÓA   

Huy Đức  -  Trương Huy San 

25/11/2021  07:19  

https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/4421571474544666

 

Bằng cách đứng trên bục phát biểu hơn một giờ liền, trong đó có nhiều đoạn phát biểu tay vo, tôi nghĩ, ngoài những thông điệp về “văn hóa”, TBT Nguyễn Phú Trọng còn muốn gửi đi thông điệp về… “y tế”.

 

Không hiểu tại sao “Cụ Tổng” lại không tự tin sử dụng một cây gậy, thậm chí nếu phải di chuyển vài chục mét, tại sao “Cụ” không sử dụng xe lăn. “Sức khỏe lãnh đạo” là khả năng nhớ được “Chân Quê” chứ “chân cẳng” thì “bảy mươi xưa nay…” ai mà biết trước.

 

Tôi là một người hoạt động thực tiễn nên ít khi để tâm nghiên cứu về văn hóa dưới góc độ lý luận. Và, cũng không thật sự hiểu khái niệm dân tộc mà các nhà lãnh đạo ta thường nói là riêng về người Kinh hay quốc gia Việt Nam. Chỉ đôi khi suy ngẫm về những giá trị mà sách vở của chúng ta đang tôn vinh và việc tôn vinh đó đã và đang ảnh hưởng thế nào tới số phận quốc gia, dân tộc.

 

Tối qua, trong chương trình thời sự, khi VTV đưa các hình ảnh ký kết với đối tác Nhật, tôi chú ý đoạn bộ trưởng hai bên trao đổi văn bản xong, quay ra phía sau cúi gập người chào hai Thủ tướng. Nhập gia (Nhật thì) tùy tục thôi nhưng chợt nhớ người Việt vẫn coi biểu tượng cây tre là gần gũi nhất với người dân, thế mà chính trị Việt chưa từng coi “ngoại giao cây tre” là chiến lược.

 

Đầu thập niên 1990s, khi gặp Thủ tướng Thái, Thủ tướng Võ Văn Kiệt như thường lệ, nhắc một câu mà về sau ông gọi là “câu thiệu” - Nghĩa là nói ra trong đối ngoại như cái máy - , “Chúng tôi tự hào vì đã đánh thắng ba đế quốc to”. Theo Đại sứ Nguyễn Trung, Thủ tướng Thái đáp lời, “Chúng tôi tự hào vì không phải đánh nhau với đế quốc to nào cả”. Ai nghiên cứu chính sách “đối ngoại cây tre” từ giữa thế kỷ 19 tới kết thúc thế chiến thứ II của Thai Lan mới hiểu ý nghĩa sâu xa trong câu trả lời của Thủ tướng Thái.

 

Cho dù nhiều thế hệ người Việt Nam vẫn tiếp tục “tự hào”, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, từ đó, không bao giờ nhắc lại “câu thiệu” này và, cho tới cuối đời, ông vẫn luôn trăn trở về cách mà người Thái đã từng lựa chọn.

 

Đầu năm 2021, khi các nhà lãnh đạo Việt Nam vẫn đang tưng bừng về những thành tựu nhất thời khi áp dụng chính sách “no covid” của người Trung Hoa, ở Campuchia, Hun Sen gào lên như người Khmer sắp tuyệt chủng.

 

Từ tháng 1-2021, Hun Sen tiếp nhận 1 triệu liều vaccine của Sinopham và đàm phán với Ấn Độ ngay để có vaccine của họ. Kết quả là Covax đã “bẻ ghi” cho dòng chảy vaccine nghiêng về phía Campuchia. Phnom Pênh trở thành thành phố lớn đầu tiên ở Đông Nam Á được phủ vaccine và ở thời điểm hiện nay chỉ còn trung bình mỗi ngày có 41 ca nhiễm mới và 5 ca chết.

 

Mãi tới ngày 24-2-2021, Việt Nam mới có được 117.600 liều Astra Zeneca mua qua VNVC và khi dịch thực sự đe dọa Sài Gòn, Thành phố mới chỉ tiêm được hơn 300 nghìn mũi vaccine, chủ yếu cho lực lượng y tế và các nhân viên công lực. Cho tới tháng 3-2021, dân chúng chưa từng nghe tới “chiến lược vaccine”, ngân sách quốc gia 2021 không có dòng nào ghi chi cho mua vaccine cả.

 

Từ tháng 7-2021, chúng ta chứng kiến các nhà lãnh đạo Việt Nam trong “top 4” từ bỏ tinh thần “cột điện…”, ai cũng lăn xả đi… “xin”, ai cũng thể hiện mình là người hăng hái nhất.

 

Tôi biết, đằng sau những gì ta thấy trên tivi còn có những nỗ lực âm thầm của người Việt Nam ở Hải ngoại, của người Hải ngoại thương Việt Nam một cách vô tư và trách nhiệm toàn cầu của nhiều cường quốc. Nhưng, cái cách không câu nệ “phương diện quốc gia” để “ngoại giao vaccine” của các nhà lãnh đạo Việt Nam từ đầu nhiệm kỳ này thực sự đã tạo ra kỳ tích.

 

Thủ tướng điện đàm hoặc gặp bất cứ ai… có thể cho hoặc bán vaccine. Chủ tịch nước sang Cuba cũng ký kết vaccine. Chủ tịch Quốc hội đi một nước nho nhỏ như Slovakia cũng nói tới vaccine. Từ EU Chủ tịch Quốc hội “chuyên cơ” về 200 nghìn liều và, từ Nhật, Thủ tướng vừa “chuyên cơ” về hơn 1,5 triệu liều vaccine nữa.

 

Từ chính sách “no covid” không chuẩn bị vaccine đến chính sách “chung sống với covid”, trong vòng nửa năm, “Nội các mới” đã “thần tốc” huy động hơn 120 triệu liều [Chỉ trong ngày 23-11-2021, cả nước tiêm được hơn 2 triệu liều vaccine; đến 25-11, đã có hơn 114 triệu liều vaccine được tiêm với 68,5 triệu người tiêm mũi Một, 46,1 triệu người đã tiêm mũi Hai].

 

Nhớ, ngày 15-6-2020, GSTS Nguyễn Thiện Nhân đề nghị tuyên bố, Việt Nam hết dịch; Từ tháng 9-2020, những đề nghị nghiêm túc về vaccine đã không được những người có trách nhiệm ở Việt Nam trân trọng.

 

Tôi đã lang thang trên những đường phố Sài Gòn sau ngày thành phố của tôi thiết lập trạng thái “bình thường mới”. Tiếc thương 24 nghìn đồng bào đã vì Covid mà ra đi nhưng tôi cũng vô cùng cám ơn họ. Chính những cái chết tức tưởi này đã cảnh báo chúng ta, những người từng rất “ngạo mạn với thiên nhiên”; cảnh báo các nhà lãnh đạo chỉ mới thắng “quân xanh” trong một vài “trận giả” đã tưởng mình là “đỉnh cao nhân loại”.

 

Gần như tất cả các giá trị văn minh mà người Việt đang được hưởng, kể cả vaccine, đều không phải do người Việt tạo ra. Ở nước ngoài, các quan chức Việt Nam thường chỉ “hơn” chính khách bản địa trong các chốn ăn chơi và “lên mặt” khi họ tới nước ta bằng cách sử dụng quyền lực công bất chấp lợi ích quốc gia, dân tộc.

 

Tôi không rõ sự nhún nhường của các nhà lãnh đạo nước ta trong mấy tháng vừa qua là sách lược hay “giác ngộ”. Tôi mong, khi tiến hành công cuộc “hành khất” dù được gọi một cách văn vẻ là “ngoại giao vaccine” thì các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng đã ngộ ra vị trí quốc gia.

 

Những nhà lãnh đạo lớn là những người không vì cái “sĩ diện hão” của bản thân mà vì lợi ích của nhân dân. Chúng ta đã từng đi qua những thập niên đưa “tự hào dân tộc” lên tận “vũ trụ” mà nhân dân sắn khoai cũng không có ăn. Đã đến lúc, chúng ta cần những nhà lãnh đạo sẵn sàng cúi xuống để công dân của mình được đứng thẳng, ngẩng đầu khi cầm hộ chiếu.

 

Tôi không hiểu lắm về cái hội nghị rất tốn kém đang diễn ra, tôi chỉ suy ngẫm về những việc rời rạc này, không rõ đấy có phải là những yếu tố cấu thành “văn hóa”.

 

PS: “Nói tay vo” là cách dùng từ của TBT Đỗ Mười để chỉ khi phát biểu không cầm giấy đọc. Bên hành lang Quốc hội mỗi khi có đại biểu, đặc biệt báo chí, khen bài phát biểu của ông, TBT Đỗ Mười thường nói, “Để hôm nào tôi nói tay vo mới hay”.

 

331 BÌNH LUẬN  

 

.

Chu Thế Tuấn

Rất hay, rất đắt và rất thực "câu thiệu; quân xanh-trận giả-đỉnh cao nhân loại, hành khất- ngoại giao vaccine" và phải nhớ để tự răn mình, không chỉ của riêng ai.

 

.

Dich To Tien

Hành khất vaccine, nhưng khi có lại giành nhau tiêm. Xét nghiệm thì độc quyền để làm tiền. Ấy là văn hóa 4000 năm như bác cả nói.

 

.

Thi Văn

Bài viết có lớp lang và rất nhiều thông điệp. Với tôi , cần phải làm rõ của cái " cột điện" với chính sách vacxin năm 2020 và đầu năm 2021. Với tinh thàn thẳng thắn Ai chịu trách nhiệm???

 

.

Trần Xuanmy

Ai là người chịu trách nhiệm cho việc ko quan tâm đến vácxin hồi đợt dich 1-2-3 trong khi tiền người dân đóng góp mua vacxin cũng không phải ít. Ko phòng bị mà lại đòi quy tiền đó vào quỹ xã hội hoá ?





No comments: