Saturday, November 20, 2021

NHÀ GIÁO (Thái Hạo)

 


NHÀ GIÁO

Thái Hạo

19/11/2021  23:04   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=282318020441891&id=100059910855657

 

Xã tôi có 3 người làm nghề dạy học khá đặc biệt. Tôi viết là “làm nghề dạy học” bởi vì các vị ấy đều là tay ngang, học đại học dở dang rồi về đi hàng xáo, làm thợ mộc, ấp trứng vịt trứng gà… Mà cũng không phải là học sư phạm luôn.

 

Vấn đề là, thời tôi đi học thì những học sinh giỏi nhất đều từ các lò của mấy “ông thầy” này mà ra. Thời đó mà vô được Chuyên Lam Sơn thì không phải dạng vừa, cả huyện lỵ như huyện tôi không biết có nổi vài đứa mỗi năm không, thế mà riêng một ông chú kia đã mấy năm liên tục đều có học sinh đỗ vào ngôi trường danh giá nhất thời đó. Dường như bọn học sinh ấy đi học ở trường là phụ mà học thêm tại nhà các ông chú kia mới là chính!

 

Các ông ấy vẫn làm công việc chân tay thổ mộc hàng ngày, và chỉ dạy học theo kiểu tranh thủ. Đặc biệt là cứ dùng bọn lớn dạy bọn nhỏ. Chúng nó tự dạy nhau, đứa lớn thì thấy mình cần phải có trách nhiệm, và cả tự hào nữa, thế là chúng vừa làm thầy, vừa làm trò, cùng dắt nhau tiến lên. Các lớp học cũng vì thế mà rất nề nếp, huynh đệ thứ lớp rất tử tế. Các giải học sinh giỏi (đặc biệt là khối A) gần như đều bị học sinh của các ông chú này ẵm hết, đến nỗi các nhà trường lân cận đều phải ghen tị và khó chịu ra mặt.

 

Tôi nghĩ rất nhiều về câu chuyện giáo dục ở Việt Nam từ những ông chú này. Thế nào là dạy học, là giáo dục, là nhà giáo…? Có phải cứ dạy cho học sinh được điểm cao, thi đỗ thì có một nền giáo dục lý tưởng? Nếu thế thì chẳng có mấy thầy cô ở trường có thể đọ được với các ông chú kia. Trong tình cảnh ấy, nếu đi ra đường mà giáp mặt thì e hầu hết giáo viên phải cúi mặt hoặc giả vờ ngó lơ cho đỡ ngại, vì đã thua quá đậm!

 

Một điều rất lạ nữa là, bên cạnh việc thua hẳn về thành tích thì có vẻ như chuyện nề nếp lớp học, chuyện cư xử với nhau một cách có tôn ti và “tinh thần đoàn kết”, e rằng trường học chính quy xung quanh cũng không theo được. Rốt cuộc là tại sao?

 

Chúng ta cải cách, thay sách, tập huấn triền miên suốt mấy chục năm qua; rồi bây giờ lại còn “đổi mới căn bản toàn diện” nữa nhưng mọi thứ cứ rối tung rối mù; thầy cô thì lúng túng, mỏi mệt đã đành mà dạy để lấy thành tích thôi cũng không xong. Trong khi mấy “ông chú” kia chẳng hề học sư phạm, không được đào tạo chính quy, chỉ “tiện tay” mà làm thì lại tạo ra cả một sự khác biệt lớn, nếu không nói là đẳng cấp hơn hẳn?

 

Tất nhiên là tôi không hẳn đang lấy họ (những ông chú ấy) làm tiêu chuẩn, dù rằng rất đáng để vị nể; tôi chỉ muốn nói cho rõ sự lúng túng, rối rắm và bết bát của hệ thống giáo dục quốc dân.

 

Những người thầy mà tôi kính trọng nhất mực và có ảnh hưởng đến tôi nhiều nhất như là đã sinh ra tôi một lần nữa, họ không dạy cho tôi nhiều kiến thức, cũng không mang tới cho tôi những thành tích gì đáng kể cả; nhưng họ mãi là một cái gì mà tôi phải nỗ lực không ngừng để sống cho xứng đáng. Đó là tài năng và nhân cách của người thầy. Tiếc rằng, không có quá nhiều người thầy như thế.

 

Với tôi, nhà giáo, đó không phải chỉ là một người “dạy giỏi”, mà phải là một mẫu hình của xã hội tương lai, cái xã hội mà chúng ta muốn thấy, muốn có và muốn được sống trong nó. Nếu thế, nhà giáo phải đồng thời là một người dám hi sinh và chịu thiệt thòi vì luôn phải giáp mặt với hiểm nguy, nhất là trong các xã hội toàn trị, ngột ngạt, bất công. Ở ta, một đội ngũ nhà giáo như thế vẫn còn là kỳ vọng, thậm chí có thể là ảo vọng.

 

Thái Hạo

 

.

29 BÌNH LUẬN   





No comments: