Saturday, November 20, 2021

LỄ TƯỞNG NIỆM ĐỒNG BÀO TỬ VONG VÌ DỊCH BỆNH (Đỗ Duy Ngọc)

 


LỄ TƯỞNG NIỆM ĐỒNG BÀO ĐÃ TỬ VONG VÌ DỊCH BỆNH  

Đỗ Duy Ngọc

19/11/2021 21:44  giờ  

 https://www.facebook.com/doduyngoc/posts/10158632155138635

 

Đêm hôm qua 19.11, thành phố đã tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ đã tử vong vì dịch. Đó là việc cần làm nên làm và phải làm. Hàng chục ngàn người đã chết, biết bao gia đình đã tan nát, tổ ấm không còn, biết bao đứa trẻ đã trở thành kẻ mồ côi, những hũ cốt xếp hàng lặng lẽ. Cơn đại dịch đã khiến cho người dân trải qua một thời gian dài sống trong lo âu, sợ hãi và sang chấn tâm lý. Cơn đại dịch cũng đã biến Sài Gòn xơ xác, bi thương suốt cả mấy tháng trường. Tất cả đang dần đi qua, rồi cũng sẽ đi qua. Nhưng nỗi đau vẫn còn lại, âm ỉ trong lòng mỗi người, bi thương vẫn tồn tại trong mỗi gia đình có người chết trong cơn đại dịch.

 

Người đã chết không thể sống lại được, nhưng những người còn sống phải trả lời cho được tại sao chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, con số tử vong lại quá cao như thế? Trách nhiệm và lương tâm bắt chúng ta phải tìm câu trả lời. Không phải để rồi nguyền rủa hay trách móc mà để từ đó có cái nhìn sáng suốt và khoa học hơn về việc ngăn chận dịch bệnh. Tìm câu trả lời để lấy đó làm bài học vì dịch bệnh vẫn còn phức tạp và việc ngăn chận nó vẫn còn nhiều cam go. Nhiều tỉnh thành hiện nay vẫn chống dịch bằng việc đi lại trên vết xe đổ của thành phố. Vẫn những biện pháp và chính sách như đã từng làm. Và như thế, hậu quả cũng khó tránh như thành phố này đã mắc phải.

 

Con virus chắc chắn không chịu nằm yên, nó vẫn đang tồn tại và tiếp tục gây bệnh. Thế nhưng, chúng ta còn quá chủ quan. Đêm qua tại bờ kênh Nhiêu Lộc, chùa Pháp Hoa thả hoa đăng. Hàng ngàn người chen chúc nhau, chen lấn nhau mà không nghĩ đến mầm tai hoạ có thể đến và có thể gây một cuộc bùng phát mới. Những nỗi đau còn đó chưa nguôi, con virus cũng còn lẩn khuất khắp nơi, chính chúng ta vì thiếu cảnh giác có thể đưa đến những bi thương tiếp nối. Thắp một ngọn nến, thả một hoa đăng, gióng lên một tiếng chuông, đặt lên một cành hoa cho những người đã khuất là việc cần thiết nhưng đừng quên những người đang còn sống. Đừng vì những chuyện này mà lại khiến cho con số tử vong lên cao trở lại, người nhiễm bệnh nhiều hơn và xã hội lâm vào bế tắc.

 

Tại Hội trường Thống Nhất đêm qua cũng có mặt nhiều vị lãnh đạo trung ương cũng như thành phố. Khi đặt một cành hoa, thắp một nén nhang các ngài có khi nào tự kiểm với lòng mình đã có lúc thiếu sáng suốt, lúng túng, bất lực, đã có những sai lầm để đưa đến kết cuộc bi đát này chăng?

 

Con người còn lương tri sẽ vẫn còn xót xa và đau đớn khi nghĩ đến mấy chục ngàn người đã chết oan khuất trong cơn đại dịch. Bởi đáng ra họ không phải chết. Phải thắng thắn mà chấp nhận sự thật đó, không thể lẩn tránh. Tại sao có số người tử vong cao đến thế? Và hậu quả như vậy, trách nhiệm thuộc về ai?

 

20.11.2021

DODUYNGOC

.

Hình :

https://www.facebook.com/photo/?fbid=10158632153958635&set=pcb.10158632155138635

https://www.facebook.com/photo?fbid=10158632154123635&set=pcb.10158632155138635

https://www.facebook.com/photo?fbid=10158632154383635&set=pcb.10158632155138635

https://www.facebook.com/photo?fbid=10158632154323635&set=pcb.10158632155138635

https://www.facebook.com/photo?fbid=10158632154058635&set=pcb.10158632155138635

https://www.facebook.com/photo/?fbid=10158632154218635&set=pcb.10158632155138635

https://www.facebook.com/photo/?fbid=10158632154168635&set=pcb.10158632155138635

https://www.facebook.com/photo?fbid=10158632153958635&set=pcb.10158632155138635

 

.

49 BÌNH LUẬN

.

======================================

.

.

Việt Nam tổ chức lễ tưởng niệm toàn quốc cho hơn 23.000 nạn nhân COVID-19

VOA Tiếng Việt

19/11/2021

https://www.voatiengviet.com/a/vietnam-to-chuc-le-tuong-niem-toan-quoc-cho-hon-23-ngan-nan-nhan-covid/6319840.html

 

https://gdb.voanews.com/1BDBBF28-D266-4685-BBFE-5AF870A93665_cx0_cy10_cw0_w650_r1_s.jpg

Dinh Thống nhất ở Tp. Hồ Chí Minh, nơi tổ chức lễ tưởng niệm hơn 23.000 người mất vì Covid-19, ngày 19/11/2021. Photo VNExpress.

 

Vào tối ngày 19/11, Việt Nam tổ chức lễ tưởng niệm trên quy mô toàn quốc cho 23.476 người đã thiệt mạng vì COVID-19.

 

Với điểm cầu chính tại thành phố Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội, buổi lễ được tổ chức trực tuyến kết nối với một số tỉnh thành phố khác, truyền thông Việt Nam loan tin.

 

Lễ tưởng niệm diễn ra tại hội trường Thống Nhất, TP.HCM lúc 20h tối ngày 19/11. Sau đó, lúc 20h30, các cơ sở tôn giáo trên cả nước cùng đánh chuông tưởng niệm.

 

Truyền thông Việt Nam cho biết hầu hết người mất trong đại dịch đã ra đi trong đau đớn, xa cách người thân, không được tổ chức mai táng chu toàn.

 

Trang VietnamNet dẫn lời Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu cho biết: “Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19 sẽ được tổ chức trọng thể, thành kính”.

 

“Việc tổ chức buổi lễ đầy ý nghĩa này nhằm tưởng niệm đồng bào tử vong và tri ân, biểu dương cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng đã hy sinh vì dịch bệnh COVID-19; thể hiện sự chia sẻ, động viên của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam trước những mất mát, đau thương của các gia đình, người thân và lan tỏa tình nhân ái cộng đồng”.

 

Cho đến nay, TP.HCM là nơi bị tổn hại nhiều nhất nước, với 17.307 ca tử vong và 455.722 ca nhiễm bệnh.

 

https://gdb.voanews.com/7F5595E9-549C-424D-A720-E455B8CAB346_w650_r0_s.png

Người dân thả đèn hoa đăng trên sông Sài Gòn tối ngày 19/11/2021. Photo Chụp từ FB Chùa Tường Nguyên.

 

Bà Nguyễn Thanh Nở, một tình nguyện viên trong nhóm từ thiện Hồng Ân ở TP.HCM, chia sẻ với VOA rằng bà đồng tình với việc tổ chức lễ tưởng nhớ nạn nhân, vì đó là một mất mát nhân mạng to lớn của người dân thành phố.

 

Bà kể một lần đi cấp cứu nạn nhân COVID-19:

 

“Ông cụ qua đời vì COVID-19. Chính tôi đưa ông đi cấp cứu bằng xe cấp cứu từ thiện của nhóm Hồng Ân. Vào bệnh viện chứng kiến quá đông bệnh nhân, không ai nhòm ngó đến ông hết!”

 

“Bản thân tôi cũng sợ khi ông bị F0 nhưng cũng phải bồng ông đưa qua băng ca. Hai tuần sau thì hay tin ông mất. Gia đình cũng rất buồn khi ông ra đi không có con cháu đưa tiễn, khi nhận về chỉ là một hũ tro cốt, không có kinh kệ gì cả”.

 

Tối ngày 19/11, người công giáo TP.HCM tụ họp đọc kinh cầu nguyện tại phía trước nhà thờ Đức Bà, trong khi đó tại Hà Nội, người dân tới chùa Quán Sứ làm lễ cầu siêu, thắp nến và xếp hoa đăng, theo VNExpress.

 

Từ TP.HCM, tu sĩ Thích Đồng Long, nêu nhận định về việc tổ chức lễ tưởng niệm nạn nhân COVID-19:

 

“Cầu nguyện để an ủi cho thân nhân của các nạn nhân mất do COVID là một việc làm tốt. Trên hình thức là việc tốt, nhưng đây những là một cách để tuyên truyền cốt để cho thấy rằng chính quyền Việt Nam có quan tâm đến người dân”.

 

“Nhưng thực tế là ngay cả khi dịch căng thẳng, dân đói khổ, lang thang, chính quyền cũng không quan tâm được đời sống của người dân”.

 

Trong kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV vừa diễn ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu:

 

“Chúng ta tôn vinh, tri ân, cảm ơn và đánh giá rất cao những nỗ lực, đóng góp của các tầng lớp nhân dân; sự cống hiến to lớn, hy sinh quên mình của các lực lượng tuyến đầu, nhất là ngành y tế và cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an, đội ngũ cán bộ cơ sở, các tổ công tác cộng đồng, các nhóm thiện nguyện trong phòng, chống dịch, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân”.

 

VIDEO :

Việt Nam tổ chức lễ tưởng niệm toàn quốc cho nạn nhân COVID | Truyền hình VOA 20/11/21

Chủ tịch Phúc: Có thể sang 2023 Tp.HCM mới ‘trở lại bình thường’ sau đại dịch

Dân lo lắng khi vaccine được triển khai rộng rãi nhưng Covid vẫn tăng





No comments: