Tuesday, November 16, 2021

GIÁ CẢ LEO THANG VÌ CHÍNH PHỦ KÉM? (Hiếu Chân - Người Việt)

 


Giá cả leo thang vì chính phủ kém?

Hiếu Chân/Người Việt

November 16, 2021

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/gia-ca-leo-thang-vi-chinh-phu-kem/

 

Những ngày này, gặp ai cũng nghe than thở chuyện vật giá leo thang, mọi thứ hàng hóa đều đắt lên, đồng nghĩa với túi tiền bị co lại tương ứng. Buổi sáng đổ xăng đi làm, bình xăng đã tiêu tốn gấp rưỡi. Buổi chiều ghé siêu thị, hóa đơn tính tiền trông thấy đã giật mình.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/11/A1-Gia-ca-leo-thang-chinh-phu-kem-1068x709.jpg

Giá xăng tại một trạm xăng Arco vào ngày 15 Tháng Mười Một, 2021, ở Los Angeles, California. Theo AAA, giá trung bình trên toàn tiểu bang cho một gallon xăng là $4.68, mức cao kỷ lục mọi thời đại. (Hình minh họa: Mario Tama/Getty Images)

 

Theo số liệu của chính phủ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), đo lường mức độ lạm phát, trong Tháng Mười so với cùng kỳ năm ngoái đã lên 6.2%. Thống kê của chính phủ là như vậy, nhưng trong đời sống hằng ngày ai cũng thấy giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng hơn rất nhiều lần; thí dụ giá thực phẩm tăng 15-20% hay hơn nữa trong các tiệm ăn, giá nhà đã tăng 20% hay giá thuê nhà tăng 15%…

 

Xăng dầu là mặt hàng tối cần thiết, giá một gallon xăng thường là $3.41, cao gấp rưỡi so với thời trước đại dịch. Ở California, giá xăng đang ở mức cao nhất mọi thời đại. Hôm Thứ Hai, 15 Tháng Mười Một, giá trung bình của một gallon xăng là $4.68; có nơi như tại Mid Wilshire, Los Angeles County, giá một gallon xăng thường là $5.99, trong khi giá xăng premium là $6.59 – mức giá mà chỉ vài tháng trước không ai hình dung nổi.

 

Xăng dầu tăng giá thì kéo theo mọi thứ hàng hóa dịch vụ, bởi vì con cá mớ rau từ nơi sản xuất tới căn bếp của bà nội trợ đều cần có xăng dầu để vận chuyển.

 

Mặc dù Quỹ Dự Trữ Liên Bang (Fed) cố trấn an người dân Mỹ rằng lạm phát chỉ là “tạm thời,” chỉ kéo dài tối đa tới giữa năm sau, giá cả sẽ giảm xuống trong vài tháng tới song ít người tin vào điều đó.

 

Lạm phát – mối nguy cho Tổng Thống Biden và đảng Dân Chủ

 

Nhiều người nói vật giá leo thang có phần do những chính sách kinh tế sai lầm của chính phủ Biden, như phát hành quá nhiều tiền ra thị trường trong lúc nền sản xuất, xuất nhập cảng chưa phục hồi trở lại, dẫn tới tình trạng thừa tiền mà thiếu hàng, giá cả tăng lên. Đã thế, chính quyền Biden và đảng Dân Chủ còn tiếp tục tung ra những đạo luật chi tiêu có giá trị rất lớn, chẳng hạn như đạo luật về cơ sở hạ tầng mà tổng thống mới ký ban hành hôm Thứ Hai có giá tới $1,200 tỷ, còn dự luật Xây Dựng Lại Tốt Hơn (Building Back Better, 3B) đang được thương lượng tại Hạ Viện có giá tới gần $2,000 tỷ.

 

Cách nhìn nhận như vậy là một trong những lý do khiến cho số người ủng hộ Tổng Thống Joe Biden giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày ông nhậm chức cách đây mười tháng. Theo kết quả khảo sát ý kiến của Washington Post-ABC công bố ngày 10 Tháng Mười Một vừa qua, tính chung số người tán thành (approval) Tổng Thống Biden chỉ là 41%, ít hơn số người phản đối (disapproval) 53%. Qua các cuộc khảo sát của Post-ABC, tỷ lệ ủng hộ ông Biden giảm dần từ 52% (Tháng Tư) xuống 50% (Tháng Sáu), 44% (Tháng Chín) và 41% hiện nay; trong khi tỷ lệ phản đối tăng tương ứng, từ 42% hồi Tháng Tư lên 53% hiện nay.

 

Đảng Dân Chủ mà ông Biden đại diện hiện lâm nguy khi chưa đầy một năm nữa người Mỹ sẽ đi bầu cử giữa kỳ, quyết định đảng nào sẽ chiếm đa số tại Quốc Hội Mỹ. Mới đây, đảng Dân Chủ đã thất bại cay đắng khi để mất ghế thống đốc tiểu bang Virginia, vốn là một “bang xanh,” vào tay đảng Cộng Hòa.

 

Cuộc khảo sát của Post-ABC cho thấy nếu cuộc bầu cử Quốc Hội được tổ chức hôm nay thì 51% số cử tri ghi danh sẽ bỏ phiếu cho các ứng cử viên Cộng Hòa, chỉ 41% ủng hộ Dân Chủ – một kết quả tốt chưa từng có cho đảng Cộng Hòa và một điềm báo nguy cho đảng Dân Chủ.

 

Nếu ông Biden và đảng Dân Chủ không có những nỗ lực thay đổi tình thế, nhất là giải quyết những khó khăn kinh tế mà người dân đang đối mặt, thì nguy cơ đảng này mất thế đa số trong Quốc Hội là hoàn toàn có thể xảy ra.

 

Lý do có sự thay đổi trong thái độ của cử tri là thành tích kinh tế bị cho là kém của chính quyền Biden mà trọng tâm là tình hình lạm phát. Cũng trong khảo sát của Post-ABC, khi được yêu cầu đánh giá cách điều hành nền kinh tế của chính phủ, chỉ có 39% người được hỏi tán thành trong khi có đến 55% phản đối.

 

Lạm phát, từ một vấn đề kinh tế đã chuyển hóa thành một vấn đề chính trị quan trọng hàng đầu trong suy nghĩ của người dân Mỹ.

 

Có phải do các đạo luật của chính phủ?

 

Nhưng đổ lỗi về lạm phát cho chính phủ của Tổng Thống Biden không hẳn là điều đúng. Là người lãnh đạo quốc gia, ông Biden tất nhiên phải chịu trách nhiệm chính. Nhưng ông Biden không phải là Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay Tổng Thống Nga Vladimir Putin; thể chế dân chủ và kinh tế tự do của Mỹ không cho phép chính phủ can thiệp sâu vào hoạt động thị trường bằng những mệnh lệnh hành chánh. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy các tổng thống Mỹ có tác động không lớn tới sự thăng trầm của nền kinh tế quốc gia.

 

Thêm nữa, lạm phát hiện nay có tính toàn cầu, xảy ra ở khắp nơi mà chính quyền Biden không thể tự giải quyết nổi. Theo Reuters hôm 14 Tháng Mười Một: “Mỹ không phải là quốc gia duy nhất hiện phải đối phó với lạm phát. Tổ chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế Thế Giới (OECD) nói rằng mức độ lạm phát đang tăng cao trong tất cả 38 quốc gia thành viên khi các nền kinh tế mở cửa lại sau thời gian phải đóng do COVID-19.”

 

Tuy vậy, nhiều người nghĩ rằng, việc Quốc Hội do đảng Dân Chủ kiểm soát thông qua luật “Cứu Nước Mỹ” (American Rescue Act) trị giá $1,900 tỷ vào Tháng Ba năm nay, sau khi đã thực hiện gói kích thích $900 tỷ vào cuối năm ngoái dưới thời Tổng Thống Donald Trump đã làm cho thị trường dư thừa tiền mặt, gây lạm phát, đồng tiền mất giá. Nhưng các nghiên cứu kinh tế cho thấy điều đó không đúng: Doanh thu bán hàng trong Tháng Chín năm nay chỉ tăng $52 tỷ, hoặc 0.4% so với khi không có đại dịch, nghĩa là phần lớn số tiền kích thích $2,800 tỷ mà chính phủ liên bang phát ra chỉ bù vào khoản thu nhập bị mất đi do đại dịch của người dân, giúp người dân đứng vững trong hoạn nạn và duy trì sức mua của thị trường. Nếu không có những gói kích thích như vậy, hẳn rất nhiều gia đình Mỹ đã lâm vào cảnh khốn cùng và thị trường có thể bị thu hẹp đáng kể chứ không ổn định như hiện nay.

 

Những đạo luật kích thích kinh tế mới như Luật Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng vừa ban hành và dự luật 3B đang được thảo luận cũng không có tác dụng gây ra lạm phát hiện nay. Dù mức chi phí lớn, $1,200 tỷ cho luật cơ sở hạ tầng và $1,950 tỷ cho dự luật 3B nếu được ban hành, nhưng khoản tiền hơn $3,000 tỷ này sẽ được chi ra lai rai trong suốt một thập niên, mỗi năm chỉ đầu tư khoảng $300 tỷ – một con số không lớn so với quy mô nền kinh tế $21,000 tỷ mỗi năm của Hoa Kỳ.

 

Chính vì thế, đa số người Mỹ ủng hộ hai dự luật lớn mà Quốc Hội vừa thông qua hoặc đang đàm phán. Theo kết quả khảo sát của Post-ABC, dù chỉ 39% số người được hỏi tán thành cách điều hành nền kinh tế của Tổng Thống Biden nhưng vẫn có 63% ủng hộ đạo luật cơ sở hạ tầng (32% phản đối) và 58% tán thành (37% phản đối) việc chính phủ chi ra $2,000 tỷ để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, mở rộng các chương trình chăm sóc trẻ em, chăm sóc y tế và những phúc lợi xã hội khác.

 

Ai chịu trách nhiệm?

 

Các công ty – trên toàn thế giới – có phần trách nhiệm trong việc làm đứt gãy chuỗi tiếp liệu hàng hóa khiến giá cả tăng lên. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát đầu năm 2020 làm hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, các nhà quản trị hoảng kinh, lập tức đưa ra các quyết định “cực đoan” như đóng cửa nhà máy, sa thải công nhân, hủy bỏ các đơn đặt hàng mua nguyên liệu, phụ tùng. Nhưng sự gián đoạn kinh tế không kéo dài như lo sợ; các biện pháp phòng dịch cùng với thành quả bào chế vaccine thần tốc đã giúp kinh tế nhanh chóng phục hồi trở lại tuy chưa hoàn toàn như thời trước đại dịch. Bây giờ thì nhiều ông chủ hãng xe hối tiếc vì đã quyết định quá vội vàng khiến cho nhà máy rơi vào cảnh thiếu phụ tùng để lắp ráp xe, nhất là chip điện tử; các công ty cho thuê xe vội vã mua xe để nối lại hoạt động; khắp nơi đăng thông cáo tuyển dụng vì quá thiếu nhân viên khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục và tăng tốc. Những quyết định thận trọng của nhà quản lý hóa ra lại làm cho sản xuất bị gián đoạn tạm thời và gây ra lạm phát hiện nay.

 

Người tiêu dùng cũng có phần trách nhiệm. Quan sát xu hướng tiêu dùng của người dân Mỹ, các nhà kinh tế nhận thấy trong và sau đại dịch, người Mỹ tăng mua sắm hàng hóa “vật chất” và giảm tiêu dùng dịch vụ. Người ta không tới các tiệm làm dịch vụ nữa song vẫn mua hàng hóa, từ xe hơi, súng ống, máy điện toán, đồ nội thất cho đến đủ thứ mặt hàng và tăng mua sắm trên mạng. Thống kê cho thấy trong Tháng Chín, người Mỹ mua nhiều hàng hóa “vật chất” hơn Tháng Hai năm ngoái 18%. Và trong lúc nguồn cung cấp bị suy giảm thì việc mua nhiều hàng hóa tất nhiên làm cho giá cả bị đội lên.

 

Một hiện tượng đáng chú ý khác là do thiếu nhân công, và nhiều người lao động chưa muốn đến hãng làm việc do lo ngại lây nhiễm virus, các công ty đã phải tăng tiền lương. Các công ty lớn như Walmart, Amazon, Bank of America và nhiều công ty khác gần đây đều thông báo tăng tiền lương để thu hút người lao động. Tăng lương là một trong những yếu tố làm gia tăng sức mua, từ đó kích thích lạm phát.

 

                                                                 ***

Biểu thị rõ nhất của lạm phát là mặt hàng xăng dầu. Giá xăng tăng làm cho mọi người đều bất mãn. Nhưng nhìn lại, khi đại dịch bùng phát, sản xuất đình trệ, giao thông tê liệt thì giá xăng dầu rơi xuống đáy; các công ty khai thác dầu ngừng hoạt động để giảm lỗ. Trên thị trường, giá dầu thô Brent Biển Bắc của Châu Âu lúc đại dịch mới bùng ra chỉ còn hơn $10 một thùng; nhưng từ Tháng Chín năm ngoái đến nay đã tăng gấp đôi, từ $40 lên $80 một thùng và tăng gấp sáu lần so với mức giá Tháng Tư năm ngoái. Một thùng dầu có 42 gallon, tính ra mỗi gallon xăng hiện nay phải gánh thêm $1.5 chi phí so với giá Tháng Chín.

 

Tổng Thống Biden có thể làm được gì để hạ giá xăng? Giá dầu phụ thuộc nhiều vào các nước xuất cảng dầu mỏ OPEC và một số nước như Nga. Tổng Thống Biden đã có lần kêu gọi các nước OPEC và Nga gia tăng sản lượng để kéo giá dầu xuống nhưng các nước này đang hưởng lợi từ giá dầu cao nên lời kêu gọi của tổng thống Mỹ không ai thèm nghe. Ở trong nước, ông Biden không thể ra lệnh cho các trạm xăng phải giảm giá bán, giống như ông Tập Cận Bình ra lệnh cho các công ty điện tăng giá điện để bù cho giá than đá tăng gây mất điện khắp Trung Quốc gần đây. Biện pháp duy nhất mà Tổng Thống Biden có thể làm là ra lệnh xả kho dầu dự trữ chiến lược của Mỹ, hiện có khoảng 727 triệu thùng dầu; nhưng đây chỉ là biện pháp cuối cùng, trong tình thế bất khả kháng, và cũng chỉ giúp ổn định giá dầu trong một thời gian ngắn, không quá 60 ngày.

 

Tóm lại, quy trách nhiệm cho chính phủ của ông Biden gây ra lạm phát hiện nay là không hoàn toàn đúng, đây chỉ là một lập luận được các chính trị gia bảo thủ khai thác để tấn công các chính sách kinh tế của ông Biden – những chính sách cần thiết để gia tăng sức cạnh tranh của Hoa Kỳ trước đối thủ Trung Quốc.

 

Đại dịch COVID-19 đã làm đảo lộn hoạt động kinh tế toàn cầu và phải một thời gian nữa guồng máy cung-cầu mới vận động nhịp nhàng như thời trước đại dịch. Cách thức duy nhất để đưa kinh tế trở lại bình thường, giá cả hợp lý hơn là chấm dứt đại dịch COVID-19, mọi người tiêm chủng đầy đủ để tạo ra miễn dịch cộng đồng, khôi phục hoàn toàn các hoạt động kinh doanh như thời trước năm 2020. Tiếc là vẫn còn nhiều người không chịu tiêm phòng, khiến cho dịch bệnh vẫn tiếp tục gây cản trở cho xã hội. [qd]

 

==================================

XEM THÊM

 

 

Xưởng sản xuất ở Việt Nam đóng cửa vì dịch ảnh hưởng kỹ nghệ bán lẻ Mỹ

Người Việt

November 16, 2021

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/xuong-san-xuat-o-viet-nam-dong-cua-vi-dich-anh-huong-ky-nghe-ban-le-my/

 

MANHATTAN, New York (NV) – Việc các nhà máy ở Việt Nam ngừng hoạt động vì dịch bùng phát có thể kéo dài đến năm 2022, và điều này tác động tồi tệ lên các nhà bán lẻ quần áo và giày dép, theo ngân hàng BofA Securities phân tích.

 

BofA Securities lưu ý vào cuối tuần qua rằng sự phục hồi ở Việt Nam diễn ra chậm hơn so với dự đoán của các nhà bán lẻ, đồng thời cho rằng các công ty đang quá lạc quan về việc này, theo CNBC đưa tin.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2021/11/TS-nike-vn.jpeg

Dây chuyền sản xuất giày Nike ở Việt Nam. (Hình minh họa: Giao Thông)

 

Việc mở cửa trở lại của nền kinh tế ở miền Nam Việt Nam, nơi có nhiều nhà sản xuất quần áo và giày dép, diễn ra chậm hơn nhiều so với miền Bắc.

 

Việt Nam vừa trải qua một đợt gia tăng nghiêm trọng các ca nhiễm COVID-19 từ Tháng Bảy đến Tháng Tám vừa qua, dẫn đến một đợt đóng cửa khác. 

 

Việc tạm dừng sản xuất giáng một đòn mạnh vào các công ty phụ thuộc nhiều vào Việt Nam trong việc sản xuất như Adidas và Nike. Các công ty bắt đầu mở cửa trở lại nhưng tỷ lệ chích ngừa tại đây vẫn thấp hơn đáng kể so với các quốc gia khác.

 

BofA cho hay: “Hoạt động sản xuất có thể mất đến sáu tháng mới trở lại bình thường.”

 

Ngoài ra, các quy tắc vận hành nhà máy ở Việt Nam vẫn còn nghiêm ngặt và rất phức tạp, điều này có thể cản trở nhân viên quay trở lại làm việc.

 

BofA dự đoán: “Có một số trở ngại khiến hoạt động sản xuất khó có thể trở lại nhanh chóng, như là việc thiếu lao động kéo dài, chi phí nguyên liệu thô tăng và sự gián đoạn chuỗi cung ứng ở nhiều khu vực khác của Châu Á.”

 

Puma từng cảnh báo rằng tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là ở Việt Nam, dẫn đến sự thiếu hụt sản phẩm của công ty này trong năm tới. Tuần trước, Adidas cho cắt giảm các sản phẩm năm 2021 do gián đoạn nguồn cung ứng.

 

Chủ đề này có thể được đưa ra trong một số cuộc họp sắp tới gần đây khi các nhà bán lẻ báo cáo thu nhập từng quý. (MPL) [qd]





No comments: