Tuesday, November 23, 2021

CUỘC CHIẾN CỦA MỸ Ở AFGHANISTAN ĐÃ MỞ ĐẦU và KẾT THÚC NHƯ THẾ NÀO? (David Zucchino  -  The NewYork Times)

 


Cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan đã mở đầu và kết thúc như thế nào?

David Zucchino  -  The NewYork Times

Nguyễn Thanh Hải, biên dịch

22/11/2021

http://nghiencuuquocte.org/2021/11/22/cuoc-chien-cua-my-o-afghanistan-da-mo-dau-va-ket-thuc/

 

Sứ mệnh của người Mỹ tại Afghanistan đã đi đến hồi kết trong hỗn loạn và bi thương. Mỹ hoàn tất việc rút quân vào ngày 30 tháng 8, sớm hơn một ngày so với dự kiến, đánh dấu sự kết thúc của 20 năm chiếm đóng Afghanistan và để quốc gia này rơi vào tay lực lượng Taliban. Theo một ước tính, khi chuyến bay sơ tán cuối cùng cất cánh, ít nhất 100.000 người có thể đủ điều kiện xin thị thực khẩn cấp đi Mỹ đã bị bỏ lại.

 

Ngày 15 tháng 8, vài giờ sau khi tổng thống Ashraf Ghani rời khỏi đất nước, chiến dịch tấn công mùa hè dữ dội của Taliban đã đem lại thắng lợi cho lực lượng này. Các lãnh đạo của Taliban tiến vào tiếp quản Dinh Tổng thống, sự kiện đã khiến hàng chục nghìn người kéo ra khu vực biên giới. Những người người khác thì tràn vào phi trường quốc tế ở Kabul, tranh giành để được lên các chuyến bay sơ tán dành cho công dân nước ngoài và người Afghanistan cộng tác với NATO.

 

Giữa thời điểm hỗn loạn tại phi trường, một cuộc tấn công liều chết đã diễn ra vào ngày 26 tháng 8 khiến 180 người thiệt mạng, trong đó có 13 lính Mỹ. Đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất của cuộc chiến, và cũng là lần đầu tiên lực lượng Hoa Kỳ ở Afghanistan có thiệt hại về nhân mạng kể từ tháng 2 năm 2020.

 

Sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan là hồi kết đầy đau thương cho sứ mệnh quân sự dài hơi nhất của nước Mỹ, với hàng tỷ đô-la đã được chi để hỗ trợ chính phủ và lực lượng an ninh Afghanistan.

 

Cuộc chiến đã khiến cho cả bốn đời tổng thống lao tâm khổ tứ với nhiều vấn đề phải giải quyết, như số thương vong của lực lượng Mỹ, kẻ thù tàn bạo, một đối tác thất thường như chính phủ Afghanistan, cùng một đồng minh “hai mặt” là Pakistan, quốc gia đứng sau hỗ trợ Taliban, cung cấp nơi ẩn náu an toàn cho các chiến binh của lực lượng này.

 

Mỹ đã rút quân như thế nào?

 

Vào giữa tháng 4, Tổng thống Biden tuyên bố rằng Hoa Kỳ từ lâu đã hoàn thành sứ mệnh của mình tại Afghanistan, đó là loại bỏ thiên đường trú ẩn của khủng bố, và do vậy tất cả lực lượng Mỹ sẽ rời khỏi quốc gia này trước hạn chót ngày 11 tháng 9. Thời hạn sau đó được rút ngắn đến ngày 31 tháng 8.

 

Biden nói rằng sau gần 20 năm chiến đấu, rõ ràng là quân đội Mỹ không thể biến Afghanistan thành một nền dân chủ hoạt động ổn định theo hình mẫu hiện đại.

 

Hồi tháng 7, đáp lại những người chỉ trích về việc rút quân, tổng thống đặt câu hỏi: “Hãy để tôi hỏi những người muốn ở lại: Sẽ còn bao nhiêu nữa? Quý vị sẵn sàng đánh đổi bao nhiêu nghìn sinh mạng nữa của những chàng trai và cô gái của nước Mỹ?”

 

Hoa Kỳ đã lên kế hoạch để lại khoảng 650 quân nhằm bảo vệ đại sứ quán tại Kabul. Tuy nhiên, chiến thắng gây sốc và đầy bất ngờ của Taliban đã buộc đại sứ quán phải đóng cửa trong tình cảnh khẩn cấp và hoảng loạn, các nhân viên được lệnh xé và đốt bỏ những tài liệu nhạy cảm trước khi một đại sứ quán tạm được thiết lập tại phi trường Kabul.

 

Những tay súng Taliban kiểm soát đường phố Kabul và các thành phố khác, khiến nỗi khiếp sợ bao trùm khắp thủ đô cùng nhiều khu vực ở Afghanistan.

 

Tại Kabul, ở một số khu phố, các tay súng Taliban gõ cửa từng nhà để tìm kiếm những người trước đây đã ủng hộ chính phủ Afghanistan hoặc lực lượng Mỹ. Taliban cũng áp đặt các hạn chế đối với phụ nữ và thẳng tay đàn áp một số nhà báo độc lập, bất chấp những lời hứa hẹn công khai của các nhà lãnh đạo Taliban về một lối cai trị ôn hòa hơn.

 

“Điều này đã diễn ra nhanh hơn chúng tôi dự đoán”, ông Biden cho biết trong một bài phát biểu vào ngày 16 tháng 8, đồng thời nói thêm rằng ông sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình chấm dứt sự can dự của quân đội Mỹ ở Afghanistan.

 

Tại sao Hoa Kỳ xâm lược Afghanistan?

 

Nhiều tuần sau sự kiện ngày 11 tháng 9 khi Al Qaeda tấn công khủng bố vào lãnh thổ Hoa Kỳ, Tổng thống George W. Bush thông báo rằng các lực lượng Mỹ đã mở những cuộc tấn công nhằm vào nhóm khủng bố và các mục tiêu thuộc về Taliban ở Afghanistan.

 

Ông Bush cho biết Taliban, lực lượng đang cai trị phần lớn Afghanistan vào thời điểm đó, đã từ chối yêu cầu giao nộp các thủ lĩnh của Al Qaeda. Al Qaeda đã vạch ra kế hoạch cho các cuộc tấn công khủng bố từ những căn cứ nằm trong lãnh thổ Afghanistan. Bush nói rằng ông muốn đưa các thủ lĩnh của Al Qaeda ra trước công lý, và cho biết thêm “Bây giờ là lúc Taliban sẽ phải trả giá”.

 

“Những hành động thận trọng và có mục tiêu này được thiết kế để ngăn chặn việc bọn khủng bố sử dụng Afghanistan làm căn cứ hoạt động, đồng thời tiêu diệt năng lực quân sự của chế độ Taliban,” Tổng thống nói.

 

Vào lúc đó, Tổng thống cũng cảnh báo rằng Chiến dịch Tự do Bền vững (Operation Enduring Freedom) sẽ là “một chiến dịch kéo dài không giống như bất kỳ chiến dịch nào mà chúng ta từng thấy.”

 

Đến tháng 12 năm 2001, thủ lĩnh của Al Qaeda là Osama bin Laden cùng với những chỉ huy hàng đầu khác chạy trốn đến Pakistan, một đồng minh trên danh nghĩa của Hoa Kỳ. Các lực lượng Mỹ đã không truy đuổi chúng, và sau này Pakistan cũng trở thành nơi trú ẩn an toàn cho các chiến binh Taliban để chúng có cơ hội vượt biên quay trở về tấn công lực lượng của Mỹ và chính phủ Afghanistan.

 

Tại Afghanistan, quân đội Mỹ nhanh chóng lật đổ chính quyền Taliban và tiêu diệt các lực lượng chiến đấu của nhóm này.

 

Tháng 12 năm 2001, phát ngôn viên của Taliban đề nghị đầu hàng vô điều kiện nhưng bị Hoa Kỳ bác bỏ. Tháng 5 năm 2003, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld tuyên bố chấm dứt các hoạt động tác chiến lớn ở Afghanistan.

 

Sứ mệnh của Hoa Kỳ ở Afghanistan đã thay đổi như thế nào?

 

Sau khi lật đổ Taliban, Hoa Kỳ và NATO chuyển sang tái thiết đất nước gần như đã sụp đổ này, thiết lập ở đây một nền dân chủ kiểu phương Tây, chi hàng tỷ đô-la để giúp nó thoát khỏi tình cảnh đói nghèo sau hai thập kỷ chiến tranh, đầu tiên là trong thời kỳ bị Liên Xô chiếm đóng những năm 1980 và sau đó là cuộc nội chiến.

 

Đã có những thành công bước đầu. Một chính phủ thân phương Tây ra đời. Trường học mới, bệnh viện cùng các công trình phục vụ cộng đồng được xây dựng. Hàng nghìn nữ sinh được phép đến trường, điều mà Taliban từng ngăn cấm. Phụ nữ không còn bị ‘nhốt’ ở nhà, họ có thể học đại học, tham gia lực lượng lao động, phục vụ trong Quốc hội và chính phủ. Một hệ thống truyền thông hoạt động độc lập và sôi động đang nổi lên.

 

Tuy nhiên nạn tham nhũng diễn ra tràn lan với hàng trăm triệu đô-la tiền dành cho việc tái thiết bị chiếm đoạt hoặc biển thủ. Chính phủ tỏ ra bất lực trong việc đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất của người dân, và thường không thể kiểm soát hiệu quả những khu vực nằm ngoài các thành phố lớn.

 

Năm 2003, với 8000 lính Mỹ ở Afghanistan, Mỹ bắt đầu chuyển nguồn lực quân sự sang cuộc chiến ở Iraq nổ ra vào tháng 3 năm đó.

 

Điều gì đã xảy ra trên chiến trường?

 

Taliban đã gây dựng lại năng lực chiến đấu bất chấp sự hiện diện của binh lính cùng sức mạnh không quân của Mỹ và NATO.

 

Năm 2009, Tổng thống Barack Obama bắt đầu triển khai thêm hàng nghìn binh sĩ tới Afghanistan nâng tổng quân số lên tới gần 100.000 vào giữa năm 2010. Dù vậy, Taliban ngày càng lớn mạnh hơn, gây thương vong nặng nề cho lực lượng an ninh Afghanistan.

 

Vào tháng 5 năm 2011, một biệt đội SEAL của Hải quân Hoa Kỳ đã tiêu diệt Osama bin Laden trong một khu nhà ở Abbottabad, Pakistan, nơi hắn đã sống nhiều năm gần một học viện quân sự. Tháng 6, Obama tuyên bố sẽ bắt đầu đưa lực lượng Mỹ về nước và bàn giao nhiệm vụ an ninh cho người Afghanistan theo lộ trình đến năm 2014.

 

Khi thời hạn đến, Lầu Năm Góc kết luận rằng không thể giành chiến thắng trên mặt trận quân sự và chỉ giải pháp đàm phán mới có thể chấm dứt cuộc xung đột. Đây là lần thứ ba trong vòng ba thế kỷ qua một cường quốc thế giới can dự vào Afghanistan. Người Afghanistan đã đánh bại quân đội Anh trong thế kỷ 19 và Liên Xô trong thế kỷ 20.

 

Khi cuộc chiến rơi vào bế tắc, Obama đã chấm dứt các hoạt động tác chiến lớn vào ngày 31 tháng 12 năm 2014, chuyển sang huấn luyện và hỗ trợ lực lượng an ninh Afghanistan.

 

Gần ba năm sau, Tổng thống Donald Trump nói rằng mặc dù ông rất muốn rút quân hoàn toàn, nhưng ông vẫn sẽ tiếp tục cuộc chiến. Ông nhấn mạnh rằng bất kỳ hành động rút quân nào đều phải dựa trên điều kiện thực tế trên chiến trường chứ không phải mốc thời gian định trước.

 

Tuy vậy, song song đó chính quyền Trump cũng tiến hành thương thuyết với Taliban từ năm 2018, dẫn đến các cuộc đàm phán chính thức không có sự tham gia của chính phủ Afghanistan do Tổng thống Ashraf Ghani đứng đầu.

 

Khi kế hoạch rút quân vào tháng 8 đến gần, chiến dịch quân sự kéo dài suốt mùa hè của Taliban đã buộc các lực lượng chính phủ Afghanistan đang trong tình thế khó khăn phải đầu hàng hoặc rút lui. Trong nhiều trường hợp, họ bỏ cuộc mà không chiến đấu, đôi khi theo sự hòa giải của các già làng do Taliban cử đến. Cùng lúc đó, thương vong dân sự tăng vọt, thuộc mức cao nhất trong cả cuộc chiến kéo dài hai thập kỷ.

 

Cuộc hòa đàm diễn ra vào năm ngoái thì sao?

 

Tháng 2 năm 2020, chính quyền Trump ký một thỏa thuận với Taliban tuyên bố rằng tất cả các lực lượng Mỹ sẽ rời khỏi Afghanistan trước hạn chót là ngày 1 tháng 5 năm 2021, Biden sau đó đã kéo dài thời hạn trên. Đổi lại, Taliban cam kết cắt đứt quan hệ với các nhóm khủng bố như Al Qaeda và những tổ chức có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan, xuống thang xung đột và đàm phán với chính phủ Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn.

 

Nhưng thỏa thuận không có cơ chế để đảm bảo Taliban thực hiện đúng những điều đã cam kết. Và quan hệ giữa chính phủ Afghanistan với Hoa Kỳ cũng trở nên căng thẳng khi họ không được tham gia vào thỏa thuận.

 

Sau khi thỏa thuận được ký kết, Taliban đã ngừng tấn công quân đội Mỹ và hạn chế những vụ đánh bom lớn ở các thành phố của Afghanistan. Hoa Kỳ cũng giảm yểm trợ bằng không quân cho các lực lượng của chính phủ Afghanistan.

 

Những mục tiêu chính của thỏa thuận năm 2020 là đưa các nhà lãnh đạo của chính phủ Afghanistan và lực lượng Taliban ngồi xuống bàn đàm phán về một lộ trình chính trị cho việc xây dựng chính phủ và hiến pháp mới, kéo giảm tình trạng bạo lực, và sau cùng là thiết lập một lệnh ngừng bắn lâu dài.

 

Tuy nhiên, phía chính phủ Afghanistan cáo buộc Taliban đã thực hiện việc ám sát các quan chức của họ, các thành viên của lực lượng an ninh, các nhà lãnh đạo của những tổ chức thuộc xã hội dân sự, nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền, trong số đó có một vài phụ nữ đã bị bắn chết ngay giữa ban ngày.

 

Với lợi thế vững chắc trên chiến trường cùng việc Mỹ rút quân, Taliban đã duy trì được thế thượng phong trong các cuộc đàm phán bắt đầu hồi tháng 9 với chính phủ Afghanistan tại Doha, Qatar. Tuy nhiên, hai bên không đạt được thỏa thuận sau cùng. Lầu Năm Góc cho biết các chiến binh Taliban đã không tuân theo cam kết xuống thang bạo lực hoặc cắt đứt quan hệ với các nhóm khủng bố.

 

Tại sao lực lượng an ninh Afghanistan không thể kìm chân Taliban?

 

Các đơn vị quân đội, cảnh sát của chính phủ Afghanistan bị suy yếu bởi tình trạng đào ngũ, tỷ lệ tuyển binh thấp, tinh thần rệu rã và việc chỉ huy ăn chặn tiền lương cùng các trang thiết bị. Tỷ lệ thương vong của những đơn vị này ở mức cao, điều mà các chỉ huy người Mỹ cho rằng không bền vững.

 

http://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2021/11/Taliban.jpg

Tiến trình kiểm soát Afghanistan của lực lượng Taliban: Đầu năm nay, chiến dịch tàn bạo của Taliban nhằm tái chiếm Afghanistan đã có những bước tiến khi các sĩ quan ở những tiền đồn thuộc vùng nông thôn bắt đầu hạ vũ khí đầu hàng. Taliban đẩy mạnh tiến công gần như ngay sau khi quân đội Mỹ bắt đầu rút quân ngày 1 tháng 5 và vào Chủ nhật (15/8), Taliban chiếm được Kabul một cách nhanh chóng, giành được quyền kiểm soát đất nước.

 

Mặc dù Mỹ đã chi ít nhất 4 tỷ đô-la mỗi năm cho quân đội Afghanistan, nhưng theo một đánh giá mật của giới tình báo trình cho chính quyền Biden vào mùa xuân này thì Afghanistan có thể rơi vào tay Taliban chỉ trong vòng 2-3 năm sau khi các lực lượng quốc tế rút đi.

 

Sự sụp đổ trên thực tế còn diễn ra nhanh hơn thế.

 

Biden nói: “Các nhà lãnh đạo chính trị của Afghanistan đã buông xuôi và bỏ chạy khỏi đất nước,” cũng như cáo buộc quân đội Afghanistan đã hạ vũ khí đầu hàng dù được Hoa Kỳ huấn luyện suốt hai thập kỷ.

 

Khi Taliban đánh chiếm thủ phủ của các tỉnh, quân chính phủ đã phản công để lấy lại các căn cứ và vùng đất bị mất. Một số thủ lĩnh quân sự trước đây tại các vùng của Afghanistan đã đứng lên tập hợp lực lượng dân quân, và những người Afghanistan khác thì tình nguyện tham gia các lực lượng này, nhiều nhóm được chính phủ Afghanistan hỗ trợ về vũ khí và tài chính.

 

Nhưng Taliban vẫn vượt qua được một loạt thủ phủ các tỉnh để tiến vào Kabul. Đây là bước tiến đáng sợ đối với nhiều người vốn cho rằng họ có thể xây dựng cuộc sống dưới sự bảo vệ của đồng minh Hoa Kỳ.

 

Khi lên nắm quyền, Taliban nói rằng họ sẽ đảm bảo trật tự và an ninh công cộng, tìm kiếm mối quan hệ với những cường quốc toàn cầu khác, bao gồm cả Nga và Trung Quốc, một phần là để nhận được viện trợ về kinh tế.

 

Bài viết có sự đóng góp của Jacey Fortin, Carlotta Gall và Alan Yuhas.

 

-------------

 

Nguồn:

 

David Zucchino, “The U.S. War in Afghanistan: How It Started, and How It Ended“, The New York Times, 07/10/2021.

 




No comments: